Blackpink, đường lưỡi bò: Bụng làm dạ chịu

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 tại Hà Nội (ảnh: Chau Doan/LightRocket via Getty Images)

Hơn hai tuần, câu chuyện đường lưỡi bò mà Trung quốc tạo ra trên những sinh hoạt giải trí đang làm cho cộng đồng mạng nóng lên. Vừa bực dọc vừa tức tối khi nghĩ rằng việc mang “đường lưỡi bò” vào các chương trình biểu diễn, trình chiếu tại Việt Nam là âm mưu sâu độc của Bắc Kinh đang được không ít người công khai bênh vực, hay chống đối bằng nhiều lý do, trong đó có cả việc chứng minh rằng dù có chống thì với sức vóc và tài nguyên của Bắc Kinh cũng không thể bị tẩy chay, cô lập. Có ý kiến cho rằng càng chống thì việc minh bạch hóa hồ sơ đường lưỡi bò càng khiến quốc tế chú ý và lâu dần cái đường cướp cạn này sẽ tự động hợp pháp hóa đối với quốc tế.

Bên cạnh việc chống đường lưỡi bò có không ít tiếng thở dài cho tuổi trẻ Việt Nam, lớp người mà đất nước mong đợi nhất trước ý thức của họ về vấn đề nghiêm trọng chủ quyền đất nước. Đặc biệt, sau khi có tin chỉ trong vòng vài giờ mở cửa bán vé cho show diễn Blackpink, hàng trăm ngàn vé vào cửa Mỹ Đình đã bán sạch và còn hàng chục ngàn bạn trẻ khác đang mong ngóng mua vé chợ đen để vào xem cho bằng được bốn idol của họ đến từ Hàn Quốc.

Người lớn hiểu chuyện về đường lưỡi bò đã ít thì làm gì có chỗ cho bạn trẻ biết sự thực về ý đồ của Trung Quốc đối với vùng biển mà họ áp đặt lên. Ý thức xa lánh với chính trị đã cách ly người dân với lịch sử đất nước, nhất là lịch sử rất gần trong thời đại ngày nay khi mà công cuộc truyền bá sự thật lịch sử bị đóng chai trong nỗ lực cách ly người dân với biên giới phía Bắc và biển Đông của chính phủ.

Ngày 6 Tháng Tám 2019, một số nhà hoạt động tại Hà Nội đến trước ĐSQ Trung Quốc biểu tình phản đối việc Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam. Người thứ hai từ trái sang – bà Nguyễn Thúy Hạnh – hiện bị tù kể từ khi bị bắt ngày 7 Tháng Tư 2021 với tội danh “chống phá, kích động” (ảnh: MXH)

Trong tư duy của người trẻ hôm nay với độ tuổi từ 16 tới 20 làm gì có hình ảnh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, vì lúc ấy họ chưa được sinh ra và thấm được tiếng nổ bộc phá, tiếng kêu cứu, tiếng súng nổ xé trời. Họ chưa bao giờ nghe được bài giảng nào trong lớp học về cuộc chiến do Bắc quân phát động để dạy cho Việt Nam một bài học. Cuộc chiến đã giết chết hơn 60 ngàn dân quân Việt Nam và để lại dư chấn cho cả trăm năm sau đối với những người viết sử.

Lý do làm cho người trẻ mù thông tin vì nhà nước gạch chéo mọi bài học về cuộc chiến này. Trong sách giáo khoa mà người trẻ hôm nay được nhồi nhét chỉ vỏn vẹn vài dòng nói về cuộc chiến ấy một cách đơn giản, mọi con số đều bị bôi trắng và dĩ nhiên từ năm 1990, sau Hội nghị Thành Đô đến nay không một đề tài nào về cuộc chiến ấy xuất hiện trong các bài thi lịch sử cho học sinh trung học.

Nỗ lực tẩy xóa mọi vết tích chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam cho tới ngày nay vẫn còn sờ sờ ra đó trên mọi hồ sơ công khai của chính phủ. Bù vào đấy là những uyển ngữ ca tụng tình cảm đồng chí hai bên, như những nhát kéo cắt nát lòng yêu nước của người dân trên khắp lãnh thổ này.

Ngược lại đối với những người biết rõ cuộc chiến ấy cùng hệ lụy mà Trung Quốc mang đến cho Việt Nam qua những lần hiếp đáp ngoài biển Đông thì lại bị chính người nhà mình bịt miệng không cho lên tiếng chống đối hay than van. Với câu thần chú “vì đại cục”, toàn bộ hệ thống chính trị đã bịt miệng nhân dân trong suốt bao nhiêu năm trời, cụ thể nhất là từ năm 2011 tới nay, khi những cuộc biểu tình chống Trung quốc nổ ra trên hai vùng đất nước.

Những ngày ấy, người trẻ hôm nay có người vẫn chưa được sinh ra để chứng kiến máu của người Việt Nam đã chảy ngay trên phần đất của mình lại bị chính lực lượng vũ trang của mình gây ra. Những ngày ấy, có người vừa bước chân vào lớp mầm và bắt đầu ê a những bài hát ca tụng núi liền núi sông liền sông, được cha mẹ vỗ về bằng cách bịt tai không cho nghe những gì đang xảy ra trên đường phố vì sợ con trẻ bị nhiễm cái không khí đấu tranh chống Trung Quốc.

Vậy mà ngày nay nhiều người lớn lại thở dài than thở vì lớp trẻ không hề ý thức được việc chúng làm.

Có điều người ta không hề thấy trên các cơ quan truyền thông báo chí dòng chính có một dòng chữ nào than phiền về thái độ của người trẻ trước việc dửng dưng với cái đường lưỡi bò khốn nạn kia. Báo chí chỉ loan tin, loan tin và loan tin như nước ngoài loan một tin tức giải trí đang xảy ra tại Hà Nội mà không có bất cứ một hành động tương ứng nào đối với âm mưu của Trung Quốc.

Bởi họ mở miệng sẽ mắc quai nên thà chịu cảnh ngậm bồ hòn làm ngọt. Hà Nội không thể chống lại Trung Quốc vì từ lâu đã bị khóa miệng bằng nhiều hình thức, từ mua chuộc, tới răn đe hăm dọa. Từ bao vây kinh tế đến cô lập chính trị đối với thế giới. Từ củ cà rốt kinh tế tới cây gậy quân sự… không một hành vi bẩn thỉu nào mà Bắc Kinh không dám làm. Kết quả là Hà Nội ngậm cục bồ hòn “đại cục” mà ú ớ khi bị Trung Quốc cầm chiếc roi “đường lưỡi bò” vỗ mông như bà mẹ dọa cấm cơm đối với đứa trẻ chỉ quen bú mớm.

Chính quyền và dân chúng như bụng với dạ, cả hai quá hiểu nhau đến nỗi mỗi lần bụng đói là dạ lại lo ngay ngáy vì sợ bị kéo ra làm vật tế thần. Mỗi lần cây gậy đường lưỡi bò được giơ lên thì không những chính quyền lo lắng mà người dân ý thức được những gì sẽ liên can đến mình. Chính bụng đã tự quyết định cách đối xử với bọn lưu manh phương Bắc nhưng lại đẩy người dân về phía trước, ở đây là những người trẻ tuổi vô tình, cầm chiếc vé xác định đường lưỡi bò trong tay mà cứ tưởng là hạnh phúc.

Bụng làm dạ chịu là vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: