Phần 2: Những suy tư và ước vọng
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, con nhớ có lần cha nói rằng loài người đang đứng trước nhiều hiểm họa, một trong những hiểm họa đó là sự tàn phá thiên nhiên do chính con người gây ra. Và liệu con virus corona này có “dây dưa” gì đến chuyện tàn phá thiên nhiên không thưa cha?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Thiên Chúa tạo ra thế giới này và ban tặng cho chúng ta. Ta thấy Thiên Chúa gần gũi với thiên nhiên đến mức, buổi chiều, Ngài đi dạo trong vườn địa đàng với con người. Con người phải có trách nhiệm quản trị, gìn giữ món quà Thiên Chúa ban tặng và làm cho thế giới sinh sôi nảy nở, trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng con người, trong đó có cả chúng ta nữa, đã không biết gìn giữ, bảo vệ món quà vô giá mà Thiên Chúa tạo dựng và ban tặng.
Chúng ta đã chứng kiến những vụ cháy rừng ở Mỹ, Úc, sốc nhiệt ở Canada, gần đây nhất là mưa lụt ở Đức, châu Âu làm nhiều người thiệt mạng. Rồi thì bão, siêu bão xảy ra ở nhiều nơi trên khắp địa cầu. Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo về sự sụp đổ của hệ sinh thái và loài người sẽ phải trả giá rất đắt cho sự tàn phá thiên nhiên của chính mình. Không chỉ là bão lũ, lụt lội, nước biển dâng, đất xói mòn, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí mà còn là sự tuyệt diệt của nhiều loài động vật, thực vật nữa.
Ở Việt Nam, nạn chặt phá rừng, tàn phá cây xanh đã lên đến mức (phải gọi là) khủng khiếp. Những thành phố thiếu bóng mát cây xanh, những khu rừng mà diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp. Hàng năm, Việt Nam hứng chịu rất nhiều những cơn bão, trận lũ lụt do phá rừng, xả lũ gây ra. Nhưng thôi, những kẻ độc ác phá rừng, đầu độc môi trường, gây thảm họa cho đất nước thì họ sẽ phải trả lời trước mặt Chúa, trước mặt đồng bào.
Chúng ta đang bị chìm trong cơn đại dịch. Tôi có cảm giác rằng những dòng virus này trước đó và bây giờ có một mối liên hệ nào đó với môi trường sống của chúng ta. Sự phát sinh, lan truyền mầm bệnh, lây lan virus đều có yếu tố môi trường trong đó. Nếu được sống trong bầu không khí trong lành, sức khỏe con người được bảo đảm và cải thiện, sẽ làm giảm sự lây nhiễm bệnh, tăng sức khỏe, tăng sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Vì vậy, tôi cho rằng con virus Corona cũng dính dáng đến vấn đề môi trường đấy chứ. Sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nói chung là những điều kiện thuận lợi cho nó hoành hành.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, vậy thì Giáo Hội đóng vai trò gì trong vấn đề gìn giữ môi trường? Và điều đó có liên hệ gì đến khái niệm cái “bình – thường – mới” mà cha nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện này không, thưa cha?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Cách đây mấy năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp “Laudato Si”, chủ đề là sự chăm sóc, gìn giữ ngôi nhà thiên nhiên của nhân loại. Trong khuôn khổ cuộc trao đổi này, tôi không lạm bàn về những việc lớn lao của Giáo Hội nói chung cần làm. Tôi chỉ xin đưa ra vài ý kiến nhỏ trước mắt và trong tầm tay mà Giáo Hội tại thành phố này phải làm và nên làm.
Thứ nhất, phải trồng cây xanh. Rất nhiều năm về trước, việc trồng cây tại các nhà thờ là điều bình thường nhưng nhiều năm trở lại đây, việc này không được chú trọng, thậm chí còn chặt phá rất nhiều. Đã đến lúc, nhà thờ phải bắt đầu lại việc trồng cây, phải trở về với việc làm “bình thường” ấy. Trong thời điểm Sài Gòn bị phong tỏa vì đại dịch Covid-19, mỗi sân nhà thờ là một “Siêu thị 0 đồng”, mỗi cánh cổng tu viện là một cái “Chợ 0 đồng”, thì sau này mỗi nhà thờ phải là một vùng thiên nhiên nhiều cây cỏ. Thành phố này có rất nhiều nhà thờ và đa số các nhà thờ đều có khoảng đất nhất định đủ để trồng cây. Mỗi nhà thờ chỉ cần trồng vài ba cây là chúng ta có một số lượng cây xanh đáng kể. Cây xanh không chỉ cho bóng mát, mà còn giúp thanh lọc không khí, bổ sung mực nước ngầm cho thành phố đang xuống một cách tàn tệ, gây sụt lún ở nhiều nơi.
Thứ hai nữa là vấn đề xử lý chất thải. Tôi muốn nhắc đến “nhóm ve chai” của các bạn trẻ ở nhiều giáo xứ. Các bạn đã làm rất hiệu quả nhưng chưa được khuyến khích. Theo tôi, mỗi giáo xứ nên thành lập một nhóm ve chai để các bạn quy tụ lại với nhau. Rồi thay vì đi chơi, các bạn sẽ hy sinh một giờ giấc cụ thể nào đó trong tuần để cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc. Điều này mang lại nhiều ích lợi như giải quyết được một lượng không nhỏ chất độc hại thải ra môi trường như nhựa, chai lọ, bao nylon, giấy bìa, sắt vụn…
Những thứ mà các bạn phân loại, có thể bán để lấy tiền phục vụ cho các mục đích thiện nguyện như sửa nhà cho người nghèo, mua xe đạp cho các bạn nhỏ đi học, giúp đỡ người neo đơn, khó khăn… Giáo Hội phải giáo dục được các bạn trẻ để họ thấy được sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường. Đức Thánh Cha than phiền rất nhiều về tình trạng “dùng một lần rồi bỏ”. Bởi nó không chỉ là việc sử dụng các vật dụng mà còn ăn vào chiều sâu tâm lý của con người, đến mức vợ chồng cũng “dùng một lần rồi bỏ”, không thủy chung với nhau. Mỗi giáo xứ, mỗi người Kitô hữu cần xem việc gìn giữ, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mình. Cần thay đổi thói quen dùng “một lần rồi bỏ”, tuy mang lại tiện lợi trước mắt nhưng gây hậu quả lâu dài về sau.
Thứ ba nữa là vấn đề hóa chất độc hại. Vai trò của Giáo Hội ở đâu trong việc giáo dục con cái mình nói “không” với việc sử dụng các hóa chất độc hại tràn lan trong mọi lĩnh vực? Xin nhớ rằng số người chết vì ung thư nhiều hơn rất nhiều số người chết vì coronavirus.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, chúng ta đã nói về việc hình thành các “Hội Thánh tại gia”, các “cộng đoàn cơ bản”, rồi việc học hỏi, chia sẻ Lời Chúa qua truyền thông trong bối cảnh bị cách ly. Tuy nhiên, con rất muốn cha chia sẻ thêm về sứ mạng quan trong nhất của Giáo Hội, đó là “mang Tin Mừng đến với người nghèo khổ”. Vậy thì Giáo Hội cần phải giữ một “nếp” sinh hoạt như thế nào để hướng tới cái “bình thường mới” trong việc chăm lo cho người nghèo?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Sứ mạng của Giáo Hội là phải đi đến với người nghèo. Trong quá khứ thì có lo cho người già, người neo đơn nhưng chỉ tập trung ở một số Nhà Dòng, một số cơ sở thôi. Nhưng khi cơn đại dịch ập đến, những người bị bỏ rơi như người nghèo, người què cụt, đui mù, không nhà cửa vốn ít được quan tâm nay được Giáo Hội tìm đến. Tôi nghĩ lần này Giáo Hội sẽ phải giữ lại cái nhịp đó để đi tới mãi, để hướng tới cái “bình thường mới” vốn là sứ mạng của mình.
Có một điều nữa tôi cần khiêm tốn để chia sẻ, mong nhận đươc sự cảm thông. Đó là việc khấn trong các nhà Dòng, việc chịu chức của các anh em linh mục. Những năm trở lại đây, nhiều anh chị em tổ chức tiệc tùng linh đình nhân ngày được chịu chức, ngày khấn. Chúng ta dâng mình cho Chúa, được đón nhận vào Nhà Dòng để trở thành tu sĩ, trở thành linh mục. Đích đến của Hội Thánh nhắm tới là người nghèo và chúng ta là tôi tớ của người nghèo, tôi tớ của Đấng Cứu Chuộc. Việc của chúng ta là phục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa.
Không ai được nhận làm tôi tớ hèn mọn mà tổ chức tiệc tùng ăn mừng, cờ xí rợp trời, trống kèn, làm đến mấy chục, thậm chí cả trăm bàn tiệc. Nhiều người nói vậy là bình thường. Nhưng tôi thấy điều đó là không bình thường. Vậy thì được đào tạo rồi, suy nghĩ cầu nguyện rồi, đến khi khấn cũng phải khấn theo giáo luật. Đến lúc chịu chức cũng phải chịu chức theo giáo luật. Dù là linh mục hay tu sĩ, chúng ta được chọn đi theo Chúa Giêsu Kitô và là người giới thiệu gương mặt của Ngài. Một Con Người đơn sơ, giản dị, khó nghèo và thong dong với mọi bả vinh hoa trần thế. Điều này nó chi phối hành động của chúng ta trong mọi biến cố cuộc đời.
Đức Thánh Cha đã làm một cử chỉ hết sức cụ thể. Đi đâu ngài cũng vào thăm các nhà tù. Thứ Năm Tuần Thánh, ngài dâng lễ trong nhà tù, hôn chân các tù nhân. Đây không phải sự biểu diễn. Ngày Thứ Năm Tuần Thánh không phải một vở kịch biểu diễn, mà là hành động thực sự của cuộc đời linh mục. Là hình ảnh của sự dâng mình cho Chúa, kêu gọi mọi người cùng làm điều đó, cùng quỳ xuống làm tôi tớ hèn mọn.
Tại Sài Gòn, nơi “đóng đô” của nhiều Hội Dòng, chính trong hoàn cảnh dịch bệnh không được tụ họp thì các lễ khấn, các lễ chịu chức hầu như được tổ chức một cách âm thầm. Thậm chí không có cha mẹ, người thân đến dự. Đây mới chính là điều bình thường. Vì bấy lâu nay chúng ta không làm, không hướng tới điều đó nên nghĩ nó không bình thường. Câu hỏi đặt ra, nếu sau này dịch bệnh qua đi, không lẽ chúng ta lại trở về như trước kia, lại tổ chức rình rang, mời mọc, tiệc tùng linh đình à? Vậy cái nào mới là điều “bình thường mới”?
Đây là điều thách đố với chúng ta. Chúng ta có can đảm để trở thành tôi tớ hèn mọn thật sự không? Hay chỉ là hô khẩu hiệu? Khi người tân khấn không có gia đình đến dự, không được tổ chức rềnh rang nhưng lại có một niềm vui khác là không phải bận tâm về áo xống, tiệc tùng, tốn kém tiền bạc, suy nghĩ phải mời mọc người này người kia. Tất cả những bận tâm đó được giũ bỏ hết và người tu sĩ chỉ còn bận tâm một điều duy nhất thôi, là chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng, đón nhận bí tích trong ngày khấn. Tôi cho đó là cái “bình thường tốt”, “bình thường mới”. Và chúng ta sẽ phải duy trì những bình thường mới ấy.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31 Tháng Một 2021, Đức Thánh Cha đã công bố thiết lập “Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi”. Ngày này sẽ được cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật thứ tư của Tháng Bảy, tức là ngày 25 Tháng Bảy. Với tư cách là một linh mục, đồng thời là một người cao tuổi, cha ước mơ điều gì?
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Câu hỏi này làm tôi nhớ đến Hội nghị Hội đồng Giám mục Á Châu họp tại Manila (Philippines) năm 1971. Trong đó có một tuyên bố khiến tôi nhớ mãi. Đó là: “chúng tôi cam kết sau khi về sẽ bán hết các cơ sở của Giáo Hội để lo cho người nghèo”. Trong sứ điệp gửi cho người cao tuổi sẽ được cử hành lần đầu tiên vào ngày mai (*), tức Chúa Nhật 25 Tháng Bảy, Đức Thánh Cha nói rằng “Người cao tuổi thì phải ước mơ”. Trong sứ điệp đó ngài nhắc lại Tông huấn “Đức Kitô đang sống” rằng “Người cao tuổi thì phải ước mơ. Từ ước mơ của người cao tuổi mà người trẻ thấy được chân trời đích thực của mình, thấy được mục đích mình cần đi tới. Nếu người cao tuổi không ước mơ thì tuổi trẻ không thấy được chân trời đích thực của mình.” Ba vũ khí, ba sức mạnh của người cao tuổi mà Đức Thánh Cha đề cập trong sứ điệp “Người cao tuổi” chính là ước mơ, ký ức và cầu nguyện.
Với tư cách là môt người cao tuổi, tôi ước mơ và xin phép được ước mơ, các cơ sở của Giáo Hội nói chung, của các Nhà Dòng nói riêng hãy dành một phần, một dãy, một đơn vị để tiếp đón những người nghèo, những người đau khổ, những người cơ nhỡ, những người bị bỏ rơi trong thành phố này, trên đất nước này.
Sở dĩ Đức Thánh Cha chọn tông hiệu Phanxicô là vì ba vấn đề ngài quan tâm. Thứ nhất là “loan báo Tin Mừng”, thứ hai là “vấn đề người nghèo”, thứ ba là “vấn đề môi trường”. Người thuyền trưởng của chúng ta ở trần thế là Đức Thánh Cha, ước gì chúng ta hiệp ý với ngài trong các lĩnh vực đó. Lãnh vực mà ngài đã chỉ ra, như sợi chỉ đỏ cho các hoạt động của chúng ta. Đó là cái bình thường, nhưng vì lâu nay chúng ta không làm cho nó bình thường nên sau cơn đại dịch, sẽ phải hình thành một cái “bình thường mới” như lời Đức Thánh Cha đã nói.
Teresa Phạm Thanh Nghiên: Con tạ ơn Chúa và cảm ơn cha. Xin cầu nguyện cho nhân loại, cách riêng cho Việt Nam chúng ta sớm thoát khỏi cơn đại dịch này.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Cảm ơn chị đã cho phép tôi được chia sẻ những suy tư của mình.
(*) Bài phỏng vấn được thực hiện vào Thứ bảy 24 Tháng Năm 2021 – trước sự kiện “Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi” một ngày.