Đầu Tháng Mười 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã mở bán vé bay tết 2024, với giá cao hơn giá tour trọn gói đến các nước trong khu vực, đang nhận hàng loạt chỉ trích từ người dân và giới kinh doanh du lịch.
Với quy mô dân số 100 triệu dân nhưng thị trường bay nội địa Việt Nam hiện có năm hãng bay khai thác gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines.
Thống kê chín tháng đầu năm 2023, tổng lượng hành khách thông qua các phi trường nội địa là 89 triệu, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách bay quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng tới 266.8% so với cùng kỳ năm 2022; khách bay nội địa chỉ 65.2 triệu khách, giảm 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện vé bay nội địa dịp tết 2024 đã được năm hãng bay tung ra hơn 6 triệu vé, khách đặt mua trên website hoặc mua trực tiếp tại các đại lý.
Ở các chặng bay tỉnh, ít chuyến bay như Sài Gòn đến Nghệ An, Thanh Hóa, Vinh, Chu Lai, Bình Định và Huế, hành khách đã bắt đầu đặt vé nhiều hơn các chặng bay từ Sài Gòn đi Hà Nội hoặc từ Sài Gòn đi Đà Nẵng.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, tuy mức vé bay nội địa đa dạng nhưng không rẻ như hành khách kỳ vọng.
Tuổi Trẻ từ ngày 2 Tháng Mười đến nay đăng tải nhiều bài viết kêu ca về chuyện giá vé bay tết 2024 của các hãng bay nội địa cao bất thường, dù quy luật chung của ngành hàng không là mua vé sớm thì giá rẻ nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.
Đầu tiên là phản ảnh của người dân, kế đến là giới kinh doanh du lịch và độc giả.
Cô Thùy Dương (28 tuổi, ngụ Đà Nẵng) có dự định dùng số tiền thưởng nhận được vào cuối năm để cùng gia đình đi du lịch Phú Quốc trong dịp Tết, nhưng thấy giá vé bay khứ hồi đến nơi này lên tới hơn 19 triệu đồng cho ba người, cô đã thay đổi quyết định, cân nhắc mua tour trọn gói đi Thái Lan.
Thùy Dương so sánh: “Tính ra, chi phí vé bay quá cao, chưa kể tiền khách sạn, ăn uống, vui chơi cũng ngốn khá nhiều tiền. Trong khi đó, tour trọn gói đi Thái Lan khởi hành trong dịp tết giá 9 triệu đồng/khách, đã bao gồm vé bay, khách sạn, ăn uống, vui chơi…”.
Giá vé bay nội địa dịp tết 2024 cao như thế nào?
Đường bay Hà Nội – Phú Quốc khởi hành từ 26 Tháng Chạp đến 6 Tháng Giêng có giá dao động từ 7.6 – 15 triệu đồng/vé khứ hồi.
Rẻ nhất là VietJet (khoảng từ 6 triệu – 6.8 triệu đồng/vé khứ hồi); kế đến Bamboo (7.6 – 9.5 triệu đồng/vé khứ hồi). Đắt nhất và nhiều chuyến bay nhất là Vietnam Airlines và Pacific Airlines (công ty con của Vietnam Airlines), từ 10 – 13 triệu đồng/vé khứ hồi. Riêng chuyến bay sáng sớm hoặc đêm khuya của hai hãng này giá hạ hơn, từ 7-8 triệu đồng/vé khứ hồi.
Với đường bay Sài Gòn – Đà Nẵng, giá vé khứ hồi của Vietnam Airlines là 5-7 triệu đồng/vé, Bamboo Airways có giá thấp nhất là 4-5 triệu đồng/vé và giá vé thấp nhất của VietJet khoảng 4.1 triệu đồng/vé khứ hồi.
Còn giá tour du lịch nước ngoài dịp tết 2024 thì sao?
Giá tour trọn gói đi Thái Lan 4 ngày 3 đêm (hành trình Sài Gòn – Pattaya – NongNooch – công viên Khủng Long – Buffet 86 – Bangkok), bao gồm vé bay, khách sạn, ăn uống… – của SaoViet Travel chỉ 9.3 triệu đồng cho thời gian khởi hành 29 Tết.
Nếu đi cả hai nước Singapore và Malaysia, giá tour vẫn thấp so với vé khứ hồi chặng Hà Nội – Phú Quốc của Vietnam Airlines trong dịp tết. Chẳng hạn, tour hành trình Sài Gòn – Malaysia – Singapore được SaoViet Travel bán với giá 11.3 triệu đồng/người, bao gồm cả ăn ở và vui chơi.
Tương tự, tour của công ty Du Lịch Việt đi Thái Lan, Singaprore từ 10 – 15 triệu đồng, Hàn Quốc 20.4 triệu đồng.
Điều này dẫn đến sự lo lắng cho giới kinh doanh du lịch ở Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang.
Ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho biết cùng với tàu thủy từ bờ ra đảo, Phú Quốc khôi phục lại đường bay đến Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, TP.Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, nhưng giá vé bay đến Phú Quốc thời gian qua thường cao hơn tour trọn gói đi Thái Lan, Malaysia, Cambodia.
Dù Sở Du lịch Kiên Giang đã có ba cuộc làm việc với các hãng hàng không nhằm tìm giải pháp kéo giảm giá vé nhưng đều không có kết quả!
Ông Trần Quốc Khánh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, thông tin công suất của những chuyến bay nội địa đến TP.Phú Quốc thời gian qua không đủ lượng khách. Phi cơ đáp xuống Phú Quốc thì nhiều khách nhưng rời khỏi Phú Quốc thì ít.
Để gỡ nút thắt giá vé bay, theo ông Khánh, cần có chính sách liên kết địa phương với các hãng hàng không như hỗ trợ khách khoảng 5 – 10%/người/vé bay.
Ông Nguyễn Minh Tâm, giám đốc công ty ca nô Tâm Đăng Khoa (ở phường An Thới, TP.Phú Quốc), cho rằng dù Phú Quốc có nhiều bãi tắm đẹp và nhiều khu nghỉ dưỡng nhưng giá vé bay cao là một trong những rào cản lớn để khách lựa chọn Phú Quốc.
Dù có đường thủy, 70-80% du khách đến Phú Quốc đều chọn đường hàng không. Vì vắng du khách, các ca nô neo đậu nhiều nên hiện ông phải cho phân nửa số nhân viên nghỉ việc.
Bà Quỳnh Trân, giám đốc phụ trách lĩnh vực vé bay của một công ty lữ hành tại quận 1, Sài Gòn, cho biết giá vé bay chiếm từ 40 – 60% giá thành tour. Giá vé máy bay cao là một trong những nguyên nhân khiến du khách chuyển hướng du lịch ra bên ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Theo bà Trân, những điểm du lịch nước ngoài thường có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, nguồn cung lớn, giá thấp và chính sách visa thông thoáng. Chẳng hạn chặng bay từ Việt Nam – Thái Lan có nhiều hãng nội địa và quốc tế cùng khai thác như ThaiAirways, AirAsia, NokAir cùng Vietnam Airlines, Vietjet…
Nếu các hãng bay nội địa tranh thủ mùa cao điểm du lịch tết để đưa ra mức giá vé “trên trời” thì khách Việt sẽ chọn mua tour du lịch nước ngoài, du lịch nội địa coi như… thua.
Thế nhưng, đại diện một hãng bay nói với Tuổi Trẻ rằng việc “quy kết” giá vé bay quá cao đã ảnh hưởng đến ngành du lịch là chưa hợp lý bởi giá vé được mở bán không vượt trần, tức là đúng quy định (!)
Đại diện một hãng bay khác cho rằng việc so sánh giá vé nội địa dịp tết với giá trọn gói của một số tour ngoại cùng thời điểm là chưa hợp lý (!)
Ông Ung Văn Nhựt, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty du lịch Mở Toàn Cầu, cho rằng trong khi giá tour ở những nước trong khu vực ngày càng rẻ, thậm chí thấp hơn cả tour nội địa Việt (vì các hãng hàng không của họ rất tích cực liên kết với đối tác nước ngoài để quảng bá du lịch) thì ở Việt Nam có xu hướng tăng giá dịch vụ du lịch dịp lễ, tết.
Đây chính là những “rào cản” khiến các công ty du lịch rất khó tổ chức tour và ổn định giá tour!
Ý kiến của độc giả Tuổi Trẻ cho rằng giá vé bay cao là một trong những lý do khiến du lịch Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực. Thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, nhưng giá vé bay cao khiến du lịch trong nước luôn đi sau các nước.