Bắc Ninh: Giá nhà dành cho công nhân quá cao, bị ế hơn 1,300 căn

Khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thành bảy dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, nhưng số công nhân đăng ký mua nhà rất ít, bị ế hơn 1,300 căn.

Trong số bảy dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành và sắp hoàn thành ở Bắc Ninh, cung cấp ra thị trường khoảng 4,000 căn hộ, nhưng số căn bán được hiện  rất ít.

Thời gian qua, các chủ dự án ở Bắc Ninh đã rao bán 1,681 căn nhà ở công nhân nhưng chỉ bán được 357 căn, số còn ế là 1,324 căn.

Truyền thông trong nước ngày 28 Tháng Tám 2023 dẫn thông tin từ Ủy ban tỉnh Bắc Ninh, nhận định số nhà ở xã hội bị ế do đa số công nhân ở Bắc Ninh cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí việc làm, cũng như thu nhập còn thấp và chưa có thói quen ở nhà cao tầng.

Ngoài ra, nhiều công nhân không đáp ứng được điều kiện mua nhà ở xã hội, tổng thu nhập của họ do làm tăng ca, làm thêm giờ… phải chịu thuế thu nhập, nhưng  phần lớn phải gửi về gia đình, họ chỉ giữ lại một ít tiêu hằng ngày nên rất khó khăn. Vì thế, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tế.

Điều mỉa mai là Bắc Ninh hiện được xem là thủ phủ công nghiệp của miền Bắc, nơi có số lượng công nhân đông đảo, đang làm việc tại 16 khu công nghiệp. Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 14 Tháng Bảy 2023, sự hội tụ các tập đoàn đa quốc gia tại các 16 khu công nghiệp đã đưa Bắc Ninh vào Top tỉnh/thành dẫn đầu về thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) của cả nước.

Tính đến thời điểm hiện tại (Tháng Bảy 2023), Bắc Ninh có 1,742 dự án FDI đang có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần hoặc phần vốn góp đạt $22.829 triệu.

Các dự án FDI tại Bắc Ninh chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ chiếm 70% số dự án. Trong sáu tháng đầu năm 2023, Bắc Ninh đã cấp mới 58 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là $588.44 triệu; cấp 350 lượt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là $885.93 triệu, đạt 73.75% kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023 (kế hoạch: $1,200 triệu).

Hiện tỉnh này có 22 dự án nhà ở dành cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 107 ha, dự tính sau khi hoàn thành sẽ cung ứng 2.4 triệu m2 sàn, tương đương 31,000 căn hộ cho 105,000 người.

Đến cuối năm ngoái, các khu công nghiệp ở Bắc Ninh hiện sử dụng hơn 314,000 lao động, trong đó hơn 70% là người ngoài tỉnh. Đây là địa phương được nhà cầm quyền Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cao thứ ba toàn quốc, sau Bình Dương, Bắc Giang. Đến năm 2025, theo kế hoạch, tỉnh này phải có ít nhất 30,700 căn nhà ở xã hội và thêm 41,500 căn đến năm 2030.

Nghe thì hay, nhưng thực tế công nhân không mua được nhà ở xã hội thì mọi kế hoạch cũng thành hư không!

Giá nhà ở công nhân tại nhiều địa phương vẫn quá cao so với thu nhập của đa số công nhân – Ảnh: Tuổi Trẻ

VnExpress ngày 11 Tháng Năm 2023 đã vạch ra những điều kiện mua nhà xã hội đã lỗi thời, đó là giá nhà xã hội tăng gần gấp đôi sau năm năm, song cách xác định thu nhập thấp – điều kiện quan trọng để được mua nhà, vẫn y như tám năm trước.

Theo quy định, những người được mua nhà xã hội gồm: Người có công với cách mạng; gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn và đô thị; người thu nhập thấp tại đô thị; lao động tại khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân, công nhân thuộc đơn vị công an, quân đội; gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất mà chưa được bồi thường.

Trong đó, điều kiện để trở thành “người thu nhập thấp” ở các thành phố lớn là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tức không quá 11 triệu đồng ($456) một tháng.

Bà Triệu, 32 tuổi, giáo viên hợp đồng ở Sài Gòn, thỏa mãn điều kiện này khi tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 21 triệu đồng ($870.8) mỗi tháng.

Nhưng “được mua” không có nghĩa là bà “mua được”. Bà tính, để mua được một căn nhà ở xã hội giá khoảng 1.5 tỷ đồng ($62,205), hai vợ chồng sẽ phải đóng trước 20% giá trị căn nhà (khoảng 300 triệu), đồng thời vay ngân hàng 1.2 tỷ đồng trong khoảng 20 năm. Nếu được vay với lãi suất 8.2% mỗi năm, mỗi tháng phải trả khoảng 10 triệu đồng ($414) cả vốn vay và lãi.

Số tiền còn lại hằng tháng chỉ còn chục triệu đồng, không đủ cho gia đình bốn người, chưa kể đến các khoản dự phòng rủi ro. Không có khoản thu nào khác ngoài lương, dù được vay vốn ưu đãi, bà Triệu vẫn lo không trả nổi.

Những người thu nhập thấp như gia đình bà Triệu bị mắc kẹt giữa tiêu chí được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và khả năng vay ngân hàng.

Theo khảo sát của Viện Công nhân Công đoàn hồi cuối năm 2022 cho kết quả tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8.74 triệu đồng ($348) mỗi tháng, trong khi mức chi tiêu 10.3 triệu đồng ($427), như vậy mức thu nhập chỉ đáp ứng được 83% chi tiêu, như thế làm sao tích lũy mua nhà được?

Những khó khăn của người muốn mua nhà ở xã hội – Khảo sát của VnExpress

Khảo sát do VnExpress và Ban IV thực hiện gần đây với hơn 15,600 người cho thấy, không đủ tài chính để đóng khoản mua nhà ban đầu là khó khăn lớn thứ hai với những người đủ điều kiện mua. Bên cạnh đó, họ phải đối mặt với một loạt khó khăn khác như: Hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp, khó cạnh tranh suất mua, khó tiếp cận vốn vay…

Trong năm năm, từ 2016 đến 2020, 18.000 người ở Sài Gòn cần vay vốn nhà ở xã hội để mua hoặc xây nhà nhưng chỉ có 1.7% (tương ứng 310 người) được vay. Đó là số liệu do Sở Xây dựng TP.HCM công bố hồi Tháng Ba 2023. Sở này thừa nhận người mua nhà ở xã hội rất khó tiếp cận vốn vay và hầu như không được hưởng gói chính sách liên quan mà phải vay từ nguồn khác với giá thương mại, lãi vay cao hơn!

Với nhóm người thu nhập thấp, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng nên tăng mức thu nhập tối thiểu không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ 11 lên 13 triệu đồng và tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4.4 triệu lên 5.5 triệu đồng để phù hợp hơn với thu nhập thực tế.

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc công ty đầu tư bất động sản Việt An Hòa, cũng cho rằng tiêu chí xác định “thu nhập thấp” đang áp dụng chưa tính đến tỷ lệ chi phí trả cho ngôi nhà trên tổng thu nhập của cả gia đình (thông thường không được quá 50%).

Trong khi giá nhà ở xã hội đã tăng gấp đôi sau năm năm, còn khung thu nhập dưới thuế vẫn giữ như tám năm trước, dẫn đến việc người mua nhà phải chi trả quá nửa thu nhập hằng tháng cho khoản vay ngân hàng.

Cũng theo khảo sát của VnExpress và Ban IV, 39% các câu trả lời từ những người muốn tiếp cận nhà ở xã hội cho thấy, khó khăn lớn nhất với họ là không đáp ứng đủ các điều kiện hiện nay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, đây là những người thuộc nhóm không phải thu nhập thấp theo quy định hiện tại, nhưng cũng không đủ tài chính để mua nhà ở phân khúc cao hơn và họ đang bị “lãng quên”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: