Ví mà Hồ Duy Hải được phán xử như O.J. Simpson…

C.LINH

Con số tròn, đẹp, đồng nhất 17/17 xuất hiện vào chiều ngày 8-5-2020 tại Toà án Nhân dân tối cao Hà Nội là một cái tát vào niềm tin (còn sót lại) của người dân, vào công lý tố tụng của một quốc gia. Niềm tin của một người mẹ, một gia đình, một xã hội đã bị lật đổ một cách ngoạn mục sau ba ngày trình diễn theo đúng “thủ tục pháp lý.”

Những ngọn nến hy vọng

Ngày 6-5-2020, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa phiên xử vụ án Hồ Duy Hải, khẳng định yêu cầu đặt ra với phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải là “phải xem xét cẩn trọng, khách quan để không làm oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.” Những lời nói này đã gieo vào lòng triệu công chúng và trên hết là người Mẹ 13 năm đi đòi (không phải tìm) công lý cho con trai của mình niềm hy vọng không hề nhỏ.

Cũng trong ngày đầu tiên của phiên Giám đốc thẩm, Luật sư Trần Hồng Phong, luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, cho biết sau khi Hội đồng thẩm phán nghe luật sư trình bày các chứng cứ mới thì chủ tọa thông báo từ chiều nay sẽ làm việc nội bộ xem xét đánh giá chứng cứ, các tài liệu có trong giấy tờ, hồ sơ vụ án và luật sư không cần thiết tham gia. Tuy nhiên, sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi kiến nghị yêu cầu phải để Luật sư Phong tham dự đầy đủ phiên họp giám đốc thẩm, TAND Tối cao đã chấp thuận.

Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải – Ảnh: GIANG LONG/Tuổi Trẻ

Lại là một ngọn nến hy vọng thứ hai. Người Mẹ ấy và người dân có cơ sở để duy trì niềm hy vọng.

Buổi sáng của ngày xét xử thứ ba, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật. 

Người khẳng định có đủ căn cứ và đủ cần thiết để kháng nghị cả hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) chính là Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao ông Nguyễn Huy Tiến. Ông băn khoăn: “với những tình tiết khách quan của vụ án, đây là sự quy kết của bản án, hết sức thiếu thận trọng.” Không chỉ thế, ông băn khoăn luôn cả về ba vật chứng của vụ án là con dao, cái thớt và cái ghế.

Lại thêm một ngọn nến hy vọng thứ ba. Lần này người ta càng có thêm cơ sở để hy vọng, vì sự bất đồng giữa hai cơ quan cao nhất của nền tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Toà án Nhân dân tối cao.

Cho đến chiều ngày 8-5…

Tất cả những cái được gọi là chứng cứ không thuyết phục, oan sai đã được cộng đồng mạng trưng ra rất nhiều trong thời gian qua. Trước khi phiên Giám đốc thẩm diễn ra, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Saigon Nhỏ:

“Theo thống kê thì có đến gần 40 điểm không đúng. Mỗi điểm đều có giá trị phải giám đốc thẩm. Có thể nói ngay ra những điểm điển hình nhất là dấu tay, là việc điều tra đầu tiên và thường xuyên của một vụ án hình sự. Nhưng không có dấu tay nào của Hồ Duy Hải tại hiện trường. Rồi hung khí chủ yếu của vụ án là con dao giết người, cái thớt…thực ra đều không thu thập được, mà là mua từ chợ mang về. Một vụ án có thể ngô nghê đến mức như thế.”

Nếu đối chiếu về pháp lý và thực tế hoạt động pháp đình ở Việt Nam, nhận định của luật sư Mạnh về kết quả vụ án sẽ là: 50-50.

Thế nhưng, 50% hy vọng kia cũng đã hoàn toàn bị dập tắt. Ba câu hỏi mang tính biểu quyết của Chánh án Nguyễn Hoà Bình được phản hồi với số phiếu tuyệt đối 17/17: “Không chấp nhận kháng nghị!”

Ánh mắt của người Mẹ. (Hình: Facebook Thu Thuỷ)

Bởi vì: Vụ án đã có những sai sót về tố tụng, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án; vẫn đúng người đúng tội và quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát không đúng luật dù Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải vào năm 2012 đang có hiệu lực.

Hội đồng thẩm phán cho rằng lời khai của Hải phù hợp với diễn biến tâm lý tội phạm. Ban đầu Hải khai dùng dao sát hại chị Hồng, sau đó lại khai đập đầu bị hại vào lavabo… Hải còn khai có việc khống chế chị Hồng để giao cấu.

Ngoài ra, Hải còn thừa nhận không có sự ép cung, mớm cung.

Hải nói cố tình khai giấu một số tình tiết, khai thêm một số tình tiết vì sợ mức án cao, không được gặp gia đình.

Tòa thấy không cần thiết hủy án để điều tra lại.” (Tường thuật của báo Tuổi Trẻ)

Một blogger/nhà báo đã đưa ra nhận định sau phiên xử: “Chúng tôi không đủ cơ sở để nói Hồ Duy Hải là vô tội. Nhưng chúng tôi cần được chứng kiến một phiên tòa công khai, nơi, công tố viên thuyết phục hội đồng xét xử bằng những chứng cứ thuyết phục. Thuyết phục trong trường hợp Hải được tuyên vô tội; thuyết phục ngay cả trong trường hợp Hải bị tuyên có tội.”

Việc quyết định Hồ Duy Hải có tội hay không có tội, khác hoàn toàn với quyết định “huỷ bản án và điều tra lại.”

Không chứng cứ, phải thả người

Người dẫn chương trình Larry King của CNN từng tuyên bố trong chương trình của ông: “Nếu chúng tôi có lịch phỏng vấn Chúa, nhưng O.J rỗi thì chúng tôi đành thất hẹn với Chúa vậy!”

Điều này cho thấy vụ án O.J. Simpson đã gây chú ý dư luận và truyền thông Mỹ như thế nào vào những năm 1994. Cũng một vụ án, cũng hai mạng người, phiên toà xử cựu ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ, bình luận viên thể thao của kênh NBC, đã trở thành một trong những phiên toà hình sự đi vào lịch sử. Ông Simpson bị truy tố vì nghi án giết vợ cũ của ông (Nicole Brown và tình nhân của bà). Ông đã chạy trốn khi có tin nhà chức trách cáo buộc ông giết người. Sau gần 9 giờ đồng hồ rượt đuổi giữa Simpson và cảnh sát, ông đã đầu hàng.

Cựu ngôi sao bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ O.J. Simpson’s (giữa) trong phiên toà 22-9-1995. Hình: REED SAXON/AFP via Getty Images

Phiên toà xử Simpson bắt đầu ngày 24-1-1995, kéo dài đến năm 1997 được cho là dài nhất trong lịch sử bang California. Tất cả những điều tra của vụ án được công bố chi tiết cho công luận, cho thấy Simpson là người cuối cùng rời khỏi nhà vợ cũ của ông ta (11:01PM 12-6-1994).

Lẽ dĩ nhiên, ngày 13-6-1994, Simpson trở thành nghi can chính. Simpson chỉ là “nghi can” cho dù các thám tử sau đó tìm thấy vết máu trên thân xe của ông ta, và một vật chứng quan trọng là chiếc găng tay (phải) dính máu trùng khớp với chiếc găng (trái) bên cạnh xác của Ron Goldman (tình nhân của vợ cũ của Simpson). 

Phiên xử đầu tiên cho đến 9 tháng sau đó, ngày 30-1-1995, bồi thẩm đoàn tuyên bố nghi can O.J. Simpson trắng ắn do không có chứng cứ thuyết phục để kết tội. 

Tuy nhiên, hai năm sau đó, O.J. Simpson trở lại trong một phiên toà dân sự và phải chịu trách nhiệm về một số tội liên quan vụ án sát hại vợ cũ và tình địch. Bản án ông ta phải nhận là bồi thường 33.5 triệu USD cho gia đình nạn nhân.

Vụ án O.J. Simpson dù là dài nhất lịch sử bang California, cũng không thể so với 13 năm vụ án bưu điện Cầu Voi của “tử tù” Hồ Duy Hải. Với nền tư pháp của Hoa Kỳ, những bằng chứng cảnh sát có được trong tư gia của Simpson đã không thể kết án ông. Nhưng, với nền pháp lý và thực tế nền tố tụng ở Việt Nam, những bằng chứng, vật chứng “mua từ chợ về” đã kết án Hồ Duy Hải.

“Nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí sai lầm. Nếu họ còn nắm luôn quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của mình.” Montesquieu, triết gia (1689 – 1755)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: