Giết bầy chó- cái chết của văn minh miền Nam

Những con chó của anh Phạm Minh Hùng đã bị chính quyền một địa phương ở Cà Mau giết chết thảm

Miền Tây quê tôi xưa hầu như không có quán thịt chó, ngay cả tên “thịt cầy” cũng phải có người giải thích mới biết đó là thịt chó. Thế hệ tôi sinh vào các thập niên 1950 chưa từng biết trong các món ăn có món từ thịt con chó, nên ý niệm về món này là zero.

Lớn lên một vài tuổi, đôi khi nghe nói vài tay nhậu nhẹt bầy hầy có bày việc mần chó làm mồi để chịu tiếng đời rủa là đám bất nhơn, quân chết thèm. Lớn lên đi ta bà nhiều cõi, mỗi lần biết về thói quen ăn uống dân tứ xứ, tôi vẫn còn thấy lạ, chưa giải thích được, khi nhớ lại là thị xã Gò Công cũng có xóm người Bắc di cư năm 1954, nhưng tuyệt nhiên không thấy bày món thịt cầy. Phải chăng xóm Bắc quê tôi cũng có ăn thịt cầy mà tôi không biết, hay là người Bắc di cư quê tôi đã hội nhập với thói quen, tập quán ẩm thực của cộng đồng không giết chó, không ăn thịt chó?

Trở lại với chuyện thời sự chính quyền xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ra lệnh giết 15 con chó của một người dân nghèo đưa bầy chó của mình chạy dịch bệnh về quê nhà. Vợ chồng người Cà Mau đó đã hết lòng gìn giữ việc sống có nghĩa với loài chó, đó là phẩm chất quí báu truyền đời trong máu và ý thức người miền Nam. Về phẩm chất này thì các quan của chính quyền Cà Mau hiện nay, qua việc ra lệnh giết bầy chó, cho thấy họ đã tha hóa.

Người chủ của bầy chó dù là lưu dân ở Sài Gòn nhưng có lẽ ông không biết hoặc chưa biết tới việc thế giới văn minh đã xác định từng con chó của ông là bạn của loài người. Người miền Tây ở miệt xa nhất của miền Nam như ông chỉ chân chất tin rằng, phải sống có nghĩa, có tình với loài vật nuôi trung thành đã chia sẻ tròn đầy tình nghĩa trọn cuộc đời loài thú với cuộc đời của chủ nuôi. Vậy thì lúc chính quyền máu lạnh thiêu hủy bầy chó của ông, cũng là lúc họ thiêu hủy di sản văn hóa của bao thế hệ lưu dân thời mở cõi Đàng Trong.

Lạc đàng nắm đuôi chó

Lạc ngõ nắm đuôi trâu

(Ca dao)

Trong một bối cảnh đặc biệt của dịch COVID-19, các quan cộng sản sẽ đưa ra các lý do, để biện hộ việc họ thủ ác với bầy chó, trong đó có cả những con chó con; nhưng chắc chắn không thể chạy chối trách nhiệm đã làm tổn thương cộng đồng văn minh, luôn coi chó là bạn của loài người.

Mèo không chê chủ khó,

Chó không chê chủ nghèo

(Ca dao)

Từ sự tổn thương sâu sắc này, người ta có quyền đặt ra câu hỏi, rằng: Chính quyền xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, sợ bầy chó nhiễm virus hay là tự tách ra để về phe cửa quyền, bạo ác. Tục ngữ có câu:

“Chó dại có mùa, người dại quanh năm”

Giờ đây vợ chồng chủ bầy chó dẫu buồn đau vì không bảo vệ được các con thú cưng của mình, nhưng hình ảnh đầy cảm xúc của bà con miền Tây chia sẻ nghĩa cử gắn bó giữa người và thú cưng chạy dịch bệnh suốt cuộc hành trình hàng trăm cây số sẽ vẫn mãi sâu đậm.

Sự kiện người và chó tìm về quê để sinh tồn qua thời dịch bệnh đã thức tỉnh dư luận về ý nghĩa sống chân thành, thủy chung giữa người và vật. Đáng tiếc và cũng đáng căm giận khi chính quyền nguyên quán của họ đã phụ tấm lòng của họ với bầy thú cưng. Hai vợ chồng nghèo, chủ bầy chó, đã nuôi và đối xử với bầy chó đúng với truyền thống người miền Nam được dạy không để thú cưng ốm, bệnh:

“Chó gầy xấu hổ mặt người nuôi”.

(Tục ngữ)

Và họ đã có được sự tôn trọng hết lòng của cộng đồng văn minh.

Tực ngữ có câu.

“Một tiếng gọi cha, ba tiếng gọi chó”

Thương cho vợ chồng chủ bầy chó, từ rày không còn bầy chó cũ để bầu bạn trong cảnh đời cô độc giữa trùng vây dịch bệnh, khốn khó và bạo quyền.

Sài Gòn, 11 Tháng Mười 2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: