Giám đốc Sở Giáo dục Sài Gòn yêu cầu giáo viên không khảo bài đầu giờ

Bạn học sinh cấp 3 này nói nếu bỏ kiểm tra bài cũ trong tiết học sẽ giúp học sinh thoải mái hơn nhưng sẽ khiến học sinh không có tính tự giác ôn lại bài cũ – Ảnh cắt từ video của VnExpress

Mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục Sài Gòn yêu cầu giáo viên không được khảo bài học sinh đầu giờ, vì… sẽ khiến học sinh căng thẳng (?)

Theo Thanh Niên ngày 16 Tháng Chín 2023, tại hội nghị “Tổng kết năm học 2022 – 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024” ở quận 3 (Sài Gòn), ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục, đã đề nghị giáo viên không khảo bài học sinh đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực!?

Theo ông Hiếu, việc giáo viên hỏi bất chợt thì “những kiến thức đó không mang lại giá trị gì cho học sinh” mà chỉ khiến các em căng thẳng trước giờ học (?)

Giải thích rõ hơn, ông Hiếu nói với mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên cần phải có những thay đổi để học sinh hào hứng khi đến trường. Ông Hiếu đề nghị giáo viên nên đa dạng hình thức kiểm tra đầu giờ học, hướng đến quyền lợi học sinh, làm cho các em thích thú khi học chứ không căng thẳng.

Bằng cách nào? Theo ông Hiếu, giáo viên nên tạo môi trường cho học sinh tương tác, trực tiếp tham gia vào tiến trình giảng dạy của giáo viên, tạo ra các giờ dạy nhẹ nhàng, để mỗi sáng thức dậy các em náo nức được đến trường.

Một số trường áp dụng những hình thức khác nhau thay thế cho việc khảo bài đầu giờ bất chợt – Ảnh: Thanh Niên

Trao đổi với VnExpress sáng 15 Tháng Chín, ông Nguyễn Bảo Quốc, phó Giám đốc Sở Giáo dục Sài Gòn cũng tán đồng ý kiến của ông Hiếu, cho biết các chỉ thị chuyên môn của Bộ Giáo dục không bắt buộc giáo viên gọi học sinh trả bài trước mỗi tiết học, và đây là một trong những nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, không phải quy định riêng của Sài Gòn.

Ông Quốc phân tích: Giáo viên vẫn được chủ động trong kiểm tra, đánh giá học sinh, tuy nhiên có nhiều cách ôn tập bài cũ mà không nhất thiết buộc học sinh học thuộc lòng.

Cụ thể, công văn 5512 của Bộ hướng dẫn rõ việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện qua các hình thức: Hỏi – đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số, giáo viên phải thông báo trước cho học sinh về các tiêu chí đánh giá và định hướng tự học.

Ông Quốc gợi ý giáo viên có thể dùng những bài tập nhỏ để đánh giá được mức độ hiểu bài, ghi nhớ của học sinh, nhưng phải tạo được không khí lớp học sôi nổi, thoải mái để học sinh thể hiện.

Vì sao mà học sinh bị ám ảnh hay căng thẳng khi bị giáo viên gọi lên khảo bài đầu giờ học, dù đây là việc làm lâu nay mỗi tiết học?

Trả lời Thanh Niên, học sinh lớp 12 một trường trung học ở quận 3 tên Trần Minh Quân cho hay những lúc chưa chuẩn bị bài thì bị thầy cô cầm danh sách gọi khảo bài là thời khắc “thót tim nhất”, các em phải truyền nhau “bí kíp” là bình tĩnh, không run, không bối rối, phải ngẩng cao đầu và đặc biệt không nói chuyện hay làm việc riêng.

VnExpress ngày 16 Tháng Chín cho biết thông tin được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn học sinh ở Sài Gòn nhiều hôm nay, với nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phần lớn ủng hộ chủ trương của Sở.

Trang mạng này dẫn lời Thanh Hưng, học sinh trường trung học phổ thông Võ Trường Toản (quận 1), nói khoảng 15 phút đầu giờ luôn là thời gian “đáng sợ”. Nam sinh và bạn bè đã quen với hành động đầu tiên của giáo viên khi vào tiết là nhìn danh sách lớp gọi khảo bài ngẫu nhiên như xổ số.

Hưng kể: “Có khi cô chọn học sinh có số thứ tự trùng với ngày tháng, khi lại dùng trò chơi, phần mềm random trên mạng, thậm chí được chọn trả bài vì có tên lạ…”.

Lần khác, giáo viên môn Văn kéo dài việc khảo bài suốt hai tiết, cả lớp “căng như dây đàn”, sau cô phải hoãn dạy bài mới vì hơn nửa lớp không thuộc bài cũ!

Bản thân Hưng dù học khá nhưng khi bị gọi lên bảng vẫn quên trước quên sau do căng thẳng. Theo lời Hưng, cả lớp chỉ thở phào nhẹ nhõm khi giáo viên thông báo vào bài mới.

Với Gia Bảo, học sinh lớp 8 ở quận Gò Vấp, dù em không quá sợ việc bị giáo viên khảo bài nhưng không khí lớp của em trong khoảng 10-15 phút đầu giờ rất trầm, ai cũng run, vì không biết có bị giáo viên gọi tên lên bảng hay không. Em cho rằng thầy cô nên có cách kiểm tra bài cũ linh hoạt, vui nhộn hơn, chẳng hạn như ra câu hỏi đố vui, chơi trò chơi và chọn bạn xung phong.

Học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Du (quận 1, Sài Gòn) thực hành đo khoảng cách cây xanh ở công viên Tao Đàn để lấy điểm bài kiểm tra thường xuyên thay cho kiểm tra miệng – Ảnh: Thanh Niên

Nói với Thanh Niên, một giáo viên dạy trung học cơ sở (cấp 2) tại quận Tân Bình tiết lộ những học sinh không thuộc bài khi kiểm tra miệng sẽ bị thầy, cô ghi tên vào sổ đầu bài; phải viết kiểm điểm; bị bêu tên trong sinh hoạt dưới cờ; bị trừ điểm hạnh kiểm và trừ điểm thi đua lớp.

Giáo viên này cho rằng, thầy chỉ đặt câu hỏi rồi trò trả lời có thể dẫn đến việc chấm điểm không đúng với sức học của học sinh, vì có học sinh chăm học nhưng tâm lý không ổn định, dễ mất bình tĩnh nên không nhớ được bài học khi thầy gọi lên bảng kiểm tra.

Trong một số trường hợp, nếu trò không trả lời được, có thầy cô cho ngay điểm 0 và ghi vào sổ đầu bài của lớp, mà không gợi mở để trò trả lời, mặt khác, có thầy cô lại dùng điểm số để “ép buộc” học sinh học thêm!

Thì ra, việc khảo bài với những hậu quả nặng nề liên quan đến hạnh kiểm, đến điểm thi đua lớp, rồi còn bị bêu tên trong sinh hoạt dưới cờ… mới là cái khiến học sinh thêm ám ảnh và căng thẳng!

Mặt khác, cách khảo bài buộc phải theo đúng đáp án của giáo viên (có sẵn trong giáo án được Bộ/Sở duyệt) khiến học sinh không có quyền thể hiện theo ý mình, nhất là với những em thông minh, hiểu nhanh nhưng không thích học thuộc lòng.

Về phía giáo viên, thầy Lâm Vũ Công Chính, trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10), cho hay, việc kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình giảng dạy. Giáo viên vẫn cần thực hiện việc giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh và kiểm tra kết quả, tiến trình thực hiện của các em.

Tuy nhiên, theo thầy Chính, ngoài cách trả bài “miệng”, thầy cô có thể lựa chọn những giải pháp khác, chẳng hạn áp dụng công nghệ số vào giảng dạy đang được triển khai ở Sài Gòn trong năm học này.

Chẳng hạn như thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên trường trung học cơ sở Nguyễn Du (quận 1) đã thực hiện việc kiểm tra trắc nghiệm trên hệ thống LMS K12Online và cho học sinh chơi trò chơi kiến thức trên phần mềm Quizizz.

Giáo viên này còn tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường vào tiết học toán giúp học sinh hứng thú, ví dụ như sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập tự làm giác kế, các nhóm học sinh sẽ dùng công cụ này đo chiều cao của cây xanh ở công viên, đối diện trường Nguyễn Du.

Trong tiết học, giáo viên Phạm Nguyên Vân Hà, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, Sài Gòn) lồng ghép câu hỏi kiến thức cũ để kiểm tra học sinh – Ảnh: Thanh Niên

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử, trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng cho biết 17 năm đi dạy chưa từng gọi học sinh đứng trước lớp trả bài mà cô dùng cách đố vui để kiểm tra kiến thức cũ.

“Các câu hỏi ở mức độ nhẹ nhàng, không kiểm tra thuộc lòng, ghi nhớ con số, sự kiện. Cách này khiến không khí lớp thoải mái, hứng khởi bắt đầu vào bài mới”, cô Thảo chia sẻ.

Bà Hồng Thúy, phụ huynh học sinh lớp 6 ở quận Gò Vấp, cho rằng phương pháp nào cũng có hai mặt lợi hại. Nhiều bạn nhút nhát sẽ sợ, căng thẳng khi bị gọi tên nhưng vì thế mà chủ động học bài ở nhà.

Nếu hoạt động kiểm tra đầu giờ quá dễ dãi, học sinh sẽ lơ là bài vở, giáo viên cũng không biết học trò tiếp thu tới đâu. Tuy vậy, bà cũng đồng tình nên thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá, không nên buộc học sinh phải học thuộc lòng mà có thể diễn giải theo ý mình.

Có nhiều năm tư vấn tâm lý cho học sinh, TS. Giang Thiên Vũ, giảng viên khoa Tâm lý, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận việc khảo bài theo cách thức hiện nay khiến học sinh căng thẳng, lo âu.

Ngoài ra, học sinh có thể chủ quan với suy nghĩ đã bị gọi trả bài rồi thì sẽ không bị gọi nữa nên không cần học những bài sau.

Theo TS. Vũ, việc kiểm tra bài, kiến thức cũ vẫn cần thiết. Tiêu cực hay tích cực phụ thuộc vào phương pháp, kỹ năng sư phạm, giao tiếp của giáo viên khi đưa ra yêu cầu, gợi ý, dẫn dắt học sinh.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: