Đà Lạt: ‘Xứ núi mà ngập như Đồng Tháp Mười…’

Hình trái: Đoạn giao giữa đường Phan Đình Phùng và suối Cam Ly ngập nặng, đoạn ngập kéo dài khoảng 50 mét. Hình phải: Đường Hải Thượng cắt ngang suối Phan Đình Phùng bị ngập. trong cơn mưa chiều ngày 12 Tháng Bảy, 2023 – Ảnh: Tuổi Trẻ

“Chưa thấy chế độ nào phá Đà Lạt nhanh chóng tan nát như chế độ này!”

Một ông già Đà Lạt, sống từ “thời cụ Diệm” đến nay thốt lên lời cay đắng như thế, khi phải lội nước bì bõm sau cơn mưa chiều ngày 12 Tháng Bảy.

Thực ra, cơn mưa chưa dứt, nhiều con đường ở Đà Lạt đã chìm trong biển nước rồi.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ mưa như trút, các khu phố gần thác Cam Ly, suối Phan Đình Phùng bị ngập nặng. Đây là các điểm ngập thường xuyên xảy ra mỗi khi mưa lớn trong thời gian gần đây.

Từ lâu, thác Cam Ly không còn thơ mộng nữa, vì thường xuyên phải nhận đủ mọi thứ rác thải từ thượng nguồn đổ về. Giờ thì cứ mỗi cơn mưa, người dân ở đây lại muốn khóc khi những loại rác đó theo dòng nước tràn vào nhà, mang theo một thứ mùi hôi thối khó tả của thức ăn thiu và xác chết động vật.

UBND TP Đà Lạt thông báo với dân chúng rằng, họ đã cử lực lượng đến các điểm ngập để ứng phó, đồng thời giám sát các điểm có nguy cơ sạt lở để “có phương án phù hợp”. Người dân thì lắc đầu ngao ngán, nói với nhau rằng “thôi thế cũng được. Đừng bắt họ làm gì quá khả năng, lại không hay”.

Tuy vậy, lãnh đạo UBND TP Đà Lạt cũng hân hoan cho biết, các điểm ngập đều nằm ở khu vực hạ lưu suối, nơi ít có hoạt động du lịch và lưu trú. Thế nên du khách cứ việc đến Đà Lạt chơi, “việc bảo đảm an toàn cho du khách đang được thành phố quan tâm đặc biệt”, không sợ bị chết đuối. Họ hứa chắc như thế.

Hiện một số điểm trong nội ô Đà Lạt xuất hiện mưa đá. Đây là hiện tượng thường xảy ở Đà Lạt mỗi đầu mùa mưa. Mưa đá thường xuất hiện ở khu vực sử dụng nhà kính canh tác nông nghiệp.

Giờ mà ai đến Đà Lạt bằng đường hàng không, sẽ không còn nhận ra “thành phố mộng mơ” này nữa. Nó đã bị bê tông hóa trầm trọng, và nhiều ngọn đồi đang bị nhà kính chiếm dụng, khiến người mưa không thể thoát xuống đất được, nên đành tràn vào nhà dân dưới hạ nguồn.

Người dân dùng xe chắn ngang để ngăn xe máy đi vào đoạn đường ngập, tránh nguy hiểm – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nói chung, phần quy hoạch đô thị đã bị chính quyền Lâm Đồng, Đà Lạt phá nát từ lâu, và giờ phải nhận hậu quả.

Ông Phan Thanh Nguyên, cư dân phường 2 (TP. Đà Lạt) cho biết “người dân phải trả giá cho sự lãnh đạo ‘sáng suốt, tài tình’ của chính quyền. Lúc trước, nếu có ai nói Đà Lạt bị ngập sẽ bị chụp mũ cố ý đồ tung tin đồn nhảm nhằm phá hoại an ninh trật tự xã hội, cùng nhiều cái ‘nón cối’ khác. Giờ thì đó là chuyện thường ngày. Sapa còn bị ngập, nói chi Đà Lạt”.

Đúng là giờ đây, người dân Đà Lạt đã bắt đầu phải chấp nhận với cảnh ngập lụt khi trời mưa, nhưng cũng… “tức tưởi” lắm.

Chị Nguyễn Thị Mừng vừa tát nước vừa ấm ức khóc – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau cơn mưa lớn vào cuối Tháng Sáu vừa qua, chị Nguyễn Thị Mừng (nhà ở đường Phan Đình Phùng, phường 2) vừa tát nước ra khỏi nhà, vừa ấm ức khóc. Chị nói:

“Mới mưa có một giờ thôi mà đồ đạc, hàng hóa của tôi hư hết rồi. Mưa cả ngày thì con đường này bị ngập lụt. Nếu mưa ban đêm chắc chết”.

Do kinh doanh đồ gỗ trang trí nội thất, chị Mừng không thể khiêng hết ban ghế, giường tủ đi đâu được, nên đành bất lực đứng nhìn đồ đạc bị ngấm nước, hư hỏng nặng.

Nước từ hồ Xuân Hương tràn lên đường phố Đà Lạt – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trận mưa hôm đó không chỉ làm ngập nhiều con đường dưới hạ nguồn sâu tới 0,5 mét, mà ngay ở trung tâm thành phố, nước từ hồ Xuân Hương cũng tràn lên đường phố. Ngay tại vườn hoa Đà Lạt, một nơi cao ráo mà cũng bị ngập, thì chắc chẳng nơi nào thoát.

Một người dân Đà Lạt nói: “Xứ núi mà ngập như Đồng Tháp Mười, thì đủ biết khả năng quy hoạch, và tầm nhìn của lãnh đạo thành phố ‘cao’ tới đâu!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: