Một nữ bác sĩ khoa sản được phân công tư vấn cho các vợ chồng hiếm muộn ở bệnh viện An Sinh đã lập trang Fanpage “Điều trị hiếm muộn” trên Facebook mạo danh bệnh viện Chợ Rẫy.
Gần một tháng xuất hiện, trang này đã thu hút rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến tư vấn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), vì lời quảng cáo đón “song thai rồng phượng” chỉ 25 triệu đồng ($1,000) – trọn gói thủ thuật.
Trang này còn khẳng định các vợ chồng sẽ nhận tin vui có con chỉ sau hai tuần chuyển phôi, tỷ lệ thành công lên đến 86%. Đặc biệt, khi tham gia gói này, các vợ chồng được trực tiếp giám đốc, trưởng khoa thăm khám lên phác đồ.
Khi phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ theo số điện thoại trên trang, một nhân viên chỉ dẫn đến số 10 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, Sài Gòn và đây là… trụ sở của bệnh viện An Sinh (tư nhân).
Tại lầu 4 (bệnh viện An Sinh) sáng 4 Tháng Mười 2023, sau khi làm các thủ tục và đóng 400,000 đồng tiền khám, các vợ chồng hiếm muộn được dẫn vào phòng số 1 gặp nữ bác sĩ P.T.T..
Bà này mặc áo blouse trắng có thêu tên, có con dấu riêng… và lý giải giá 25 triệu đồng mới chỉ là chi phí cho thủ thuật chọc hút và chuyển phôi; còn khám, xét nghiệm, thuốc kích trứng, tạo phôi và trữ phôi là một khoản riêng.
Bà T. tư vấn: “Cả một quá trình bình thường từ 100-130 triệu đồng/ca. Tuy nhiên còn phải tùy theo tình trạng cụ thể và quá trình điều trị mới biết như thế nào, cao có thể 200 triệu đồng/ca”.
Tưởng $1,000, ai dè có thể tốn đến gần $10,000!
Bác sĩ mà thông tin về giá dịch vụ IVF trên Facebook hệt như bảng giá của các xe bán trái cây ngoài đường: ghi giá tiền thiệt to, còn số đơn vị trái cây (500gr) ghi nhỏ xíu!
Nhưng tại sao quảng cáo “bệnh viện Chợ Rẫy” mà thành bệnh viện An Sinh? Bà T. cho biết thông tin trên trang Facebook “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” mà người bệnh đăng ký là “một tập đoàn bệnh viện IVF lớn” trên cả nước, chứ không phải là bệnh viện đa khoa như An Sinh hay Chợ Rẫy (?)
Ngoài ra bà T. còn khoe chủ đầu tư (không nói chủ đầu tư nào, chỉ nói hợp tác hai bên) hứa khi nào thành lập Trung tâm IVF, bà sẽ là người đứng tên giám đốc chuyên môn.
Trong ba bài viết ngày 5 Tháng Mười, không chỉ mô tả cách tư vấn kỳ lạ của nữ bác sĩ T. , Tuổi Trẻ còn xác minh thông tin tại Chợ Rẫy để khẳng định “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” là giả mạo, vì bệnh viện này không có chuyên khoa làm IVF; còn bệnh viện Đa khoa Hà Nội phản ứng vì trang Fanpage này ăn cắp hình bác sĩ và clip của bệnh viện.
Sáng 6 Tháng Mười, bệnh viện An Sinh đã quyết định chấm dứt hợp đồng chuyên môn với bác sĩ P.T.T. – người lập trang Fanpage “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” trên Facebook.
Ông Mai Văn Điển, giám đốc bệnh viện An Sinh, đã thông báo với Tuổi Trẻ, sau cuộc làm việc với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ngày 5 Tháng Mười.
Ông Điển nói tại buổi làm việc, bác sĩ P.T.T. trình bày được nhóm quản trị Fanpage “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” kết nối cung cấp nguồn bệnh, đưa họ đến bệnh viện An Sinh khám, điều trị, nhưng bà và nhóm quản trị page này “không ai biết ai” (?)
Bác sĩ P.T.T. từng học lớp lâm sàng IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) tại bệnh viện An Sinh, được đánh giá là người “có tiềm năng” nhưng bệnh viện An Sinh vẫn chưa cho phép bác sĩ T. khám, điều trị độc lập cho bệnh nhân.
Từ việc kéo khách tư vấn từ page giả mạo trên Facebook của nữ bác sĩ này, ông Điển cho biết bệnh viện quyết định chấm dứt hợp đồng tư vấn chuyên môn với bác sĩ P.T.T..
Ông Điển khẳng định: “Thực ra hợp đồng này rất đơn giản trên tinh thần hợp tác tư vấn chuyên môn. Tóm lại là bệnh nhân của bác sĩ T. được đến bệnh viện An Sinh để tư vấn, chứ bác sĩ T. chưa được khám và thực hiện các thủ thuật điều trị”.
Giám đốc bệnh viện An Sinh nói hiện nay tại đơn vị có khá nhiều bác sĩ hiếm muộn đến xin hợp tác chuyên môn, tất cả bệnh nhân họ đưa đến khám tại An Sinh đều tuân thủ quy định, chưa có trường hợp nào “móc nối, làm tùm lum” như chỗ bác sĩ P.T.T.!
Có vẻ như An Sinh đang học tập mô hình của bệnh viện tư nhân Gleneagles của Singapore (thuộc Tập đoàn Parkway). Bệnh viện này hợp tác với nhiều bác sĩ giỏi của Singapore và cho phép họ lập riêng phòng khám bên trong bệnh viện, nhờ tên tuổi của từng vị bác sĩ mà kéo bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện.
Mỗi vị bác sĩ hợp tác như vậy với Tập đoàn Parkway không ăn lương mà “ăn chia” trên số tiền chi trả của mỗi bệnh nhân.
Chỉ có điều đáng tiếc là bác sĩ P.T.T. chưa giỏi, chưa kịp xây dựng được tên tuổi riêng, nên khi hợp tác chuyên môn với bệnh viện An Sinh, bà này phải nhờ page mạo danh “Bệnh viện Chợ Rẫy” quảng cáo láo để dụ khách đến bệnh viện An Sinh cho bà ta tư vấn!
Sự việc đến đây vẫn chưa hết, Tuổi Trẻ phản ảnh trang page mạo danh “Điều trị hiếm muộn – Bệnh viện Chợ Rẫy” tuy đã biến mất trên Facebook sáng 6 Tháng Mười, nhưng khi liên hệ đến số điện thoại từng đăng trên trang, phóng viên giả làm khách hàng vẫn được hứa hẹn:
“Hôm nay bác sĩ bên em đi họp nên chưa nhận lịch được. Hôm nào chị qua được để em kiểm tra với bác sĩ. Mình làm ở địa chỉ nào bên em sẽ gửi sau”.