Đổ xô mua giun đất, Trung Quốc đang ngầm phá hoại môi trường Việt Nam?

Một chủ vườn cam ở huyện Cao Phong treo bảng cảnh báo và hứa thưởng cho ai bắt được kẻ trộm giun đất – Ảnh: Lao Động

“Giun tặc”: Một chữ mới xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam, ám chỉ những người làm nghề kích trộm giun đất trong vườn của người khác, để bán cho các lò sấy giun, cung cấp theo đặt hàng của thương nhân Trung Quốc.

Từ Tháng Ba 2019, VTV24 đã cảnh báo về việc này với video mang tựa đề “Thương lái nước ngoài dụ dỗ người dân dùng máy kích để bắt giun đất”, nêu rõ giun đất có vai trò quan trọng trong nông nghiệp, giúp tăng độ tơi xốp và phì nhiêu cho đất, thế nhưng người dân đang nhẹ dạ cả tin cày nát đất nông nghiệp để bắt giun bán cho thương nhân nước ngoài.

Câu chuyện xảy ra ở xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nhiều nông dân đã bỏ việc đồng áng, đi kích trộm giun đất để bán cho những lò sấy giun.

Cứ bắt được 40-50 ký giun đất/ngày thì lò sấy cho mượn máy phát xung điện. Chiếc máy này được thương nhân Trung Quốc cung cấp cho các lò sấy giun.

Một chủ lò sấy giun trong vùng là bà Bình. Bà Bình rửa sạch, cắt theo chiều dọc con giun, loại bỏ ruột, rồi áp lên miếng lưới đưa vào lò sấy khô.

Bà Bình vẫn ý thức được việc bắt giun là điều tai hại cho đất, nhưng bà lý luận: “Bắt ở đâu chứ có bắt ở nơi mình đâu em”.

Một ký giun sống, người kích trộm bán cho bà 20,000 đồng; 20 ký giun sống làm sạch ruột, sấy khô còn một ký, bà Bình bán 600,000 đồng; thiết bị được thương nhân Trung Quốc cung cấp toàn bộ nên bà Bình dự định sẽ xây thêm lò sấy nữa.

Người dân Tuyên Quang bỏ việc đồng áng đi kích trộm giun đất tại vườn nhà người khác – Ảnh cắt từ video của VTV24

Ông Chình – một nông dân của xã Trung Môn, luôn phải canh chừng những người trộm giun trên đất của mình. Một mặt họ nói: “Có vào vườn nhà ông đâu mà ông lo” nhưng nếu ông không để ý, họ mang máy sang kích giun trên đất nhà ông.

VTV24 kết luận: Chẳng ai biết trước lúc nào thì những thương nhân này biến mất, giống như những lần họ thu mua cành vải, ngọn cây keo và con đỉa.

Người dân Tuyên Quang vì hám lợi trước mắt cứ làm theo yêu cầu của thương nhân Trung Quốc, bất chấp hậu quả là đất bạc màu (vì thiếu giun xới đất), những vườn cây vàng lá, chết khô, cũng như những loại hoa màu khác không thể sinh sôi nảy nở.

Một cảnh báo từ năm 2019 đã bị bỏ qua, và nay được truyền thông trong nước nhắc lại vì nông dân tỉnh Hòa Bình báo động nạn “giun tặc” hoành hành, việc mất giun khiến các vườn cây cam của họ vàng lá, chết khô, rễ bị thối.

Giun đất là loại “máy xới tự nhiên” làm tơi đất, có vai trò quan trọng giúp đất đai màu mỡ để trồng cây và hoa màu – Ảnh: Lao Động

Từ cuối Tháng Bảy – đầu Tháng Tám 2023, Nông Nghiệp Việt Nam đã có loạt bài điều tra về nạn “giun tặc”, cho biết những kẻ đi kích trộm giun đất đang hoành hành ở huyện Cao Phong và huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình là nhiều nhất, đồng thời xuất hiện cả những tỉnh khác như Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa…

Những kẻ đi kích trộm giun bằng máy phát xung điện của Trung Quốc lẫn Việt Nam sản xuất (đang rao bán trên các sàn thương mại điện tử, như Shopee) là dân vùng khác tới, có người đi xe gắn máy, có người đi xe hơi.

Mặc dù nhiều nông dân có làm đơn gửi nhà cầm quyền địa phương dẹp “giun tặc” nhưng bắt kẻ này lại phát sinh kẻ khác, không dẹp được.

Ông Bùi Quang Toản, một nông dân xã Thu Phong, huyện Cao Phong, phẫn nộ: “Những vườn cam còn lại là của những người còn tâm huyết, sống chết với vườn và còn vốn.

Đến bây giờ chúng tôi mới nhận định rằng vàng lá thối rễ không chỉ do bệnh mà còn do cả kích giun. Kích giun ở thời điểm độ ẩm cao, luồng điện 4000-5000V phóng xuống đất không chỉ làm chết hết giun, gây bí đất mà còn làm chết hết rễ tơ, bộ rễ bị tổn thương khiến cho cây vàng lá và chết.

Bọn kích giun ngày ngủ, đêm cướp, khiến chúng tôi phải cắt cử nhau mà trông, rất mệt mỏi. Khi bắt được bọn kích giun có thể xảy ra nhiều vấn đề như đánh nhau, thậm chí chết người nên chúng tôi muốn có chế tài để xử lý, mới gửi đơn lên UBND xã Thu Phong, UBND huyện và công an huyện. Sau khi có đơn, công an cũng bắt được nhiều vụ nhưng quan trọng nhất là nơi tiêu thụ thì chưa dẹp được”.

Máy phát xung điện kích giun đất bò ra bán trên Shopee, sàn thương mại điện tử lớn nhất ở Việt Nam hiện nay – Ảnh chụp màn hình

Có hai khoảng thời gian mà bọn trộm giun đất thường hành sự là lúc 20-23 giờ đêm và từ 2-4 giờ sáng.

Một vườn cam phải đầu tư cả tỷ đồng mỗi hecta, sau năm năm mới thu hoạch được, thế mà bọn trộm giun đến, khi người nông dân phát giác thì lá đã vàng, cây đã bắt đầu chết rồi.

Ông Nguyễn Hữu Thuận, một nông dân khác ở xã Thu Phong,  đề nghị: “Theo tôi cần phải xóa hết các điểm tiêu thụ, sấy giun ở trong huyện và ngoài huyện, chứ như ở huyện Kim Bôi có làng có mấy lò sấy giun.

Phải có chế tài xử phạt kích giun như kích cá chứ như hiện nay, bắt rồi lại thả. Nếu bị bắt, người đi kích không mất gì cả vì ngày mai chủ buôn, chủ lò sấy lại đầu tư cho máy mới ngay.

Hầu hết các vườn ở đây đều bị bọn kích giun chà đi, xát lại. Cứ vườn nào vừa phát cỏ xong là bị kích, do dễ nhìn thấy giun bò lên để nhặt. Bởi thế mà chúng tôi giờ không dám phát cỏ vườn nữa dù có rậm đến thế nào”.

Lò sấy giun đất mở trái phép mà vẫn ngang nhiên hoạt động, thế mới tài – Ảnh: Lao Động

VTV ngày 8 Tháng Tám cũng lên tiếng về tình trạng này, cho biết trong vòng vài tháng qua, Công an xã Thu Phong (huyện  Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) tịch thu được nhiều loại máy kích giun, từ loại đơn giản, rẻ tiền đến loại hiện đại, công suất cao, có cả màn hình hiển thị thông số làm việc, với điểm chung là áp dụng nguyên lý xung điện để nâng hiệu điện thế, từ 12 volt lên đến hàng ngàn volt.

Vì tạo ra hiệu điện thế rất lớn nên những chiếc máy này cũng có thể khiến những người đi kích giun bị điện giật, nhất là vào thời điểm trời mưa, nên nhà sản xuất còn làm cả điều khiển từ xa, khi cắm máy xuống đất, người sử dụng chỉ cần bấm nút. Chiếc máy tạo ra luồng điện rất mạnh phóng xuống đất khiến các sinh vật ở dưới đất phải chui lên!

Chỉ với một chiếc máy phát xung điện cao thế cùng một chiếc xô nhựa, một kẻ trộm giun kiếm tiền triệu mỗi ngày không khó.

Dù tất cả các địa phương đều đã nhận được chỉ thị của Bộ Nông nghiệp phải ngăn chặn tình trạng này nhưng vì chưa có chế tài xử phạt cụ thể nên cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại ở việc tịch thu máy kích giun của kẻ trộm và tịch thu giun đã sấy của các lò sấy.

Trong khi hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, theo Nghị định số 42 của Chính phủ thì người đánh bắt sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 – 50 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm, còn hành vi kích giun cũng có phương pháp và để lại hậu quả tương tự như kích cá nhưng lại chưa có trong quy định xử phạt.

VTV kết luận: Chừng nào vẫn còn lò sấy, còn người thu mua, thì kẻ trộm giun vẫn bất chấp việc chủ vườn lắp camera theo dõi, thậm chí mắc điện 220V chống trộm quanh vườn nhà, đập phá kính xe hơi của kẻ trộm.

Hậu quả là giun đất sẽ bị tận diệt, đất bạc màu không còn canh tác được.

Sau khi mổ lấy ruột, xác giun được rửa tốn rất nhiều nước – Ảnh: Lao Động

Lao Động ngày 8 Tháng Tám đã cử phóng viên trà trộn vào các lò sấy giun ở xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi), xã Dũng Phong (huyện Cao Phong) và phường Thống Nhất (TP.Hòa Bình) để “học hỏi làm lò sấy giun”.

Một ông chủ tên Phong cho biết, tiền đầu tư ban đầu để làm lò sấy giun khoảng hơn 100 triệu đồng. Trong đó tiền làm lò khoảng 5-10 triệu đồng, tiền mua 10 máy kích điện chủ yếu là hàng của Trung Quốc khoảng 50 triệu đồng, còn lại là tiền vốn để mua giun tươi.

Mỗi lò như vậy sơ chế từ 300-400 ký giun tươi một ngày, với hai người mổ giun, ba người xếp giun lên khay và đưa vào sấy khoảng sáu- tám tiếng.

Ông Phong còn tiết lộ có nhà làm nhiều lò nên sấy được một tấn giun tươi/ngày.

Giá giun tươi khoảng 65,000 đồng/ký, sau khi sấy thì 10 kg tươi sẽ ra được một ký khô và các thương lái sẽ thu mua với giá gần 800,000 đồng/ký.

Ông Phong nhẩm tính 100 ký giun tươi sau khi sấy và trừ các loại chi phí như nhân công, tiền củi đốt thì sẽ lãi được 800,000 đồng, trung bình mỗi ngày lò của ông kiếm được hơn 2 triệu đồng. Giun khô được bán cho thương nhân Trung Quốc và ông không biết họ mua để làm gì.

Theo quan sát của Lao Động, các lò sấy giun nằm ở nơi hẻo lánh rất khó phát hiện, phía sau nhà dân, bên ngoài có nhiều cây củi khô được chất lên thành đống; việc mổ giun, rửa giun tốn rất nhiều nước và thường được xả thẳng ra suối; còn việc sấy giun tạo ra nhiều khói bụi, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Ông Triệu Xuân Tình, trưởng xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn (huyện Kim Bôi) cho biết, ở xóm có khoảng 13-14 lò sấy giun đang hoạt động, dù không được cấp phép, hoạt động kiểu tự phát và xây dựng trong đất của gia đình.

Giun đất sau khi sấy được bán cho thương nhân Trung Quốc không biết để làm gì nhưng đây là hành vi gián tiếp phá hoại đất canh tác của Việt Nam – Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam

Trên mạng xã hội, trang của nhà báo Cao Huy Thọ đề cập vấn đề này:

Có thể Trung Quốc (TQ) mua giun để làm thuốc, vì ngay trong sách y học cổ truyền VN cũng đề cập rằng con giun (trong Nam gọi là trùn), có vị mặn, tính hàn. Quy vào 4 kinh: Vị, can, tỳ, thận, có công năng thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh, thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù… Giun đất còn gọi là Khâu dẫn, có tên thuốc là Địa long (Pheretima)…

Nhưng sao họ không thu mua giun đất bên nước mình mà lại qua càn quét ở VN? Có thể nói là một công đôi việc, vừa có giun làm thuốc, vừa không hại đất nhà mình.

Nhân nói câu chuyện của ông bạn láng giềng, cuối tuần rồi được ngồi với một nhà khoa học nổi tiếng ở lĩnh vực sinh học. Anh đang lặn lội làm nhiều dự án liên quan đến nông nghiệp ở ĐBSCL, và anh kể: -Tôi dân Quảng Trị, hồi nhỏ lấy làm lạ sao mà thương lái TQ tràn qua thu mua các loại như rắn, ếch nhái… với giá rất cao. Thậm chí, người làng tôi mang cả xác các loài này đến bán họ cũng mua.

Lớn lên, đi học rồi ra đi làm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tôi mới hiểu chuyện: Rằng khi các loài thiên địch, như rắn thì trị chuột, ếch nhái… thì trị côn trùng, sâu bọ có hại cho mùa màng ít đi thì người nông dân phải mua thuốc trừ sâu, diệt cỏ về mà xài.

Và khi ấy, các loại thuốc này từ đâu tới, nếu không phải từ các ông bạn đã đi thu mua những loài thiên địch? Kết quả bây giờ đất đai của chúng ta bị nhiễm thuốc trừ sâu, diệt cỏ quá nhiều mà không biết đến khi nào mới xử lý được chuyện này…”.

Bạn láng giềng “16 chữ vàng” của Việt Nam quá thâm hiểm, còn người Việt Nam, vì quá nghèo nên cứ có cơ hội kiếm được tiền là “nhắm mắt đưa chân”!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: