Chính sách cây tre của CSVN sẽ thất bại trên biển Đông?

Tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Tướng Phan Văn Giang vẫn khẳng định chính sách cây tre trước sự hung hăng ngày tăng của Trung Quốc (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trung Quốc từ lâu đã được cho là triển khai chiến thuật “chia để trị” tại Biển Đông, tiếp cận riêng biệt từng quốc gia trong khu vực nhằm hiện thực hóa tham vọng cuối cùng là thống trị vùng biển chiến lược này. Đối mặt với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, Việt Nam và Philippines đã lựa chọn hai chiến thuật đối phó hoàn toàn trái ngược nhau.

Trung Quốc như cọp giấy với Philippines và đồng minh nhưng lại hổ gầm với Việt Nam

Philippines, dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., thể hiện lập trường cứng rắn và minh bạch, đối lập hoàn toàn với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte vốn được coi là thân Trung Quốc. Manila chủ trương công khai các vụ va chạm tàu và hành vi hung hăng của Trung Quốc trên trên Biển Đông, nhất là ở bãi cạn Sa Bin ở quần đảo Trường Sa, một điểm nóng tranh chấp mới nổi lên sau Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough. Đồng thời tích cực tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Không chỉ gia tăng áp lực trên biển, Trung Quốc còn tìm cách gây sức ép trên không. Trong tháng 8, máy bay Trung Quốc đã thực hiện những tác vụ nguy hiểm và thả pháo sáng trên đường bay của một máy bay tuần tra thuộc Không quân Philippines trên Bãi cạn Scarborough.

Philippines thậm chí đã chủ động công khai các video ghi lại những cuộc đụng độ này trên truyền thông trong nước và quốc tế. Mục đích của Manila là tạo sự ủng hộ quốc tế đối với việc bảo vệ chủ quyền của Philippines, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong nước về hành vi hung hăng của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.

Tổng thống Marcos Jr. cũng cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA), nâng tổng số lên 9 căn cứ. Philippines cũng tăng cường tuần tra chung với các đồng minh như Nhật Bản và Úc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, đồng thời kiên quyết bảo vệ quyền tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây – một hành động mà Trung Quốc liên tục phản đối.

Ngược lại, Việt Nam trong những năm gần đây chọn cách giải quyết vấn đề Biển Đông một cách kín đáo hơn. Hà Nội hạn chế công khai các sự cố trên biển và ưu tiên giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao kiểu “Cây Tre” khi thỉnh thoảng người phát Bộ Ngoại giao vẫn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khảo sát mà họ cho là trái phép hoặc sử dụng tàu mà họ cho là trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Phía Trung Quốc tuy không ngưng hoạt động của họ nhưng cũng không đẩy cao, và phía Việt Nam cũng cố gắng hết sức kiềm chế, không đưa vấn đề ra cộng đồng quốc tế để tránh làm vấn đề nóng lên.

Việt Nam cũng đã đẩy mạnh hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo ở Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa. Theo báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), chỉ trong năm 2024, Việt Nam đã tạo thêm 280 hecta đất mới trên 10 thực thể địa lý, nâng tổng diện tích bồi đắp lên 955 hecta, bằng khoảng một nửa so với Trung Quốc. Đây là bước tiến đáng kể so với 3 năm trước, khi diện tích bồi đắp của Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với Trung Quốc.

Mặc dù Việt Nam không mặn mà với việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhưng Hà Nội vẫn tăng cường hợp tác với Philippines. Điều này thể hiện qua việc hai nước đã tăng cường phối hợp trên biển trong thời gian gần đây, điển hình là cuộc diễn tập hàng hải chung trong tháng 8/2024 và các chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.

Chiến lược “Cây Tre” ở Biển Đông liệu có hiệu quả?

Nếu nói về việc giúp duy trì cân bằng hơn các quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, thì chiến lược “Cây Tre” của Hà Nội đang phát huy hiệu quả khi Bắc Kinh không đẩy cao các hoạt động gây hấn với Việt Nam nhưng cũng không ngừng bồi lấp, khai thác và xâm chiếm của họ trên Biển Đông. Nhưng nếu về bối cảnh bản chất của các hoạt động bồi đắp mà Việt Nam và Philippines đang thực hiện và tương lai lâu dài, thì Cộng Sản Việt Nam lại dường như càng đẩy mình vào ngõ cụt không thể tiến triển được ở Biển Đông.

Không có gì đảm bảo rằng chiến lược “cây tre” của Việt Nam có thể kiềm chế Trung Quốc một cách hiệu quả và giúp Hà Nội thoát khỏi chiến thuật “vùng xám” mà Bắc Kinh đang gia tăng trong những năm gần đây bằng cách sử dụng các lực lượng phi chính quy và các hoạt động gây hấn ở mức độ thấp để gây áp lực mà không dẫn đến xung đột vũ trang quy mô lớn.

Minh chứng cho nhận định này là Trung Quốc vẫn liên tục có những hoạt động đáng chú ý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 vào tháng 6 năm ngoái. Tháng trước, máy bay không người lái WZ-10 của Trung Quốc cũng đã bay gần bờ biển Việt Nam, lần lượt vào các ngày 2/8 và 7/8. Nhiều nhà quan sát theo dõi Biển Đông trong thời gian dài đã xác nhận rằng đây là lần đầu tiên một chuyến bay như vậy được Trung Quốc công khai.

Nếu xét về một tương lai xa hơn, chính sách quốc phòng “4 không” và không liên kết sẽ đem lại nhiều bất lợi cho Việt Nam hơn khi bỏ lỡ những cơ hội hợp tác chiến lược quan trọng. Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, việc không chọn bên có thể khiến Việt Nam mất đi những lợi thế mà mối quan hệ đồng minh có thể mang lại.

Ngoài ra, khi quay ngược về quá khứ, Việt Nam cũng đã từng chủ động công khai các video ghi lại những vụ việc xâm lấn và đụng độ với Trung Quốc  trên truyền thông trong nước  quốc tế như Philippines khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhưng điều này đã vô hình trung châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng với chính quyền Cộng Sản khi làn sóng phẫn nộ bùng nổ trong dư luận Việt Nam, dẫn đến các cuộc biểu tình vượt khỏi tầm kiểm soát, khiến nhiều nhà máy bị đập phá.

Đó cũng là một phần vì sao mà chính quyền Cộng sản Việt Nam dè dặt hơn trong việc công khai các vụ va chạm với Trung Quốc trên truyền thông. Họ lo sợ rằng việc lên tiếng mạnh mẽ sẽ châm ngòi cho làn sóng biểu tình chống Trung Quốc quy mô lớn, thậm chí là mồi lửa cho sự bùng lên của “cách mạng màu” sẽ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nỗi sợ hãi này càng gia tăng trong bối cảnh các cuộc đấu tranh “cách mạng màu” đang diễn ra ở nhiều nước lân cận như Bangladesh và Myanmar, đặc biệt là ở  Venezuela, nơi người dân đang đấu tranh lật đổ chế độ Cộng Sản độc tài Nicolas Maduro.

Hà Nội tự tước đi sức mạnh nội tại của đất nước

Sự dè dặt của Hà Nội trước các hành vi gây hấn của Bắc Kinh đã vô hình trung tước đi một vũ khí lợi hại trong tay Việt Nam. Việc không công khai lên án, không tận dụng sức mạnh của truyền thông và dư luận quốc tế đã khiến Việt Nam mất đi cơ hội để gây áp lực mạnh mẽ lên Trung Quốc, đồng thời hạn chế khả năng vận động sự ủng hộ quốc tế cho các yêu sách chính đáng của mình trên Biển Đông. Có thể nói, vì bảo vệ quyền lực của mình, chính quyền Hà Nội đã tự trói tay mình trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đối với Việt Nam,  chiến lược “mềm mỏng” hiện tại của Trung Quốc chỉ là tạm thời khi Bắc Kinh đang “để yên” cho Hà Nội trong tầm giám sát chặt chẽ để tập trung vào cuộc đối đầu với Philippines và các đồng minh phương Tây. Điều này không đồng nghĩa với việc Hà Nội đã giải quyết được vấn đề Biển Đông hay đạt được bất kỳ kết quả tích cực nào.

Khi Trung Quốc chuyển hướng tập trung trở lại, gia tăng các hoạt động gây hấn hoặc thậm chí chiếm đóng các thực thể mà Việt Nam đang bồi đắp như những gì đã xảy ra trong thập kỷ 2010, Hà Nội sẽ rơi vào thế bất lợi toàn diện, từ sức mạnh quân sự đến khả năng vận động sự ủng hộ quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu sử dụng truyền thông để công khai các vụ va chạm với Trung Quốc, Hà Nội có nguy cơ đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối trong nước, phê phán sự yếu kém và thiếu quyết đoán của chính quyền, thậm chí có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhưng nếu tiếp tục giữ im lặng, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và để mặc cho Trung Quốc lấn tới trên Biển Đông.

Vì thế, Chiến lược “Cây Tre” của Hà Nội chỉ mang tính chất tạm thời, giúp làm dịu tình hình căng thẳng chứ không mang lại hiệu quả thực sự hay tạo ra bước đột phá nào trong việc giành lại chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ tay Trung Quốc. Thậm chí, chiến lược này còn vô tình khiến Việt Nam tự trói buộc bản thân, không thể kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước vì lo ngại gây ra bất ổn chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Sẽ đến lúc Hà Nội buộc phải đưa ra lựa chọn mang tính bước ngoặt, có thể là xích lại gần hơn với Mỹ bằng cách tăng cường hợp tác quân sự, tiến hành tập trận chung hoặc phối hợp chặt chẽ hơn với Tuần duyên Mỹ trên Biển Đông. Đây là con đường vừa giúp Việt Nam đối phó hiệu quả hơn với Trung Quốc, vừa có thể tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ trong nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: