Hà Nội mở chiến dịch đày đoạ tù nhân chính trị

(Kayla Ng)

Một đợt trấn áp vô cớ đang diễn ra ở nhiều trại giam Việt Nam. Tin cho biết những tù nhân chính trị bị cô lập trong buồng giam, bị biệt giam, bị thiếu thuốc chữa bệnh, ăn thức ăn trại phát thì bị tiêu chảy, nguồn nước thì bị ô nhiễm, thiếu nguồn nước sạch để sinh hoạt… 

Trong chuyến thăm chồng vào hôm nay, ngày 21 Tháng Tư năm 2024, bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Trịnh Bá Phương (tù nhân lương tâm, dân oan Dương Nội – Hà Nội) cho hay, hiện tại chồng bà và một số các anh em bị giam giữ tại Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam) đang bị đối xử tồi tệ, hà khắc. Ông Hoàng Đức Bình (Hoàng Bình – tù nhân lương tâm, hoạt động cho Phong Trào Lao Động Việt, người đã từng huy động hàng chục ngàn ngư dân đi khởi kiện Formosa trong vụ công ty này đầu độc biển miền Trung hồi 2016) thì bị biệt giam.

Bà Thu cho biết, bắt đầu từ ngày 8 Tháng Tư, trại giam An Điềm không mở cửa như trước kia mà đóng cửa buồng 24/7. Mọi thư từ, đồ ăn, lấy nước sôi đều qua khe cửa. Việc đóng cửa này là việc làm tùy tiện của trại, bởi phía trại An Điềm không đưa ra bất kỳ nguyên nhân hay lý do nào. Ông Phương kể, hiện mọi người ở đây đang bị nhốt giam, y như lúc ông còn ở Trại Tạm giam số 1 của CATP Hà Nội (tên gọi khác là Hỏa Lò). 

Ông Phương khẳng định, đây chẳng khác nào một hình thức biệt giam tra tấn tinh thần các anh em trong trại giam. 

Bà Thu nói thêm, phía trại giam An Điềm cũng tịch thu một số đồ dùng của các anh em trong tù và gửi trả lại cho gia đình. Và cũng chính vì việc tịch thu đồ dùng không có nguyên nhân này mà ông Hoàng Bình và phía trại giam xảy ra cãi nhau với cán bộ, nên phía trại nhốt ông vào trại biệt giam. Ngày đầu của 10 ngày biệt giam ông Hoàng Bình bị xước hết chân vì bị cùm chân xiết chặt. 

Ngay trong ngày đầu tiên bị giam lỏng, ông Phương có gửi cho bà một bức thư 4 trang nói về việc trại giam An Điềm xâm phạm quyền con người, kêu gọi quốc tế can thiệp và đồng hành.

Trong thư có ý kiến xác nhận của ông Hoàng Bình, Thái Bình và ông Phan Công Hải. Cũng trong ngày hôm đó, 4 người bắt đầu tuyệt thực hơn 3 ngày để biểu thị sự phản đối xâm phạm quyền con người. 

Khi gặp được chồng, bà Thu cho biết chồng bà đã bị sút 4kg. Hiện tại bà vẫn chưa nhận được bức thư nào như chồng bà mô tả.

Bà nói, hiện nay ông Hoàng Bình không được khỏe. Ông bị đau lưng, đau xoang, mất khứu giác và bị đau tim. Ông Bình có xin phía trại thuốc đau tim nhưng trại không cho. 

Chia sẻ thêm về tình hình sức khỏe, trong quá trình thăm gặp, ông Trịnh Bá Phương cho bà biết rằng, trong khoảng một năm nay chồng bà đã không còn nhận đồ ăn trại phát như thịt, cá… vì đồ ăn ở đây không sạch sẽ và làm rất mất vệ sinh.

Có lần chồng bà ăn và bị tiêu chảy cấp, đau bụng, đi ngoài nhiều lần và phải xin thuốc uống. Nguồn nước thì bị ô nhiễm, chồng bà bị viêm da, khi sục rửa bể nước thì thấy trong bể nước có rất nhiều cá con và các con nòng nọc bị chết.

Tìm hiểu thêm về việc ông Hoàng Đức Bình bị 10 ngày cùm chân, sau đó biệt giam, người nhà cho hay: Gia đình đã đi thăm ông vào ngày 08 Tháng Tư vừa rồi, nhưng phía Trại giam An Điềm từ chối, không cho thăm gặp. 

Khi hỏi nguyên nhân, trại đưa ra thông báo về quyết định kỷ luật. Hình thức ông phải chịu là “giam tại buồng kỷ luật 10 ngày. Hình thức phạt phụ trội ông phải chịu là bị hạn chế nhận gửi thư, nhận quà, mua hàng hóa tại căng tin, liên lạc điện thoại với thân nhân trong vòng 3 tháng (kể từ ngày 05 Tháng Tư). Còn về thăm gặp, ông sẽ chỉ được gặp thân nhân 2 tháng một lần.

Không những không cho thăm gặp, trại giam An Điềm còn trả ngược lại cho gia đình những đồ đạc mà theo trại là đã “tạm giữ” được từ buồng giam của ông Hoàng Đức Bình. Trong biên bản tạm giữ, ông Hoàng Bình vẫn thể hiện ý chí cứng rắn, khi gạch bỏ chữ “phạm nhân” đi, và ghi rõ: “Tôi không phải là phạm nhân. Tôi là nạn nhân của chế độ Cộng sản độc tài, vô nhân đạo!”

“Tất cả những đồ vật này (những đồ vật có trong danh sách bị tạm giữ) tôi đã chấp hành theo yêu cầu của trại, vậy bây giờ (trại) tạm giữ là trại sai! Tôi phản đối nội dung trong biên bản này!”

Những sự ngược đãi đối với các tù nhân lương tâm nói trên không chỉ xảy ra tại trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), mà còn diễn ra tại nhiều nơi khác.

Tại Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam), ông Vũ Quang Thuận (người sáng lập phong trào Chấn Hưng Nước Việt) cũng thường xuyên bị thiếu thuốc chữa bệnh.

Từ một người có thể trạng khỏe mạnh, cân nặng 75kg, sau hơn 1 năm bị biệt giam, ông được cho ra khỏi đó và trở về đội để “cải tạo” Tháng Năm 2022 với một cơ thể gầy gò ốm yếu, cân nặng chỉ còn 38kg, mang trong mình đủ thứ bệnh từ hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy gan… Hiện nay tuy sức khỏe của ông đã khá hơn, nhưng vẫn trong thể trạng yếu. Thuốc gia đình gửi vào cho ông gặp nhiều trở ngại, vì càng ngày, trại giam càng đòi hỏi thêm nhiều giấy tờ thủ tục khác. Ông chỉ có thể mua thuốc theo tháng trích từ tiền lưu ký, theo đơn của bác sĩ, mà theo ông là “không đủ cho ông để sử dụng.”

Việc đối xử tồi tệ với tù nhân gần như xảy ra ở mọi trại giam. Ở Trại giam Nam Hà (còn có tên gọi khác là Trại Ba Sao, tỉnh Hà Nam) – tôi, người viết bài – cũng từng trải qua chuyện nguồn nước sinh hoạt thì bẩn thỉu, thường có màu xanh và xuất hiện rong rêu. Không tắm thì không được, mà tắm thì ngứa, viêm da. Cựu tù nhân, nhà báo Lê Anh Hùng cho biết cũng từng nhiều lần bị dị ứng nổi đỏ, mẩn ngứa khắp người với nguồn nước như vậy.

Thức ăn trại phát không bảo đảm vệ sinh an toàn, đặc biệt là rau muống, ăn vào là tiêu chảy, nhiều người bị đau bụng, đi ngoài triền miên, buộc phải ngừng ăn rau muống do trại cấp phát.

Rau muống là một trong những nguồn thực phẩm chính của các trại phía bắc, thông thường dùng làm thực phẩm chính trong khoảng 7, 8 tháng, mới được thay rau khác. Trong tình cảnh đó, nếu tù nhân nào thiếu sự quan tâm của gia đình hay cộng đồng, thì đều phải sống kham khổ, bất chấp nhà nước Việt Nam vẫn tuyên bố với thế giới là điều kiện trong tù là bảo đảm cho người thi hành án.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: