Khi balô học trò chứa toàn… hung khí!

Cán bộ công an Thanh Hóa đến từng lớp kiểm tra cặp xem học sinh mang cái gì đến trường – Ảnh: Tiền Phong

Đứng trước nạn bạo lực học đường gia tăng, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa đưa công an vào trường kiểm tra cặp của học sinh.

Theo tin Tiền PhongPháp Luật Việt Nam ngày 14 Tháng Năm 2023, khi vào trường học kiểm tra cặp (ba lô) của học sinh,  Công an Thanh Hoá đã tịch thu nhiều hung khí, đồ chơi nguy hiểm, thuốc lá điện tử…

Kết quả kiểm tra 631 trường trung học cơ sở (6-9), trung học phổ thông (10-12) và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên- dạy nghề, với tổng số 166,997 học sinh, Công an Thanh Hóa đã tịch thu: 152 dao, kéo các loại (dao gọt hoa quả, dao tự chế, dao găm, dao bấm, dao bầu, dao thái thịt, dao đi rừng..); 27 côn nhị khúc, gậy ba khúc, tuýp sắt, gậy gỗ; 24 đồ chơi nguy hiểm (súng bắn đạn nhựa, dao nhựa, bình xịt hơi cay, dùi cui điện tự chế..); 23 kìm, cờ-lê, tua-vít, búa; 91 máy hút và 16 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử; 10 gói thuốc lá; 5 ná cao su bắn đạn bi; 36 viên bi sắt và nhiều đồ dùng, không phải dụng cụ học tập (bài tây, bật lửa, kìm cắt móng tay, cưa sắt…).

Ngoài ra, có hai học sinh tàng trữ cỏ Mỹ và cần sa. Đáng sợ chưa?

Đây chỉ là một phần hung khí mà học sinh mang đến trường, bị Công an Thanh Hóa tịch thu, đáng sợ chưa? – Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

Khi kiểm tra 4,000 phương tiện (xe gắn máy) của học sinh, Công an Thanh Hóa cho biết có 392 học sinh trên địa bàn TP.Thanh Hóa và một số huyện, thị xã đi xe gắn máy trên 50 phân khối đến trường (loại xe này phải có bằng lái và thanh niên từ 18 tuổi trở lên mới được thi lấy bằng).

Còn khi kiểm tra 773 hàng quán xung quanh trường học, Công an Thanh Hóa phát giác 79 điểm buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Với số hung khí và tang vật tịch thu, công an sẽ làm việc với học sinh sở hữu, sau đó sẽ phối hợp với nhà trường và gia đình lưu ý đến những học sinh này.

Lý do mà Công an Thanh Hoá tung 3,000 cán bộ công an huyện, thị xã, thành phố…. “ra quân” kiểm tra cặp của học sinh các trường trong tỉnh là thời gian gần đây, Thanh Hóa xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, làm nhục nhau, kể cả hành hung giáo viên… Nghiêm trọng nhất là vụ hai nam sinh đâm bạn cùng lớp đến trọng thương.

Vụ thứ nhất xảy ra ngày 18 Tháng Ba 2023 tại trường trung học cơ sở Thọ Sơn (xã Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn), một nam sinh lớp 9 đã đâm trọng thương bạn cùng lớp (cũng là nam) ngay trong lớp học. Trước đó, cả hai đã cãi cọ nhau trong lúc chơi thể thao.

Vụ thứ hai xảy ra ngày 28 Tháng Tư 2023 tại trường trung học phổ thông Đông Sơn 1 (TP.Thanh Hóa), một nam sinh lớp 11 cũng đâm trọng thương bạn cùng lớp (cũng là nam) khi cả hai ngồi trong lớp.

Không rõ sau vụ công an xuất hiện ở trường học kiểm tra cặp của học sinh – một việc chưa có tiền lệ – thì nạn bạo lực học đường ở Thanh Hóa có vì thế kéo giảm hoặc chấm dứt hay không?

Dù sao sự hiện diện của sắc phục công an tại lớp học, kiểm tra cặp của từng học sinh, cũng là sự việc không bình thường, điều này nói lên rằng đội ngũ giám thị và biện pháp kỷ luật của nhà trường Thanh Hóa đã bất lực.

Hình ảnh công an kiểm tra cặp của tất cả học sinh trong trường học có gì đó sai sai và không bình thường – Ảnh: Tiền Phong

Bàn về bạo lực học đường, Tiền Phong ngày 14 Tháng Năm 2023 giải thích, nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ngày càng gia tăng về số vụ lẫn hậu quả là do “học đường thưa vắng lễ nghĩa”.

Đó là nhà trường chỉ lo đánh giá chất lượng, chạy đua điểm số, chưa chú trọng rèn phẩm chất đạo đức cá nhân và dạy kỹ năng đối xử cho học sinh; còn phụ huynh thì bận làm ăn, lại nuông chiều con, sẵn sàng phản ứng khi nhà trường phạt con, khiến nhà trường cũng ngán… Thực trạng này khiến lễ nghĩa của học sinh bị khiếm khuyết nghiêm trọng.

Nói trắng ra là môn đạo đức công dân mà nhà trường Việt Nam giảng dạy hiện nay chỉ lý thuyết suông, quy vào những điều “vĩ đại” như yêu nước, yêu bác, yêu đảng… thì làm sao các học sinh biết cách đối xử với nhau và với thầy cô?

Còn đội ngũ giám thị trong các nhà trường hiện nay thì sao?

Trong bài viết “Hãy cho giám thị một danh phận” do một giáo viên gửi cho Tuổi Trẻ ngày 23 Tháng Năm 2015, nêu rõ sau năm 1975, hoạt động giám thị trong các trường trung học ở miền Nam bị thay bằng các đội cờ đỏ (ở cấp trung học phổ thông) và sao đỏ (ở cấp trung học cơ sở).

Về sau hoạt động giám thị của đội cờ đỏ, sao đỏ… nặng tính hình thức không hiệu quả, nên các trường tự phát tái lập hoạt động của giám thị.

Những hung khí tìm thấy trong cặp học sinh – Ảnh: Tiền Phong

Tuy nhiên, hoạt động giám thị tại các trường trung học hiện nay (dưới nhiều tên gọi: giám thị, quản sinh, quản nhiệm…) đều hoạt động… chui vì chưa được hợp pháp hóa (ngoại trừ một số địa phương đã có quy định tạm thời của Ủy ban tỉnh/thành phố về chức danh giám thị trong trường).

Vì thế, mỗi trường lại có cách thức tổ chức và cơ chế hoạt động giám thị rất khác nhau. Do bị khống chế chỉ tiêu, định mức lao động và “cục” ngân sách được khoán, hầu hết hiệu trưởng các trường trung học đã phân công giám thị là những giáo viên thiếu giờ giảng dạy trên lớp, hoặc có sức khỏe kém, lớn tuổi chuẩn bị về hưu…

Chức năng, nhiệm vụ của giám thị ở mỗi trường cũng khác nhau. Có trường chỉ đơn thuần làm công tác quản lý trật tự kỷ luật, nề nếp học sinh; có trường thì quản lý cả hồ sơ học vụ; có trường hiệu trưởng lại giao cho giám thị nhiệm vụ quản lý giáo viên như điểm danh, nhận đơn xin nghỉ, cho đăng ký dạy bù, dạy thay… và kiêm cả công việc “thường trực tiếp dân” (!)

Quyền hạn của giám thị vì thế cũng chỉ dừng lại ở mức “chỉ điểm”, báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cho nhà trường và không được quyền đưa ra hình thức xử lý nào cả. Nói chung giám thị chỉ là việc kiêm nhiệm, hoặc chỉ là nhân viên hợp đồng với mức lương khiêm tốn, nên hình ảnh giám thị trong mắt học sinh trung học hiện nay không đủ làm bọn trẻ nể sợ để phải cẩn trọng trong cử chỉ, hành vi.

Trong một bài báo khác năm 2011, Tuổi Trẻ so sánh: Một trường trung học ở Việt Nam có sĩ số học sinh 700-800 em, nhưng số giám thị chỉ là hai người, trong khi một trường trung học tại Pháp có 1,200 học sinh thì đội ngũ giám thị là 18 người, chưa kể ba người cố vấn và một người phụ trách tư vấn tâm lý học sinh.

Thế thì đã hiểu vì sao giờ đây công an phải “ra quân” vào tận trường học kiểm tra xem học sinh mang cái gì đến trường. Và màn “ra quân” của công an Thanh Hóa chắc chắn sẽ mở màn cho công an của những tỉnh/thành phố khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: