Dự án cáp ngầm đưa điện ra Côn Đảo đã được triển khai với tổng mức đầu tư lên đến hơn 4.900 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án trọng điểm quốc gia này đang bị bao phủ bởi màn sương mù của nghi vấn, khi EVN liên tục có những quyết định khó hiểu khi cố tình “hạ chuẩn” để ưu ái cáp Trung Quốc, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn về an ninh quốc gia.
Hạ tiêu chuẩn kỹ thuật: Lối mở cho cáp Trung Quốc?
Điểm đáng ngờ nhất trong quy trình đấu thầu là việc EVN bất ngờ loại bỏ yêu cầu về kinh nghiệm thi công cáp ngầm ở độ sâu 52m trở lên. Đây là một yêu cầu quan trọng, đảm bảo nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật để triển khai dự án trong điều kiện địa hình phức tạp của vùng biển Côn Đảo. Việc EVN “hạ chuẩn” một cách khó hiểu khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng đây có phải là một “màn kịch” được dàn dựng công phu nhằm hạ thấp rào cản kỹ thuật, tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc, vốn nổi tiếng với giá rẻ nhưng chất lượng kém, có cơ hội tham gia dự án và giành được hợp đồng béo bở này?
Bên cạnh đó, EVN đến nay vẫn còn “bỏ ngỏ” khi chưa có bất kỳ điều chỉnh nào về yêu cầu kỹ thuật và xuất xứ của vật tư, vật liệu, bao gồm cả loại cáp ngầm quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thầu hoàn toàn có thể sử dụng cáp Trung Quốc, bất chấp những lo ngại về an ninh quốc gia đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro khôn lường khi sử dụng cáp Trung Quốc trong dự án này. Không chỉ chất lượng bấp bênh, tiềm ẩn nguy cơ sự cố, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện cho Côn Đảo, cáp Trung Quốc còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Bên cạnh chức năng dẫn điện, cáp ngầm biển còn chứa các sợi cáp quang, đóng vai trò là “mạch máu” kết nối thông tin liên lạc giữa Côn Đảo và đất liền. Nếu sử dụng cáp Trung Quốc, chúng ta vô tình trao quyền kiểm soát thông tin của một vùng biển chiến lược vào tay một quốc gia đang có nhiều tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Nguy cơ các thiết bị nghe lén, theo dõi được cài đặt sẵn trong cáp ngầm là hoàn toàn có thật, và hậu quả của nó đối với an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Việt Nam là vô cùng khó lường.
Cấp bách đến mức đánh đổi an ninh quốc gia?
Một trong những điểm khiến dư luận không khỏi hoài nghi về dự án cáp biển Côn Đảo chính là tiến độ “thần tốc” mà EVN đặt ra. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành và đi vào hoạt động trong vòng 2 năm, tức là vào quý 4/2025. Thời gian này ngắn đến mức khó tin, nếu so sánh với các dự án cáp ngầm biển tương tự trước đây.
Dự án đưa điện ra đảo Phú Quốc, với quy mô và độ phức tạp tương đương, đã mất tới 4 năm để hoàn thành. Dự án cấp điện cho Cô Tô và Bạch Long Vĩ cũng cần tới 5-6 năm để triển khai. Thậm chí, Prysmian Group, tập đoàn cáp biển hàng đầu thế giới với kinh nghiệm dày dặn và tiềm lực tài chính hùng hậu, cũng đã quyết định rút lui khỏi dự án Côn Đảo vì cho rằng thời gian 2 năm là quá gấp gáp, không thể đảm bảo chất lượng và an toàn cho công trình.
Vậy lý do nào khiến EVN phải “chạy đua” với thời gian như vậy? Liệu có một “thế lực ngầm” nào đó đang thúc ép, can thiệp vào dự án, buộc EVN phải đẩy nhanh tiến độ bất chấp những rủi ro tiềm ẩn? Hay đằng sau tốc độ “thần tốc” này là một toan tính nào khác, mà người dân chưa được biết?
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc rút ngắn thời gian thi công một cách “cực đoan” như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Thứ nhất, nhà thầu sẽ phải làm việc với cường độ cao, dễ dẫn đến sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thứ hai, việc kiểm soát chất lượng, giám sát thi công sẽ gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho những hành vi gian lận, tham nhũng.
Phải chăng EVN đang quá coi trọng yếu tố thời gian mà quên đi những yếu tố quan trọng khác như chất lượng, an toàn và đặc biệt là an ninh quốc gia? Hay đằng sau sự “vội vàng” này là một “bàn tay vô hình” nào đó đang thao túng, toan tính những điều mờ ám?
Tổng quan về Dự án cáp ngầm đưa điện ra Côn Đảo
Dự án cáp ngầm đưa điện ra Côn Đảo đươc coi là một dự án trọng điểm quốc gia, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án Điện 3 trực tiếp triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 2.500 tỷ đồng và phần còn lại là vốn tự có của EVN. Mục tiêu của dự án là cung cấp nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống cho người dân trên đảo Côn Đảo.
Dự án bao gồm nhiều hạng mục quan trọng, cả trên đất liền, trên biển và trên đảo. Trên đất liền, dự án sẽ mở rộng 1 ngăn lộ đường dây 110 kV tại Trạm biến áp (TBA) 220 kV Vĩnh Châu và xây dựng đường dây trên không 110 kV, dài 17,5 km, nối từ TBA đến điểm chuyển tiếp xuống cáp ngầm. Hạng mục quan trọng nhất là xây dựng cáp ngầm biển 110 kV, dài 77,7 km, nối từ điểm chuyển tiếp trên đất liền đến điểm tiếp bờ ở Côn Đảo. Trên đảo, dự án sẽ xây dựng cáp ngầm đất 110 kV, dài 8,5 km, từ điểm tiếp bờ đến TBA GIS Côn Đảo, đồng thời xây dựng mới TBA 110 kV GIS Côn Đảo với quy mô 2×63 MVA.
Dự án dự kiến được im lặng và gấp rút đưa vào phê duyệt vào Tháng Bảy 2024 và hoàn thành, đóng điện vào quý IV/2025. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn đấu thầu, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà thầu trong và ngoài nước. Trong đó, các nhà sản xuất cáp ngầm tiềm năng bao gồm Sumitomo (Nhật Bản), Prysmian (Châu Âu), JDR (Anh), Taihan và LS (Hàn Quốc), cùng các nhà sản xuất Trung Quốc. Về nhà thầu thi công, các đơn vị tiềm năng gồm có PC1, Phú Xuân, PTSC, Vietsovpetro và LS Vina.
EVN đã đưa ra một số yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cho dự án, đáng chú ý là yêu cầu chỉ sử dụng tàu có quốc tịch và đăng kiểm Việt Nam để thi công. Ban đầu, thời hạn đóng thầu dự kiến là ngày 16 Tháng Chín 2023, nhưng sau đó đã được gia hạn đến ngày 23 Tháng Chín 2023. Chung quanh dự án này còn quá nhiều câu hỏi về mối quan hệ của EVN và nhà thầu Trung Quốc, cũng như vấn đề an ninh quốc gia trong tương lai, mà không thấy một tờ báo nào ở Việt Nam dám đào sâu hay theo đuổi chất vấn.