Các ca chấn thương như gãy tay, gãy chân ở Đà Nẵng giờ đây phải di chuyển ra Huế, cách hơn 100km để phẫu thuật.
Lao Động ngày 24 Tháng Tám 2023 đã tường thuật như vậy, vì các bệnh viện ở Đà Nẵng hiện không còn thuốc và vật tư y tế để chữa trị, buộc phải làm giấy chuyển viện cho bệnh nhân.
Tại khoa Ngoại Chấn thương của bệnh viện Đà Nẵng, sau thời gian “gắng gượng” đến nay đã không còn thiết bị để phẫu thuật cho những ca gãy tay, gãy chân cần bắt nẹp vít.
Bà Nguyễn T. (ngụ quận Liên Chiểu) đang nuôi mẹ trong bệnh viện, than phiền: “Mẹ tôi bị gãy chân, đã bó bột nhưng sau hai tuần, bà bị mưng mủ, buộc phải điều trị nhiễm trùng và chưa biết bao giờ mới được phẫu thuật. Hỏi bác sĩ thì họ báo dù có phẫu thuật cũng không làm ở bệnh viện này mà phải chuyển đi bệnh viện khác vì bệnh viện hết trang thiết bị y tế rồi”.
Một bác sĩ tại khoa xác nhận thực tế này và cho biết hơn một năm nay, khoa Ngoại đã không còn thiết bị y tế như nẹp vít để thực hiện mổ những ca gãy xương tay, xương chân. Những ca bệnh sau khi hội chẩn nếu cần phẫu thuật thì được chuyển viện ngay ra bệnh viện Trung ương Huế hoặc gần hơn là bệnh viện C (thuộc Bộ Y tế).
Vị bác sĩ này hy vọng đến cuối năm nay việc mua sắm, đấu thầu thuận lợi mới có thể giải quyết được vấn đề thiếu thiết bị, bệnh nhân được điều trị tại chỗ thay vì phải chuyển viện đi xa.
Còn tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng thì sao?
Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp (CT Scan) theo diện bảo hiểm y tế, họ phải lấy phiếu đợi, ít nhất là 3 – 5 ngày, không thì 10 ngày mới tới lượt, vì số bệnh nhân chờ đợi đông mà có máy hư, chưa sửa chữa được và không có vật tư thay thế.
Ông Phạm Minh (ngụ quận Sơn Trà) khi đến bệnh viện hỏi thăm việc tầm soát ung thư cho người thân theo diện bảo hiểm y tế thì được trả lời: Nếu khám dịch vụ thì người bệnh chỉ mất một ngày để tầm soát, chụp CT và có kết quả để bác sĩ chẩn đoán bệnh ngay; nhưng nếu người bệnh khám theo diện bảo hiểm y tế thì cần giấy chuyển viện; riêng việc chụp CT, người bệnh phải đợi khoảng 10 ngày mới đến lượt.
Bên cạnh đó, việc tầm soát ung thư có những kỹ thuật mà bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng hiện từ chối làm, bệnh nhân phải ra tận Hà Nội hoặc vào Sài Gòn để kiểm tra, xét nghiệm theo giá dịch vụ.
Tệ nhất là tình trạng thiếu thuốc điều trị ung thư cho người bệnh chữa theo gói bảo hiểm y tế, khiến họ rơi vào hoàn cảnh hoặc xuất viện về nhà chờ, hoặc tự bỏ tiền để mua thuốc theo giá dịch vụ với giá cao.
Điều này gây khó cho người nghèo, khi họ chỉ có thể theo đuổi việc điều trị ung thư theo mức chi trả của bảo hiểm y tế.
Lãnh đạo các bệnh viện Đà Nẵng và Ung Bướu Đà Nẵng xác nhận với Lao Động, có một số gói thầu thiết bị y tế họ vẫn chưa mua sắm được. Máy móc thiết bị hư hỏng thì cũng phải làm gói thầu nhưng việc này mất vài tháng nên có những thiết bị hư hỏng phải đắp chiếu, chưa biết ngày nào mới sửa được.
Ngày 4 Tháng Tám 2023, Lao Động dẫn thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, việc thiếu trang thiết bị y tế hiện nay là tình trạng chung trên cả nước, riêng với Đà Nẵng, các thiết bị y tế hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của các cơ sở y tế.
Bà Trần Thanh Thủy, phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết: Do những biến động trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng nên thậm chí một số vật tư y tế đã trúng thầu, được ký thoả thuận cung cấp cho các cơ sở y tế cũng bị gián đoạn như mặt hàng thủy tinh thể.
Những khó khăn này đã được Sở Y tế Đà Nẵng báo cáo với Bộ Y tế để cùng tìm cách giải quyết.
VTC News ngày 23 Tháng Tám cũng đề cập đến tình trạng bệnh nhân ở Đà Nẵng phải chạy xuôi chạy ngược tới nơi khác phẫu thuật.
Một bệnh nhân ung thư đại tràng hai năm nay tại bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng là ông Nguyễn Nhẫn (72 tuổi, ngụ quận Ngũ Hành Sơn) than phiền trong lần tái khám hồi Tháng Tư 2023, ông phải đợi đến ba tuần mới được chụp CT. Trong lần tái khám gần nhất, ông cũng phải chờ đợi đến bảy ngày mới đến lượt.
Nhiều bệnh nhân khác sốt ruột phải chuyển đến bệnh viện Trung ương Huế hoặc vào Sài Gòn để tầm soát.
Tương tự, ông Nguyễn Vân (ngụ Quảng Ngãi) được chỉ định chụp CT phổi nhưng nhận giấy hẹn 10 ngày sau, ông phải quay về quê, đợi 10 ngày sau quay lại.
Tuổi Trẻ ngày 18 Tháng Tám kể câu chuyện của bệnh nhân N.T.Q.N., sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, bị tai nạn khi đi xe gắn máy từ trường về nhà trọ và được đưa vào bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. N. được chẩn đoán gãy xương ống chân và rạn xương đùi chân phải. Bác sĩ chỉ định phải mổ ghép và nẹp vít xương sớm.
Sau một ngày nằm viện, N. được thông báo bệnh viện này đang thiếu thiết bị, vật tư y tế, chuyển N. ra bệnh viện Trung ương Huế. Thế là gia đình em đành thuê xe đưa em vượt đèo Hải Vân, đi hơn 100km ra bệnh viện này để được mổ sớm.
Xui xẻo hơn, khi ra đến Huế, bác sĩ ở đây nói vết thương của N. để lâu không được xử lý, cộng thêm việc vận chuyển bệnh xa, đi xe hơi dằn xóc khiến phần thịt tiếp xúc với điểm gãy chân bị sưng lên nên chưa thể mổ được.
Bệnh viện chỉ bó bột tạm thời cho em, điều trị sưng tấy và xếp lịch mổ ghép, nẹp vít xương vào ngày 17 Tháng Tám. Như vậy, một ca bệnh gãy chân thông thường nhưng bệnh nhân phải đi hai bệnh viện, mất chín ngày mới được mổ!
N. buồn rầu kể: “Em rất buồn và mệt mỏi. Nếu có thể mổ cấp cứu sớm hơn ở Đà Nẵng, có lẽ em sẽ không phải nằm viện dài ngày như thế này”.
Theo thống kê của bệnh viện Trung ương Huế, trong sáu tháng cuối năm 2022, bệnh viện chỉ tiếp nhận một bệnh nhân chuyển tuyến điều trị từ TP.Đà Nẵng ra. Tuy nhiên trong sáu tháng đầu năm 2023, có đến 35 bệnh nhân được bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến đây.
Con số này chỉ tính những bệnh nhân có giấy xác nhận chuyển viện của bệnh viện Đà Nẵng, chưa tính những trường hợp bệnh nhân từ Đà Nẵng tự ra Huế để điều trị bệnh.
Là cơ sở hàng đầu điều trị các bệnh xương khớp cho người dân Đà Nẵng nhưng hiện nay khoa Ngoại Chấn thương, bệnh viện Đà Nẵng, gần như chỉ là trung tâm cấp cứu ban đầu, xử lý ổn định vị trí tổn thương cho bệnh nhân rồi chuyển viện.
Mỗi ngày khoa Ngoại Chấn thương ở đây phải giới thiệu bốn – năm ca bệnh đi các bệnh viện khác. Đối với các dạng bệnh trì hoãn, không phải mổ cấp cứu như bệnh nhân viêm khớp, đứt dây chằng, bệnh viện hẹn cả năm nay để dồn lại chưa phẫu thuật được.
Một vị bác sĩ khoa này tỏ ra bức bối: “Có những ca bệnh nếu có vật tư xử lý đơn giản chỉ khoảng 30 phút là xong, hôm sau xuất viện nhưng hiện nay chúng tôi đành bó tay, không làm được. Bệnh nhân than thở mà mình không biết trả lời sao cả. Bác sĩ chúng tôi như lính ra trận mà không có súng vậy!”.