Hơn 90% thanh thiếu niên bị trầm cảm tại bệnh viện Tâm Thần có học lực khá, giỏi

Trầm cảm ở thanh thiếu niên chưa được phụ huynh Việt Nam quan tâm đúng mức – Ảnh minh họa: VietnamNet

Khảo sát tại bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho thấy có đến 13.8% thanh thiếu niên đến khám sức khỏe tâm thần bị trầm cảm. Hơn 90% trong số này là học sinh có học lực khá, giỏi.

Đó là thông tin từ Hội nghị tâm thần toàn quốc 2023 vừa tổ chức hồi Tháng Tám vừa qua tại Sài Gòn, được bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Kiều Tiên và cộng sự tại bệnh viện Tâm thần TP.HCM công bố, VietnamNet ngày 5 Tháng Chín 2023 cho biết.

Vị bác sĩ này nhận thấy lý do nhóm trẻ từ 10-16 tuổi (gọi tắt là thanh thiếu niên) đến khám sức khỏe tâm thần vì ít giao tiếp, học tập giảm sút, cáu gắt, khó ngủ, thậm chí có ý tưởng tự sát hoặc tự hủy hoại bản thân. Đặc điểm chung của các em là cảm thấy buồn, chiếm 23.3%.

Trong số các em bị trầm cảm, có 69.8% em bị trầm cảm mức độ nặng; 25.6% em bị trầm cảm mức độ trung bình và 4.6% mức độ nhẹ; nữ giới mắc bệnh nhiều hơn, độ tuổi chủ yếu từ 14-16 (đang học trung học cơ sở và trung học phổ thông).

Về học lực, có 69.8% em có học lực khá và 23.2% có học lực giỏi, còn học lực trung bình chỉ chiếm 7%.

Biểu hiện thường gặp của thanh thiếu niên bị trầm cảm là khí sắc trầm, giảm tập trung chú ý và luôn có cảm giác vô dụng. Đa số các em đến khám khi triệu chứng xuất hiện hơn 12 tháng và bệnh đã ở mức độ nặng.

Các bác sĩ cũng lưu ý khảo sát trên được thu thập từ phòng khám ngoại trú chuyên khoa của bệnh viện Tâm Thần hồi năm 2022 nên không mang tính đại diện cho cộng đồng, tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về trầm cảm trên đối tượng thanh thiếu niên.

Áp lực học tập và kỳ vọng của cha mẹ khiến nhiều trẻ căng thẳng, mệt mỏi nhưng cha mẹ lại cho là chuyện vớ vẩn – Ảnh minh hoạ: VietnamNet

Bác sĩ Kiều Tiên cũng nhấn mạnh trầm cảm ở thanh thiếu niên là một vấn đề phổ biến, ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình và sự phát triển của xã hội nhưng ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, kể cả các phụ huynh.

Bà nhấn mạnh: “Để chăm sóc tốt hơn và toàn diện hơn cho trẻ thanh thiếu niên, cần có những chương trình cộng đồng với mục tiêu cung cấp thông tin cho phụ huynh và thanh thiếu niên, về đặc điểm và biểu hiện của trầm cảm để nhận diện sớm”.

Hồi cuối năm 2022, tổ chức ActionAid Quốc Tế tại Việt Nam cùng một số đơn vị cũng công bố báo cáo về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học, với trên 1,000 học sinh, giáo viên và phụ huynh được khảo sát.

Gần 50% số trẻ tham gia khảo sát đều cho rằng cha mẹ khắt khe và áp lực thất bại trong học tập là hai tác nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

Hồi Tháng Mười 2021, Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục đã công bố báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam, được nghiên cứu trên quy mô gần 8,000 học sinh, tuổi từ 13-18 của 81 trường ở 20 tỉnh, thành.

Kết quả cho thấy có 12.59% học sinh thường xuyên/luôn luôn cảm thấy cô đơn; 16.81% thường xuyên khó tập trung vào làm bài tập về nhà; hơn 15% học sinh từng nghĩ đến ý định tự tử.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Du, quyền trưởng chương trình “Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường” (UNICEF): “Việt Nam không có nhân viên tư vấn hoặc nhân viên công tác xã hội tại trường học để hỗ trợ và tư vấn tâm lý xã hội cho học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc gặp phải các rối loạn hành vi”.

Ông Du cho biết, kết quả khảo sát sức khỏe tâm thần vị thành niên quốc gia năm 2022 (trẻ từ 10-17 tuổi) tại Việt Nam đã cung cấp những con số đáng chú ý: 21.7% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần; 3.3% trong đó đáp ứng các tiêu chí về rối loạn tâm thần. Vấn đề rối loạn lo âu và trầm cảm chiếm đa số. Tuy vậy, chỉ có 5.1% phụ huynh xác định cần phải giúp đỡ trẻ.

Bệnh nhân trẻ điều trị sức khỏe tâm thần tại bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: VietnamNet

Cũng VietnamNet, ngày 28 Tháng Tám 2023, báo động “Ngày càng nhiều người trẻ (Việt Nam) bị rối loạn tâm thần”.

Tại các bệnh viện có khoa Tâm Thần ở Sài Gòn, số người dưới 30 tuổi chiếm 3/5 số lượng bệnh nhân tới khám, đó là thông tin từ bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, bệnh viện Tâm Thần TP.HCM, cung cấp.

Trong số này, học sinh và người trẻ mới đi làm chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nếu học sinh bị các vấn đề tâm thần vì áp lực học tập và kỳ vọng của phụ huynh thì với người trẻ mới đi làm, đa số đều than thở bị “trắng tay” vì mong làm giàu nhanh!

Ngoài ra, giới trẻ hiện tiếp xúc với không gian mạng nhiều, thiếu vắng các kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội, khó hòa nhập với cộng đồng, thiếu khả năng ứng phó với các tình huống bất ngờ, trầm trọng. Họ chỉ quen sống với thế giới ảo, giao tiếp qua mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thực. Đối diện với thất bại, họ dễ bị sang chấn tâm lý và trầm cảm.

Một học sinh Sài Gòn đặt câu hỏi với chuyên viên tâm lý trong buổi tư vấn tâm lý học đường thi thoảng mới được tổ chức tại trường – Ảnh: VietnamNet

Chuyên viên tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM), cũng cho rằng các rối loạn sức khỏe tinh thần có gia tăng tỷ lệ sau dịch COVID-19 ở cả người lớn và trẻ vị thành niên. Các rối loạn tâm thần có thể kể đến bao gồm trầm cảm (31.4%), lo âu (31.9%), đau buồn (41.1%), rối loạn giấc ngủ (37.9%)…

Một số người có định kiến rằng rối loạn tâm thần chỉ có ở người trưởng thành dẫn đến việc thiếu quan tâm và bỏ sót các rối loạn tâm thần ở trẻ em, vị thành niên, người cao tuổi… Điều đó dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính cứ tám người thì có một người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự tử. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.

Tại Việt Nam, các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em như lo lắng, trầm cảm, cô đơn và rối loạn tăng động giảm chú ý… chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: