Báo chí Nhật Bản liên tục nói về tình trạng vô tổ chức của cổ động viên người Việt trên sân bóng Saitama 2022, khi hai đội Nhật Bản và Việt Nam gặp nhau trong vòng loại World Cup Qatar. Trận đấu diễn ra vào ngày 29 Tháng Ba là trận đấu cuối cùng của vòng loại chung kết châu Á.
Đây là sân có sức chứa khoảng 40,000 người nhưng ban tổ chức đã khéo léo sắp xếp để dồn các cổ động viên mặc áo cờ đỏ sao vàng, mang hình Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp vào riêng một góc sân để kiểm soát. Hầu hết những người đến để ủng hộ trận đấu này đều phần lớn là những người ở phía Bắc Việt Nam, là lao động có thời hạn hoặc du học sinh. Bài hát quen thuộc của những người này là “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, luôn được hát ầm ĩ để cổ động. Có nhiều người đi và còn đội nón cối như một nét đặc trưng của văn hóa Việt cộng.
Điều đáng nói là trước trận đấu, ban tổ chức đã gọi loa và trương các biểu ngữ yêu cầu người đến xem không la hét và cùng hát, để tránh tình trạng lây lan Covid-19. Hành động được khuyến khích là chỉ vỗ tay. Thậm chí, liên tục trong trận đấu bảng điện trong sân chạy chữ, nhắc về việc không hò hét để hạn chế lây nhiễm.
Nhưng mọi thứ thật sự gây sốc khi vừa bắt đầu trận đấu, các cổ động viên Việt cộng bắt đầu hát và giơ hình ông Hồ, nhất là lúc đội Việt Nam mở tỷ số trận đấu ở phút 19. Tiếng hò reo không ngớt khiến ống kính truyền hình trực tiếp liên tục chĩa về nhóm góc có các cổ động viên Việt Nam. Vào lúc cầu thủ Nhật Maya Yoshida gỡ được tỷ số hòa ở phút 54, những tiếng hò hét, kích động từ phía cổ động viên Việt Nam càng lớn hơn. Ngay giữa trận đấu, nhiều thông báo bằng tiếng Nhật và tiếng Anh liên tục kêu gọi cổ động viên mặc áo cờ đỏ sao vàng hãy ngừng kích động và la hét, ca hát. Lời nhắc nhở riêng dành cho cổ động viên Việt Nam cũng được đưa ra trên bảng thông báo điện, nhưng đám đông áo đỏ sao vàng vẫn phớt lờ, thậm chí còn chế giễu các lời kêu gọi đó.
Càng về cuối trận, sự la hét có phần hỗn loạn, ngày càng nhiều hơn. Ban tổ chức phải cấp tốc in ra các biểu ngữ bằng tiếng Việt và cho nhân viên trật tự trên sân cầm đến đứng trước các nhóm cổ động viên Việt Nam để nhắc nhở. Những bản quay video của người Việt Nam trên Facebook cho thấy những người phục vụ này tức giận và bối rối vì bất lực, còn đám đông Việt Nam thì khoái trá phất cờ đỏ và cười cợt vào họ.
Sau trận đấu, một phóng viên của hãng tin JFA (Nhật Bản) tìm gặp một số cổ động viên Việt Nam đã rời sân và hỏi về sự kiện đang bị chỉ trích này. “Tôi biết luật, nhưng tôi không thể giữ được cảm xúc của mình vì tôi thích bóng đá”, một người Việt Nam giấu tên nói như vậy về việc không tuân thủ quy định của sân bóng.
Một video của các cổ động viên cờ đỏ chuyền cho nhau cho thấy họ bị nhân viên ban tổ chức chặn lại và bắt cởi áo cờ đỏ sao vàng vì thấy thái độ có vẻ hung hăng của nhóm người này. Sau đó video được đưa lên và đẩy thành chuyện Nhật Bản “kỳ thị cộng sản”. Nhưng thực chất là ban tổ chức đã quá quen thuộc kiểu hò hét và kỳ dị của các cổ động viên văn hóa Việt cộng nên tìm cách hạn chế.
Trên các trang mạng, phía ủng hộ việc la hét trên sân Saitama nói rằng “đi coi bóng đá mà chỉ vỗ tay thì không thể nào chấp nhận được”. Nhưng cũng có ý kiến nói ngược lại, cho rằng nước Nhật vừa trải qua một tình trạng khó khăn do dịch bệnh, và họ cố gắng lặp lại các hoạt động bình thường và kêu gọi tinh thần hợp tác của công dân. Ý thức của một người văn minh là hợp tác với chính phủ, chứ không thể vì nhu cầu thỏa mãn cá nhân của mình mà đạp đổ tất cả.
Trong buổi trực tiếp, Đài VTV của Việt Nam cũng vô tình quay trúng một góc ngồi riêng của những người Việt không muốn dính líu đến văn hóa Việt cộng. Họ lịch sự cổ vũ và cầm cờ vàng ba sọc đỏ để phân biệt mình với phía áo đỏ cộng sản. Chính vì điều này, vào hiệp hai, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho phát trễ lại phần trực tiếp, để kiểm duyệt các lá cờ vàng Việt Nam. Điều này cũng đã diễn ra trong trận Việt Nam và Úc vào ngày 22 Tháng Một, trên sân Melbourne Rectangular.
Văn hóa Việt cộng – tức kiểu văn hóa vào sân bóng đá, lợi dụng tung cờ đỏ, hát nhạc đỏ và trương hình ảnh của các lãnh tụ cộng sản là một trong những điều dị thường của Việt Nam hôm nay, đã diễn ra trên các sân bóng thế giới. Đây không phải là văn hóa Việt Nam nhưng đang bị bôi bẩn, và bị thế giới hiểu nhầm là một căn bệnh của người Việt Nam.