Chính quyền Việt Nam vẫn lấp liếm về Luật Biểu tình

Cuộc biểu tình chống Formosa tại Sài Gòn ngày 8 Tháng Năm 2016 (sau đó chính quyền đàn áp cực kỳ tàn bạo) (ảnh: Cao Nguyễn)

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ngày 6 Tháng Chín 2023 cho biết, trong chương trình lập pháp Tháng Mười Một 2021, thể theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Quốc hội đã cho loại bỏ Luật Biểu tình và Luật về Hội ra khỏi chương trình lập pháp nói trên.

Điều này cho thấy, tuy Hiến pháp quy định rằng Quốc hội là cơ quan nắm giữ quyền lực Nhà nước cao nhất và nắm giữ quyền lập pháp, nhưng thực chất Bộ Chính trị mới là thực thể mang tính cách quyết định. Quốc hội, Chính phủ hoặc Tòa án chỉ là những con rối trên sân khấu chính trị Việt Nam. Bên cạnh đó, sự trì hoãn các đạo luật liên quan đến biểu tình (và lập hội) còn cho thấy sự kém cỏi bản lĩnh chính trị như thế nào của chế độ so với lịch sử và kể cả “đàn em” lân bang.

BIỂU TÌNH TRONG LỊCH SỬ & TRONG QUÁ TRÌNH LẬP PHÁP

Những năm đầu thế kỷ 20, người dân đã biểu tình để chống lại nạn sưu cao thuế nặng. Lịch sử gọi đây là sự kiện Trung Kỳ Dân Biến. Lúc đó, năm 1908, người dân đã dùng biểu tình như là một phương pháp biểu thị quan điểm chung để tán thành hoặc phản đối về một vấn đề xã hội trong quan hệ với chính quyền, cho dù xứ sở còn chìm đắm trong thân phận nô lệ dưới ách cai trị của Pháp.

Sau “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” vào năm 1945 của vua Bảo Đại, kế thừa sau đó là chính thể cộng hòa ở cả hai miền: Miền Bắc năm 1945 và miền Nam năm 1954 đều minh thị biểu tình là một quyền tự do hiến định, được ghi nhận long trọng trong những văn bản lập hiến hay tu chính Hiến Pháp quốc gia.

Trong giai đoạn lịch sử từ năm 1954 đến 1975, khi xứ sở bị chia cắt thành hai miền tại vĩ tuyến 17, thì ở miền Bắc không ghi nhận có cuộc biểu tình nào. Trái lại, ở miền Nam, quyền tự do biểu tình được dân chúng thường xuyên vận dụng. Thậm chí, hậu quả các cuộc biểu tình đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt chính trị xã hội miền Nam. Có thể kể như các phong trào biểu tình chống chính quyền, chống chiến tranh của các giới tăng lữ (Phật giáo xuống đường năm 1963), sinh viên, trí thức (phản chiến), giới báo chí (Ngày “Ký giả đi ăn mày” năm 1974)…

Sau năm 1975, Hiến pháp tu chính năm 2013 vẫn tái xác nhận quyền biểu tình tại điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Đơn giản, quyền biểu tình là biểu hiện sự tự do tư tưởng, tự do biểu đạt quan điểm. Đó là một quyền tự do mang tính phổ quát trên thế giới được luật hóa kể từ năm 1948, thời điểm thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam từng là thành viên ký kết và có nghĩa vụ tuân thủ.

Nhiều năm gần đây, trước các biến động chính trị xã hội, liên quan việc thực thi chính sách thu hồi đất đai thiếu công bằng, tệ nạn tham nhũng, cửa quyền tràn lan, hoặc hành vi ngang nhiên xâm lược biển đảo quốc gia của chính quyền Trung Quốc… đã thúc đẩy công dân xuống đường biểu tình. Điều đó cho thấy, biểu tình là một nhu cầu chính đáng của công dân. Hiến pháp Việt Nam quy định quyền tự do biểu tình chỉ mang tính cách thừa nhận quyền này của công dân mà thôi, chứ không mang ý nghĩa ban phát các quyền này cho công dân.

Tham chiếu theo Hiến pháp, công dân đã có thể tự do biểu tình mà không cần chờ đến khi có Luật Biểu tình. Nếu biện minh cho rằng chưa có các đạo luật hướng dẫn thì công dân chưa có quyền thực hiện quyền này là vô hình trung phủ nhận giá trị hiệu lực của Hiến pháp, phủ nhận các quyền tự do căn bản của công dân. Chưa kể rằng, về phương diện pháp lý, quyền tự do biểu tình của công dân có hiệu lực từ thời điểm Hiến pháp có hiệu lực chứ không phải từ thời điểm Luật biểu tình ban hành có hiệu lực.

Theo đó, tất cả các cuộc biểu tình đều thực hiện trong bối cảnh Hiến pháp đã quy định biểu tình là quyền của công dân. Thế nên, hành vi biểu tình nếu không gây bạo động, không vi phạm quy định pháp luật gì khác thì đều là hành vi hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến được Hiến pháp thừa nhận và bảo vệ.

Cho nên, biện minh cho rằng trong bối cảnh chưa có Luật Biểu Tình nên hành vi biểu tình là bất hợp pháp đều là biện minh vi hiến. Vì lẽ, nó trái với Hiến pháp hiện hành. Hơn nữa, cũng do chưa có Luật Biểu tình, thì căn cứ vào đâu để đánh giá, quy kết về một cuộc biểu tình là hợp pháp hay không?

VIỆT NAM ĐÃ CÓ LUẬT BIỂU TÌNH

Cách lập luận cho rằng trong bối cảnh chưa có Luật Biểu Tình, nên hành vi biểu tình là bất hợp pháp vẫn rất phổ biến qua sự biện minh của các nhân viên công lực. Nếu không kể đến sự vi hiến thì cách lập luận này vẫn sai. Bởi lẽ, thật ra thì chính chế độ cộng sản Việt Nam đã có luật biểu tình từ rất sớm cùng với sự thành lập nền cộng hòa vào giữa thập niên 1940. Thậm chí, cho đến nay thì luật biểu tình ấy vẫn còn nguyên hiệu lực thi hành. Chỉ là không ai còn nhớ đến nó hoặc tin rằng nó đã không còn hiệu lực!

Thật vậy, vào ngày 13 Tháng Chín 1945, chỉ 11 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, với tư cách chủ tịch nước, ông Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 31 quy định về thể thức tổ chức các cuộc biểu tình [*]. Nội dung của Sắc lệnh rất ngắn gọn, chỉ vọn vẹn hai điều, chưa tới 150 từ. Nguyên văn Sắc lệnh như sau:

SẮC LỆNH CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa;

Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, để tránh những sự bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;

Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ nhất: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Ủy ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.

Điều thứ hai: Ông Bộ trưởng Nội vụ và Ủy ban nhân dân Bắc Trung Nam chịu ủy nhiệm thi hành sắc lệnh này.

___________

Đến nay, Sắc lệnh 31 vẫn chưa từng bị minh thị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành. Đồng thời, về nội dung thì Sắc lệnh 31 hiện nay vẫn phù hợp nguyên vẹn với quy định tại điều 25 của bản Hiến pháp vừa tu chính vào năm 2013, trong đó, tiếp tục khẳng định biểu tình là một quyền hiến định của công dân.

Như thế, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể chiếu theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật (điều 81), thì theo nguyên tắc, Sắc lệnh 31 vẫn còn nguyên hiệu lực và cần được tiếp tục áp dụng trên toàn lãnh thổ cho đến khi Luật Biểu tình mới do Quốc hội ban hành, trong đó có điều khoản minh thị hủy bỏ Sắc lệnh 31.

Do vậy, về phương diện pháp lý, dù chính quyền hiện tại “quên”, hoặc không nhắc đến Sắc lệnh 31, hoặc tin rằng Sắc lệnh 31 đã không có hiệu lực thì điều đó vẫn không cản trở được hiệu lực pháp luật của Sắc lệnh này.

Thế nên, công dân có nhu cầu biểu tình để biểu đạt ý chí, quan điểm, lập trường về bất kỳ vấn đề hệ trọng nào của đất nước hay của địa phương nơi mình sinh sống, thì đều có thể áp dụng quy định “khai trình trước 24 giờ” theo Sắc lệnh 31.

Hiện nay, lực lượng ngăn cản, trấn áp biểu tình đang vận dụng Nghị định 38/2005/CP “quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng” của Chính Phủ ban hành để cho rằng việc biểu tình là vi phạm vào trật tự công cộng.

Không cần thiết đi sâu vào việc phân tích nội dung văn bản Nghị định 38/2005/CP, nhưng nếu nội dung văn bản này là cơ sở để cản trở quyền biểu tình của công dân, thì có thể khẳng định ngay là văn bản này vi hiến. Điều nực cười là Nghị định 38/2005/CP chà đạp chính cái Sắc lệnh 31 của ông Hồ. Theo thứ bậc quy phạm pháp luật, một nghị định được ban hành bởi chính phủ (vốn là cơ quan chấp hành pháp luật) thì không thể và không có quyền có hiệu lực pháp lý cao hơn văn bản Hiến pháp được ban hành bởi Quốc hội (vốn là cơ quan lập pháp và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất).

Nhìn sang chính quyền của quốc gia láng giềng Campuchia, có thể thấy họ ban hành Luật Biểu Tình từ năm 1991, tu chính năm 2008. Vị chi nền lập pháp của họ đã thừa bản lĩnh chính trị ban hành Luật Biểu Tình trước Việt Nam hơn ba thập niên. Thế mà nền lập pháp “đàn anh” Việt Nam vẫn như một đứa trẻ chập chững tập đi.

__________

[*] Phát hiện của tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung trong bài “Những văn bản pháp luật cấp tiến thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bị lãng quên” đăng trong Tạp Chí Luật Khoa ngày 2 Tháng Chín 2015.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: