Dân Củ Chi sống chung với bãi rác ô nhiễm 20 năm

Khói đen bốc lên từ nhà máy bên trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc – Ảnh: Thanh Niên

Xử lý rác đô thị thế nào để không còn những bãi rác chôn lấp, gây ô nhiễm đất, nguồn nước và đưa mùi hôi thối vào không khí, xáo trộn đời sống của dân địa phương… đang và sẽ là vấn đề lớn của các đô thị Việt Nam, trong đó có Sài Gòn.

Sài Gòn đang quảng bá về đô thị lấn biển và cảng quốc tế Cần Giờ, một dự án mà theo các nhà khoa học, sẽ phá vỡ rừng ngập mặn Cần Giờ, phá vỡ môi trường chắn gió bão tuyệt vời cho Sài Gòn.

Bất chấp ý kiến của các nhà khoa học, Sài Gòn vẫn mơ mộng về cái cảng quốc tế Cần Giờ, trong khi hệ thống giao thông công cộng là tàu điện ngầm làm mãi chưa xong.

Sài Gòn cũng mặc kệ dân phía Nam Sài Gòn kêu ca về mùi hôi thối của bãi rác Đa Phước và giờ là dân Củ Chi, huyện nằm ở Tây Bắc Sài Gòn, nơi người dân năm xã ở đây đã phải chịu đựng sự ô nhiễm của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc 20 năm qua.

Thanh Niên ngày 27 Tháng Bảy 2023 tường thuật đời sống khốn khổ của hàng ngàn gia đình, thuộc năm xã huyện Củ Chi, khi phải ở gần khu xử lý rác Tây Bắc, đặt ở đường Tam Tân, xã Phước Hiệp, cạnh kênh Thầy Cai (ranh giới giữa Sài Gòn và Long An).

Khu xử lý rác này rộng 687ha, hoạt động từ năm 2003, mỗi ngày xử lý khoảng 3,200 tấn rác theo hình thức tái chế, đốt rác và ủ phân vi sinh, do hai doanh nghiệp thực hiện gồm công ty Vietstar và công ty Tâm Sinh Nghĩa.

Ngoài ra, trong khu này còn có công ty Môi trường Đô thị TP.HCM nhận rác từ công ty Tâm Sinh Nghĩa về xử lý theo hình thức chôn lấp hợp vệ sinh.

Người dân xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, Sài Gòn) phải sử dụng nước sạch qua bồn chứa do xã cấp – Ảnh: Thanh Niên

Một hộ dân sinh sống ven kênh Thầy Cai bực bội: “Những năm 2000, nước kênh trong vắt, còn giờ kênh ô nhiễm, màu đen kịt”. Nước kênh ô nhiễm đã đành, ngay cả nước giếng khoan cũng bị ảnh hưởng, phải khoan sâu 70m may ra nước mới bớt mùi.

Dù vậy, người dân cũng không dám dùng nước giếng khoan để nấu ăn mà phải dùng nước bình, hoặc lấy từ bồn chứa chung của ấp.

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm, người dân còn bị tra tấn bởi mùi hôi thối từ bãi rác, ruồi nhặng bay vào nhà, thậm chí phải giăng mùng khi ăn cơm. Bà Lê Thị Hằng, ngụ ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, than phiền người dân phải chịu cảnh sống chung với ruồi, muỗi và mùi hôi thối quanh năm.

Ngoài xã Thái Mỹ, người dân các xã Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi đều chung cảnh ngộ, nặng nhất là các hộ dân sống dọc Quốc lộ 22.

Trong một báo cáo gửi HĐND huyện Củ Chi cuối năm 2020, nhà cầm quyền địa phương cho biết người dân cách xa bãi rác 10km vẫn còn bị tra tấn bởi mùi hôi.

Về việc ô nhiễm nguồn nước, không chỉ kênh Thầy Cai mà các kênh 15, 17, 18 đều bị ảnh hưởng, đất đai của 244 gia đình đang trong tình trạng bỏ hoang, không thể canh tác nên không có thu nhập, đời sống nghèo khó.

Bụi bay mù mịt phía sau xe chở rác thải sinh hoạt vào Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc – Ảnh: Thanh Niên

Trao đổi với Thanh Niên, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch Ủy ban huyện Củ Chi, cho biết nguồn nước ô nhiễm khiến đất canh tác bị ô nhiễm theo, người dân không thể trồng trọt được.

Bà Hiền ngán ngẩm: “Người dân đi cũng không được mà ở cũng không xong. Trước đây, đất đai canh tác ba vụ lúa, còn giờ chỉ có cây tràm nước sống được thôi. Nguồn nước ô nhiễm dữ lắm, màu đen thui, còn đất thì không trồng được gì”.

Ngoài ra, bà chủ tịch huyện Củ Chi cũng cho rằng nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar phải sớm chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ tái chế, ủ phân sang đốt rác phát điện, vì theo bà cứ chôn lấp rác hoài thì diện tích đất biết bao nhiêu cho đủ?

Một số người dân ở xã Thái Mỹ cho biết công ty Vietstar có hỗ trợ mỗi tháng 50,000 đồng/người gọi là tiền “phụ cấp độc hại” và cấp thẻ bảo hiểm y tế hằng năm, cho những người dân sống gần công ty trong bán kính 500m.

Tuy nhiên, khoản hỗ trợ chỉ áp dụng cho những người có hộ khẩu thường trú và hiện chỉ có 37 gia đình với 152 người được nhận tiền phụ cấp độc hại của công ty này với tổng kinh phí 7.6 triệu đồng/tháng, cũng như chỉ có 49 người được cấp bảo hiểm y tế miễn phí với số tiền 38 triệu đồng/năm.

Để hạn chế mùi hôi tại khu xử lý rác này, nhà cầm quyền thành phố đã lên kế hoạch trồng cây xanh cách ly từ hơn chục năm trước, nhưng đến nay chưa hoàn thành! Lý do vẫn là thỏa thuận bồi thường để giải tỏa mặt bằng chưa xong!

Mỗi ngày Sài Gòn có khoảng 10,000 tấn rác, trong đó khoảng 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế…

Thành phố từng xác định đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%, yêu cầu các nhà máy chuyển sang công nghệ đốt rác phát điện. Tuy nhiên, mục tiêu này chả biết bao giờ mới thực hiện được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Matcha
Trong những năm gần đây, một loại trà xanh đặc biệt, được gọi là matcha trở nên phổ biến, một phần vì loại trà rất có lợi cho sức khỏe.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: