Du lịch Việt Nam: “Mài di sản” để đắp vào ngân sách không đáy?

Một góc Huế (ảnh: ph-ng-anh-nguy-unsplash)

“Việt Nam – vẻ đẹp bất tận” (Vietnam – timeless charm) là slogan của ngành du lịch Việt Nam từ năm 2012. Nhưng du khách Việt hay ngoại quốc đến bất cứ danh lam thắng cảnh nào của Việt Nam cũng bị thu đủ thứ phí, chưa kể giá cả ăn uống và dịch vụ vô cùng đắt đỏ so với Thái Lan và các nước láng giềng Đông Nam Á nói chung.

Trong bài “Bán vé tham quan phố cổ Hội An là góp phần giữ gìn Di sản” trên trang báo điện tử Công an TP.Đà Nẵng ngày 12 Tháng Năm 2023, có đoạn: “Bắt đầu từ ngày 15-5, tất cả du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé. Mức giá tham quan 120.000 đồng ($5)/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng ($3)/vé dành cho khách nội địa. UBND TP. Hội An sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty du lịch lữ hành nhằm tránh tình trạng thất thu cho ngân sách”.

“Văn bản” ngắn chỉ 81 chữ này đã cho thấy một số điều khó chấp nhận. Đầu tiên, đó là sự bất hợp lý trong mức giá. Giá vé tham quan có sự chênh lệch “không hề nhẹ”: giá vé cho khách quốc tế gấp rưỡi so với giá vé cho khách trong nước. Chính sách “hai giá” của ngành du lịch Việt Nam áp dụng lâu nay đối với du khách không chỉ thể hiện sự bất hợp lý mà còn có vẻ tham lam. Chính điều này làm cho khách quốc tế cảm thấy như họ bị trục lợi chỉ bởi họ là người nước ngoài. Và như vậy, khiến họ phải cân nhắc khi chọn điểm đến là Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam luôn tìm mọi cách tăng lượt khách quốc tế để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Thay vì tìm cách khuyến khích du khách xài tiền thì ngành du lịch Việt Nam lại “moi tiền” bằng chính sách “hai giá”.

Sự “phân biệt” du khách nước ngoài và du khách nội địa là một trong những chính sách thiển cận nhất của ngành du lịch Việt Nam (ảnh: beth-macdonald-unsplash)

Ngoài ra, cách thu phí cũng thiếu chuyên nghiệp khi mở quầy bán vé và soát vé. Cũng nhằm mục đích giữ gìn di sản hay bảo vệ môi trường, Hàn Quốc dự tính thu phí du khách vào đảo Jeju theo cách khác. Họ gộp vào tiền lưu trú qua đêm tại khách sạn ở đảo Jeju, tiền thuê xe hơi hay thuê xe bán tải, tiền đi xe buýt.

Họ dự tính gộp thêm 1,500 WON ($1) trong tiền lưu trú; 5,000 WON ($3.72) khi thuê xe hơi – hay tùy chọn là 10,000 WON ($7.45) khi thuê xe bán tải; hoặc thêm 5% khi khách đi xe bus. Như vậy trung bình du khách chỉ trả khoảng 8,170 WON ($6.09) một ngày-đêm. Trong khi đó, TP.Hội An bán vé với giá từ $3 – $5/người chỉ trong một lần tham quan di tích ở phố cổ Hội An, không lưu trú qua đêm, không thuê xe.

Tất cả cho thấy có vẻ như du lịch Việt Nam đang nỗ lực tận thu bằng cách “mài di sản” hơn là biết cách khai thác di sản để lôi kéo du khách.

Trong bài “Bán vé tham quan phố cổ Hội An là góp phần giữ gìn Di sản”, có một đoạn nhấn mạnh: “UBND TP. Hội An sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty du lịch lữ hành nhằm tránh tình trạng thất thu cho ngân sách”. Vấn đề ở đây là họ muốn thu tiền theo chỉ tiêu hàng năm để nộp cho ngân sách tỉnh/thành phố và trung ương. Việc chăm chăm thu tiền cho ngân sách không chỉ diễn ra ở TP.Hội An mà còn ở các địa phương khác như:

Tại Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang: VnExpress đề cập vấn đề này trong bài viết ngày 22 Tháng Hai 2023 là từ năm 2006, ban quản lý khu di tích này đã thu phí, sau đó lập ba chốt (một chốt ở đường Tân Lộ Hương Kiều, hai chốt ở tuyến nối quốc lộ 91). Với việc các chốt ở cách xa miếu khoảng 1km, nhiều người không có nhu cầu đến miếu, song vào khu vực này đều bị tính phí.

Ngoài ra, dẫn số liệu từ UBND TP.Châu Đốc, bài viết trên cho biết thêm, tiền công đức do người dân đóng góp tại miếu Bà Chúa Xứ là khoảng 120-150 tỷ đồng ($5 triệu 100 ngàn – $6 triệu 300 ngàn) và tiền bán vé tham quan 50 tỷ đồng ($2 triệu 100 ngàn) mỗi năm. Châu Đốc chỉ để lại 30% tiền công đức cho Ban quản trị lăng miếu Núi Sam, còn lại 70% dùng cho công tác an sinh xã hội, giáo dục, phục vụ du lịch của thành phố (?). Ai có thể kiểm tra việc sử dụng nguồn thu này?

Ảnh: amy-tran-unsplash

Tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế: Báo điện tử Tuổi Trẻ đưa tin ngày 1 Tháng Tư 2023 cho biết du khách muốn xem cổ vật triều Nguyễn trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình phải mua vé vào tham quan cả Đại Nội Huế, dù hai điểm di tích này nằm ở hai trục đường khác nhau. Giá vé vào Đại Nội Huế là 200,000 đồng ($8.5)/người, giá vé vào Bảo tàng Cổ vật Cung đình là 50,000 đồng ($2)/người.

Rõ ràng giới chức trách tại nhiều địa phương đang tận thu tối đa cho ngân sách, vốn luôn trong tình trạng thâm hụt. Tổng thu ngân sách trung ương dự trù là $37 tỷ 540 triệu, còn tổng chi lại lên đến $56 tỷ 260 triệu, tức thâm hụt ngân sách trung ương lên đến $18 tỷ 720 triệu! Dự đoán này đã được xác nhận trong bản tin bằng tiếng Anh của trang báo điện tử VietnamNet hồi cuối năm ngoái.

Nhân chuyện Hội An thu tiền vé khi khách vào phố cổ, một người bạn quốc tịch Anh của tôi chuẩn bị đi du lịch miền Trung, nói với tôi ngày 12 Tháng Năm 2023:

“Lần này tôi đi Đà Nẵng chơi, tôi sẽ không thăm phố cổ Hội An vì tôi nghe nói muốn vào phố cổ phải mua vé, họ tham quá. Nếu người ta không ở lại Hội An qua đêm thì tại sao lại thu tiền của người ta? Họ không nên thu tiền, mà nên tìm cách cho người ta xài tiền, vì người ta đến đó xài tiền thì cũng tốt cho nền kinh tế mà. Cách dựng quầy bán vé thu tiền không chuyên nghiệp vì tại một số nước như Malaysia, người ta không bán vé vào cửa mà thu thuế du lịch với những người lưu trú ở khách sạn với mức 10RM/phòng/đêm ($2.25)”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: