Vì sao Thái Lan bắt Y Quynh Bđăp?

Y-Quynh-Bdap. (Hình: Project88)

Mặc dù Thái Lan không phải là thành viên Công Ước 1951 liên quan đến tình trạng của những người tị nạn hoặc nghị định thư năm 1967, nhưng quốc gia này là thành viên của các công ước khác có liên quan đến người tị nạn. Việc chính phủ Thái Lan bắt giữ ông Y Quynh Bđăp gây rúng động vì liên quan đến sự an toàn của người tị nạn trước sự đàn áp của CSVN tại Thái Lan, cũng như thách thức các nỗ lực nhân đạo quốc tế.

Cáo buộc khủng bố vô căn cứ từ CSVN

Ông Y Quynh Bđăp, 32 tuổi, người đồng sáng lập Tổ chức Người Thượng vì Công lý, tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 và đã được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn cấp quy chế tị nạn, bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 11 Tháng Sáu, chỉ vài ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn với Sở Di Trú Canada và đang trong thời gian chờ đợi để chính thức định cư tại quốc gia này.

Việc bắt giữ diễn ra trong bối cảnh ông bị chính quyền Việt Nam cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” do liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở chính quyền tại hai xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11 Tháng Sáu, 2023. Vụ tấn công này gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm chín người thiệt mạng và hai người bị thương.

Hôm 20 Tháng Giêng, Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Đắk Lắk tuyên án vắng mặt Y Quynh Bđăp 10 năm tù về tội “khủng bố.” Theo Bộ Công An Việt Nam, “vụ tấn công có sự chỉ đạo và tiếp tay của các thế lực thù địch từ nước ngoài,” cụ thể là nhóm “Lính Đêga” được cho là đã thực hiện vụ khủng bố.

Bộ này cũng cáo buộc nhóm “Lính Đêga” móc nối với tổ chức Người Thượng vì Công lý để “tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ thành viên, huấn luyện, tài trợ tiền và chỉ đạo chuẩn bị hoạt động tấn công khủng bố nhằm thành lập ‘nhà nước riêng’ ở Tây Nguyên.” Đồng thời xác định Y Quynh Bđăp là “một trong những đối tượng đứng đầu tổ chức này.”

Tuy nhiên, hời Tháng Sáu vừa qua, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) ra thông cáo cho biết họ không có thông tin về khả năng Y Quynh Bđăp có liên quan đến vụ nổ súng, “nhưng đặc biệt quan ngại về sự an toàn của ông và việc ông bị xét xử không công bằng ở Việt Nam.”

Mặc dù Việt Nam và Thái Lan chưa ký hiệp định dẫn độ tội phạm, nhưng Hà Nội vẫn đề nghị Bangkok cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về nước.

Vì sao Thái Lan chấp nhận dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam?

Trường hợp của ông Y Quynh Bđăp đang thu hút sự chú ý lớn từ giới nhân quyền quốc tế, khi họ theo dõi sát sao xem liệu Thái Lan dưới thời tân Thủ Tướng Paetongtarn Shinawatra sẽ ưu tiên nhân quyền hay quan hệ bang giao. Vụ việc trở nên căng thẳng hơn khi Toà Án Hình Sự Bangkok hôm 30 Tháng Chín ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bđăp về Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn.

Tuy nhiên, theo bà Nadthasiri Bergman, luật sư của ông Y Quynh Bđăp, đây chỉ là một phán quyết tạm thời và ông Bđăp sẽ kháng án trong vòng 30 ngày tới. Bà giải thích rằng mặc dù Thái Lan và Việt Nam không có hiệp định dẫn độ, nhưng hai nước có thể sử dụng hợp tác ngoại giao thông qua Luật Dẫn Độ của Thái Lan. Luật này cho phép thẩm phán ra lệnh tạm giữ để chờ dẫn độ nếu đáp ứng đủ điều kiện.

“Thẩm phán dựa trên lập luận của công tố viên, cho rằng ông Bđăp nên bị dẫn độ về Việt Nam vì ông cũng đã bị kết tội ở đó,” bà Bergman cho biết. “Thẩm phán ở Thái Lan kết luận rằng phán quyết hiện hành cho thấy cáo buộc ở Việt Nam và cáo buộc ở Thái Lan là cùng một cáo buộc, và người mà Việt Nam buộc tội và người ở đây là cùng một người.”

Toàn bộ buổi xét xử diễn ra chóng vánh chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ, với sự góp mặt của các nhân viên an ninh Việt Nam, báo chí, các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế, đại diện đại sứ quán một số nước và các nhà quan sát.

Vụ việc này làm dấy lên lo ngại về việc Thái Lan có thể đang đàn áp người tị nạn và người bất đồng chính kiến.

Báo cáo gần đây của HRW mang tên “Chúng tôi đã nghĩ mình an toàn: Đàn áp và trục xuất người tị nạn ở Thái Lan” ghi nhận một mô hình đàn áp xuyên quốc gia, trong đó chính quyền Thái Lan hợp tác với các chính phủ láng giềng để thực hiện các hành vi đàn áp nhằm vào nhóm người này.

Đổi lại, Thái Lan có thể nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính phủ Thái Lan sống ở Lào, Việt Nam và Campuchia như một phần của thỏa thuận “trao đổi” người tị nạn và những người bất đồng chính kiến.

Vào Tháng Năm 2019, ba nhà bất đồng chính kiến Thái Lan – Chucheep Chivasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai – bị chính quyền Việt Nam bắt giữ và sau đó đã “biến mất.”

Một số ý kiến cho rằng việc ông Bđăp bị bắt là do chính quyền Việt Nam “lo ngại vì ông được đào tạo ở Thái Lan để thu thập thông tin và báo cáo lên Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.”

Dưới thời chính quyền quân sự của Thủ Tướng Prayut Chan-ocha và Phó Thủ Tướng Prawit Wongsuwon, đều là tướng quân đội, đã có sự gia tăng rõ rệt trong hoạt động đàn áp nhằm vào công dân nước ngoài tìm kiếm sự bảo vệ tị nạn tại Thái Lan, cũng như đối với công dân Thái Lan đang sống lưu vong tại các nước láng giềng là Lào, Campuchia và Việt Nam.

Kể từ năm 2014, hơn 150 người tị nạn ở Thái Lan trở thành nạn nhân của sự đàn áp xuyên quốc gia, theo số liệu của Freedom House.

Chính phủ Thái Lan trục xuất nhiều người Duy Ngô Nhĩ, Campuchia, Lào, Việt Nam về quê hương của họ.

Yếu tố bất ngờ cho ông Y Quynh Bđăp?

Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng cho ông Y Quynh Bđăp. Với chính phủ mới do bà tân Thủ Tướng Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo, những trường hợp như của ông Bđăp có thể được xem xét lại, nhưng “vẫn phải chờ xem.” Con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hoàn toàn có quyền hành pháp của thủ tướng  để bảo vệ nhân quyền và có thể thả tự do, hoặc trục xuất ông Y Quynh Bđăp sang một nước thứ ba để tị nạn.

Cụ thể, trong thời gian ông Bđăp tị nạn tại Thái Lan, chính phủ Thái Lan đã ban hành Luật Chống Tra Tấn, trong đó nêu rõ rằng họ sẽ không trục xuất hoặc dẫn độ bất kỳ ai nếu người bị dẫn độ hoặc trục xuất đến quốc gia thứ ba có thể phải đối mặt với nguy hiểm hoặc bị đe dọa đến tính mạng.

Tuy nhiên, khi ra phán quyết dẫn độ ông Bđăp hôm 30 Tháng Chín, tòa án chỉ viện dẫn Điều 19 của Luật Dẫn độ. Trong khi đó, với Luật Chống Tra Tấn, thẩm phán nằm trong quyền lực của nhóm hành pháp nên họ sẽ không xem xét, theo lời luật sư Nadthasiri Bergman.

Ông Jeremy Laurence, phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, cho rằng “Chính phủ Thái Lan vẫn giữ quyền quyết định theo Đạo Luật Dẫn Độ để xem xét các yêu cầu dẫn độ…” Điều này có nghĩa là chính phủ Thái Lan hiện nắm toàn quyền trong việc có dẫn độ ông Bđăp về Việt Nam hay không, vì tòa án đã tuyên bố trao quyền quyết định cho chính phủ.

Vì thế, trong phạm vi quyền hạn của mình, tân thủ tướng Thái Lan có thể sử dụng lệnh hành pháp để tuyên bố trả tự do lập tức cho ông Bđăp mà không cần phải đưa vụ việc ra tòa tối cao.

Có một diễn biến mới đáng chú ý trong thời gian này là Thái Lan đã giành chiến thắng hôm 9 Tháng Mười để trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, với số phiếu bầu cao nhất: 177, cho nhiệm kỳ ba năm.

Nhiệm kỳ này được đánh giá là đóng vai trò then chốt để Thái Lan nâng cao vị thế của mình sau khi thành lập chính phủ mới do bà Paetongtarn Shinawatra đứng đầu.

Một số nhà quan sát nhận định rằng một tân thủ tướng cấp tiến và một ghế trong hội đồng nhân quyền là dấu hiệu tốt để hy vọng Y Quynh Bđăp sẽ không bị dẫn độ về Việt Nam.

Luật sư Nadthasiri Bergman cho rằng tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra tuyên bố rất rõ ràng rằng “bà muốn bảo vệ quyền của người dân.”

“Nếu thủ tướng thực sự tôn trọng nhân quyền, tôi nghĩ bà ấy nên xem xét lịch sử những người Thượng theo đạo Thiên Chúa đã bị đối xử thế nào và tại sao họ phải chạy trốn và tại sao họ trở thành người tị nạn,” luật sư của ông Y Quynh Bđăp cho biết.

“Nếu Y Quynh Bđăp bị trục xuất về Việt Nam, Thái Lan sẽ vi phạm rất nhiều luật, tôi nghĩ đây là cơ hội để chính phủ Thái Lan cho thế giới thấy rằng họ thực sự tôn trọng nhân quyền và giữ lời hứa với Liên Hợp Quốc khi họ chạy đua để có ghế ở Hội đồng Nhân quyền. Bất kể ai đang ở đất nước này thì đều cần được tôn trọng.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: