Cần duy trì sự lên tiếng để cứu các tử tù oan

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng

Án oan không phải là câu chuyện cá biệt của Việt Nam. Ngay tại Mỹ, một trong những quốc gia có nền tư pháp độc lập, mạnh mẽ và hữu hiệu, chỉ cần đặt từ khóa “án oan” vào ô tìm kiếm trên Google đã có thể cho ra ngay không ít kết quả. Thậm chí có cả những vụ án oan mà trong đó người vô tội đã bị thi hành án tử hình trước khi được minh oan.

Nhưng ít nhất nền tư pháp Mỹ còn có “cơ chế” để minh oan và sự đền bù là xứng đáng. Tư pháp Việt Nam chưa làm được điều đó. Thậm chí, khi đề cập đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng, cựu Chánh án Tòa án Dân dân Tối cao, ông Nguyễn Văn Hiện, khi giữ chức vụ Trưởng ban Tư pháp Quốc hội, đã phát biểu như sau: “Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng hết đường kháng nghị”?! Theo đó, mặc nhiên thừa nhận nền tư pháp Việt Nam đã “cạn” “cơ chế” minh oan…

VAI TRÒ CHỦ TỊCH NƯỚC ĐỐI VỚI HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

Thượng tuần Tháng Tám 2023, tin tức thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng lan ra trên mạng xã hội đã gây nên sự quan tâm sâu sắc của công chúng, vì lẽ, trước đó, chính truyền thông chính thống trong nước từng rất nhiều lần đưa tin về khả năng oan sai đối với Nguyễn Văn Chưởng.

Ngay khi ấy, theo gương ký giả Nguyễn Đức, rất nhiều người đã nhắn tin trực tiếp đến số điện thoại di động được cho là của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để đề nghị ông cho hoãn thi hành án tử hình Nguyễn Văn Chưởng. Hầu như, chỉ có ký giả Nguyễn Đức và một vài người nhắn tin được hồi âm rằng ông Chủ tịch nước đã nhận tin nhắn. Còn lại các tin nhắn khác đều rơi vào im lặng cho đến tận những ngày cuối Tháng Tám 2023 này.

Một sự im lặng đáng sợ cho đến ngày 30 Tháng Tám 2023, truyền thông trong nước đưa tin Chủ tịch nước vừa ban hành quyết định ân xá cho 11 bị án. Từ án tử hình, họ được ân giảm thành án chung thân. Nhiều người chia sẻ thông tin này vội bày tỏ sự thất vọng vì danh sách 11 người được ân xá không có danh tính Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.

Thật ra, về phương diện pháp lý, Chủ tịch nước chỉ ban hành quyết định ân xá đối với những trường hợp có đơn xin ân xá mà thôi. Người bị tuyên án tử hình có thể làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình chuyển thành chung thân. Trong trường hợp này, Chủ tịch nước mới có thể ban hành quyết định ân xá. Nhưng trường hợp Nguyễn Văn Chưởng (hay Hồ Duy Hải) thì khác biệt. Chung cuộc thì cả hai đều không nhận tội và kêu oan. Nếu xin ân xá thì chẳng khác nào mặc nhiên thừa nhận mình có tội và xin ân giảm mức hình phạt?! Do đó, về phương diện pháp lý, cả hai trường hợp này, Nguyễn Văn Chưởng (hay Hồ Duy Hải) đều không thuộc thẩm quyền ân xá hình phạt của Chủ tịch nước.

Việc ký giả Nguyễn Đức và cả tôi đều từng nhắc đến Chủ tịch nước trong việc có thể “cứu” Nguyễn Văn Chưởng là không phải căn cứ vào những quy định của pháp luật, mà căn cứ vào tiền lệ và vai trò cũng như vị thế quyền lực chính trị của ông ấy. Thật vậy, điều này hoàn toàn khả thi và từng có tiền lệ. Người tạo ra tiền lệ ấy là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong trường hợp vụ án Hồ Duy Hải.

Để “cứu” Hồ Duy Hải thoát chết một ngày ngay trước khi bản án tử hình được thi hành, ông Trương Tấn Sang đã sử dụng vai trò, vị thế quyền lực chính trị của mình để “ra lệnh” hoãn thi hành án, chứ ông ấy không làm theo bất kỳ quy định pháp luật nào cả. Nhưng tiếc rằng ông ấy chỉ “cứu” Hồ Duy Hải với mức độ thoát chết lúc ấy mà thôi. Ông ấy đã không làm gì thêm để có thể trả tự do cho Hồ Duy Hải trở về với cuộc sống bình thường.

Do vậy, khi công chúng gởi tin nhắn đến điện thoại di động của ông Võ Văn Thưởng, thì chúng ta phải hiểu đó là động thái mong ông ấy sử dụng vai trò, vị thế quyền lực của chủ tịch nước để cứu một người tù oan khiên, như người tiền nhiệm của ông ấy, chứ không phải căn cứ theo quy định pháp luật. Và đó cũng là cách mà luật pháp Việt Nam đang vận hành và cũng là cách mà số phận con người trong xứ sở này được định đoạt!

NGUYỄN VĂN CHƯỞNG OAN NHƯ THẾ NÀO?

Oan có thể hiểu theo nhiều nội dung. Oan về tội danh, hoặc oan về hình phạt. Oan về tội danh là trường hợp truy tố oan một người vô tội. Rằng có tội ác đã xảy ra nhưng kẻ thủ ác lẽ ra phải chịu trách nhiệm thì đã cao chạy xa bay sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, người bị truy tố, bị bắt giam, bị xét xử, bị chịu hình phạt… không phải là kẻ thủ ác, không liên quan gì đến tội ác đã xảy ra cả;

Hoặc oan về hình phạt. Đó là trường hợp truy tố một người đúng tội, nhưng hình phạt tuyên xử không đúng. Rằng người bị truy tố có tham gia vào tội ác, nhưng mức độ phạm tội, vai trò, hành vi… không nặng nề, không tương xứng với mức độ hình phạt tuyên án.

Thế thì Nguyễn Văn Chưởng rơi vào trường hợp nào?

Gần đây nhất, đồng nghiệp của chúng tôi đã về đến tận tỉnh Hải Dương, nơi Nguyễn Văn Chưởng được cho là có mặt vào buổi tối xảy ra vụ án mạng chết người mà vụ án mạng lại xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Phòng.

Tại Hải Dương, ít nhất 10 người sẵn sàng làm nhân chứng về việc có thấy, có tiếp xúc với Nguyễn Văn Chưởng. Họ nhớ Chưởng vì liên quan đến một sự kiện gì đó tại địa phương, hoặc sự kiện có mốc thời điểm được ghi nhận lại trong quá trình nhìn thấy, tiếp xúc với Chưởng. Như:

– Chưởng ăn mít tại tư gia của một phụ nữ tên Nhiễu và bị trêu ghẹo;

– Chưởng đến tư gia một người đàn ông khác tên Tuất. Khi đến, Chưởng được mời ăn dưa hấu;

– Chưởng ra chơi tại sân thiếu nhi (đối diện tư gia ông Tuất), có trêu đùa trẻ con và bị anh Chung là người địa phương nhắc nhở;

– Chưởng ra đường gặp người tên Mến và được Mến mời về nhà chơi…

Tất cả cho thấy Nguyễn Văn Chưởng có bằng chứng ngoại phạm một cách vững chắc vào đêm xảy ra án mạng. Hơn nữa, sự ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng còn cho thấy Chưởng ở cách nơi xảy ra án mạng đến hơn 30km.

Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hải Phòng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ; chẳng hạn bắt giữ, khởi tố, xét xử và tuyên hình phạt tù giam em trai của Nguyễn Văn Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn, khi Đoàn khai về chứng cứ ngoại phạm của Chưởng. Song song đó, cơ quan điều tra còn buộc các nhân chứng khác thay đổi hàng loạt lời khai để phủ nhận tình trạng ngoại phạm của Chưởng.

Như thế, vụ án tuyên xử tử hình Nguyễn Văn Chưởng là một vụ án oan điển hình với mức độ nghiêm trọng. Trong trường hợp các cơ quan tư pháp từ chối minh oan cho Nguyễn Văn Chưởng thì công chúng cần phải phản ứng bằng cách lên tiếng trên mọi diễn đàn xã hội, kể cả nhắn tin cho ông Chủ tịch nước, đều là những việc làm hết sức chính đáng và cần thiết.

CÔNG CHÚNG CÓ THỂ LÀM GÌ?

Việc xã hội lên tiếng rầm rộ trong 5, 10 ngày rồi im bặt rất có thể đã khiến các cơ quan tư pháp ở Hải Phòng nghĩ rằng công chúng không còn quan tâm đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng nữa. Khi ấy, rất có thể bản án tử hình sẽ bị các cơ quan tư pháp lặng lẽ mang ra thi hành.

Cho nên, nếu muốn cứu Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hoặc những tử tù oan khiên khác, công chúng cần thiết phải duy trì sự lên tiếng thường xuyên, mạnh mẽ, rộng khắp về các vụ án oan, về Nguyễn Văn Chưởng hoặc Hồ Duy Hải. Điều đó sẽ gởi đi một thông điệp không gì rõ ràng hơn: Tử hình Nguyễn Văn Chưởng, tử hình Hồ Duy Hải sẽ không khác gì là bản án tử hình đối với chế độ. Vì trái với nguyện vọng của công chúng thì chế độ nào có thể tồn tại?

Washington DC, những ngày đầy ân sủng thương nhớ quê hương

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: