Công an điên đầu điều tra về facebook Bùi Văn Thuận

(Ảnh: Kayla Ng)

Gần hai năm sau khi kết án thầy giáo Bùi Văn Thuận là chủ trang facebook cùng tên, đã viết những bình luận bị khép tội theo điều 117, tuyên truyền chống Nhà nước, công an CSVN vẫn tỏa ra khắp nơi để tìm kiếm ai đang kiểm soát trang facebook này, thậm chí hành hạ cả người nhà của ông Bùi Văn Thuận.

Khi ra tòa ngày 18 Tháng Mười Một 2022, bên phía công an liên tục ép ông Thuận phải nhận trang Facebook này là của ông, để buộc mức án 8 năm tù. Thế nhưng trước tòa, ông Thuận yêu cầu công an phải chứng minh được đó là trang Facebook của ông, nhưng công an lờ đi.

Điều buồn cười là lúc phiên tòa đang diễn ra thì trang Facebook có tên Bùi Văn Thuận lại liên tục tường thuật phiên tòa, với một giọng điệu diễu cợt về cái gọi là pháp luật Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh lúc đó là người bảo vệ cho thầy giáo Bùi Văn Thuận cũng yêu cầu tòa nên cho trình chiếu trang Facebook có tên Thuận Văn Bùi trước tòa, lúc đó đang có những status được cập nhật liên tục, bao gồm cả những lời lẽ thách thức công an CSVN tìm ra người chủ thật của Facebook này là ai.

Cả tòa án cùng với công an đều toa rập với nhau và đã kết tội ông Thuận 8 năm tù giam và 5 năm quản chế vì các hoạt động “chống phá nhà nước,” nói là dựa trên các bài viết đăng trên trang Facebook này. Điều kỳ quặc diễn ra ở tòa khiến tất cả mọi người theo dõi sự kiện từ trong nước đến ngoài nước, là dù công an không chứng minh được Facebook của ông Thuận, nhưng tòa vẫn cố ghép tội cho bằng được

Ông Thuận cười khẩy trước tòa, sau đó nói trước công an, viện kiểm sát và cả thẩm phán rằng mình vô tội, nhưng sẽ không kháng cáo vì “không tin tưởng” vào hệ thống tư pháp Việt Nam.

Theo nhận định của giới tranh đấu thì công an CSVN vẫn nghĩ rằng bà Trịnh Nhung, vợ của ông Thuận là người đang kiểm soát Facebook này, và không ngừng có những ngôn từ tấn công vào công an địa phương vốn hay sách nhiễu bà, cũng như điều tra đơm đặt vụ án của ông Thuận.

Có lẽ vì vậy cho nên bà Nhung bị công an đủ loại ở Thanh Hóa sách nhiễu, gài bẫy để ép tội với những Facebook giả mạo, kể cả cho mật vụ theo dõi liên tục chuyện đi lại, quen biết của bà để nhằm tìm ra ai là người đang giữ Facebook này.

Thầy giáo Bùi Văn Thuận và vợ con. (Hình: FB)

Vào ngày 16 Tháng Tư,  Bà Nhung có kể lại chuyến đi thăm chồng mới nhất ở trại số 6 Nghệ An, thì bất ngờ được biết ông Thuận bị chuyển sang một phân trại khác, điều kiện vô cùng khắc nghiệt ở mùa nóng này. Trong lịch sử của trại Nghệ An, có những người phải đi cấp cứu khi ở những trại giam không cửa sổ, bị hun nóng như trong một lò lửa. Nhiệt độ trong những phòng trừng phạt như vậy, có lúc lên đến 45 độ C.

Nói với bà Nhung, ông Thuận mô tả ông bị nhốt trong một căn phòng “kín bưng như một cái hộp, còn tệ hơn cả chuồng cọp. Không có cửa sổ, không có nơi để đi bộ, anh ở trong phòng suốt ngày, không khí ngột ngạt, nóng bức vô cùng, bên ngoài lại không có bóng cây. Chỉ có căn phòng giam giữ anh là tồi tệ như vậy, giống như bị biệt giam, nhưng anh cũng không hề bị kỷ luật hay vi phạm nội quy gì cả.”

Trong cuộc nói chuyện, ông Thuận cũng cho bà Nhung biết rằng trước khi bị chuyển trại, có hai người là an ninh của tỉnh Thanh Hóa vào trại giam gặp ông để nói về việc bà Nhung đang ‘sử dụng Facebook và nhiều thông tin khác,’ có vẻ như đe dọa ông Thuận.

Câu chuyện này lại càng làm rõ thêm là việc ông Thuận bị án 8 năm tù là hoàn toàn vô cớ, vì công an đến giờ vẫn không tìm ra được Facebook mang tên của ông là ai và vẫn đang tiếp tục truy đuổi tin tức, lật mặt những công an địa phương ở Thanh Hóa.

Điều hèn hạ hơn, do sự bất lực không thể tìm ra được chủ Facebook Thuận Văn Bùi là ai, công an hành hạ người đang bị giam giữ để trả thù cũng như sách nhiễu và khủng bố tinh thần liên tục vợ của ông Thuận, vốn lúc này đang rất vất vả nuôi con và dành dụm đi thăm chồng.

Đến mức bà Nhung phải viết thẳng trên Facebook của mình rằng “Em nghe nói công an có cả một bộ máy an ninh mạng rất mạnh để giữ an ninh trật tự trên mạng, nên cũng mong các anh công an sớm tìm kiếm và giải quyết chuyện ai viết trên Facebook Thuan Van Bui, cả mấy cái Facebook giả mạo tên và hình của em, khiến em bị công an mời lên làm rõ, phiền cuộc sống của một bà mẹ đơn thân phải lo làm ăn kiếm sống, nuôi con, đi thăm chồng.”

Được biết thêm, ông Bùi Văn Thuận là một trí thức gốc Mường, khi cha mẹ của ông đi thăm, cả nhà nói tiếng Mường với nhau, thì bị công an quát tháo, không cho nói chuyện tiếp. Ông Thuận kể với bà Nhung rằng “Anh là người dân tộc thiểu số, tiếng mẹ đẻ của anh là tiếng Mường, nhưng khi nói chuyện với bố mẹ ruột, anh lại bị cấm nói tiếng mẹ đẻ, anh bị tước đi cái quyền thể hiện tiếng của dân tộc mình, bị phân biệt đối xử.”

Viết trên facebook, bà Nhung đặt câu hỏi “Nhà nước luôn tuyên truyền rằng 54 dân tộc Việt Nam đều được đối xử bình đẳng, vậy tại sao tiếng Mường lại không được phép dùng trong giao tiếp?”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: