Việt Nam thay đổi thể chế chính trị, ảo vọng!

Ông Tô Lâm. (Hình: K. Ng)

Ông Tô Lâm, tân tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), ngay sau khi kế vị ông Nguyễn Phú Trọng, đã lên tiếng yêu cầu “cải cách thể chế nhằm đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”

Trong trào lưu đó, ông Nguyễn Đình Bin, cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, đã gửi “tâm thư” tới ông Tô Lâm kêu gọi “thay đổi thể chế chính trị.”

Là người thực dụng, ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, thừa hiểu địa vị, danh vọng và tài sản của ông từ đâu mà có. (Hình minh họa: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images)

Thư của ông Bin đăng công khai trên mạng Internet, được nhiều cơ quan truyền thông trích đăng và phân tích, tạo nên một “xu hướng” (trend) ồn ào mấy ngày gần đây. Nhưng xem ra, lời của ông Bin cũng như tiếng kêu trong sa mạc và Việt Nam sẽ không thay đổi chừng nào đảng CSVN còn độc quyền lãnh đạo.

Ông Nguyễn Đình Bin, 80 tuổi đời, 60 tuổi đảng, đã nhiều lần gửi thư lên các nhà lãnh đạo cao nhất của đảng CSVN, đề nghị sửa đổi nhiều chính sách quan trọng, từ hỏa táng thi hài ông Hồ Chí Minh đến thực hiện hòa giải với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Từ Tháng Năm đến Tháng Chín năm nay, ông Bin đã ba lần gửi “tâm thư” cho ông Nguyễn Phú Trọng (ngày 19 Tháng Năm), ông Tô Lâm (ngày 4 Tháng Tám) và mới nhất hôm 2 Tháng Chín ông gửi thư ngỏ tới “các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đảng và toàn thể đồng bào trong và ngoài nước” để đưa đề nghị đổi mới chính trị. Cuối năm 2018, ông đã xin gặp ông Nguyễn Phú Trọng để trình bày đề nghị của mình nhưng ông Trọng không tiếp.

Qua những “tâm thư” cũng như nhiều bài viết khác của ông Bin, người ta thấy một ông lão – một người cộng sản lão thành từng là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN – thường xuyên trăn trở, ưu tư về hiện tình đất nước, lo lắng cho sự tồn vong của đảng và kiên trì đề nghị “thay đổi” để bảo vệ đảng và phát triển đất nước theo “tư tưởng Hồ Chí Minh” (!)

Điểm xuất phát của ông Bin là nhận thức rằng “hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng,” và ông tha thiết đề nghị: “phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để, hội nhập toàn diện và thực sự vào dòng chảy chủ lưu tự do, dân chủ, văn minh của thế giới hiện nay.”

Đổi mới chính trị, theo ông Bin, đảng CSVN “phải từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê nin đã hoàn toàn lỗi thời… Phải xây dựng nhà nước thực sự pháp quyền, với ba quyền phân lập, giám sát, kiểm soát lẫn nhau, đa đảng, xã hội dân sự, thực sự dân chủ.”

Thật ra, trước ông Bin đã có nhiều nhân sĩ trí thức ở Việt Nam nhận thức rõ tình trạng khủng hoảng thê thảm của đất nước dưới sự cai trị của đảng CSVN. Từ cuối thập niên 1980, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu, trong bài viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” đã vạch trần tính chất lỗi thời và phản động của chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu sụp đổ đầu thập niên 1990, trong nước càng có thêm nhiều tiếng nói đòi cải cách chính trị theo hướng dân chủ để kiểm soát quyền lực.

Lo lắng trước vận mệnh của tổ quốc, giới trí thức cả trong và ngoài Việt Nam đã không mệt mỏi gửi kiến nghị tới các cơ quan lãnh đạo đảng và nhà nước yêu cầu cải cách toàn diện để phát triển đất nước…

Gần đây, nhân đại hội đảng lần thứ 12 năm 2015 đã có 127 nhân sĩ, trí thức gửi “Thư ngỏ” ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước gửi tới các nhà lãnh đạo, các đại biểu dự đại hội này và toàn thể đảng viên đảng CSVN…

Không chỉ giới trí thức mà ngay trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của đảng cũng có những người thức thời như các ông Trần Xuân Bách, Trần Độ lên tiếng ủng hộ đa nguyên chính trị… Hậu quả là những người này đều bị trù dập, thân bại danh liệt, ý kiến của họ rơi vào thinh không! Bao nhiêu thư ngỏ, kiến nghị của trí thức, nhân sĩ đều không được hồi đáp theo phép lịch sự tối thiểu.

Nhắc lại như vậy để thấy, yêu cầu cải cách chính trị mà ông Nguyễn Đình Bin đưa ra không mới, không phải “đi trước thời đại” như đánh giá của ông Đinh Hoàng Thắng, một thuộc cấp của ông Bin trên Diễn Đàn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA). Số phận những thư ngỏ này chắc hẳn cũng không khác trước.

Không chỉ trước đây mà ngay cả bây giờ và về sau, yêu cầu “từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập, dân chủ đa đảng” là thứ mà đảng CSVN không bao giờ chấp nhận. Lẽ đơn giản là một chế độ dân chủ tự do thực sự sẽ hủy hoại thể chế đảng trị – thứ đang đem lại quyền lực và quyền lợi cho băng đảng cầm quyền hiện nay ở Ba Đình. Đảng sẽ không “tự sát” như lời thú nhận của ông Nguyễn Minh Triết, cựu chủ tịch nước.

Ông Bin chắc biết lời đề nghị của ông là hoang tưởng và không bao giờ được đảng CSVN chấp nhận. Có người nói ông nằm mơ giữa ban ngày, thậm chí có trang web của dư luận viên kết án ông phản động và đòi khai trừ ông khỏi đảng CSVN năm 2022.

Dẫu vậy, việc lên tiếng của một người trọn đời theo đảng như ông Bin cho thấy nỗi thất vọng về hiện tình đất nước, về bản chất của đảng CSVN đã trở thành nỗi bức bối trong hàng ngũ cán bộ đảng viên, báo hiệu trào lưu dân chủ hóa đang âm ỉ ngay trong đảng CSVN. Có người nói rất đúng rằng đây là gáo nước lạnh tạt vào cả hệ thống chính trị, thể hiện tâm tư của một nhóm lớn đảng viên và cựu cán bộ. Nó không có hiệu quả về thực tế, theo mong muốn của tác giả, nhưng có hiệu quả về mặt tiếng vang, đánh thức tâm tư nhiều người.

***

So với những “thư ngỏ,” “kiến nghị” trước đây, ông Nguyễn Đình Bin tỏ ra có niềm tin mãnh liệt vào khả năng tự thay đổi của đảng CSVN và tin vào “vận hội mới” khi ông Tô Lâm thâu tóm được quyền lực tối thượng ở Hà Nội.

Trong “Thư chúc mừng Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm” gửi ngày 4 Tháng Tám, ông Bin cho rằng, cuộc khủng hoảng của đảng CSVN hiện nay “giống hệt như năm 1986” và ông nhắc tới sự kiện ông Trường Chinh lên thay ông Lê Duẩn.

“Tổng bí thư, chủ tịch hội đồng nhà nước [Trường Chinh] đã dũng cảm quyết định từ bỏ mô hình quản lý kinh tế theo quan điểm Mác-Lênin, xã hội chủ nghĩa đã thực sự lỗi thời, là cội nguồn sinh ra tình hình khủng hoảng đó, để chấp nhận và vận dụng vào nước ta kinh tế thị trường, là một thành tựu nhân loại đã đạt được,” ông Bin đánh giá.

“Quyết định lịch sử đó đã cứu đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế- xã hội trầm trọng, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển và đạt được các thành tựu to lớn, quan trọng như cho đến nay,” và ông mong muốn ông Tô Lâm sẽ là một “Trường Chinh thứ hai,” đưa đảng CSVN và đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng.

Có thật vậy không? Ý kiến thượng dẫn của ông Bin cần được tranh luận ở rất nhiều điểm, song trong khuôn khổ một bài báo ngắn, chỉ xin nhắc ông rằng, chính công cuộc mở cửa kinh tế không đi kèm với cải tổ thể chế chính trị mà Đại Hội 6 đảng CSVN đề ra năm 1986 là cội nguồn sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay. Cuộc cải cách nửa vời, đầu voi đuôi chuột, chấp nhận “kinh tế thị trường” nhưng kèm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” và giữ nguyên thể chế chính trị độc tài đã kìm hãm sức phát triển của đất nước, làm mất nhiều cơ hội quý giá.

Định hướng xã hội chủ nghĩa đề cao độc quyền nhà nước về đất đai và các ngành kinh tế quan trọng như tài chính ngân hàng, viễn thông, năng lượng, xuất nhập cảng… cộng với sự chuyên chế về chính trị đã sinh ra mối quan hệ cộng sinh giữa quan chức và giới kinh doanh cá mập, biến hàng triệu gia đình thành “dân oan” và gây ra bao tệ nạn không giải quyết được như tham nhũng khủng khiếp và kinh tế bè phái tràn lan.

Những năm 1980-1985 cả nước đói thê thảm, người dân “xé rào” do không còn chịu đựng nổi chính sách kinh tế tập thể và ngăn sông cấm chợ của nhà cầm quyền đã buộc đảng CSVN phải từ bỏ mô hình kinh tế tập trung theo quan điểm Mác-Lênin nhưng vẫn cố bám víu vào “định hướng xã hội chủ nghĩa” nhằm cứu đảng khỏi sụp đổ và duy trì quyền lực. Đảng CSVN không có khả năng tự thay đổi vì lợi ích của đất nước. Có lẽ vì thế mà ông Trường Chinh – một nhà mác-xít giáo điều hạng nặng – chưa bao giờ được nói tới như một nhà cải cách thực thụ kiểu ông Đặng Tiểu Bình bên Trung Quốc.

Nắm trong tay quyền lực cao nhất của đảng (tổng bí thư) và của nhà nước (chủ tịch nước) ông Tô Lâm quả là có cơ hội để thực hiện thay đổi thể chế và đi vào lịch sử như một Mikhail Gorbachev của Việt Nam. Nhưng ông có tận dụng thời cơ vàng đó hay không? Chúng tôi cho là không. Là người thực dụng, ông Tô Lâm thừa hiểu địa vị, danh vọng và tài sản của ông từ đâu mà có và ông sẽ không làm điều gì tai hại cho thể chế độc quyền đảng trị đó cả.

Gần đây ông Tô Lâm có những hành động mị dân như đến thăm mộ anh hùng Phạm Hồng Thái ở Quảng Đông, Trung Quốc, thăm gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao và nói “những lời có cánh” về phát triển đất nước. Nhưng hy vọng ông Tô Lâm – người đề ra khẩu hiệu “còn đảng còn mình” cho lực lượng công an Việt Nam – sẽ thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên đa đảng, dân chủ tự do… chỉ có thể là một ảo vọng, không bao giờ thành sự thực.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quà cho Mẹ
Lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, cô giáo Thúy giải thích ý nghĩa của mùa lễ đặc biệt này và hướng dẫn học trò làm món quà cho mẹ. Sau…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: