Bất đồng chính kiến: người này vừa xong án, người khác bị kết án

Anh Phạm Văn Trội và vợ. Hình chụp ngày 30 Tháng Bảy khi anh vừa ra tù. (Hình: SC)

Ngày 30 Tháng Bảy vừa qua, anh Phạm Văn Trội ra tù, kết thúc 7 năm tù giam không thiếu một ngày (anh bị bắt vào ngày 30 Tháng Bảy 2017). Anh bảo: “Tôi không xin mà họ cũng không cho, dù chỉ một giờ.”

Thật ra đây là bản án tù thứ hai của anh, trước đó anh từng bị bắt vào ngày 11 Tháng Chín 2008, bị kết án 4 năm tù giam, 4 năm quản chế.

Án thứ nhất là tội “tuyên truyền chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam.” Án thứ hai là tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Những cáo buộc phi lý, phi nhân cùng với những bản án hết sức nặng nề, hà khắc, mà những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động xã hội dân sự ôn hòa ở Việt Nam lẩn lượt đều phải gánh chịu.

Anh Trội kể, trước khi bị bắt lần thứ nhất, anh làm cùng văn phòng với luật sư Nguyễn Văn Đài (từng là tù nhân lương tâm). Hết 4 năm tù giam anh về chịu thời gian quản thúc tại địa phương ở Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội. Trong quá trình bị quản chế này anh và một số bạn bè, người quen thành lập Hội Anh Em Dân Chủ và anh là chủ tịch trong thời gian từ đầu năm 2014 cho đến Tháng Mười Hai 2016 thì rút.

Mục đích thành lập hội chỉ là để chia sẻ với nhau hiểu biết, kinh nghiệm về cuộc sống, tình cảm anh em, chẳng có một phương tiện gì có thể lật đổ chính quyền, nhưng nhà cầm quyền vẫn bắt nhiều người của Hội Anh Em Dân Chủ với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Theo anh Trội “Việc họ bắt thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ hay Hội Nhà Báo Độc Lập là vì họ không muốn để cho các hội đoàn độc lập tồn tại ở Việt Nam, họ cho rằng sự tồn tại đó là nguy cơ tiếm quyền quản trị quốc gia của họ… Nhưng chúng ta đều biết hành vi bắt bớ để phá vỡ các hội đoàn tự nguyện xã hội dân sự ở Việt Nam như vậy là đã vi phạm nhân quyền, cái quyền đã được ghi rõ trong Luật Nhân Quyền Quốc Tế và ngay trong Hiến Pháp Việt Nam năm 2013.”.

Tổng cộng có khoảng 8, 9 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt gồm Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Lê Thị Thu Hà, Trương Minh Đức. Những người kế tiếp bị bắt gồm các anh, chị Nguyễn Trung Trực, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Thị Xuân.

Các bản án đều hết sức nặng nề, nặng nhất là Luật Sư Nguyễn Văn Đài (15 năm tù, 5 năm quản chế), nhưng khi đang thụ án thì vào Tháng Sáu năm 2018, Luật Sư Đài và cộng sự Lê Thu Hà được chính phủ Đức can thiệp, để đưa sang Đức tỵ nạn chính trị; 13 năm tù như nhà báo Trương Minh Đức, nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc; 12 năm tù như nhà hoạt động mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà hoạt động Nguyễn Trung Trực, nhà thơ Trần Đức Thạch; 11 năm tù như nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển (anh Nguyễn Bắc Truyển cũng được nhà cầm quyền Việt Nam bất ngờ phóng thích và cùng vợ sang Đức tỵ nạn Tháng Chín 2023)… Tổng cộng hơn 100 năm tù cho Hội Anh Em Dân Chủ.

Bây giờ những người như nhà báo Trương Minh Đức, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc… vẫn đang ở trong tù, trong đó có người sức khỏe nguy kịch, bị nhiều bệnh nguy hiểm như Mục Sư Tôn nhưng trại giam từ chối điều trị y tế… Hoặc nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch (tác giả hồi ký nổi tiếng “Hố chôn người ám ảnh,” tố cáo tội ác kinh hoàng của quân đội Việt cộng trong trận đánh tại Tân Lập cuối Tháng Tư 1975, khi đó tác giả là bộ đội Bắc Việt), bước chân vào tù khi đã 69 tuổi – và đây là bản án tù lần thứ ba của ông, không hiểu ông có chịu đựng nổi 12 năm tù lần này?

Cũng như hầu hết những thành viên Hội Anh Em Dân Chủ, anh Phạm Văn Trội sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong chế độ do đảng CS lãnh đạo. Lý lịch gia đình thuộc “thành phần cách mạng.” Bố anh trước đó là đảng viên đảng CS, đánh nhau với Pháp và bị bắt ra Côn đảo, nhưng năm 1982, cụ xin ra khỏi đảng, mẹ anh không phải là đảng viên đảng CS mà chỉ là thanh niên du kích, sau khi lập gia đình không tham gia sinh hoạt chính trị nữa. Bản thân anh Trội từng theo học chuyên ngành quản lý tại trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Anh Trội kể, khi còn là sinh viên, anh bị nhà trường nhồi nhét vào trong đầu rất nhiều thứ chủ nghĩa khác nhau, đặc biệt về chủ nghĩa Mác Lenin. Nhưng khi nghiên cứu, anh thấy chủ nghĩa này không thực tiễn trong cuộc sống và bắt đầu tranh luận, phản biện, cho rằng Việt Nam áp dụng chủ nghĩa này thì đất nước sẽ dừng lại không phát triển và nhân dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là không khích lệ con người ta tham gia vào các hoạt động trong xã hội để thúc đẩy xã hội, thúc đẩy quốc gia.

Đó là lý do chính mà anh nghĩ là cần phải thay đổi sang một mô hình chính trị khác, mang một hệ tư tưởng khác để người dân Việt Nam và quốc gia Việt Nam cất cánh bay cao, bay xa hơn. Quá trình tự nhận thức trở lại của anh bắt đầu là thế, chứ hoàn toàn không phải vì gia đình thuộc loại “phản động,” “có nợ máu với nhân dân” gì cả. Anh viết rất nhiều bài về biển Đông, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, về vấn đề phải thoát Trung … cho tới khi bị bắt lần thứ nhất.

Khi được hỏi anh lên tiếng, phản biện thì gia đình họ hàng phản ứng như thế nào, anh Trội cho biết: “Trong gia đình tôi có nhiều người có tri thức cho nên về cơ bản mọi người ủng hộ, nhưng bên cạnh đó mọi người rất sợ tôi bị bắt đi tù và sẽ có cuộc sống khổ sở, nên khuyên can chứ không ngăn cấm, khuyên vì sợ tôi đi tù chứ không khuyên tôi từ bỏ con đường này.”

Anh nói thêm: “Tôi chỉ nhắc lại câu nói của Mao Trạch Đông là chính quyền cộng sản ra đời từ họng súng, ở Việt Nam từ năm 1945 vẫn nói là họ đi cướp chính quyền của Trần Trọng Kim chứ không phải là được Trần Trọng Kim bàn giao chính quyền, và họ duy trì cái chính quyền ăn cướp cho đến ngày hôm nay chưa một lần hỏi ý kiến nhân dân để xem cái mô hình đó có phù hợp hay không, nhân dân có đồng tình ủng hộ hay không.”

Cuộc sống trong ngục tù cộng sản

Lần thi hành án thứ nhất, anh Trội bị đưa về trại Nam Hà, tỉnh Hà Nam. Cuộc sống tù đày dưới chế độ CS đã tồi tệ, nhưng đối với tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị càng tồi tệ hơn gấp bội, nhất là những khi bị “kỷ luật.” Trong thời gian ở đây có những lần anh cùng các tù nhân lương tâm khác đấu tranh đòi một số quyền căn bản của tù nhân, và bị kỷ luật. Trại giam bắt anh và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, người cũng lên tiếng đấu tranh, dẫn đi giam riêng trong những cái buồng rất hà khắc. Buồng giam khoảng 8 m có hai bệ nằm và lối đi là hết, không cửa sổ, không nhà vệ sinh, không bể nước, không đèn điện, cả ngày cứ tối thui. Tù nhân đi vệ sinh vào cái bô và đổ nước vào đó. Một ngày được ra hai lần đi lấy cơm, uống nước và đi đổ bô, xách xô nước vào. Cứ thế trong vòng hơn sáu tháng.

Trong thời gian bị kỷ luật thì như thế, còn hết thời gian kỷ luật thì lại ra sống chung, làm việc chung với mọi người. Khu chính trị thì đan lát, đan những sản phẩm mây tre để xuất đi châu Âu. Đây là một hình thức “bóc lột sức lao động của tù nhân” vì buộc họ phải làm việc mà không được trả tiền công.

Khi giam chung, các trại thường chia thành hai nhóm tù nhân, tù hình sự giam chung rất đông, 70 – 80 người một buồng. Án chính trị, họ tách nhỏ ra cứ bốn người một buồng khoảng 12 mét vuông, còn lại là lối đi, một nhà vệ sinh nhỏ và một bể nước. Nhà vệ sinh không có cửa, không che đậy, khi một người đi vệ sinh thì ba người còn lại ngồi…ngửi.

Anh Trội cho biết, nhà cầm quyền thường làm nhà tù sát núi, vì vậy mùa hè thường rất nóng, còn mùa đông rất lạnh. Thứ hai, nhà tù thường nằm trên các nghĩa địa đã được giải tỏa.

Ăn uống theo tiêu chuẩn có cơm, thịt, cá, rau, đường, nước mắm. Còn mì chính và muối trại giữ lại để nấu nướng. Nhưng chất lượng thịt cá, nấu nướng theo xuất ăn của trại rất tệ nên anh thường chỉ lấy cơm, còn lại gia đình phải gửi tiền vào để anh đặt mua thêm thức ăn.

Mỗi tháng gia đình được đi thăm một lần, mỗi lần một tiếng đồng hồ. Còn điện thoại mỗi tháng một lần, mỗi lần 10 phút. Trước mỗi lần thăm gặp, cả tù nhân lẫn người nhà đều được nhắc nhở chỉ được nói chuyện hỏi han gia đình, sức khỏe, tình cảm họ hàng. Tù nhân và người nhà ngồi từng dãy, nhìn thấy nhau qua màn kính ngăn và gọi nói chuyện qua phone, công an ngồi sát bên cạnh nghe, ghi âm toàn bộ những cuộc nói chuyện đó.

Anh Trội nhận xét, qua hai lần bị tù, lần thứ hai anh thấy điều kiện sống tệ hơn trước. Thức ăn tồi hơn, nhưng đặc biệt là tù nhân chính trị bị quản lý chặt chẽ hơn, khắc nghiệt hơn. Anh kể: “Lần thứ nhất tôi được mang đàn guitar vào chơi, được mang sách vào đọc sách, được chơi cờ tướng ở trong buồng giam và được mua thức ăn tươi để tự nấu ăn, được nhận sách, bút, tất cả các loại, rất nhiều. Có những người có cả cái hòm to đựng sách, bút để viết, học tập. Nhưng bây giờ điều đó không có nữa. Sách bút trại giam quản lý, sách của gia đình gửi đến trại cũng quản lý, muốn lấy về đọc thì phải đăng ký mà họ chỉ cho phép lấy mỗi lần hai quyển, giấy chỉ cho một tờ giấy học sinh bốn trang. Bút, họ cũng giữ và đưa cho một cây, viết xong phải đưa lại tờ giấy và bút cho họ quản lý…

Lần thứ hai anh Trội vẫn bị giam ở Nam Hà. Anh cho biết, Nam Hà là nơi ngày xưa giam giữ toàn bộ lính VNCH, và các tu sĩ. Họ có truyền thống giam tù chính trị và có kinh nghiệm đàn áp tù chính trị.

Trong thời gian ở tù, anh không được giam chung với các anh em cùng một hội, nhưng lại sống chung với khá nhiều tù nhân chính trị là người các dân tộc bản địa ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Những tù nhân thuộc các sắc dân bản địa ở Tây Nguyên chủ yếu bị giam sau những cuộc biểu tình lớn vào những năm 2001, 2004 và sau này, từ vụ xả súng ở Tây Nguyên Tháng Sáu 2023. Đa số đều chịu những bản án nặng nề, có người tới 20 năm.

Trở về ‘nhà tù lớn’

Ra khỏi “nhà tù nhỏ” trở về “nhà tù lớn,” cũng như nhiều tù nhân chính trị bị giam lâu ngày khác, anh Trội gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, đau vai gáy, đau cột sống, đau dây thần kinh, huyết áp tụt, mắt thì mờ. Trong thời gian bị tù anh cũng từng bị đau nặng vài lần, có thời gian bị sỏi thận phải đi cấp cứu… Vì vậy ưu tiên trước mắt của anh là “phục hồi sức khỏe, sau đó phải dành thời gian để tìm hiểu lại, nghiên cứu, sắp xếp lại mọi việc.”

Anh cho biết, chưa có ý định rời nước ra đi, vì “khi phải rời bỏ quê hương ra đi thì rất đau lòng, tôi nghĩ rằng tâm trạng của người nào xa quê cũng đều thế cả, trong trường hợp bất khả kháng mới phải đi. Thực ra lúc này tình hình ở Việt Nam rất khắc nghiệt, nhưng còn chịu được, tôi ở lại, khi nào không chịu được, tôi cũng phải xin ra đi vậy.”

Trong suốt những năm anh đi tù, kinh tế gia đình trông vào người vợ đi làm cho một công ty nhỏ, lương cũng chỉ đủ sống, không có tích lũy, cộng thêm anh chị em trong gia đình giúp đỡ, thỉnh thoảng bạn bè cũng giúp một chút. May mắn là vợ con anh đều hiểu việc anh làm và không một lời phàn nàn, trách móc. Hai con của anh, con trai lớn năm nay 23 tuổi, sang năm lên năm thứ năm đại học Bách Khoa, con gái út 18 tuổi, năm nay bắt đầu vào đại học, cũng đại học Bách Khoa Hà Nội.

Khi được hỏi “Có bao giờ anh tiếc đã mất 11, 12 năm cuộc đời vì đã lên tiếng không?”, anh Trội trả lời: “Tôi thực sự không tiếc, có thể vì sinh mạng mình nó gắn với công việc này.”

Nghĩ về tương lai của Việt Nam và phong trào dân chủ, anh cho biết: “Cá nhân tôi chưa bao giờ hết hy vọng, tôi luôn luôn hy vọng và tin tưởng ở thế hệ trẻ của Việt Nam. Những người cộng sản gộc từng chống Pháp thì bây giờ chết hết rồi, những người chống Mỹ cũng chỉ còn 10, 20 năm nữa là ra đi hết và thế hệ 7X, 8X và 9X sẽ là chủ nhân của quốc gia, họ hội nhập vào thế giới nhờ học hành ở nước ngoài, nhờ vào internet khai sáng. Và xu hướng dân chủ hóa toàn cầu là không thể đảo ngược. Vấn đề là sớm hay muộn ở Việt Nam thôi… Tôi vẫn tin tưởng thế hệ trẻ ở Việt Nam có đủ khả năng để quyết đoán cho vận mệnh dân tộc, tương lai của chính họ. Thời của chúng ta về trước là cái thời còn chìm đắm trong cơn mê chiến thắng, trong chủ nghĩa Mác Lênin không tưởng ấy, thế hệ trẻ họ sẽ khác. Sẽ phải thay đổi. Sẽ phải dân chủ hóa.”

Nhiều người bi quan cho rằng phong trào dân chủ ở Việt Nam mấy năm gần đây xem như đã tắt, đã chết, nhưng theo anh Trội, khi tiếp xúc với các anh chị em, cả người cũ, người mới quen, anh nhận thấy họ thay đổi phương thức, và thay đổi phương pháp chứ họ không “chết,” họ không bị “tắt.” “Những người hoạt động trong lĩnh vực này ngấm trong máu rồi, bây giờ nhà cai trị họ gia tăng đàn áp bắt bớ thì những người hoạt động tạm thời thay cách này bằng cách khác để bảo tồn, để tiếp tục mở rộng… Có nghĩa là ngọn lửa này không tắt mà lại trở thành cháy âm ỉ bên trong, khi có cơ hội thì nó lại bùng cháy mạnh hơn,” anh nói.

nh Phạm Văn Trội (phải) và ông Trịnh Bá Khiêm. Gia đình ông Trịnh Bá Khiêm là một gia đình nông dân-dân oan-tù nhân lương tâm nổi tiếng: Bốn người với sáu bản án tù, tổng cộng hơn 30 năm, trong đó ba người hiện vẫn đang thụ án tù là vợ ông – bà Cấn Thị Thêu, hai người con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư. (Hình: SC)

Người bất đồng chính kiến chỉ có hai con đường: vào tù hoặc phải sống lưu vong

Tình trạng tù nhân chính trị ở Việt Nam từ nhiều năm nay là người này ra thì người kia vào tù, người này xong án thì người khác bị kết án. Ngày 15 Tháng Tám vừa qua nhà cầm quyền Việt Nam lại kết án nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến có biệt danh Anh Chí, một thành viên sáng lập của phong trào No-U phản đối đường “lưỡi bò” và từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào đầu những năm 2010 và các cuộc biểu tình ủng hộ môi trường vào giữa những năm 2010. Anh Nguyễn Chí Tuyến sử dụng YouTube, Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội khác để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Anh bị bắt ngày 29 Tháng Hai 2024 và vừa bị kết án 5 năm tù, cũng về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự.

Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến. (Hình: FB Nguyễn Chí Tuyến)

Trên mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ lại những câu nói của anh. Chẳng hạn như câu anh Tuyến nói với Luật Sư Lê Đình Việt trước ngày ra toà: “Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn sự an toàn cho cá nhân mình nếu làm ngơ trước những vấn đề bất cập của xã hội. Nhưng là một công dân, tôi không thể không có trách nhiệm đối với đất nước mình.” Hoặc lời nói sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm do TAND thành phố Hà Nội xét xử, trong đó anh không nhận tội và khẳng định: “Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm việc tôi làm, nhưng tôi khẳng định mình không có ý đồ chống phá gì. Tôi làm vì hai chữ tự do cho quyền chính đáng: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt.”

Anh Phạm Văn Trội viết trên Facebook:

“Đời không cát bụi, đời không sạch
“Thân bất lao tù, chí bất cao
“Tù không có gì phải sợ, chỉ sợ trong cuộc dạo chơi cõi nhân gian này không làm được gì cống hiến cho nhân thế.
“Không ai muốn sống trong tù (dù chỉ một ngày) nhưng nếu cần cho một đất nước hồi sinh và thịnh vượng thì tù cả đời cũng không đáng sợ…”

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có vợ là nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị nhà nước cộng sản bắt giam từ Tháng Tư 2021 với cáo buộc có hành vi “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXNCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, và vẫn chưa được đưa ra xét xử, viết:

“Đất sống cho những người bất đồng chính kiến.
“Chỉ vào tù hay ra hải ngoại thôi ư?”

Phải. Đất sống cho những người bất đồng chính kiến dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cầm quyền là vậy. Nhưng những con người dũng cảm vẫn tiếp tục đứng lên, bắt người này thì lại có người khác…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: