Âm mưu biến khu bảo tồn thành đô thị, sân golf

Cò thìa, loài gần như bị tuyệt chủng toàn cầu vào thập niên 80 hiện cư trú tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải – Ảnh: vietnamwildlife.org

Với lý do có 11,000 ha trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là “rừng đặc dụng phát triển kém”, tỉnh Thái Bình đang âm mưu biến số đất này thành khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf cho nhà giàu.

Với quyết định số 731 ban hành hồi Tháng Tư 2023, tỉnh Thái Bình định thu hẹp Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải từ 12,500ha xuống còn 1,320ha, âm mưu biến 11,180 ha (gần 90% diện tích) của Khu bảo tồn Tiền Hải thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ! Dự án này đã được Ủy ban tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng một cách nhanh chóng đáng ngờ.

Tuy nhiên, quyết định này của tỉnh Thái Bình đã không tham khảo ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dân Trí khẳng định.

Với loạt ba bài viết từ ngày 24 – 26 Tháng Tám 2023, Dân Trí cho biết ngày 26 Tháng Chín 2014, Ủy ban tỉnh Thái Bình có quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn Tiền Hải. Quyết định phê duyệt đề án và xác lập quy mô khu bảo tồn Tiền Hải là 12,500ha, gồm 1,430ha rừng và 11,050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Với quyết định 731, Khu bảo tồn Tiền Hải sẽ chỉ còn diện tích 1,320ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632ha và diện tích đất chưa có rừng là 688ha!

Bản đồ quy hoạch khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ của tỉnh Thái Bình – Ảnh: Dân Trí

Tờ báo này cũng dẫn nguồn tin từ Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định, Khu bảo tồn Tiền Hải có giá trị sinh học cao và đa dạng, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Thái Bình.

Nơi đây chứa đựng các sinh cảnh quan trọng của 215 loài chim với nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, 116 loài thực vật, 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết chưa hề nhận được công văn xin ý kiến về vấn đề trên từ tỉnh Thái Bình. Vị đại diện Cục này còn nhấn mạnh:

“Khu bảo tồn Tiền Hải là di sản thiên nhiên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường. Do vậy, chế độ quản lý, điều chỉnh diện tích, ranh giới của khu bảo tồn không chỉ tuân thủ theo pháp luật về lâm nghiệp mà còn phải tuân thủ theo pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường. Vì thế, việc điều chỉnh diện tích, ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cấp tỉnh phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Quyết định số 731 của Ủy ban tỉnh Thái Bình giảm đến gần 90% diện tích Khu bảo tồn sẽ có ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế.

Cục này yêu cầu tỉnh Thái Bình phải tiếp tục duy trì hiện trạng của Khu bảo tồn này, bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị Ủy ban tỉnh Thái Bình cung cấp thông tin, làm rõ phản ảnh về các cơ sở pháp lý, thực tiễn đối với việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải.

Vì sao Khu bảo tồn Tiền Hải lại quan trọng đến vậy?

Khu bảo tồn Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào năm 2004. Khu dự trữ sinh quyển theo định nghĩa của UNESCO là “nơi học tập để phát triển bền vững”, bao gồm các hệ sinh thái trên cạn, biển và ven biển. Nơi đây được xem như các phòng thí nghiệm sống để cung cấp các giải pháp địa phương cho những thách thức toàn cầu.

Đến cuối năm 2022, có 738 khu dự trữ sinh quyển ở 134 quốc gia, trong đó có 22 khu xuyên biên giới, thuộc Mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nhìn từ trên cao xuống – Ảnh: Dân Trí

Trao đổi với Dân Trí về quyết định trên của Ủy ban tỉnh Thái Bình, đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho rằng, việc thu hẹp tới gần 90% Khu bảo tồn Tiền Hải cần hết sức thận trọng, tuân thủ luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, không đánh đổi thiên nhiên lấy phát triển kinh tế.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải nằm ở phía Bắc cửa biển sông Hồng, phía Nam cửa sông là Vườn Quốc gia Xuân Thủy – hai khu vực này duy trì một đơn vị sinh thái liên tục cho đồng bằng sông Hồng.

Từ năm 1989, Vườn Quốc gia Xuân Thủy được công nhận là khu Ramsar (công ước về các vùng đất ngập nước) đầu tiên của Việt Nam. Năm 1995, Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường đã có quyết định mở rộng khu vực Ramsar bao gồm cả Cồn Vành và Cồn Thủ, thuộc Khu bảo tồn Tiền Hải.

Đại diện WWF Việt Nam phân tích, trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, đặc biệt là các dải rừng ngập mặn sẽ trở thành những lá chắn tốt nhất để bảo vệ sinh mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân ven biển.

Các hệ sinh thái ven biển không những là nơi cung cấp dinh dưỡng, nơi sinh cư, bãi sinh sản của nhiều loài động vật thủy sinh, mà còn là nguồn sinh kế quan trọng của người dân ven biển trong các hoạt động canh tác, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

WWF Việt Nam bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay góp sức để bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững, bảo tồn những di sản thiên nhiên và văn hóa quý giá của đất nước.

Quyết định 2159 năm 2014 của Ủy ban tỉnh Thái Bình, xác lập khu rừng đặc dụng với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, nay với quyết định 731, tỉnh này lại muốn xóa sổ khu dự trữ sinh quyển của vùng đồng bằng sông Hồng – Ảnh: Dân Trí

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết: Khu dự trữ sinh quyển sông Hồng là nơi bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển đặc trưng của miền Bắc Việt Nam.

Khu bảo tồn này có nhiều các sinh cảnh khác nhau như thảm rừng và cây gỗ ngập mặn, sinh cảnh rừng trồng phi lao, sinh cảnh đầm tôm, sinh cảnh cồn cát và bãi cát, sinh cảnh phù sa bồi lắng, sinh cảnh mặt nước, cũng là nơi cư trú và kiếm ăn của các loài chim, đặc biệt là chim nước và chim di cư, với số lượng lên đến trên 220 loài.

Trong đó, phải kể đến loài Cò thìa (tên khoa học: Platalea minor), loài gần như bị tuyệt chủng toàn cầu hồi thập niên 80.

Những nỗ lực bảo tồn giữa nhiều quốc gia châu Á trong những năm gần đây đã giúp phục hồi quần thể loài Cò thìa, xu hướng sinh sản tăng đều đặn. Khu vực này cũng có gần 100 loài thực vật ngập mặn bậc cao và là nơi cung cấp nơi sống và bãi sinh sản của rất nhiều loài động vật thủy sinh.

Với vị trí ven biển thuộc ba tỉnh châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, các hệ sinh thái tự nhiên của khu dự trữ sinh quyển, đặc biệt là rừng ngập mặn, giúp cố định phù sa, gia tăng bồi đắp, tạo nên những bãi bồi lấn biển theo thời gian.

Theo ông Nguyên, nếu duy trì và phát triển tốt dải rừng ngập mặn ven biển, Việt Nam sẽ có được một hệ thống phòng hộ tự nhiên, giảm thiểu tác động của bão lụt, nước biển dâng và các sự cố thiên nhiên khác,  giúp bảo vệ cuộc sống của con người trước thiên tai.

Bên cạnh đó, rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển cũng được xem là bể chứa carbon rất hiệu quả, góp phần giảm phát thải và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Nguyên cảnh báo: Việc cắt giảm diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải từ 12,500ha xuống còn 1,320ha, Ủy ban tỉnh Thái Bình có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Với việc mất hầu hết diện tích vùng lõi 2, khu dự trữ sinh quyển sẽ không bảo đảm các tiêu chí đã được công nhận!

Với việc giảm 9/10 diện tích, Khu bảo tồn Tiền Hải không thể bảo đảm được các chức năng và dịch vụ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học như đã đặt ra khi xây dựng khu vực bảo tồn này.

“Nói “xóa sổ” khu bảo tồn cũng hoàn toàn đúng vì với diện tích còn lại quá nhỏ như vậy, việc đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học là không thể” – ông Nguyên kết luận.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: