Một người đàn ông bị co giật, méo miệng, không nói được, người nhà đưa đến bệnh viện, tưởng đột quỵ, hóa ra không phải.
Ông D.V.P., 58 tuổi, sống tại Thái Nguyên, khi được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Thái Nguyên đã được chụp CT não. Phát giác tổn thương trên não của ông P. giống như ổ ký sinh trùng, bệnh viện Thái Nguyên đã chuyển ông đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương) ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ kết luận ông P. mắc sán não.
Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, khoa Điều trị, bệnh nhân nhiễm sán não thường có triệu chứng đau đầu, co giật… thậm chí lên cơn động kinh, rối loạn giấc ngủ. Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, cảm giác và vận động bất thường…
Sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong.
Thường bệnh phát triển âm thầm, đến khi phát hiện những triệu chứng rõ rệt thường khá muộn. Thậm chí, có những bệnh nhân không có triệu chứng, khi gặp tai nạn giao thông đi chụp CT đầu thì mới tình cờ phát giác có sán trong não.
Bệnh sán não là bệnh do ấu trùng sán từ con heo gây ra. Sán heo có hai thể: sán ký sinh trong não và sán ký sinh dưới cơ. Khi mắc sán lợn ký sinh dưới cơ, dưới da bệnh nhân xuất hiện nang nhỏ, sờ vào thì di động và không gây đau.
Nguyên nhân mắc bệnh, theo bác sĩ Hải là do bệnh nhân ăn phải ấu trùng sán heo có trong thịt heo chưa được nấu chín, nem chua hoặc tiết canh. Bác sĩ Hải lưu ý thường mọi người tưởng thịt tái vắt chanh là chín, nhưng với ấu trùng sán heo thì dù vắt chanh cũng vô ích.
Ông D.V.P. rất bất ngờ khi biết mình bị sán làm tổ trong não, ông cứ nghĩ mình bị đột quỵ. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ gia đình ông có thói quen ăn tiết canh heo và tiết canh vịt nhà làm, nhưng không hiểu sao sán heo từ trong tiết canh có thể… bò lên não?
Nhưng không chỉ mình ông D.V.P. Liên tiếp thời gian gần đây, bệnh viện Đặng Văn Ngữ đã tiếp nhận nhiều ca bệnh giống ông D.V.P., thậm chí chiếm đến 40-50% số bệnh nhân trong khoa Điều trị.
Mới nhất là ông Phạm Xuân Tuyên (79 tuổi, ngụ huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Triệu chứng của ông Tuyên là bị đau chân, cơn đau tăng dần khiến ông không đi lại được. Khi đi khám, bác sĩ kết luận là xương chân ông bị thoái hóa do tuổi già, thế nhưng uống thuốc mãi vẫn không khỏi.
Khi đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh, dựa trên kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện trong cơ của ông Tuyên có nang sán ký sinh và chuyển ông đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Tại đây, các bác sĩ phát giác ngoài những nốt sán cơ hình hạt gạo trên chân của ông đã bị vôi hóa, ông Tuyên còn có … tổ sán trên não vẫn hoạt động!
Trong video kèm theo của Sức Khỏe & Đời Sống có phỏng vấn bác sĩ Tạ Huy Hải, ông nói trường hợp ông Tuyên không bao giờ ăn thịt heo sống, nem chua hay tiết canh nhưng lại sống gần nhà hàng xóm có nuôi heo.
Sán dây từ con heo có thể phát tán ra ngoài môi trường, nhất là khi người làm vườn dùng phân tươi từ động vật để tưới vào rau và ông Tuyên mua phải rau đó về ăn mà chưa rửa kỹ.
Bác sĩ Hải cảnh báo sán não là chứng bệnh làm tổn thương dây thần kinh, phải điều trị lâu dài, ngắn thì 1-2 năm, không thì dài hơn, vì việc ngấm thuốc của não kém so các cơ quan khác của cơ thể, do có hàng rào máu não.
Quá trình điều trị vì vậy sẽ dài hơn, hệ thống dây thần kinh có tái tạo nhưng không được như ban đầu, nên kết thúc việc điều trị, trở về nhà, thỉnh thoảng bệnh nhân vẫn có thể đau đầu và co giật.
Hai trường hợp bị sán não khác mà bệnh viện Đặng Văn Ngữ điều trị trong năm 2023 là ông N. (40 tuổi, quê Thanh Hóa) và một phụ nữ tên N.T.O. (58 tuổi, xã An Bình, huyện An Sách, tỉnh Hải Dương). Cả hai đều có thói quen thích ăn tiết canh.
Triệu chứng của ông N. là đau đầu mỗi ngày một đến hai lần, uống thuốc giảm đau thì khỏi nhưng tái đi tái lại liên tục và ngày càng nặng khiến ông mất ăn mất ngủ.
Gia đình phải đưa ông N. đến khám tại bệnh viện tâm thần và dùng thuốc nhưng không khỏi. Khi bệnh trở nặng, ông N. bị co giật, động kinh,
Hồi Tháng Bảy 2023, người nhà đưa ông N. đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Các xét nghiệm và chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy ông N. bị tổn thương ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương, kèm phù não, co giật, gây các biểu hiện về tâm thần.
Trao đổi với VTC News, TS.BS. Trần Huy Thọ, phó giám đốc bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết: “Hiện tượng đau đầu, co giật của bệnh nhân là do bệnh ấu trùng sán dây lợn ký sinh trên não gây nên. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt hoặc bị nhiều di chứng kèm theo”.
Còn nữ bệnh nhân N.T.O. đến bệnh viện Đặng Văn Ngữ hồi Tháng Tư khi bị đau đầu dữ dội, dẫn đến té ngã tại nhà. Ngoài tổ sán trên não, ấu trùng sán còn di chuyển dưới lớp da tay và chân của người phụ nữ này.
Bà O. kể bà thích ăn tiết canh nhưng thường tự tay làm tại nhà, bà cứ nghĩ như thế là sạch sẽ và món ăn này giúp giải nhiệt trong người (?)
Nói về hai trường hợp này, bác sĩ Thọ nhận định: Khi ăn thịt heo tái hoặc tiết canh, rau sống… ấu trùng sán di chuyển theo đường máu tới não và các cơ của cơ thể gây bệnh.
Ấu trùng sán heo thích cư trú trong não (chiếm 60-96% trường hợp), dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như: nhức đầu (48.4%), động kinh (6.2%), rối loạn tâm thần (5.2%), rối loạn thị giác (15.6%), suy nhược cơ thể – giảm trí nhớ (28.1%), co giật cơ (34.3%).
Ngoài ra, ấu trùng sán di chuyển dưới da và trong cơ chiếm 18.57%, chủ yếu ở cơ hoành, cơ lưỡi, cơ delta, vùng thân, vùng chi và cổ, dưới da đầu…