Đối mặt với mức thuế 46% của Hoa Kỳ, Việt Nam khó có thể trả đũa tương tự. Có khả năng Hà Nội sẽ tránh đối đầu và thay vào đó là dựa vào ngoại giao.
Chính sách thuế quan gây áp lực lên quan hệ thương mại
Đầu Tháng Tư, cục diện thương mại toàn cầu chứng kiến một biến động lớn khi Tổng Thống Donald Trump công bố một chính sách thuế quan có đi có lại mang tính hệ thống, ảnh hưởng đến hơn 180 quốc gia. Chính sách này khởi đầu bằng mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho đa số đối tác từ ngày 5 Tháng Tư, nhưng đi kèm với các mức thuế bổ sung nhắm vào những nước có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam bất ngờ trở thành một trong những mục tiêu chịu mức thuế đặc biệt nặng nề, lên tới 46%, dự kiến có hiệu lực từ hôm nay, 9 Tháng Tư, đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Quyết định này gây chấn động mạnh, bởi lẽ Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cực kỳ quan trọng, đã tiếp nhận lượng hàng hóa trị giá tới $142 tỷ từ Việt Nam chỉ trong năm 2024, theo số liệu từ chính phía Mỹ.
Thông báo đột ngột này khiến giới chức tại Hà Nội sửng sốt vì trước đó đã có một niềm tin nhất định, dù thận trọng, rằng những nỗ lực ngoại giao tích cực có thể giúp Việt Nam giảm thiểu tác động từ các chính sách thương mại cứng rắn của chính quyền Trump. Hà Nội chủ động tương tác, thể hiện qua chuyến thăm Washington của Bộ Trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Điền tháng trước, nơi các thỏa thuận trị giá $4.15 tỷ (bao gồm các hợp đồng cung cấp LNG với Excelerate Energy và ConocoPhillips) đã được ký kết, như một phần của cam kết thương mại lớn hơn, trị giá $90.3 tỷ cho giai đoạn 2025-2030. Cùng với đó, cuộc điện đàm chúc mừng ông Trump sau bầu cử của Tổng Bí Thư Tô Lâm và quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng Mỹ công bố ngày 31 Tháng Ba, đều được xem là những động thái thiện chí nhằm đáp ứng lời kêu gọi về một nền thương mại cân bằng hơn từ phía Washington.
Với con số 46% gây hoang mang, chính quyền Trump cho rằng mức thuế này phản ánh một mức thuế lên tới 90% mà Việt Nam được cho là đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ. Lập luận này tỏ ra thiếu cơ sở vững chắc khi đối chiếu với dữ liệu của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), vốn chỉ ra mức thuế quan trung bình của Việt Nam chỉ là 9.4%, và mức trung bình có trọng số thương mại còn thấp hơn, ở mức 5,1%. Ngay cả khi tính cả 10% thuế Giá Trị Gia Tăng (VAT) mà ông Trump từng chỉ trích, con số 90% vẫn là một điều khó giải thích. Sự thiếu rõ ràng trong phương pháp luận của Mỹ, cùng phát biểu có phần mơ hồ từ Bộ Trưởng Tài Chính Scott Bessent, càng làm gia tăng sự khó hiểu và thất vọng tại Hà Nội. Phân tích sâu hơn cho thấy hai động lực chính có thể đứng sau quyết sách thuế quan này của Washington.
Thứ nhất, đó là nỗ lực nhằm giải quyết khoản thặng dư thương mại khổng lồ $123.5 tỷ mà Việt Nam có với Mỹ trong năm 2024 (tăng 18.1% so với năm 2023) – một con số mà ông Trump luôn xem là biểu hiện của sự mất cân bằng và “không công bằng” trong thương mại, gây tổn hại cho nền sản xuất và an ninh quốc gia Mỹ. Tòa Bạch Ốc còn nhấn mạnh đến việc Việt Nam và một số nước hạn chế nhập khẩu hàng tái chế, cản trở doanh nghiệp Mỹ và các nỗ lực bền vững, đồng thời ước tính rằng việc gỡ bỏ các rào cản này có thể giúp tăng xuất khẩu của Mỹ thêm ít nhất $18 tỷ hàng năm.
Thứ hai, Washington dường như muốn gây áp lực mạnh mẽ lên Việt Nam để ngăn chặn tình trạng hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” qua Việt Nam nhằm né tránh mức thuế 54% mà Mỹ đang áp lên Bắc Kinh. Các báo cáo, như từ Nikkei Asia, trích dẫn các quan chức Mỹ cáo buộc Việt Nam (cùng Campuchia) đã trở thành điểm trung chuyển quan trọng, nơi hàng hóa Trung Quốc chỉ đơn giản là được thay đổi nhãn mác trước khi xuất sang Mỹ. Do đó, mức thuế 46% có thể được xem như một đòn bẩy để buộc Việt Nam phải hành động quyết liệt hơn trong việc kiểm soát gian lận thương mại.
Nếu chính sách thuế quan khắc nghiệt này được duy trì, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Các ngành hàng chủ lực như điện tử và dệt may có nguy cơ bị sụt giảm lợi nhuận hoặc mất đi thị phần tại Mỹ, gây khó khăn cho việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025. Hơn nữa, những tác động tiêu cực có thể lan tỏa, làm chậm lại đà phát triển công nghiệp và tạo việc làm. Điều này cũng có thể khiến các nhà đầu tư đa quốc gia, những người đã chọn Việt Nam như một giải pháp thay thế Trung Quốc, phải cân nhắc lại chiến lược của mình do chi phí gia tăng và môi trường thương mại bất ổn, từ đó làm suy giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang không ngừng tái định hình.
Hà Nội đối đầu với hậu quả thuế quan ra sao?
Phản ứng trước quyết định áp thuế được xem là đặc biệt nặng nề từ chính quyền Tổng Thống Trump, giới lãnh đạo Việt Nam lập tức khởi động các kênh ngoại giao cấp cao. Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc điện đàm trực tiếp với ông Trump, đưa ra đề xuất đáng chú ý về việc miễn thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ và được ông Trump phản hồi trên Truth Social đã đạt được những “kết quả tốt đẹp.” Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn hơn nhanh chóng xuất hiện từ cố vấn kinh tế Peter Navarro, người tuyên bố rằng đề xuất miễn thuế đơn thuần là chưa đủ. Điều này cho thấy chính quyền Trump không chỉ nhằm giảm thâm hụt thương mại mà còn tạo áp lực buộc các quốc gia phải tăng cường mua hàng hóa Mỹ một cách thực chất, điều mà việc miễn thuế đơn phương chưa chắc bảo đảm.
Đối mặt với tình thế này, các biện pháp trả đũa của Việt Nam tỏ ra hạn chế. Kim ngạch nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ trong năm 2024 chỉ đạt mức khiêm tốn $13.1 tỷ, con số này giới hạn đáng kể sức nặng của bất kỳ động thái thuế quan đáp trả nào từ Hà Nội. Hơn nữa, với vai trò sống còn của xuất khẩu trong cơ cấu kinh tế – đóng góp tới hơn 85% GDP năm 2024 – việc Việt Nam có thể chủ động giảm mạnh thặng dư thương mại với Mỹ trong ngắn hạn là một điều không thể.
Do đó, chiến lược khả dĩ nhất của Việt Nam lúc này dường như tập trung vào các nỗ lực ngoại giao và thuyết phục khi Hà Nội đang tìm cách làm dịu lập trường của Tổng Thống Trump thông qua một loạt cam kết, bao gồm việc tăng cường mua sắm các sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn đầu tư Mỹ, và đẩy nhanh hợp tác trong các lĩnh vực Washington quan tâm như khoáng sản chiến lược. Song song đó, Việt Nam cũng chủ động giải quyết các lo ngại của Mỹ về vấn đề trung chuyển hàng hóa, một trong những lý do được viện dẫn cho mức thuế cao.
Thủ Tướng Phạm Minh Chính chính thức đề nghị phía Mỹ xem xét hoãn thi hành quyết định áp thuế ít nhất 45 ngày. Khoảng thời gian này được cho là cần thiết để hai bên tiến hành đàm phán sâu rộng hơn, chuẩn bị các phương án ứng phó và hướng tới một thỏa thuận song phương bền vững, bảo đảm cân bằng thương mại và lợi ích hài hòa cho cả hai nước.
Để hiện thực hóa các cam kết, Chính Phủ Việt Nam chỉ đạo các bộ ngành liên quan hành động quyết liệt. Các kế hoạch bao gồm việc xem xét mua thêm các mặt hàng Mỹ có thế mạnh, kể cả trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng, và thúc đẩy việc giao hàng sớm đối với các hợp đồng thương mại lớn như mua máy bay. Đồng thời, các vấn đề phi thuế quan mà Mỹ quan tâm đang được rà soát kỹ lưỡng để có phản hồi thỏa đáng. Đặc biệt, Bộ Công Thương được yêu cầu siết chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa nhằm ngăn chặn gian lận thương mại. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, như mở rộng tín dụng ưu đãi và giãn nợ cho các ngành dễ bị tổn thương như thủy sản, cũng đang được triển khai.
Bên cạnh các nỗ lực song phương, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách thuế quan của ông Trump có phạm vi rộng, nỗ lực này sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác cũng đang tìm kiếm hướng đi tương tự.
Một thách thức tiềm ẩn khác đến từ mục tiêu tăng trưởng GDP 8% đầy tham vọng của Việt Nam trong năm 2025. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện quan điểm sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn để đổi lấy tăng trưởng có thể làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Việt Nam bị cáo buộc thao túng tiền tệ, tương tự như trường hợp của Trung Quốc trước đây, nhất là khi Việt Nam vốn đã nằm trong danh sách giám sát về vấn đề này của Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Những diễn biến này xảy ra trong một trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi căn bản, nơi xu hướng tự chủ gia tăng và mô hình toàn cầu hóa kiểu cũ đang bị thách thức sâu sắc – một thực tế mà Thủ tướng Anh Keir Starmer thậm chí mô tả là “cái chết của kinh tế toàn cầu hóa”. Điều này đặt ra câu hỏi cấp bách cho Việt Nam: Liệu đường lối kinh tế vốn nặng về “chạy theo thành tích”, nơi tăng trưởng dường như là trụ cột chính cho tính chính danh cho Đảng Cộng Sản, có thể thực sự chuyển mình để đáp ứng trật tự mới? Hay sự phụ thuộc dai dẳng vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và mô hình sản xuất gia công bấy lâu nay sẽ trở thành lực cản, khiến Việt Nam khó lòng thích ứng kịp thời với những thay đổi mang tính kiến tạo đang diễn ra trên toàn cầu?