Chẳng biết có tình cờ không, vào ngày 7 Tháng Ba, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Kbang, Gia Lai đi cùng lực lượng công an, hạt kiểm lâm kiểm tra rừng trong địa bàn huyện, mới tận mắt nhìn thấy rất nhiều cây rừng bị đốn hạ tại xã Sơ Pai (huyện Kbang). Đây là phần rừng do Công ty Sơ Pai quản lý.
Tại hiện trường, cả lãnh đạo lẫn lính lác đều (tỏ vẻ) ngạc nhiên khi thấy hàng loạt gốc cây rừng chủng loại bời lời, giẻ, gội đỏ, xoay bị cưa khúc nằm ngổn ngang.
Theo báo Dân Trí, phái đoàn của ông Dũng ghi nhận ít nhất 16 cây gỗ bị đốn hạ với nhiều mục đích như khai thác gỗ trái phép, khai thác làm củi hoặc bà con đồng bào đốn gỗ về làm nhà, quan tài. Trong số 16 cây rừng bị đốn hạ, có nhiều cây rừng bị mục, chết đứng, không có lõi.
Chẳng biết dựa vào đâu mà phái đoàn kiểm lâm lại quy trách nhiệm cho người dân đốn cây rừng làm củi, làm nhà, mà không nhắc đến một tay lâm tặc nào trong vùng.
Tại hiện trường, những cây có đường kính lớn nằm gần nương rẫy, lối ra vào để cưa hạ, xẻ hộp đúng quy cách ngay tại rừng, rồi dùng xe máy vận chuyển ra khỏi rừng bằng nhiều đường khác nhau. Điều này chứng tỏ bọn lâm tặc này có rất nhiều thời gian để dựng luôn xưởng cưa xẻ gỗ ở đây.
Ông Nguyễn Văn Hợi – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai, đơn vị phụ trách quản lý rừng ở đây cho biết, thời gian qua công ty ông cũng ghi nhận nhiều cây rừng bị đốn hạ rồi. Ông cũng đã cho lập biên bản báo cáo cơ quan chức năng rồi.
Với lời giải thích nạn phá rừng như thế, người ta dễ có cảm nhận ông Hợi cũng có “phần hùn cưa cây rừng đem bán”, vì ông không có chút trách nhiệm nào trong việc bảo vệ rừng mà công ty của ông nhận của nhà nước. Ông chỉ biết ghi nhận và báo cáo lên trên, thế là xong nhiệm vụ.
Ông Hợi cũng đổ thừa cho người dân địa phương vào rừng cưa cây làm quan tài, kể cả một số người cố tình đốn hạ cả những cây không giá trị do mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai với công ty. Tuy vậy, ông Hợi không cho biết chi tiết những tranh chấp đó là gì.
Sau khi kiểm tra tất cả các cây rừng bị phá hoại, ông Dũng – Chủ tịch huyện Kbang đã có buổi làm việc với ông Hợi và cơ quan chức năng.
Qua nhiều chứng cứ tại hiện trường, có những gốc cây bị chặt từ năm 2021, nhưng mãi đến cuối năm 2022 mới bị phát hiện thì rõ ràng công ty quản lý rừng của ông Hợi hoàn toàn không có trách nhiệm, nếu không muốn nói là tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Chuyện lạ là từ năm 2020 đến nay, tình trạng mất rừng ngày càng trầm trọng nhưng chính quyền địa phương vẫn không dám xử lý mạnh tay, tay công ty quản lý rừng, khiến dư luận cho rằng ông Hợi được một thế lực rất lớn ở tỉnh chống lưng nên huyện mới không dám đụng đến ông ta.