Đoan Trang hiên ngang đối mặt Sự Ác

Chân dung Phạm Đoan Trang. MXH

“Cháu không thể gục ngã vì sự thối nát của chúng nó

Cháu không thể!”

Giáo sư Đặng Phong – Việt Nam, 2009

Dẫn Nhập: Ngày 14 Tháng Mười Hai 2021 vừa qua Tòa Án Nhân Dân Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang với tội danh “tuyên truyền lật đổ chế độ”. Sự kiện này không là ngẫu nhiên do đảng và nhà nước cộng sản đang khởi động cho một chiến dịch xét xử các nhà hoạt động Dân Chủ-Nhân Quyền khác sẽ diễn ra đến cuối năm 2021. Giới cầm quyền ở Hà Nội tính toán những gì? 

Vấn đề chính trị này cần có những bài viết với nội dung khác để tìm ra câu hỏi thích đáng. Bài viết này chỉ tập trung vào chủ điểm phiên tòa ngày 14 Tháng Mười Hai với án tù vô nhân đạo, phi pháp, bất công chín năm tù giam đối với Người Nữ Tranh Đấu Phạm Đoan Trang – Mà thiển nghĩ im lặng sẽ đồng thuận với Sự Ác cố tiêu diệt Lực Chiến Đấu của Dân Tộc Việt nhằm bảo vệ giá trị Con Người! Người có lương tâm, lương tri, lương năng phải lên tiếng!

Một.

Từ thập niên 1960, khi còn rất trẻ, chưa tới hai mươi, bắt đầu cầm bút viết nên dòng chữ chân thật, bản thân người viết không hề có ý hướng, không bao giờ đề cao, xưng tụng bất kỳ cá nhân nào cho dù người ấy đang nắm giữ quyền lực quan trọng, chức vụ cao, tài sản lớn, tài năng, học thuật lừng lẫy… Nhưng hôm nay, cuối đời, cuối cuộc, tự nhận phải có bổn phận lên tiếng nói, viết về Phạm Thị Đoan Trang, tiếp nguồn lực đấu tranh của Người Nữ Việt Nam, điển hình thế hệ người Việt sinh sau 1975 – Thế hệ sinh trưởng, lớn lên dưới chế độ XHCN ở trong nước – Cũng chính là lực lượng tiên phong của NGUỒN ĐỘNG LỰC CHIẾN ĐẤU VÌ TỰ DO VÀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI MÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ – NỀN VĂN HÓA VNCH ĐÃ BỀN BỈ GÌN GIỮ TỪ 1954 ĐẾN NAY, 46 NĂM SAU NGÀY 30 THÁNG 4, 1975.

Sinh năm 1978 tại Hà Nội, từ năm 1996 đến 2000, Đoan Trang theo học Đại Học Ngoại Thương, chuyên ngành kinh tế quốc tế. Từ trường học này , Đoan Trang và lớp sinh viên cùng thế hệ lần đầu tiên được truy cập Internet – Một thế giới mới dần mở ra trước mắt cô gái mười tám tuổi, con một gia đình chuyên ngành giáo dục, thuộc thành phần nghèo khó phía Nam Hà Nội. Thế giới của những người người phụ nữ khốn cùng, chỉ biết hét lên tiếng sợ hãi trong cơn tuyệt vọng, “Con ơi, con của mẹ ơi…”. Tiếng thét đau thương rúng động tràn khu phố đêm tắt điện không thấy bàn tay trước mắt.

Khu vực tối tăm ghi đậm lên ký ức cô gái nhỏ những khuôn mặt mệt mỏi của lớp người cùng khổ lăn lóc kiếm sống bằng những công việc không tên gọi: Đạp xích lô, đạp xe lôi, xe thồ, may giày, làm đũa, v.v… Cảnh sống tăm tối khốn cùng của khu chung cư khiến cô gái đã nhiều lần tự hỏi: Tại sao rất nhiều người xung quanh đã chết trẻ mà không có nguyên do giải thích? Cô hỏi bạn: “Tại sao cuộc sống của con người ở đây quá rẻ rúng vậy hở anh?” Và nhận được câu trả lời: “Mạng sống của ai? Em nghĩ mạng của em đáng giá lắm sao?”.

Từ hoàn cảnh bế tắc vây chặt chính bản thân và đồng bào lối xóm, Đoan Trang có một ước mơ. “Nếu có đủ quyền lực để thay đổi bất kỳ thứ gì ở đất nước này thì thứ mà Việt Nam đang thiếu là một môi trường để Con Người được tôn trọng”. Từ đấy, Phạm Thị Đoan Trang quyết lên tiếng – Lên tiếng là gắn bó cụ thể với đất nước đau thương mà cô vô cùng yêu mến.

Cũng cần nhắc lại mơ ước của HCM trước ngày Việt Minh về Hà Nội cướp chính quyền hoàn thành “Cách mạng Tháng Tám” – Ngày 16 Tháng Tám 1945 sau cuộc họp tại cây đa làng Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, Bắc Phần. HCM bế một em bé và nói lời cảm kích trước các đại biểu (toàn quốc? – Pnn): “Đời tôi chỉ có một ao ước. Ao ước độc nhất là những trẻ em Việt Nam như em bé này đều được ăn no, mặc ấm và được học hành”. Lời nói “chí nhân” của Hồ được các đại biểu vỗ tay nồng nhiệt hoan nghênh!

Mấy mươi năm sau, 2021, giấc mơ của chủ tịch Hồ được hiện thực lớn hơn lòng mong ước. Đứa nhỏ năm xưa ở Tân Trào nên thành viên tướng ngành công an, giữ chức vụ bộ trưởng tên gọi Tô Lâm há miệng ăn cục thịt bò dát vàng giá mấy chục triệu tiền Hồ, khoảng ngàn đôla Mỹ trước màn hình tin tức thế giới. 

Cùng thời điểm, nơi thành phố mang tên “bác quang vinh”, dân hốt hoảng, liều chết, vượt rào cản, thoát chạy trở về quê xa ngàn dặm với chân trần, tay bế con để thoát dịch và tránh chết đói! Cuối năm 2021, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp tại Hà Nội đưa ra tổng kết qua lời Tổng Bí thư Trọng: “Năm 2020-2021 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua… Thắng lợi nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà Nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta!”

Trở lại chuyện Phạm Đoan Trang. Mùa Đông 2000, rời Đại Học Ngoại Thương, cô bước vào đời với quyết tâm gắn bó cùng đất nước, nồng nàn tấm lòng yêu thương đồng bào khốn khổ. Cô chọn một nghề nghiệp nguy nan nhưng nhiều thích thú, sống động. Đoan Trang thử việc tại báo điện tử VnExpress khi tờ báo này vừa mới thành lập, tiếp tục với các báo VietnamNet, Đài truyền hình VTC…

Đoan Trang hồi tưởng: “Tôi rất nhớ mùa Đông năm 2000 ấy. Tôi vẫn hình dung mình giống như một đứa trẻ, ngây ngô, ngơ ngác, cái gì cũng sợ, gặp ai cũng sợ. Sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là viết sai”. Nhưng nghề báo không chỉ giúp cho cô phóng viên trẻ dần quen, chế ngự được nỗi sợ bản thân. Nghề viết báo cho cô cơ hội tiếp xúc với người, và việc “đáng sợ” gấp bội phần – Sự sợ hãi giữa một xã hội mất tính người – Xã hội của những sinh vật người gọi là “đảng viên của tổ chức cộng sản”!

Năm 2010, nữ phóng viên Đoan Trang gặp bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914-2017), vợ của nhà tư sản thương nghiệp Trịnh Văn Bô. Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914 là một thương gia lớn ở Hà Nội, thuộc vào hàng đại tư bản người Việt giữa thế kỷ 20. Theo số liệu của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Việt Nam (2 Tháng Chín 1945 – 19 Tháng Mười Hai 1946), ông đã đóng góp 15,147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ của chủ tịch HCM.

Chủ tịch Hồ cũng là khách riêng của gia đình ông Bô trú tại biệt thự số 48 phố Hàng Ngang quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Nơi đây Hồ soạn Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, 2 Tháng Chín 1945. Không chỉ một mình Hồ ở nhờ, căn biệt thự 48 Hàng Ngang cũng là bản doanh của chính phủ lâm thời. Và không chỉ giúp nơi ở, cái ăn cho toàn nhân viên chính phủ, ông bà Bô còn cung cấp hàng vải ngoại quốc đắt tiền để đám cán bộ lãnh đạo như Trường Chinh, Đồng, Giáp…, tất nhiên gồm cả Hồ may âu phục dùng trong dịp lễ tiết, tiếp các phái đoàn, đi ra ngoại quốc. Áo quần may đúng ni tấc từng người.

Sau ký kết phân chia đất nước ngày 20 Tháng Bảy 1954 tại Genève, Tháng Mười, chính phủ Hồ từ rừng núi Việt Bắc trở về Hà Nội, Bộ Quốc Phòng “yêu cầu mượn tạm” căn biệt thự của ông bà Bô tại 34 Hoàng Diệu, Hà Nội, sát khu vực quân sự của Bộ Quốc phòng. Bản giao kèo cho mượn trong hai năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký cam kết của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân Đội Nhân Dân lúc bấy giờ. Tướng Thái hứa: “Khi nào Bắc-Nam thống nhất (?), quân đội sẽ trả lại anh chị”.

Sau 30 Tháng Tư 1975, ông bà Bô yêu cầu trả lại căn nhà để làm nơi cư trú cho đại gia đình, bấy giờ gần 40 người gồm ba thế thế hệ con, cháu, chắt, quá chật chội tại căn nhà 24 đường Nguyễn Gia Thiều, gần hồ Thiền Quang. Chẳng có “quân đội nhân dân” nào chịu trả! Tướng Hoàng Văn Thái đã chết, các thủ lãnh cấp cao như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ… đều hăm he căn biệt thự rộng lớn này, nhưng cũng không đủ sức cướp giật với nhau. Trung ương Đảng thả nổi sự việc, chờ thời cơ cướp trọn. Ông Trịnh Văn Bô qua đời năm 1988, căn nhà vẫn thuộc quyền “mượn” của “quân đội nhân dân (anh hùng)”.

Trong những năm sau, bà Hoàng Thị Minh Hồ nhiều lần gởi đơn đến giới cầm quyền cao cấp đương nhiệm như Đỗ Mười, Lê Quang Đạo, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải… nhưng căn biệt thự số 48 Hàng Ngang, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn tiếp tục được “mượn” vì không có “lãnh đạo Đảng” nào ngu dại đi trả núi vàng của khu đất 3000 m2 này cho bọn “kẻ thù của cách mạng” dẫu đã có lần (buộc) phải gọi ông bà Trịnh Văn Bô là “tư sản dân tộc”/ân nhân của bác Hồ kính yêu và đảng vinh quang. Cũng bởi, giá đất Hà Nội cao hơn cả đất New York, Tokyo. 

Mãi đến năm 2003, bà Trịnh Văn Bô mới được trở về ngôi nhà mà người chồng đã cho mượn gần 50 năm trước. Nhưng hãy coi chừng, bà Hoàng Thị Minh Hồ/Trịnh Văn Bô vẫn chưa/không bao giờ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu chính thức vì căn biệt thự thuộc quyền “nhân dân làm chủ/nhà nước quản lý” theo Điều 4 Hiến Pháp CHXHCNVN.

Đoan Trang học được bài “Tính Đảng ưu việt” trong lần phỏng vấn bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, một lão bà 96 tuổi kiệt sức và mất sạch của cải sau hơn nửa thế kỷ theo cùng cuộc cách mạng do Hồ Chí Minh và đồng bọn thủ diễn. Đám người gọi là lãnh đạo Đảng được chính tay vợ chồng bà nuôi ăn, cho ở, kể cả sắm sửa áo quần để có cái mặc ra trước đám đông từ 1945, sau 1954.

Hai.

Tháng Ba 2007, Đoan Trang nghỉ làm việc ở Đài truyền hình VTC và sang làm báo VietNamNet. Cô tự xét mình: “Tôi đã mang (một phần thôi) ngọn lửa của tuổi 12, 13 và 19, 20 vào những ngày tháng làm ở VietNamNet TV. Nhưng cũng may là tôi đã không dốc tất cả lửa vào đó”. Cho đến một ngày phần thực dụng trong người cô gào lên: “Trang, is it worth?” (Trang, như thế có đáng hay không?) và cô chín chắn nhận ra rằng: “Cuộc sống sẽ dễ dàng biết bao nếu nhắm mắt trước những đau khổ chung quanh mình”. Từ hiểu mình cũng là lần thông cảm với người, nên Đoan Trang dần thấy ra những điều cơ bản…

Lý do thứ nhất khiến một người không dám nói những điều mình nghĩ là do mặc cảm sợ hãi vốn có, sợ bị chỉ trích, sợ trách nhiệm, sợ bị cô lập. Và lý do thứ nhì có thể là người đó không đủ sắc bén để nhìn nhận vấn đề, hoặc không thấy lợi ích của mình trong đó… Hoặc người đó không tin là sẽ thay đổi được điều gì nếu họ lên tiếng, hoặc họ thấy bản thân mình không liên quan gì đến vấn đề đó. Trang kết luận với chính mình/cho bản thân: “Người ta chỉ gắn bó mạnh mẽ với đất nước khi cảm thấy có cùng chung những dự định tương lai với đất nước, và vì vậy mà có cảm hứng để biến những dự định đó thành hiện thực”.

Đoan Trang không nói lý thuyết suông, nhưng hiện thực thành hành động. Cô viết nên chữ. Thời gian 2008-2009, Đoan Trang là nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài phân tích sâu sắc về quan hệ giữa Trung Cộng-Việt Nam. Đây là loạt bài gây tiếng vang lớn trên trang chuyên mục Tuần Việt Nam của báo VietNamNet.

Đoan Trang viết lại kinh nghiệm bản thân về nghề làm báo… “Tôi tin rằng người ta không bao giờ có thể giỏi bất cứ thứ gì nếu không yêu thích nó… Tất nhiên nó cũng có thể làm hỏng cuộc sống của bạn, nhưng cũng là hạnh phúc, hoặc cũng đủ để tạo nên nỗi bất hạnh”. Và cô chân thật nhìn lại mình một cách cay đắng: “Tôi chưa bao giờ là một phóng viên (có) hiệu quả; trong khi tôi thường cảm thấy bất hạnh đè nặng lên trái tim mình. Nhưng nếu bạn thực sự muốn bình yên, có lẽ bạn không nên đi làm báo”.

Từ tiên tri, cảm nghiệm về nguy nan của nghiệp làm báo, Đoan Trang nhận lần thử thách đầu tiên: Ngày 27 Tháng Tám 2009, blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) bị bắt. Một ngày sau đến lượt Đoan Trang; và rồi blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt vài ngày sau. Lý do bị bắt là vì (công an) cho rằng cả ba người đã “xâm phạm an ninh quốc gia” do tham gia in ấn lên áo thun nội dung phản đối dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên (Cao Nguyên Trung Phần – Pnn). Tuy nhiên, cả ba được thả sau chín ngày tạm giam.

Đoan Trang tự họa nên chân dung “buồn”: “Trong ba blogger, có lẽ tôi là người ‘oan’ nhất, theo nghĩa tôi không hề tham gia in áo, chưa từng trông thấy áo, cũng như không một lần được hỏi ý kiến về vụ áo xống đó. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại câu chuyện ấy, với một ý nghĩ buồn (buồn) trong đầu: ‘Áo em chưa mặc một lần…”. Sau vụ tạm giam chín ngày, Đoan Trang bị báo VietnamNet sa thải không lý do giải thích. Đòn (oan) đầu tiên hứng chịu khiến cô phóng viên trẻ hụt hẫng, nhưng may mắn thay, cô được giáo sư Đặng Phong giữ vững tinh thần: “Phải sống. Cháu không thể gục ngã vì sự thối nát của ‘chúng nó’. Cháu không thể”.

Đoan Trang vượt sống sau trận đòn thù đầu tiên, khởi động một hành trình bão lửa khác. Cô xin vào làm việc cho báo Pháp Luật TP.HCM với tin tưởng, tự an ủi: “Tôi may mắn được đến với Pháp Luật TP. HCM trong những ngày rất khó khăn của mình, khi mà ‘di chứng’ của thời gian ở trong trại tạm giam vẫn còn đè nặng, khi tôi sống trong tâm lý của một người làm bất kỳ cái gì cũng bị nghi ngờ, và khi bản thân tôi cũng không tin ai được”.

Không phí phạm thì giờ và lợi thế khi làm với báo Pháp Luật TP.HCM, Tháng Sáu 2012, Đoan Trang ra mắt “Lược sử blog Việt” nhân dịp bảy năm Yahoo! 360° xuất hiện ở Việt Nam. Ngoài làm việc cho báo Pháp Luật TP.HCM, cô còn gởi bài đăng trên các báo khác như Tia Sáng, Nhịp Cầu Thế Giới (một tờ báo tiếng Việt ở Hungary), và nhiều tờ báo khác. Không chỉ chiến đấu bằng chữ viết, cô xuống đường với những bạn trẻ cùng hoài bão…

Buổi sáng ngày 5 Tháng Tám 2012, Đoan Trang bị công an bắt lần thứ hai trong một cuộc biểu tình chống Trung Cộng tại Hà Nội. Lần bị bắt 2012 không làm Đoan Trang sợ hãi, trái lại cô càng sắc sảo, trưởng thành, vững chắc hơn, như lời giáo sư Đặng Phong đã thúc giục. Từ năm 2012, Đoan Trang là một trong những nhà báo đầu tiên ở Việt Nam báo cáo về tình hình vi phạm Nhân Quyền ở Việt Nam đến các cơ quan quốc tế. Năm 2012, Nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản quyển Và Quyền Lực Thứ Tư của Đoan Trang và một cuốn sách khác do cô làm đồng tác giả – Thế Hệ F.

Cùng năm 2012, NXB Tri Thức xuất bản sách Việt Nam và tranh chấp Biển Đông do Đoan Trang và nhiều tác giả khác đồng biên soạn. Tháng Ba 2013, dịp nhà nước CSVN lấy ý kiến người dân về bản dự thảo Hiến pháp mới, Đoan Trang bắt đầu viết loạt bài “Nói với mình và các bạn” để phổ biến kiến thức cơ bản về chính trị và nhân quyền. Cô nhận định với “hy vọng”: “Đây là một dịp rất tốt để tất cả chúng ta cùng tìm hiểu về Hiến pháp, về luật pháp, về tinh thần hợp hiến, về nhân quyền và dân quyền… Đây là một dịp khuyến khích tất cả chúng ta – Những người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ – thử quan tâm một chút đến chính trị xem sao?”

Năm 2013, Đoan Trang thông báo nghỉ việc báo Pháp Luật TP.HCM. Đến thời điểm này, Trang đã làm việc cho hơn 10 cơ quan báo chí nhà nước khác nhau. Cô quyết định ra nước ngoài và tham gia nhiều hoạt động vận động quốc tế, mở hướng chiến đấu mới.

Ba.

Năm 2014, Đoan Trang qua Mỹ với học bổng nghiên cứu của tổ chức Villa Aurora & Thomas Mann House, và Thư viện Feuchtwanger thuộc Đại học Nam California (University of Southern California- USC). Cơ sở văn hóa mang tên Thomas Mann, một nhà văn hóa Đức lưu vong sang Mỹ năm 1944. Với sở nguyện đầu tiên, Thomas Mann mong biến căn nhà của mình nơi vùng Nam California thành chỗ cư trú cho những người Đức lưu vong chống chế độ độc tài. Lần hồi cải tiến vật chất lẫn tinh thần, từ 2016 căn nhà của Thomas Mann trở thành địa điểm trao đổi văn hóa xuyên đại dương được tài trợ bởi Cơ quan Văn hóa và Truyền thông thuộc Văn phòng Ngoại giao Liên bang Chính phủ Đức. Nhận được kiến văn, và kinh nghiệm từ hơn 10 năm làm báo, học hỏi từ cơ sở Thomas Mann, Phạm Đoan Trang sáng lập “Tạp Chí Luật Khoa” giúp người Việt Nam hiểu luật pháp để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngày 5 Tháng Mười Một 2014, Luật Khoa Tạp chí ra mắt độc giả. Đây là một tạp chí chuyên ngành về luật, chính trị và nhân quyền do Đoan Trang cùng những thành viên khác sáng lập. Đoan Trang giới thiệu Luật Khoa Tạp chí trên blog của mình:

“Tôi ý thức được nỗi sợ của người không biết gì về luật, mà lại không hiểu phải bắt đầu từ đâu để vượt qua cánh rừng rậm mênh mông đó. Tôi nhìn thấy cảm giác choáng ngợp của họ. Cũng như tôi hiểu (phần nào) thân phận của những công dân có việc dính tới ‘cửa quan’ mà lại thấp cổ bé họng, chẳng biết tin vào ai, chẳng biết phải làm gì, nói chi tới việc sử dụng luật pháp để bảo vệ mình”…

Tốt lành bao nhiêu quan điểm trong sáng của người cầm bút Phạm Thị Đoan Trang, cô nâng cao thêm một tầng công việc đầy thiện chí của bản thân và những người bạn. Quá trình chúng ta cùng tìm hiểu về luật pháp và luật học chính là quá trình chúng ta đi những bước đầu tiên trên con đường xây dựng “nhà nước pháp quyền” – Nhà Nước Pháp Quyền –  Mục tiêu mà đảng – quốc hội- nhà nước CSVN đề ra đầy dẫy trên những văn kiện gọi là “nghị quyết đảng-sắc luật quốc hội-quyết định nhà nước – Tất cả chỉ là vô ích-vô nghĩa-vô dụng!

Những sách Phản Kháng Phi Bạo Lực, Cẩm Nang Nuôi Tù, Chính Trị Bình Dân, cũng như những tác phẩm tranh đấu khác được viết với máu từ nước mắt tuổi trẻ của Phạm Đoan Trang đã bị hệ thống cầm quyền bạo lực Việt Nam vất bỏ. Sáng ngày 26 Tháng Tư 2015, nhóm Vì Một Hà Nội Xanh tổ chức tuần hành phản đối nhà nước thực hiện kế hoạch chặt cây cổ thụ, phá hủy môi trường lịch sử thiên nhiên của một quốc gia có từ thế kỷ thứ 10. Đám công an không nương tay, cưỡng bức lôi kéo Đoan Trang và người biểu tình khác lên xe buýt. Cô lọt vào giữa đám đông, hình ảnh cũng loang loáng lướt qua, nhưng vẫn “thấy một mảnh trời xanh biếc phía trên, in màu lá cây và những khuôn mặt sôi sục cả trẻ cả già, người dân và công an”. Cuộc bạo hành đưa đến kết quả: Đoan Trang bị công an đánh gãy cả hai chân.

Tháng Mười Hai 2015, Đoan Trang đăng bài “Diễn biến ‘chiến dịch’ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội” bằng Anh và Việt Ngữ trên blog của mình. Bài viết có tiếng vang ra ngoại quốc. Tháng Năm 2016, Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam với tư cách quốc khách của nhà nước CSVN, mong gặp gỡ giới hoạt động dân sự tại Hà Nội trong ngày 24 Tháng Năm, có lời mời đích danh Đoan Trang. Từ bệnh viện Sài Gòn, nơi cô chịu giải phẫu khớp đầu gối bị đánh gãy chân hôm Tháng Tư, Đoan Trang cố tìm cách ra Hà Nội để gặp Tổng thống Mỹ. Nhưng xe cô bị công an chặn giam tại Ninh Bình hơn một ngày sau mới thả cho đi.

Lạ thật, một chế độ bạo lực khởi động hai cuộc chiến tranh từ 1946, 1960…, thay đổi hẳn vận mệnh dân tộc ba nước Đông Dương, cục diện Đông Nam châu Á mà lại sợ hãi đến mức vô lý những người phụ nữ mong manh, yếu đuối…, từ bà Thụy An nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm, 1956-1957; và nay với Đoan Trang. Một chế độ sợ những dòng chữ viết.

Trong hơn ba năm kể từ Tháng Bảy 2017, Đoan Trang đã sống ít nhất 60 chỗ ở khác nhau khắp các tỉnh, thành. Cô đã đi lại hơn ba năm cùng với đôi chân thương tật, và nỗi sợ hãi nặng nề đeo bám, bị đánh đập, bị hành hung, bị công an bao vây bất cứ lúc nào. Kể đến lần bị bắt cuối cùng năm 2020, Đoan Trang liên tiếp bị công an cộng sản sách nhiễu bằng đủ hình thức. Mỗi khi có đoàn ngoại giao nào đến Hà Nội thì chắc chắn cô bị giam lỏng tại nhà từ nhiều tuần trước. Tình trạng bị canh giữ chặt ở Hà Nội được Đoan Trang mô tả: “Đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở – nghĩa đen. Nếu không có cây đàn guitar luôn đặt ở bên, có lẽ tôi đã phát điên…”.

Cô tự định nghĩa sứ mạng khắc nghiệt của một Người Viết Báo, Nhà Văn Trung Trực: “Là một nhà báo và tác giả độc lập dưới chế độ độc tài toàn trị có nghĩa bạn có thể bị bắt và thẩm vấn, thậm chí bị hành hung bất cứ lúc nào… Bạn cũng có thể bị quản thúc tại gia hoặc gần như trở thành người vô gia cư. Gia đình bạn bị theo dõi chặt chẽ, bạn bè và những người ủng hộ bạn cũng có thể bị cảnh sát quấy rối… Bạn phải sống trong nỗi ám ảnh thường trực rằng bạn là kẻ thù đáng bị trừng phạt của nhà nước… Bạn không thể sống bình thường như những người khác hoặc như trước kia. Nỗi đau khổ, trầm cảm và suy sụp tinh thần chồng chất sẽ tàn phá và giết chết bạn dần dần”.

Người thiếu nữ viết báo bị đánh đến độ thương tật đã có lúc cảm thấy rằng sự nghiệp báo chí của cô phải khép lại trước săn lùng khốc liệt của nhà nước công an trị. Tuy nhiên, với Đoan Trang, tất cả điều đáng sợ vừa kể ra không quan trọng. Điều quan trọng là: “Càng có nhiều người đọc sách (của Phạm Thị Đoan Trang-Pnn) càng tốt”. Người Cầm Bút Phạm Thị Đoan Trang vượt sống từ ngày giờ ngộp thở (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) với CHỮ- NHỮNG CUỐN SÁCH. Cô thực hiện trọn vẹn lời nguyền đơn giản nhưng cao cả: Không thể sống mà không thể viết.

Năm 2017 và 2018, sách Chính Trị Bình Dân bị công an Đà Nẵng tịch thu ít nhất 300 cuốn khi vận chuyển từ Ba Lan về Việt Nam. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới quyết định trao giải thưởng Tự Do Báo Chí năm 2019 cho Đoan Trang. Cũng năm 2019, NXB Tự Do xuất bản hai cuốn sách của Đoan Trang: Politics of a Police State – Chính Trị của Một Nhà Nước Cảnh Sát TrịPhản Kháng Phi Bạo Lực; NXB Luật Khoa cũng xuất bản cuốn Cẩm Nang Nuôi Tù của cô.

Tháng Bảy 2020, Đoan Trang cùng các dịch giả khác công bố xuất bản cuốn Tội Ác Phải Bị Trừng Phạt, dịch từ cuốn sách của tổ chức Safeguard Defender về hướng dẫn sử dụng Luật Magnitsky để trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền. Sau khi phát hành các cuốn sách kể trên, công an đã tìm mọi cách triệt phá hoạt động của NXB Tự Do. Người giao sách, nhận sách đã bị công an theo dõi, đe dọa và hành hung.

Người cầm bút Đoan Trang không thể im lặng về bãi máu Đồng Tâm. Tháng Hai 2020, một tháng sau vụ cảnh sát cơ động bắn người dân xã Đồng Tâm, NXB Tự Do đã xuất bản cuốn sách song ngữ Anh-Việt Cánh Đồng Sênh: Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm. Báo cáo “Cánh Đồng Sênh…” có năm tác giả: Đoan Trang, nhà hoạt động Will Nguyễn ở Mỹ, Bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai của bà Cấn Thị Thêu là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư. Đầu Tháng Sáu 2020, Liên minh lớn nhất thế giới của các nhà xuất bản (International Publishers Association) đã trao giải thưởng Prix Voltaire 2020 cho NXB Tự Do. Đây là giải thưởng vinh danh Tinh Thần Tự Do của IPA dành cho các tổ chức xuất bản trên thế giới.

Sau Báo Cáo về Đồng Tâm, Đoan Trang bị công an bắt ngay khuya 6 Tháng Mười 2020 tại Sài Gòn, áp giải ra Hà Nội vào ngày hôm sau. Công an lập tức khởi tố Đoan Trang với cáo buộc và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình Sự 2015. Cần nhắc lại, vụ bắt giữ khởi tố Đoan Trang được thực hiện ngay sau buổi đối thoại cùng ngày 6 Tháng Mười  2021 về Nhân Quyền thường niên giữa nhà nước Hà Nội và Hoa Kỳ. Quả thật đảng và nhà nước CSVN không dùng chung ngôn ngữ với Nhân Loại Thế Giới.

Bốn.

Bài viết đã quá dài, chúng tôi tiếp trình bày phiên tòa đầy kịch tính ngày 14 Tháng Mười Hai 2021 tại Hà Nội. Theo tường thuật của các luật sư biện hộ thì phiên tòa diễn ra rất căng thẳng. Cuối cùng hội đồng xét xử tuyên án chín năm tù giam, cao hơn mức án do Viện Kiểm Sát đề nghị (7 đến 8 năm tù). Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết: “Trong phần nhận định thì họ cho rằng hành vi của cô Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, như vậy đưa đến kết quả với mức án cao”. Ông nói tiếp: “Tòa chỉ tuyên án dựa trên những thông tin và lập luận một chiều từ phía cơ quan công tố nhà nước. Họ không chấp nhận bất kỳ quan điểm bào chữa của các luật sư”.

Giáo sư Nguyễn Quang A ở Việt Nam nhận xét: Đảng sợ Phạm Đoan Trang, nhưng cái tội danh “chống nhà nước” họ cáo buộc cho cô đã là phi lý. Giáo sư A viết: “Xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả…, nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền… khi chính quyền ấy làm bậy…”. Năm 2017, sau khi xuất bản cuốn Chính Trị Bình Dân và bị bắt, khi được dẫn vào phòng giam, Đoan Trang hỏi đi hỏi lại: “Tại sao bỏ tù tôi?!”. Không ai trả lời được. Giáo sư Quang A nhận định: “Chỉ những kẻ yếu (nhà nước cộng sản) mới dùng đến những biện pháp đàn áp thô bạo như thế…”.

Khi bị tuyên án chín năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, Đoan Trang quay lại phía người mẹ đang ngồi phía sau. Bà Bùi Thị Thiện Căn, hơn 80 tuổi, đã nắm tay, đưa một ngón cái lên ý muốn nói “Con là Số Một!”. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét: “Có lẽ, chỉ có dòng máu anh thư chảy trong huyết quản Người Mẹ Việt Nam mới có thể luân chuyển, hun đúc nên tinh thần kiên cường của một Đoan Trang”. Bởi Phạm Đoan Trang đã nói về phiên tòa của lịch sử: “Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay; nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.”

Một ngày sau, tính chất không sợ hãi bạo quyền lại phản ảnh tại phiên tòa xử Trịnh Bá Phương 10 năm tù và bà Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù giam, vì lên tiếng phản đối vụ Đồng Tâm. Ở Đức, nhà văn Phạm Thị Hoài đã nhắc lại một lời tuyên án: “Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối. Nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát. Vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong.”

Hậu từ.

Có một điều rất đáng buồn là cho tới bây giờ ai cũng thấy hình như có một sự nhân nhượng của quốc tế và Hoa Kỳ về sự trừng phạt chế tài đối với Cộng sản Việt Nam. Những lời tuyên bố gần đây về việc chính phủ Mỹ sử dụng Nhân Quyền như hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao có giá trị gì không?

Người Mỹ, chính phủ Mỹ đã là thế, nhưng người Việt trong và ngoài nước KHÔNG THỂ IM LẶNG. Đúng như lời nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức đã cảnh cáo: “Nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát. Vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong”. Người Việt trong và ngoài nước phải nhận ra rằng: Chế độ độc tài đưa ra bản án quá nặng đối với Đoan Trang chỉ là vì sợ hãi. Đảng “sợ dân chúng sẽ tiếp tục tranh đấu mạnh hơn”. Lời nói cuối cùng của Phạm Đoan Trang: “Mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được”. NGƯỜI VIỆT ĐOÀN KẾT LẠI THÌ CON THÚ CỘNG SẢN SẼ KHÔNG THỂ NÀO TỒN TẠI. Mong lắm thay!

Cầu Bình An Dưới Thế cho Người Đấu Tranh

Viết riêng cho Người Con Đoan Trang và Người Mẹ Thiện Căn

Phan Nhật Nam

Arizona, 24 Tháng Mười Hai 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: