Cựu Tổng giám đốc DAB nhận thêm án tù dù đã có hai án chung thân

Ông Trần Phương Bình bị đề nghị truy tố trong vụ án thứ 4 liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng – Ảnh: Thanh Niên

Tính cho tới nay, ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á (DAB) phải ra tòa 4 vụ án trong vai trò bị can chính.

Trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của DAB xử vào năm 2018, ông Bình nhận án tù chung thân đầu tiên. Đến năm 2020, ông tiếp tục nhận án tù chung thân trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỉ đồng của ngân hàng DAB.

Qua năm 2022, ông Bình tiếp tục nhận thêm 10 năm tù về tội giải ngân gây thiệt hại 184 tỷ đồng cho DAB. Với mức án có sẵn thì ông Bình ra tòa “cho vui” thôi chứ thêm gấp đôi số năm tù thì ông vẫn ở trong đó đến mãn đời.

Con số thiệt hại thêm 184 tỷ, so với 8.000 tỷ đồng thất thoát trước đó chỉ là… “tiền lẻ”.

Và trong phiên tòa mới nhất liên quan đến ông Bình và DAB, cơ quan điều tra lại “lôi” ra một số sai phạm khác của ông Bình có thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ!

Tài sản công ty thế chấp giá trị gần 80 tỷ, ông Bình duyệt cho vay 1.700 tỷ!

Dự án xây dựng cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) tại đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 (Sài gòn) được Phùng Ngọc Khánh thế chấp để vay tiền – Ảnh: CAND

Chiêu cho vay này không thể gọi là chiêu “mang cướp vào nhà”, mà là chiêu “chúng ta cùng ăn cướp”!

Theo hồ sơ khởi tố, cuối năm 2012, DAB Sở giao dịch cho 5 công ty là: Ngôi Sao, Liên Phát, Phát Vạn Hưng, Biển Bạc và Minh Quân vay 5 khoản, tổng cộng gần 1.700 tỉ đồng.

Tài sản thế chấp 5 công ty này đưa vào để bảo đảm cho các khoản vay tại thời điểm năm 2012 là khu đất có diện tích khoảng 42.000 m2, giá trị gần… 80 tỷ đồng.

Tính ra, ông Bình phóng tay cho vay cao hơn 20 lần giá trị tài sản thế chấp. Thế nên, chẳng cần là chuyên viên ngân hàng mới biết, con nợ sẽ chẳng cần trả nợ, mà cứ để cho ngân hàng phát mãi tài sản thế chấp của họ.

Mãi sau này, cơ quan điều tra mới phát hiện ra 5 công ty mà DAB cho vay tiền đều do Phùng Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty CP M&C đứng đằng sau điều khiển những người khác đứng tên đại diện pháp luật.

Khánh khai với công an, từ năm 2007 nhóm công ty do Khánh điều hành đã vay vốn tại DAB để đầu tư vào các dự án. Năm 2011, khi các khoản vay đến hạn trả gốc và lãi nhưng Công ty CP M&C gặp khó khăn về tài chính, Khánh đã tới gặp ông Trần Phương Bình tìm cách “tháo gỡ”.

Chưa có chủ nợ nào nhiệt tình giúp con nợ như “ông chủ” Bình, khi ông giúp con nợ Khánh sử dụng pháp nhân 5 công ty ký hồ sơ vay vốn rồi sử dụng chính tiền vay này để trả gốc và lãi cho M&C.

Đến nay, cả 5 công ty đều đã ngừng hoạt động và không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.000 tỉ đồng, bao gồm 1.680 tỉ đồng tiền gốc và hơn 3.300 tỉ đồng tiền lãi.

Ngoài 5 khoản vay trên, ông Bình còn ký duyệt cho Công ty CP M&C vay 2 khoản tiền khác, đương nhiên cũng chẳng theo quy định nào hết.

Vũ “Nhôm” và Trần Phương Bình “bắt tay” rút tiền của ngân hàng Đông Á – Ảnh: Dân Việt

Theo đó, năm 2009, Công ty CP M&C do Phùng Ngọc Khánh làm đại diện, phát hành lô trái phiếu với mục đích đầu tư vào 2 dự án bất động sản. Công ty CP M&C đề nghị DAB phát hành thư bảo lãnh cho số trái phiếu này, tài sản bảo đảm là hơn 2,6 triệu cổ phiếu mà Công ty CP M&C sở hữu tại Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C.

Tháng 12.2009, Ngân hàng An Bình ký hợp đồng mua lô trái phiếu của Công ty CP M&C với giá trị 120 tỉ đồng. Nhận được tiền, công ty dùng phần lớn để trả nợ chứ không đầu tư như mục đích đưa ra khi phát hành trái phiếu.

Đến nay, hơn 2,6 triệu cổ phiếu tại Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C đến nay không đủ căn cứ để định giá, coi như giá trị của nó bằng… 0! Điều này khiến DAB thiệt hại hơn 462 tỉ đồng, gồm hơn 146 tỉ đồng tiền gốc và hơn 316 tỉ đồng tiền lãi.

Chuỗi hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Trần Phương Bình và đồng phạm là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm cuối năm 2015 lỗ lũy kế hơn 31.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.000 tỷ đồng.

Điều mọi người muốn biết là trong những phi vụ giữa ông Bình và ông Khanh, ông Bình nhận được bao nhiêu tỷ, vẫn chưa được công bố, khiến dư luận đặt nghi vấn:

“Ông Bình không khai, hay đã khai nhưng dính đến vài lãnh đạo nhà nước cao cấp khác nên Viện kiểm sát không thể công bố?”

Trên Facebook, tài khoản Nguyễn Văn Minh buồn rầu cho biết: “Tôi đã mất vài tỷ cho loại cổ phiếu như thế này. Cứ tin vào lời quảng cáo của ngân hàng, rồi nghĩ đó là cổ phiếu của họ nên mua vào. Khi mất tiền mới biết, ngân hàng chỉ là ‘tay sai’ của những tên lừa đảo như Phùng Ngọc Khánh”.

Còn tài khoản Nguyễn Duy nhận định: “Là chuyên viên kinh tế, có lẽ ông Bình đã hình dung được hậu quả như thế nào, nên chấp nhận đánh đổi án tù chung thân lấy vài ngàn tỷ đồng cho gia đình cũng nên. Nói như trùm giang hồ Nam Cam rất đúng, tiền không mua được mọi thứ, nhưng rất nhiều tiền thì cái gì mua cũng được”.

Ông Trần Phương Bình sinh năm 1959, tốt nghiệp cử nhân Kinh tế và từng có thời gian giảng dạy lĩnh vực kinh tế.

Đến năm 1998, ông Bình giữ chức Tổng giám đốc tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Sau đó, ông giữ chức Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB.

Vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: