Câu chuyện về hai nơi khác nhau ở Hà Nội cùng có mục đích giúp bệnh nhân ung thư có bữa ngon giá rẻ xuất hiện trên Tuổi Trẻ và Lao Động cách nhau một ngày.
Tuổi Trẻ ngày 3 Tháng Tư 2023 kể câu chuyện về ông Trần Trung Kiên (35 tuổi) đã lập ra tiệm cơm 1K, cung cấp các suất ăn với giá 1,000 đồng ($0.043) trong hai buổi trưa thứ tư và thứ bảy hàng tuần, dành cho trẻ em bị ung thư đang chữa trị ở bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội). Bếp ăn của ông Kiên bắt đầu từ cuối năm 2021, mỗi buổi ông sẽ nấu khoảng 150-200 phần cơm và mang đến cho trẻ em đang điều trị ung thư. Có buổi tiệm cơm 1K làm món Việt, có buổi làm món Nhật, món Nam Hàn hay châu Âu, chủ yếu là bày biện thật đẹp, có nhiều màu sắc, giúp trẻ bị ung thư (thường bị đau đớn, ăn uống ít) có niềm vui và động lực để chịu ăn.
Ông Kiên kể lại nhiều phụ huynh đang chữa trị cho con bày tỏ một tuần các bé chỉ đợi cơm 1K để được ăn ngon, nghe điều đó ông lại thấy ấm lòng. Để có thể duy trì tiệm cơm 1K giúp trẻ em bị ung thư, ông Kiên đăng tải thông tin trên mạng xã hội để kêu gọi mọi người giúp sức. Căn bếp của tiệm cơm 1K là nơi tập họp tấm lòng của nhiều người: có người đóng góp vật dụng nấu nướng, thực phẩm, tiền, nhưng cũng có những người góp “công”, đó là công nấu, chế biến, chuẩn bị…
Đồng hành cùng tiệm cơm 1K là những tình nguyện viên như bà Trần Thu Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội), đầu bếp chính ở đây. Bà Huyền thường hay nói đùa với ông Kiên là: “Mỗi tuần em sẽ cố gắng cho các con đi “nhà hàng” một lần”. Nghĩa là bà Huyền lúc thì làm đồ Nhật, lúc lại làm đồ Hàn, đồ Âu…. để các bé thích thú khám phá món ăn mới. Bên cạnh bà Huyền là bà Mai Anh, bộc lộ ở nhà có lười chứ đến tiệm cơm thì tất bật để kịp giờ mang cơm cho các bé. Bà Mai Anh còn vận động cả chồng cùng hai con đến phụ giúp tiệm cơm để các bé làm quen với việc giúp đỡ người khác.
Trước mỗi buổi, tiệm 1K đã liên lạc với bệnh viện để có danh sách các bé và nhu cầu của bé, sau đó mới tính toán số lượng. Lúc nào bếp cũng nấu dư vài phần để tặng các trường hợp chưa đăng ký hoặc tặng người nhà bệnh nhân.
Sau khi nấu xong, tiệm cơm 1K sẽ phân ra từng phần cơm riêng và mang đến cổng bệnh viện Nhi Trung Ương phân phát cho các bé trong danh sách, gọi là 1K nhưng tiệm cơm không lấy tiền phụ huynh.
Trong số người xếp hàng nhận cơm của tiệm, bao giờ ông Kiên cũng nhận ra nhiều vị phụ huynh ông đã từng quen. Kiên cũng từng là một người trong số họ khi có con gái – là bé Nhím – bị ung thư cũng điều trị ở đây. Hơn một năm chữa trị cho con, ông bố Kiên hiểu nỗi khổ của các gia đình có con bị ung thư. Và ông ấp ủ ý tưởng về một tiệm cơm, ở đó người bệnh chỉ cần trả “1K” (1,000 đồng) là được ăn bữa cơm ngon và dinh dưỡng. Khi bé Nhím qua đời, nhớ con gái, ông Kiên đã bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kiên nói: “Mong muốn của mình là duy trì được tiệm cơm thật lâu, thật nhiều năm nữa để giúp được nhiều bệnh nhi. Để duy trì tiệm cơm, quan trọng nhất là con người, phải có những người bạn đồng hành, còn lại kinh phí mọi người có thể chung tay được”.
Lao Động ngày 2 Tháng Tư 2023 dùng video để kể về quán cơm chỉ phục vụ những thực khách đặc biệt của đôi vợ chồng trẻ ở Hà Nội. Ông bà Võ Tiên Lâm và Nguyễn Trà My cùng sáng lập quán cơm “Nụ Cười Shinbi” nằm đối diện bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) để phục vụ bệnh nhân bị ung thư với giá 2,000 đồng/phần cơm ($0.085) có đủ món mặn, xào, canh và trái cây tráng miệng. Họ quây quần ngồi ăn với nhau trong khoảng sân mát mẻ, trước những phần ăn được dọn trong những khay inox chia ngăn sạch sẽ.
Từ thứ hai – thứ sáu, đúng 16 giờ 30 là ông Hoàng Xuân Đam (quê Yên Bái, bệnh nhân ung thư phổi) lại đến đây mua cơm. Ông bộc bạch: Cơm ngon, canh ngọt, phục vụ đến nơi đến chốn, vừa ý người già như tôi.
Còn bà Phạm Thị Trầm (quê Hải Phòng), cũng là một bệnh nhân ung thư, ngỏ lời cảm ơn vợ chồng cô chủ quán đã giúp bà có bữa cơm ngon với giá rẻ, làm vơi đi nỗi buồn của bệnh nhân, đỡ tí nào hay tí nấy.
Không chỉ bệnh nhân ung thư, nơi đây còn có thân nhân của bệnh nhân ung thư và người nghèo khó đến ăn. Cô chủ quán Trà My nói mỗi ngày hai vợ chồng cô cố gắng thay đổi thực đơn, tính toán cân đo từng phần ăn để bảo đảm dinh dưỡng. Sau hơn một tháng mở quán cơm đặc biệt này, My nói cô và đội ngũ tình nguyện viên tại quán cảm thấy vui vì thấy rất nhiều lời cảm ơn, có người thay vì trả đủ phần mình đã trả thêm cho 5-10 người nữa, và cô cảm động khi thấy điều đó.
Trong số các tình nguyện viên giúp việc ở quán có hai mẹ con bà Nguyễn Thị Mai Hương, bà nói chỉ dành thời gian rảnh rỗi, đóng góp chút công sức để giúp mọi người. Quán cơm đã mang đến nụ cười cho bệnh nhân, không chỉ là bữa cơm mà còn là món quà của sự tử tế, giúp các bệnh nhân đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Ngày 31 Tháng Ba 2023, Khoa Học và Đời Sống có bài viết chi tiết hơn về quán cơm “Nụ Cười Shinbi”, nói rõ tiền thân của quán cơm này cũng là một quán cơm giá rẻ phục vụ cho bệnh nhân ung thư, có tên là Yên Vui Tân Triều. Hai vợ chồng ông Võ Tiên Lâm và bà Nguyễn Trà My từng là tình nguyện viên ở đây. Sau đó, khi quán này không tiếp tục hoạt động được nữa, vợ chồng bà thuê lại quán và tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình, khi có một người bạn làm trong lãnh vực nha khoa tài trợ chính. Tên “Nụ Cười Shinbi” là để tri ân nhà tài trợ này, đồng thời truyền tải thông điệp hy vọng cho mọi người.
Bên cạnh nhà tài trợ chính, quán cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người khác. Có người ủng hộ tiền, gạo, rau, gia vị; có người chung tay đến tận nơi góp công sức. Bên cạnh khoảng 130 -150 phần ăn phục vụ tại chỗ, quán còn đóng hộp 30 phần ăn để đưa đến tận nơi cho trẻ em bị bệnh ung thư. Người phụ trách vận chuyển những phần cơm này là ông Nguyễn Thắng Dương (một người ở gần quán Nụ cười Shinbi), dù bản thân bị khuyết tật, gia đình cũng chật vật, nhưng ông vui vẻ nhận nhiệm vụ này.
“Hà Nội không vội được đâu” là câu nói đùa trên mạng nhưng hoàn toàn đúng trong trường hợp này. So với Sài Gòn từ hơn 10 năm nay đã có các quán cơm “Nụ Cười” 2,000 đồng phục vụ người nghèo và có nhiều nhóm từ thiện nấu cơm miễn phí đem phân phát hàng ngày ở các bệnh viện có đông bệnh nhân nghèo thuộc nhiều tỉnh phía Nam như Chợ Rẫy, Chấn Thương Chỉnh Hình, Ung Bướu….thì hai quán cơm phục vụ bệnh nhân ung thư ở Hà Nội này chỉ là con số khiêm tốn.
Tuy vậy, “Muộn còn hơn không”, vì từ hai quán cơm này, hy vọng Hà Nội sẽ nhân ra nhiều quán cơm 1K, 2K khác, nhằm làm vợi đi nỗi thống khổ của bệnh nhân nghèo, đang ngày càng có vẻ nhiều hơn trong xã hội.