Vũ khí siêu thanh: Mỹ cần 5 năm mới bắt kịp Trung Quốc?

Hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Đông Phong 17 (DF-17) của Trung Quốc được gắn một tên lửa dạng trượt (glide vehicle) có thể đạt tới tốc độ siêu thanh, được trưng bày trong cuộc diễn hành kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc 1-10-2019. Ảnh Zoya Rusinova\TASS via Getty Images

Trung Quốc nói họ là “kẻ thù tưởng tượng” (imaginary enemy) của Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định việc thử nghiệm tên lửa siêu thanh chỉ là “thông lệ” (routine). Trong khi đó, các quan chức an ninh Mỹ cảnh báo nghiêm túc về cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc mà Mỹ đang bị dẫn trước.

Trung Quốc trấn an sau phát biểu của Tướng Mark Milley

Ngày 28 Tháng Mười, Trung Quốc đã cố bác bỏ những lo ngại của Mỹ xung quanh việc nước này vừa phóng thành công tên lửa siêu thanh. Trước đó một ngày, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã trở thành là quan chức Ngũ Giác Đài đầu tiên xác nhận các báo cáo cho rằng ngày 27 Tháng Bảy, Trung Quốc đã phóng một tên lửa tốc độ cao có khả năng tránh các hệ thống phòng thủ của Mỹ bằng cách quay quanh quĩ đạo Trái đất trước khi lao xuống mục tiêu. Ông gọi vụ phóng là “rất đáng quan ngại!”.

Nhưng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Webin (Uông Văn Bân) đã hạ thấp mức đe doạ của hệ thống tên lửa vừa thử nghiệm đối với thế giới. Ông Uông nói với các phóng viên: “Đây chỉ là một cuộc thử nghiệm thông lệ phóng tàu không gian!”. Khi được hỏi về báo cáo ban đầu của tờ Financial Times về vụ thử, phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) cũng khẳng định “vụ thử vừa qua chỉ là tàu vũ trụ, không phải tên lửa”!

Nhưng Heino Klinck, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Đông Á dưới thời chính quyền Trump, nói dùng từ “thông lệ” hoàn toàn không chính xác, do tính chất đặc thù của công nghệ tên lửa. “Chúng không phổ biến và là một công nghệ đang nổi lên. Hiện chưa có quân đội nào sử dụng vũ khí siêu thanh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chúng ta thực sự đang trong một cuộc chạy đua vũ trang”. Ông Klinck, từng là Tùy viên quân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc, nhận định: “Theo tôi, tất cả các nước châu Á phải tự trang bị vũ khí phòng thủ để đối phó với sức mạnh quân sự mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã đạt được trong nhiều năm qua. Hoa Kỳ cũng cần đầu tư thích đáng vào quốc phòng để tăng cường khả năng răn đe”.

Ngày 28 Tháng Mười, ông Uông tiếp tục cáo buộc: “Chính Mỹ mới thúc đẩy chạy đua vũ trang khi họ thử nghiệm thường xuyên vũ khí siêu thanh và tất cả các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa” để phản hồi việc Tướng Milley cáo buộc Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào cuộc chạy đua.

Tướng Milley so sánh vụ thử tên lửa của Trung Quốc với vụ phóng tàu vũ trụ Sputnik năm 1957 của Liên Xô, dẫn đến cuộc chạy đua trên không gian kéo dài hơn 10 năm. Milley nói với trang Bloomberg News: “Khả năng quân sự của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều so với cuộc thử nghiệm siêu thanh vừa qua. Họ đang tìm cách chiếm ưu thế trong vũ trụ, trong không gian mạng và các khu vực truyền thống như đất liền, biển và bầu khí quyển”. Còn ông Klinck cảnh báo: “Hãy nhìn những gì Trung Quốc đang làm hơn là nghe nước này nói. Bên cạnh sự gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và qui mô hiện đại hóa chưa từng có trong lịch sử PLA, ý đồ của Trung Quốc còn thể hiện bằng các hành động hiếu chiến, không chỉ đối với Đài Loan, mà còn ở các khu vực khác trên thế giới… Để đối phó với Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần nhanh chóng tăng cường khả năng răn đe, không chỉ hợp tác với các đồng minh khu vực mà còn với các đối tác khác trên toàn cầu”.

Mỹ cần ít nhất 5 năm

Cũng trong ngày 28 Tháng Mười, tại cuộc họp bàn tròn với tổ chức Các cây bút Quốc phòng (Defense Writers Group), Tướng Mỹ John Hyten, Phó Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên cảnh báo: “Tiến bộ quân sự của Trung Quốc là ‘rất ấn tượng’ trong khi tiến bộ quân sự của nước Mỹ bị cản trở bởi “bộ máy quan liêu tàn bạo” (brutal bureaucracy)”.

Nhận xét của ông Hyten có âm hưởng một nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khi Austin mô tả Trung Quốc là một “mối đe dọa tốc độ” (pacing threat) trong khi Nga là “mối đe dọa sắp xảy ra nhất” (the most imminent threat). “Gọi Trung Quốc là mối đe dọa tốc độ là dựa vào tốc độ mà Trung Quốc đang di chuyển để sớm vượt qua Nga và Mỹ. Vũ khí siêu thanh và hạt nhân mà Trung Quốc đang phát triển nhắm một phần vào Đài Loan, còn chủ yếu là dành cho nước Mỹ. Chúng ta phải giả định mối nguy đó, phải lên kế hoạch và phải sẵn sàng cho nó. Nếu chúng ta không làm điều gì đó để thay đổi, nó sẽ xảy ra. Không chỉ Mỹ mà các đồng minh của chúng ta cũng phải làm gì đó để thay đổi cuộc chơi. Nếu chỉ riêng Mỹ sẽ mất khoảng năm năm, còn nếu có sự tham gia của các đồng minh, thời gian sẽ ngắn hơn nhiều”, ông Hyten nói.

Bình luận của Tướng Hyten được đưa ra một tuần sau khi vụ thử tên lửa siêu thanh của Mỹ thất bại và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. (Ngũ Giác Đài cho biết, một tên lửa đẩy, được sử dụng để tăng tốc một phương tiện lướt tới tốc độ siêu thanh, đã thất bại nên phần còn lại của cuộc thử nghiệm cũng không thể tiến hành. Các quan chức đang điều tra để tìm hiểu lý do tại sao tên lửa đẩy thất bại nên vẫn chưa có lịch cho một cuộc thử nghiệm khác).

Hyten khuyên người kế vị ông nên “tập trung vào tốc độ và đưa tốc độ trở lại quy trình của Ngũ Giác Đài”. Ông chỉ trích thái độ của người Mỹ khi không xem đây là “phần phải có” của quá trình học hỏi, và nhấn  mạnh: “Mặc dù chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn còn quan liêu và chậm chạp đến khó tin. Chúng ta có thể đi nhanh hơn nếu chúng ta muốn, nhưng bộ máy hành chính quan liêu đã ngăn cản nó xảy ra. Nước Mỹ cần chấp nhận rủi ro, chấp nhận học hỏi từ thất bại để nhanh chóng đi đến thành công”.

Hyten xem việc phát triển vũ khí siêu thanh đã làm lộ rõ sự khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Mỹ chỉ thực hiện chín vụ thử siêu thanh trong khoảng 5 năm qua thì Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ. “Lý do là chúng ta bị kiềm chế bởi bộ máy quan liêu!” ông nói. Tướng Hyten từng là tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, phụ trách kho hạt nhân của quốc gia và theo dõi các mối đe dọa chiến lược đối với nước Mỹ. Hyten đồng ý Nga là mối đe dọa sắp xảy ra nhất đối với Mỹ vì họ đã triển khai hơn 1,500 vũ khí hạt nhân trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 20% ​​con số này.

Vấn đề Đài Loan ngày càng gai góc

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các hành động sai trái như xâm lược quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và lên án sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho Đài Loan (Đài Loan luôn tự xác định là một quốc gia có chủ quyền, nhưng Trung Quốc, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ đã chính thức xem nó là một phần của Trung Quốc trong cái gọi là “chính sách một Trung Quốc”). Trung Quốc nhiều lần lên án kế hoạch độc lập của Đài Loan và tuyên bố sẽ lấy lại hòn đảo bằng vũ lực (các quan chức an ninh Mỹ cảnh báo đe doạ này có thể trở thành hiện thực trong vòng sáu năm tới).

Ngày 28 Tháng Mười, Trung Quốc nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ tiếp xúc chính thức và quân sự nào giữa Mỹ và Đài Loan, đáp lại phát biểu của Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-wen (Thái Anh Vân) trong cuộc phỏng vấn độc quyền của CNN, trong đó bà Thái xác nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đảo làm công tác huấn luyện và mối đe doạ tăng mỗi ngày từ đại lục. Bà Thái cũng là lãnh đạo Đài Loan đầu tiên trong nhiều thập kỷ xác nhận như thế. Bà không xác nhận số lượng quân nhân Mỹ ở Đài Loan mà chỉ úp mở “không nhiều như mọi người nghĩ”.

Hồ sơ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy số lính Mỹ tại Đài Loan đã tăng từ 10 người trong năm 2018 lên 32 người vào đầu năm nay. Khi được hỏi về bình luận của bà Thái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc “Một Trung Quốc làm nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung”.

Vị thế của Đài Loan và mối quan hệ của nó với Mỹ luôn là vấn đề nhức nhối đối với các nhà cầm quyền Bắc Kinh và là một trong những điểm bất đồng gai góc nhất trong mối quan hệ ngày càng căng thẳng Mỹ-Trung. Trong cuộc phỏng vấn với Will Ripley của CNN, bà Thái cũng bày tỏ mong muốn được trao đổi nhiều hơn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mô tả căng thẳng hiện nay giữa Bắc Kinh và Đài Bắc là “Thời điểm thử thách nhất đối với người dân Đài Loan”. Bà tin tưởng “Nước Mỹ sẽ ra tay cứu nguy nếu Trung Quốc xúc tiến một cuộc xâm lược”.

Hỗ trợ cho Đài Loan là một trong số ít lĩnh vực đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng trong Quốc Hội và giữa các chính quyền, giữa các đảng viên Dân Chủ và Cộng Hòa.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: