Hội An vẫn quyết tâm bán vé, lý do gì mà lại vậy?

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao, là nguồn thu chính cho ngân sách của TP. Hội An – Ảnh: VietnamPlus

Trong cuộc họp báo chiều 11 Tháng Năm 2023, Ủy ban TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) công bố duy trì việc bán vé vào phố cổ, với giá 80,000 đồng/khách trong nước ($3.4) và 120,000 đồng/khách ngoại quốc ($5.1).

Với tựa đề “Người dân Hội An đồng thuận cao với việc kiểm soát vé tham quan phố cổ”, VietnamPlus ngày 12 Tháng Năm 2023 cho biết đó là kết quả khảo sát ý kiến dân phố cổ Hội An – chủ nhân của di sản, theo công bố của chủ tịch Hội An Nguyễn Văn Sơn (?).

Cũng theo ông Sơn, việc bán vé tham quan di sản của thành phố đã thực hiện từ năm 1995 tới nay, thay đổi nhiều lần. Mức giá 80,000 đồng – 120,000 đồng được giữ nguyên từ năm 2012 đến nay.  Ông Sơn biện minh việc kiểm soát vé vào tham quan phố cổ không phải tận thu mà là bảo tồn di sản… đang có dấu hiệu quá tải về hạ tầng và khả năng phục vụ.

Theo ông Sơn, những người không phải mua vé gồm: Người dân thành phố khi ra vào phố cổ, người đến Hội An để làm việc, buôn bán kinh doanh hoặc người vào phố cổ chỉ để ăn uống, mua sắm, chụp ảnh cưới.

Cũng nội dung này, Tuổi Trẻ đặt tựa “Thu phí tham quan để tránh Hội An thành điểm du lịch miễn phí” (chữ “miễn phí” ở đây được xem là rẻ rúng, không giá trị, nên phải thu tiền để chứng tỏ giá trị) và trích lời ông Nguyễn Văn Sơn: giá vé ở Hội An rẻ nhất, hấp dẫn nhất so với các di sản khác của Việt Nam như vịnh Hạ Long, kinh thành Huế, động Phong Nha – Kẻ Bàng.

Ông Sơn cho rằng bán vé là cách làm chung tại các di sản trên thế giới có hình thái tương đương như Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc).

Ông Sơn cũng nhấn mạnh không bán vé vào TP.Hội An mà chỉ bán vé cho khách vào tham quan phố cổ – một phần rất nhỏ của tổng địa giới hành chính Hội An. Ông thổ lộ trong 30 năm qua, việc bán vé tham quan cho khách đoàn đã giúp Hội An từ một di sản bên bờ sụp đổ trở thành một di sản có sức sống, trở thành điểm tham quan nổi tiếng của thế giới (!)

Nhờ tiền vé, các di tích được trùng tu và Hội An cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật trong khu phố cổ, đồng thời trích kinh phí hỗ trợ cho các nhà cổ tư nhân.

Việc thu phí cũng sẽ tạo sự công bằng giữa công ty lữ hành có mua vé tham quan cho khách với công ty phớt lờ việc mua vé. Và theo ông Sơn, khi gặp gỡ 25 đơn vị lữ hành thì đa số cũng đồng ý với việc phải mua vé vào tham quan phố cổ (?)

Khách ngoại quốc đi theo đoàn vào phố cổ Hội An lâu nay phải mua vé, họ sẽ nghĩ thế nào khi khách lẻ “mua thì mua, không mua không ai ép”, đó là câu hỏi của bạn đọc – Ảnh: VnExpress

Mặt khác, ông Sơn cho biết không sợ các cơ sở kinh doanh trong phố cổ sụt giảm doanh thu khi bán vé, vì chủ trương của TP.Hội An là không muốn phố cổ trở thành nơi buôn bán hoặc chỉ phục vụ ăn uống cho du khách (theo khuyến cáo của UNESCO là làm biến dạng di sản).

Để có nhiều hơn những gia đình sinh  sống tại phố cổ mà không hoạt động mua bán, TP.Hội An đang có chính sách khuyến khích người dân quay trở lại sống trong phố cổ, thay vì hiện nay chỉ còn 30% dân gốc sống ở đây, còn 70% là cho thuê.

Dân Việt ngày 11 Tháng Năm đã tiết lộ nguồn thu lâu nay của TP.Hội An là bán vé tham quan phố cổ cho các đoàn khách quốc tế. Năm 2019, doanh thu gần 300 tỷ đồng ($12,787,740) tiền vé, nộp ngân sách 200 tỷ đồng ($8,525,160)… Năm 2020 -2021 đại dịch Covid, doanh thu không đáng kể.

Đến ba tháng đầu năm 2023, khách đông nhưng doanh thu bán vé chỉ đạt gần 40 tỷ đồng ($1,705,032), nếu TP.Hội An không có biện pháp quyết liệt hơn thì… sẽ không có nguồn thu. Đúng là thảm cảnh!

Và đây chính là nguyên nhân: vì khách Việt đến phố cổ Hội An đông hơn khách ngoại quốc, nhưng chỉ có khách ngoại quốc mua vé tham quan, nên giờ phải bán luôn đoàn khách Việt cho đồng đều.

Tuy nhiên, điều ngộ nhất là cả Tuổi Trẻ, Dân Việt lẫn VnExpress đều dẫn lời ông Sơn cho biết: Việc kiểm soát vé nhắm vào các đoàn khách đã mua tour, nếu khách đi lẻ, nhóm gia đình, thì khuyến khích mua, nếu không mua thì cũng không bắt ép (?). Còn khách vào phố cổ để uống cà phê, ăn tối, chụp ảnh cưới… thì miễn phí, không ai xét hỏi (?)

Mệt rồi đây, nếu Hội An có trạm kiểm soát vé ở cửa ngõ ra vào phố cổ mà lại chia ra nhiều loại khách như vậy, chưa kể “khách đi lẻ, nhóm gia đình thì khuyến khích mua, nếu không mua thì cũng không bắt ép” (giống tùy hỉ, tùy tâm… ở các chùa hiện nay quá) chắc chắn sẽ phát sinh lắm vấn đề!

Phố cổ Hội An chật hẹp, giá cả ăn uống và mua sắm đắt đỏ so xung quanh, nay còn bán vé tham quan cho các đoàn khách Việt thì khách Việt nào đi? – Ảnh: Dân Việt

Vì thế, chung quanh cái điều lệ kỳ quặc này mà ông chủ tịch TP.Hội An vừa công bố, hơn 100 bạn đọc VnExpress đã bùng nổ bình luận: “Khách đi lẻ, gia đình tham quan sẽ được mời mua vé, họ mua thì tốt không mua thì thôi”. Như vậy không mua vé là không tốt, họ có thể bị kỳ thị khi những khách lẻ khác có mua vé (Thai Nguyen);

“Mời mua vé, mua thì tốt ko mua thì thôi” buồn cười vậy. Nếu đã thu thì thu luôn mà không thu thì đừng có thu. Chứ đừng có kiểu mời mua vé, không mua thì thôi” (Trungacs); “mình thấy cũng buồn cười thật, buồn cười quá cơ. “mua thì tốt không mua thì thôi” rồi khách đoàn mà người ta xé lẻ ra người ta đi thì sao!? loằng ngoằng quá!” (trinhdinhdung1979);

“Nghe chừng hơi thiếu công bằng ở đây. Hay chi bằng ta giảm giá vé còn 50% để đôi bên cùng vui vẻ?” (hieu nguyen trung); “Như vậy giống như từ thiện” (Yang); “Quy định lạ đời thiệt. Thường mấy cái quy định mà không chặt chẽ sẽ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực, cho cá nhân vụ lợi. Mình nghĩ đến một đoàn toàn bạn bè, không có hướng dẫn viên, sẽ bị làm khó dễ bắt mua vé; hoặc nếu hướng dẫn viên yêu cầu tách nhỏ đoàn để đỡ phải mua vé thì sao? Nói chung quy định này không chặt chẽ, không ổn” (jasonnguyen2905);

“Khách đoàn đa số là người nước ngoài. Cho dù giá vé vào Hội An đã đóng trước theo tour nhưng nếu họ biết khách đi lẻ không phải trả tiền họ sẽ thắc mắc, mà vấn đề này lại không dễ giải thích bằng một lời. Họ có thể nảy sinh hoài nghi và cảm thấy không công bằng, ảnh hưởng tới trải nghiệm của họ. Cách thu tiền nửa nạc nửa mỡ như vậy, thu được thì thu, không thu được thì thôi thì sẽ có nhiều nhập nhằng, tranh cãi ở chỗ soát vé” (Bình Vũ);

“Tôi thấy lập một cái thùng quyên góp cho nó nhẹ nhàng thu được bao nhiêu thì thu, chứ quy định không rõ ràng, thiếu sự công bằng vậy cũng nói được. Bản thân du khách là như nhau, khách theo đoàn còn thu thuế đủ thứ rồi” (quanglnq0305);

“Mua thì mua, không mua thì thôi, không thể mập mờ như thế được. Đi tour nhưng họ tách nhóm đi lẻ thì làm sao biết được. Khách quốc tế nhưng họ sinh sống và làm việc ở Việt Nam thì sao? Một giá thôi, tất cả phải mua, 20,000 đồng là ổn” (Mouka);

Và bình luận hay nhất là của bạn luyennguyen0816, với so sánh cụ thể:

“Lôm côm! Đã vé lại còn lẻ với không lẻ, thiếu công bằng, bức xúc. Nói thật ra thì cũng chả có gì ở Hội An ngoài mấy cái đèn lồng treo buổi tối cả, phí đi thuyền một đoạn rất ngắn thì đắt khủng khiếp. Mình sẽ không bao giờ đi Hội An thêm một lần nào nữa, và Việt Nam hầu như 90% điểm du lịch khách chỉ đi một lần, không muốn trở lại lần thứ hai.

Mình đi mấy cái phố cổ bên Hàn chẳng bao giờ mất xu nào, dịch vụ thì ok, sạch sẽ. Nói thật nếu để so sánh thì mình rất khó có thể so được với họ. Kể cả mình vào cung cổ to vật vã ở Seoul, sạch sẽ, đẹp, view nhiều, vé hiện tại không đến 60,000 đồng tiền Việt (giá vé bình đẳng không phân biệt người bản địa hay ngoại quốc).

Vé thì cũng cần phù hợp với mức lương cơ bản của người Việt chứ cái gì cũng áp giá trên trời thì bao giờ những người Việt Nam có thu nhập cơ bản có thể đi được?

Mọi chí phí đều đắt, giá vé thì cao, dịch vụ bình thường; mất vệ sinh; quản lý thì thiếu logic, chặt chẽ; visa cho khách du lịch thì quá ngắn (nhiều nước áp dụng visa đến ba tháng rồi nhưng VN thì vẫn chỉ có hơn chục ngày). Lý do gì mà lại vậy?”.

Ah, lý do là vì phố cổ Hội An là di sản thế giới. Đã là di sản (ông cha để lại) thì các quan phải nghĩ cách để có tiền… nộp ngân sách (năm 2019 thu gần 300 tỷ mà phải nộp đến 200 tỷ rồi cơ)!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: