Công an khủng bố người đòi tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh

(Ảnh FB nhân vật)

Trước áp lực của công an CSVN, bà Huệ Như, một trong những người viết kiến nghị yêu cầu trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh để chữa bệnh, đã phải tuyên bố tự rút lại thư ngay vào thời điểm ở Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh phụ nữ 8 Tháng Ba.

Trong kiến nghị đăng trên facebook vào Tháng Một 2024, bà Huệ Như viết rằng bà Hạnh bị phát hiện “mắc bệnh ung thư,” trong đó, bà Huệ Như nêu: “Ung thư là bệnh được xếp số 01 trong 42 bệnh hiểm nghèo quy định tại Phụ lục IV – Danh mục bệnh hiểm nghèo kèm theo nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.”

Bà Huệ Như xác định, bà Thúy Hạnh mới chỉ mới là nghi can chứ chưa bị kết tội. Hơn nữa, do tình trạng sức khỏe của bà Thúy Hạnh đã “mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.” Vì vậy, bà Huệ Như đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam miễn trách nhiệm hình sự cho bà Nguyễn Thúy Hạnh, để bà “có đủ điều kiện khám, chữa bệnh tốt nhất.”

Ngay sau khi kiến nghị đăng tải, bà Huệ Như đã gặp những áp lực liên tục từ công an, nên chỉ ít ngày sau, bà phải viết thêm một status khác trên trang cá nhân: “Tôi làm đơn kiến nghị cho chị Hạnh theo lương tâm và hoàn toàn tôn trọng pháp luật Việt Nam, rất ôn hòa mong các cơ quan chức năng xem xét.”

Bản kiến nghị của bà Huệ Như đã ngay sau xuất hiện, lập tức thu hút được công luận, và có được hơn 300 chữ ký trực tiếp trên trang Facebook của bà Huệ Như, cùng hàng ngàn chữ ký gián tiếp từ các trang chia sẻ khác, chỉ sau vài ngày đăng tải.

Một ngày trước ngày tôn vinh phụ nữ 8 Tháng Ba của nhà nước Việt Nam, bà Huệ Như đã bộc lộ sự bất bình của mình trên một danh khoản Facebook khác, nói về tình trạng những người sống ở Việt Nam hưởng ứng, ký thư kiến nghị trên trang nhà của bà bị an ninh nhiều nơi “liên tục mời đi ‘làm việc’,” bà viết.

“Bản thân em trước đây chưa biết và mới chỉ gặp chị Nguyễn Thúy Hạnh duy nhất một lần mới đây ở bệnh viện K Tân Triều được 15 phút. Em cũng chỉ vì tình cảm thương yêu, tôn trọng và tình người mà tự nguyện làm việc đó. Không ai có thể xúi giục hay điều khiển suy nghĩ hành động của e. E không vi phạm pháp luật sao lại bị bên an ninh làm phiền đến vậy?,” bà Huệ Như viết.

“Do ảnh hưởng đến hàng ngàn người, đến cuộc sống của họ nên em chính thức đầu hàng cộng sản. Hiện tại Facebook Huệ Như đang bị báo cáo. 48 giờ nữa được hoạt động trở lại thì e xóa bài viết có đăng đơn và có lỗi với lương tâm mình. Mọi người hết sức thông cảm. Từ nay sẽ sống đúng kiểu có mắt như mù, có tai như điếc, có mồm như câm.”

Đăng kèm dòng trạng thái là một hình ảnh bà đang tự “bịt mắt”, “bịt tai” như để diễn tả tình trạng bà bị áp lực khiến cho không thể nào cất lên tiếng nói cho đúng lương tâm của mình, khi lên tiếng bảo vệ cho lẽ phải (Ảnh: FB Huệ Như)

Trao đổi với cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng, bà xác định rằng việc bà phải tuyên bố rút kiến nghị, là do những người ký hưởng ứng ở các tỉnh, thành đang đồng loạt bị mời đi làm việc. Nhiều người sợ hãi, nên bà cũng bị áp lực về tinh thần. Bà nói riêng bà thì không ngại nếu phải làm việc với an ninh. Nhưng qua an nguy của những người khác, bà “đang bị đàn áp về tinh thần.”.

Tại một bài đăng mới đây, bà Huệ Như còn cho biết thêm, có những người bị lừa đi làm việc với lý do là “liên quan đến đất đai, đền bù,” nhưng khi đến trụ sở công an thì hóa ra bị tra vấn chuyện đã ký tên trong kiến nghị của bà. Nhiều người bị ép xóa bình luận. Thậm chí nhiều người còn bị ép phải hủy kết bạn với bà Huệ Như ngay tại đồn công an.

Được biết, bà Thúy Hạnh, sinh năm 1963, là một người hoạt động tích cực cho nhân quyền tại Việt Nam. Bà sáng lập “Quỹ 50k” nhằm giúp đỡ cho các gia đình nghèo khó, đặc biệt là các gia đình của các tù nhân lương tâm. Bà Hạnh cũng từng ra ứng cử trên tư cách ứng viên độc lập cho ghế Đại biểu Quốc hội Việt Nam vào năm 2016. Trước khi bị bắt, bà đã có những biểu hiện không ổn về mặt sức khỏe, thị lực giảm sút, “có lúc chỉ nhìn thấy một màu đen.”

Bà Hạnh bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội bắt ngày 07 Tháng Tư 2021 để điều tra về tội danh “tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại Điều 117 BLHS. Thực chất, đây là cách trả thù về việc bà đã tổ chức gây quỹ phúng điếu cho cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi – người bị thảm sát bởi công an trong vụ đàn áp, cưỡng chiếm đất Đồng Sênh, xã Đồng Tâm, Hà Nội. Tức giận trước tiếng vang trong và ngoài nước của việc gây quỹ phúng điếu, công an đã phong tỏa tài khoản quyên góp và bắt bà Hạnh.

Những bạn trẻ Việt Nam tại Anh kêu gọi nhà cầm quyền trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh. Nguồn (Ảnh: FB Nguyễn Hải)

Cho đến nay, cùng kiến nghị của bà Huệ Như, có tổng cộng ba  thư kiến nghị, vận động, yêu cầu Hà Nội hãy trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh để được trở về chữa bệnh ung thư. Trước thềm Kiểm định nhân quyền UPR 2024, Hà Nội đang lo sợ câu chuyện của bà Nguyễn Thúy Hạnh sẽ là một trong những chi tiết nổi bật bị chất vấn mà không thể trả lời, nên đã mạnh tay khủng bố.

Bất chấp các thư kiến nghị đều nêu rõ các đòi hỏi hoàn toàn phù hợp với Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký kết, đồng thời cũng phù hợp với Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam, vốn ghi rõ trách nhiệm của nhà nước là “công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: