Họp phụ huynh đầu năm, giáo viên giáo huấn mẹ đơn thân

Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, TP.Ban Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk – Ảnh: VietnamNet

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, một giáo viên chủ nhiệm lớp ba đã giáo huấn người mẹ của một học sinh chỉ lo làm ăn, không hy sinh ở nhà dạy con.

Bài giáo huấn này được cô giáo chủ nhiệm lớp ba trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, TP.Ban Mê Thuột (tỉnh Đăk Lăk) nói trước buổi họp bao gồm hơn 40 phụ huynh khác, đã khiến người mẹ là bà C.T.V. tổn thương.

Ngày 15 Tháng Chín 2023, bà V. đã làm thủ tục rút hồ sơ cho con qua nhập học một trường tư thục.

Ngày 22 Tháng Chín 2022, VietnamNet đưa tin ông Nguyễn Hữu Luật, trưởng phòng Phòng Giáo dục TP. Ban Mê Thuột (Đăk Lăk) đã yêu cầu ban giám hiệu trường tiểu học Nguyễn Công Trứ xác minh, báo cáo vụ việc một giáo viên trong trường bị phản ảnh có những phát ngôn chưa chuẩn mực với phụ huynh.

Sự việc bắt đầu vào ngày 9 Tháng Chín, khi bà V. tắm cho con trai C.B. (8 tuổi) thì nhìn thấy phần mông của con bầm tím. Bà V. hỏi thì được biết con bị cô giáo chủ nhiệm lớp là N.T.H.N. đánh bốn roi.

Sau đó, trong cuộc họp phụ huynh, bà V. đã hỏi cô N. về lý do con trai bị đánh, cô giáo N. thừa nhận có đánh vào mông con bà V. vì em nói chuyện trong lớp.

Bà V. chất vấn, tại sao các bạn trong lớp cũng nói chuyện nhưng chỉ bị đánh một roi, còn con mình thì bị đánh tới bốn roi, liệu có công bằng không? Lúc này, cô N. đã xin lỗi bà V. rồi quay sang trách ngược lại, cho rằng phụ huynh không ở nhà chăm sóc giáo dục con, bỏ con cho ông bà để đi làm ăn xa…

Cổng trường tiểu học Nguyễn Công Trứ ở TP. Ban Mê Thuột – Ảnh: Tiền Phong

Việc này khiến bà V. không đồng ý bởi ai cũng có hoàn cảnh riêng. Vốn là mẹ đơn thân, bà V. đã sang lao động tại Hàn Quốc để có tiền nuôi con. Cứ vài tháng, bà V. lại về Việt Nam thăm con, đặc biệt đầu năm học bà đã về nước chuẩn bị lo mọi thứ cho con nhập học.

Bà V. uất ức kể với VietnamNet: “Trong cuộc họp có đông phụ huynh nhưng cô giáo đã giáo huấn tôi sao làm mẹ đơn thân không hy sinh ở nhà dạy con mà đi làm ăn xa, tiền bạc có quan trọng bằng hơi ấm người mẹ hay không? Những câu nói này của cô giáo N. đã làm tôi tổn thương và hạ thấp danh dự của tôi trước nhiều người nên tôi rất bức xúc”.

Trả lời VietnamNet, bà Hà Thị Thủy, hiệu phó trường tiểu học Nguyễn Công Trứ xác nhận, cô N. có đánh một số học sinh, trong đó con phụ huynh V. bị đánh nhiều nhất. Bà Thủy thừa nhận phương pháp giáo dục học sinh của cô N. chưa phù hợp.

Sau khi nghe được sự việc, bà Thủy đã gặp phụ huynh để xin lỗi và mong bỏ qua. Còn cô giáo N. đã thừa nhận lỗi, nhà trường sẽ xem xét xử lý vi phạm của cô N. trong cuộc họp sắp tới.

Cần phải biết là ở Việt Nam, nhất là các tỉnh, học sinh tiểu học hay trung học buộc phải sống với ông bà vì cha mẹ đi làm ăn xa (ở Hà Nội, Sài Gòn, hay lao động ở xứ người) là tình trạng phổ biến.

Vì thế, cách giáo huấn phụ huynh của giáo viên như trên là hoàn toàn không phù hợp. Xử sự như bà V. là chuyển con sang học ở trường tư thục là đúng.

Mỗi đầu niên học, các trường ở Việt Nam đều có lắm chuyện bi – hài. Ngoài chuyện căng thẳng tiền học phí đầu năm mỗi nơi tận thu một kiểu đã trở nên phổ biến thì còn phát sinh những việc trời ơi khác.

Dù vô tình hay cố ý thì giáo viên vẫn có cách để nhắc nhở phụ huynh cho con đi học thêm – Ảnh minh họa của Dân Trí

Hồi Tháng Mười Hai 2022, nhiều phụ huynh phản ảnh với Dân Trí là trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu niên học, giáo viên nói với phụ huynh: “Không muốn con tủi thân thì đăng ký học thêm”.

Theo lời của bà M.N. (Hải Phòng), việc đăng ký học thêm trên trường cho con thường được giáo viên chủ nhiệm thông báo trong buổi họp phụ huynh đầu năm học.  Khi bà trình bày là không đăng ký cho con tham gia vì con có thể tự học thì sau đó giáo viên chủ nhiệm lại nhắc nhở con về trao đổi lại với mẹ việc đăng ký học thêm vì các bạn trong lớp đều tham gia hết.

“Các học sinh đều tham gia hết”, đó cũng là câu trả lời tương tự mà bà Hải Yến (Hà Nội) nhận được khi hỏi cô giáo chủ nhiệm lớp một của con về việc có bắt buộc đăng ký học thêm tiếng Anh do người ngoại quốc giảng dạy tại trường không.

Thậm chí, giáo viên chủ nhiệm lớp một của con bà còn nói thẳng nếu bà không muốn con ngồi tủi thân một mình khi cả lớp đều học thì đăng ký học thêm đi. Vì không muốn con bị tách biệt hoặc bị gây khó dễ nên bà Yến đành phải đăng ký cho con học, dù không muốn.

Một phụ huynh khác là bà Lưu Ngọc (Hà Nội) cho biết: “Hầu như không hề có khái niệm không học thêm, bởi học sinh ở cấp học nào rồi cũng phải học thêm, tự nguyện có, bắt buộc cũng có, dù là học thêm ở trên trường hay học thêm ở ngoài”.

Dù chính giáo viên cũng nói rằng học thêm không nằm trong quy định, để có thể hợp thức hóa việc tổ chức học thêm thì cần phải có ý kiến đồng thuận của phụ huynh. Đơn đồng thuận học thêm đó bao gồm trình bày lý do, đề xuất mong muốn học thêm của gia đình phụ huynh, học sinh, đã được giáo viên soạn sẵn trên tờ giấy A4. Phụ huynh chỉ việc ký tên.

Các phụ huynh này cho biết, tùy từng cấp học, chi phí học thêm của mỗi học sinh ít nhất cũng vài triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc tốn tiền thì việc chia giờ đi học thêm cũng hành hạ cả học sinh lẫn phụ huynh: học sinh thì bù đầu học suốt tuần từ sáng đến tối, không còn thời gian học các kỹ năng khác, còn phụ huynh phải canh giờ đưa đón cũng khổ sở.

Niên học 2023-2024, Sở Giáo dục nhiều tỉnh thành đang cấm các trường tổ chức dạy thêm trong trường, cấm giáo viên dạy thêm ở nhà. Cấm rồi không cấm, rồi lại cấm… cái vòng luẩn quẩn ấy kéo dài vài chục năm nay cũng chả đi đến đâu, khi điều căn bản nhất là trả lương cho giáo viên đủ sống vẫn chả lay động được chính phủ và quốc hội cộng sản.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: