Kết thúc phiên phúc thẩm của tòa án Nghệ An chiều 13 Tháng Sáu 2023, cô giáo Lê Thị Dung (51 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) bị tuyên phạt 15 tháng tù, thay vì được trả tự do như đề nghị của sáu luật sư tình nguyện bào chữa miễn phí cho bà.
Vì bà Lê Thị Dung đã bị tạm giam từ ngày 28 Tháng Ba 2022 nên theo VTC News, bà còn phải ở tù 15 ngày nữa mới đủ 15 tháng tù, tính ra đến cuối Tháng Sáu 2023 bà mới được trả tự do.
So với bản án sơ thẩm ngày 24 Tháng Tư 2023 kết án bà Dung năm năm tù, bản án phúc thẩm giảm đến gần bốn năm, xem chừng có tiến bộ vì bị sức ép của dư luận, thế nhưng vẫn chưa đúng với mong muốn của các luật sư bào chữa miễn phí cho bà là phải hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án, trả tự do ngay cho bà Dung.
Chắc vì cũng “muối mặt”, bà chủ tịch Hội đồng xét xử là thẩm phán Hoàng Ngọc Anh biện minh rằng bản án phúc thẩm chỉ có 15 tháng tù vì xét thấy “số tiền bị cáo hưởng lợi là không lớn, hình phạt năm năm tù mà tòa sơ thẩm tuyên là quá nghiêm khắc”.
Mặt khác, bà Anh cho rằng “bị cáo đã thành khẩn khai báo, quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, gia đình có công trong tài trợ phòng chống COVID-19 tại địa phương, do đó có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ” (!?)
Với phán quyết trên, toà phúc thẩm cũng bác kháng nghị hủy án để điều tra lại của Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An. Theo Viện kiểm sát, ngoài nội dung liên quan số tiền thiệt hại, Viện Kiểm sát muốn điều tra lại để làm rõ quy chế chi tiêu nội bộ do bà Dung ký năm 2012-2017 có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực?
VnExpress dẫn lời luật sư Hoàng Thị Phương (một trong sáu luật sư bào chữa miễn phí cho bà Dung) cho rằng Trung tâm Giáo dục thường xuyên khác với trường trung học phổ thông; giám đốc Trung tâm cũng không phải hiệu trưởng của trường trung học phổ thông – nơi được cấp 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước mà Trung tâm hoạt động theo chế độ tài chính tự chủ, tự chi.
Với phân tích này, luật sư Phương nói Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 28/2009 của Bộ Giáo dục về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông. Và bà Phương nhấn mạnh: “Tòa cấp sơ thẩm vẫn cố tình “gọt chân cho vừa giày”, coi chế độ tài chính của Trung tâm giống trường phổ thông là sai thực tế”.
Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư Vũ Quang Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho biết Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo quy định của Bộ Giáo dục là đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ một phần kinh phí hoạt động, nên việc cơ quan điều tra, tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng thông tư 28 năm 2009 của Bộ Giáo dục yêu cầu Trung tâm phải báo cáo quy chế chi tiêu nội bộ lên cấp trên là Sở Giáo dục Nghệ An là trái luật, gây bất lợi cho bà Dung.
Luật sư Ninh còn khẳng định các khoản thanh toán cho bà Dung đã quy định rõ ràng, cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ được trung tâm xây dựng công khai, 100% cán bộ và giáo viên đồng ý, không có ý kiến phản đối và được gửi cho cấp trên giám sát, có hiệu lực thi hành và không vi phạm pháp luật.
Cả sáu luật sư còn đề nghị nhà chức trách Nghệ An xem xét trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc giám sát tài liệu điều tra; làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài chính kế hoạch, Kho bạc nhà nước, Ủy ban huyện Hưng Nguyên trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính kế toán của Trung tâm để bảo đảm sự khách quan, công bằng.
Theo cáo buộc của cấp sơ thẩm, năm 2012-2017, bà Dung là giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm nhưng đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt 45 triệu đồng”.
Cụ thể, năm học 2014-2015, bà Dung có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng. Số tiền tương ứng này trong năm học 2015-2016 là hơn 13 triệu đồng.
Trình bày trong phiên tòa phúc thẩm, bà Lê Thị Dung giải thích quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm được xây dựng bằng tiết học chứ không phải bằng tiền là để bù đủ những nhiệm vụ giáo viên làm.
Bà nói: “34 tuần thực dạy nhưng chúng tôi phải làm việc 37 tuần, vậy 51 tiết kia chúng tôi lấy ở đâu ra? Để công bằng, bình đẳng với các giáo viên ở Trung tâm, đúng quy định pháp luật, chúng tôi tính bằng tiết làm việc hành chính 40 giờ/tuần/5 ngày”.
Bà Dung còn chia sẻ: “Đối với một số giáo viên khác, tôi tin chắc rằng họ không có ý kiến dù họ biết đúng, biết sai. Họ rất thương, chia sẻ với tôi nhưng không dám lên tiếng vì họ đang công tác”. Nói lời sau cùng trong phiên tòa, bà Dung buồn bã: “Tôi xin quý tòa hãy giải oan cho tôi, tôi thật sự đau lòng và cảm thấy rất bức xúc”.
Tuổi Trẻ còn chia sẻ một tấm ảnh và video cho thấy rất nhiều người thân, bạn bè của bà Dung phải theo dõi phiên tòa từ bên ngoài cổng tòa vì không được phép vào, với chú thích: “Nhiều người dân “đội nắng” theo dõi phiên tòa phúc thẩm qua hệ thống loa phát thanh bên ngoài trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An chiều 13-6”.
Ngoài ra, còn có chi tiết này nữa: Khoảng 15:10 chiều 13 Tháng Sáu, phiên tòa phúc thẩm vụ án đang diễn ra thì khu vực tòa án tỉnh Nghệ An bị mất điện đột ngột.
Việc cúp điện khiến khu vực tác nghiệp riêng cho phóng viên các cơ quan báo chí với khoảng 20 phóng viên báo đài đang dự trực tuyến qua màn hình (tại sao truyền thông trong nước không được trực tiếp có mặt trong phiên tòa mà phải xem xử án qua màn hình?) gặp nhiều khó khăn, không thể theo dõi, cập nhật diễn biến phiên tòa. Đến khoảng 16:25 (hơn một tiếng sau), tòa án tỉnh Nghệ An mới có điện trở lại!
Bình luận dưới thông tin về phiên tòa phúc thẩm cô giáo Lê Thị Dung, bạn đọc đặt câu hỏi “Căn cứ luật nào để kết án cô Dung 15 tháng tù, hay giảm án cho vừa đủ thời gian tạm giam?”.
Một bạn đọc đề nghị: “Nếu cô Dung không có tội thì phải trả lại sự trong sạch cho cô, kết quả phúc thẩm không được bị ảnh hưởng bởi kết quả sơ thẩm”.
Cô giáo Lê Thị Dung là đảng viên đấy, nhưng vì không được lòng cấp trên thì vẫn bị trù dập, huống hồ là dân đen!