Trải qua đại dịch Covid-19 của năm 2020 và 2021, những lời hứa hẹn của chính quyền về chuyện sẽ hỗ trợ người dân khó khăn, luôn được báo chí truyền hình nhắc tới. Thế nhưng sự thật là cho đến hôm nay, gần một năm sau khi chấm dứt phong tỏa, chính quyền thú nhận rằng có hơn một triệu người vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Báo cáo từ Sở Lao Động – Thương Binh Xã Hội (LĐ-TB-XH) của TP.HCM gửi cho Ủy ban MTTQ vào ngày 12 Tháng Mười, nội dung trong đó thú nhận rằng nhiều chính sách an sinh, hỗ trợ Covid-19 của Hà Nội ban hành, và của riêng TP.HCM cho người dân ở thành phố từ năm 2021, đến nay vẫn chưa hoàn thành, trong đó, có gói hỗ trợ Covid-19 đợt 3.
Gói hỗ trợ đợt 3 được phê duyệt tại Nghị quyết 97 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM vào Tháng Chín 2021, dự kiến hỗ trợ đối với hơn 7.4 triệu người khó khăn (1 triệu đồng/người) thuộc 5 nhóm gồm thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn và người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người phụ thuộc trong hộ nghèo; người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn; người phụ thuộc trong gia đình lao động; người lưu trú trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu dân cư nghèo.
Thế nhưng, theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính đến nay, TP.HCM mới chi hỗ trợ cho hơn 6.4 triệu người, đạt tỷ lệ 87%; tức vẫn còn gần 1 triệu người thuộc diện thụ hưởng chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Lý do của việc không hỗ trợ đầy đủ, được nói là do không có tiền. Ngoài ra, Sở này còn nại việc có bất cập do nhiều địa phương chưa quản lý đúng hộ dân và nhân khẩu trong khu vực, khiến phải hoãn lại để kiểm tra.
Sở Tài chính TP.HCM cũng xác nhận chịu nhiều áp lực vì tuyên bố khống của các lãnh đạo, trong khi ngân khố không có tiền. Trong khi đó, giữa tình hình dịch bùng phát, lại có thêm các nhiệm vụ phát sinh ngoài dự toán.
Tại buổi giám sát ngày 25 Tháng Ba, đại diện Sở Tài chính cho hay theo tổng hợp, 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã chi hơn 10,600 tỷ đồng cho phòng ngừa dịch Covid-19 và các gói hỗ trợ, chiếm hơn 45% so với tổng chi thường xuyên của ngân sách trong năm 2021. Đại diện Sở nói ngành tài chính cũng như mọi nơi khác của quận huyện đã phải “gồng mình thực hiện các nội dung đó”.
Việc thiếu hụt ngân sách và không chi trả cho tất cả những người dân cần phải được hỗ trợ trong đại dịch là chuyện có thật. Nhưng đến lúc này thì chính quyền mới bắt đầu công nhận một cách muộn màng. Trong khi đó, rất nhiều người phản ứng vì chuyện không nhận được tiền hỗ trợ trong đại dịch đã bị khởi tố, bị bắt và ở tù.
Báo cáo chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật vào Tháng Mười 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam – ông Tô Lâm cho rằng, tình trạng các vụ việc chống người thi hành công vụ nhất là lực lượng công an giữa đại dịch Covid-19 đã gia tăng trong năm 2021. Cụ thể theo báo cáo, các vụ việc chống lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 chiếm gần 23% số vụ chống người thi hành công vụ, số vụ chống lại lực lượng công an chiếm gần 70%, làm chín người chết, 204 người bị thương.