“Con học thêm ở nhà cô là chính, học trên lớp là phụ” là tình trạng học sinh bắt buộc phải học thêm ở Hà Nội.
Thông tư 17 từ năm 2012 của Bộ Giáo dục và đào tạo đã quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, học thêm. Thứ nhất, không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Thứ hai, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Thứ ba, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của trường công không được dạy thêm ngoài nhà trường, không được dạy chính học sinh của mình
VTC News ngày 17 Tháng Ba 2023 cho biết bất chấp các quy định về cấm dạy thêm, học thêm, nhiều phụ huynh ở Hà Nội vẫn đang cuống cuồng xin cho con đến nhà giáo viên chủ nhiệm học thêm. Tờ báo này trích lời bà Phan Thị Thủy (42 tuổi, Lương Sơn, Hòa Bình), phụ huynh của hai học sinh lớp 5 và lớp 12: “Con học thêm ở nhà cô là chính, học trên lớp là phụ”.
Vì cả hai vợ chồng đều bận rộn buôn bán vật liệu xây dựng, việc học của con, họ đều “trăm sự nhờ cậy giáo viên”. Khi con trai nhỏ học lớp 3 với kết quả học tập sa sút hơn lớp 1, lớp 2, bà Thủy phải xin cho con học thêm ở nhà cô chủ nhiệm 4 buổi/tuần, giá 150,000 đồng/buổi ($6.3), một tháng là 2.5 triệu đồng ($105).
Còn bà Hoàng Thị Súy (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cho con – học lớp 6, đến nhà cô chủ nhiệm học môn Toán, chủ yếu để “tạo quan hệ” là chính, nhằm giúp cho con được cô ưu ái trên lớp, không bị cô “soi” hay bỏ lơ. Nhưng đâu chỉ có môn Toán, đứa con của bà Súy còn phải học thêm Văn học, tiếng Anh, tóm lại là 6 buổi tối trong tuần. Các thầy cô dạy thêm môn Văn và tiếng Anh cũng đều là giáo viên bộ môn tại trường của con.
Bài viết ngày 15 Tháng Ba 2023 cũng của VTC News đã kể có những học sinh cuối cấp ở Hà Nội phải học 21 ca/tuần (ca chính thức ban ngày, còn ca học thêm buổi tối) đến mức kiệt sức. Đó là trường hợp của em Nguyễn Hoàng Bích Lan, học sinh lớp 12 trường trung học Lê Quý Đôn (Hà Nội). Em kể: “Em thức dậy lúc 6 giờ, ăn sáng rồi đi học, trưa chỉ kịp chợp mắt một tiếng đồng hồ, chiều lại học tiếp. Buổi tối các ngày trừ chiều chủ nhật, em học thêm đến 21 giờ các môn Toán, Lý, tiếng Anh, Mỹ thuật. Về đến nhà em chỉ kịp tắm rửa một lát và lại ngồi làm bài tập đến 24 giờ mới đi ngủ”. Lịch học dày đặc này theo Lan từ hè năm lớp 11, riêng tiền học thêm đã tốn 10 triệu đồng/tháng ($423/tháng). Điều đáng nói là Lan đang học cho cha mẹ, vì ông bà chỉ muốn Lan đậu vào Bách Khoa hoặc Kiến Trúc, những trường đại học có điểm đầu vào cao, trong khi em chỉ muốn theo ngành truyền thông!
Em tâm sự với phóng viên: “Ngồi trong lớp mà em không thu nạp được gì, chỉ mong hết giờ để được chợp mắt một chút”.
Một em khác, Trần Văn Tú (lớp 10 trường trung học chuyên Lê Hồng Phong, Hải Phòng) cũng phải học cho cha mẹ. Sở thích của Tú là theo học ngành thiết kế mỹ thuật, thời trang, nhưng cha mẹ lại muốn em phải giỏi tiếng Anh để du học ngành kinh tế…giống như anh trai đang học ở Hoa Kỳ. “Buổi tối thứ 2, 5 học Toán, thứ 3, học Vật lý, thứ 4 học Hoá, thứ 6 học kỹ năng thuyết trình và cả ngày thứ 7 theo học các lớp kỹ năng mềm khác về viết luận, apply học bổng. Thậm chí ba mẹ còn đăng ký thêm một lớp bóng rổ cho em học để nâng cao thành tích, làm đẹp hồ sơ xin du học”, Tú than.
Gần đây, cha mẹ còn cấm Tú sử dụng điện thoại để lên mạng, kiểm soát việc em sử dụng máy tính ở nhà vì muốn Tú chú tâm học. Tin nhắn của mẹ chỉ toàn là nhắc lịch học. Tú chán nản: “Em như bị cầm tù, thấy ngột ngạt, không muốn nói chuyện với ai”.
Sài Gòn cũng không ngoại lệ. Thương nhất là những đứa trẻ mới hơn 5 tuổi, buổi chiều sau khi đi học mẫu giáo về vẫn phải đến nhà cô (dạy tiểu học ở trường mà phụ huynh dự định cho con theo học) để học thêm môn tiếng Việt và Toán, 5 buổi/tuần, giá học phí 700,000 đồng/tháng ($29.6). Điều kỳ lạ là những đứa trẻ vào lớp 1 hiện nay bắt buộc phải biết đọc biết viết, thế nên hơn 10 năm nay, trẻ em năm cuối trường mẫu giáo (lớp lá) sau giờ học phải vội vàng ăn chút gì đó để đi học thêm.
Một xã hội sính bằng cấp, và những đứa trẻ trở thành nạn nhân của người lớn.