Khi công an Hà Nội cho vay: Nhận thế chấp thẻ công an hoặc thẻ đảng

Phiên tòa xử cựu cán bộ công an cho đồng nghiệp vay lãi cao gấp 7 – 9 lần mức lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định – Ảnh: Pháp Luật

Chồng công an đem tiền về bảo vợ mở trang cho vay lấy lãi cao, chỉ phục vụ đối tượng công an, với thế chấp là thẻ công an hoặc thẻ đảng viên.

Chuyện lộ ra khi Tòa án Hà Nội đem ra xét xử hai vợ chồng hôm 31 Tháng Mười và 1 Tháng Mười Một 2023, nhưng xét xử hơn một ngày lại hoãn, chưa xác định thời gian mở lại vì cần thêm chứng cứ và xác minh thêm.

Bị cáo là Hoàng Văn Hoan (33 tuổi), cựu cán bộ Công an phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, và vợ là Quách Thị Thơm (34 tuổi, ngụ huyện Đan Phượng, Hà Nội), bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng” trong giao dịch dân sự.

Cùng bị xét xử một phiên tòa với vợ chồng Hoan là bị cáo Nguyễn Sơn Thành (40 tuổi), cựu cán bộ Công an phường Minh Khai, bị truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Bốn bị cáo khác bị truy tố về tội “Đánh bạc”, gồm Đỗ Mạnh Dương (40 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy), Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, ngụ quận Hoàn Kiếm), Lê Đức Lợi (40 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy), Mai Thị Khanh (54 tuổi, ngụ quận Nam Từ Liêm).

Cán bộ công an vay tiền phải thế chấp thẻ công an hay thẻ đảng. Với đối tượng này, “thu lãi cao mà không lo mất vốn” – vợ chồng Hoan xác định – Ảnh minh họa từ Lao Động

Theo cáo trạng, đầu năm 2016, Hoan lập tài khoản Facebook lấy tên “Vượng Phát” chuyên dịch vụ cho vay tài chính. Hoan cùng vợ thống nhất “chỉ cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an vay tiền”, vì cho rằng với đối tượng này, “thu lãi cao lại không lo mất vốn”!

Khi có khách liên lạc theo số điện thoại trên Facebook, Hoan giao dịch dưới tên giả là Duy hoặc Huy.

Hoan sẽ tìm hiểu thông tin về người vay thông qua việc xác minh tại nơi công tác, học tập của họ. Nếu bảo đảm đủ điều kiện, vợ Hoan là Thơm trực tiếp đứng ra giao dịch.

Hoan không trực tiếp gặp khách vì sợ “gặp phải người quen”. Người vay tiền của vợ chồng Hoan phải để lại thẻ ngành, thẻ đảng hoặc giấy tờ liên quan do ngành công an cấp, còn giấy nợ ngụy trang bằng “viết giấy nhận tiền mua hộ xe máy”.

Lãi suất đôi vợ chồng này tính cho “đồng nghiệp” của Hoan là 5,000đồng/một triệu đồng tiền vay/ngày. Người vay phải đóng lãi 10 ngày/lần gửi vào tài khoản ngân hàng của Hoan hoặc trực tiếp đưa tiền cho Thơm. Khi giao tiền cho người vay, Thơm luôn giữ lại tiền lãi của 10 ngày đầu.

Năm 2017, thiếu vốn cho vay, Hoan rủ Nguyễn Sơn Thành cùng góp tiền với Hoan để cho vay nhưng Thành từ chối làm chung, chỉ cho Hoan vay 1.9 tỷ đồng, với lãi suất 1,000 đồng/một triệu tiền vay/ngày.

Từ đầu năm 2016 đến thời điểm bị phát giác (Tháng Mười Một 2018), Hoan đã cho “đồng nghiệp” vay 3.6 tỷ đồng, trong đó vay của Thành 1.9 tỷ đồng.

Có bao nhiêu người được Hoan cho vay? Tổng cộng 66 người, đều là cán bộ công an đang công tác tại các quận, huyện ở Hà Nội hoặc Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ động.

Trong số này, 51 người vay với lãi suất 5,000 đồng/một triệu tiền vay/ngày (tương đương 182.5%/năm), một người vay với lãi suất 4,000 đồng/một triệu tiền vay/ngày (tương đương 146%/năm), một người vay với lãi suất 2,000 đồng/một triệu tiền vay/ngày (tương đương 73%/năm).

Ngoài ra, có bốn trường hợp được vợ chồng Hoan cho vay không lãi suất, một số người khác có vay nhưng đã xuất ngũ nên chưa thể làm rõ.

Mức lãi suất này được Viện Kiểm sát xác định gấp 7-9 lần lãi suất tối đa mà ngân hàng Nhà Nước quy định. Tổng số tiền vợ chồng Hoan thu lợi bất chính được 926 triệu đồng (?)

Đến cựu công an còn khai bị điều tra viên ép cung nhận tội, huống hồ người dân – Ảnh: Pháp Luật

VnExpress tường thuật Hoan khai trước tòa là nhận thức được việc làm trái pháp luật song vẫn thực hiện. Khi bị bắt, tài khoản ngân hàng của Hoan chỉ còn 20 triệu đồng, đã được bị cáo tự nguyện nộp khắc phục hậu quả.

Khi chủ tọa Tòa hỏi: “Bị cáo cho vay cao gấp chín lần lãi suất quy định mà tài khoản không có đồng nào, đến nay mới khắc phục có từng đó?”, Hoan trả lời, hầu hết số tiền là lãi quay vòng, thu được lãi lại cho vay tiếp (?) và thực chất đã phải vay thêm tiền từ Thành để có tiền tiếp tục cho vay.

Còn vợ Thành là Thơm khai chồng bảo sao làm vậy, “khi làm, bị cáo cũng mông lung không biết là trái pháp luật hay không, chỉ ngờ ngợ rằng công việc đó không chính đáng”(?)

Riêng bị cáo Thành, vì cho Hoan vay với lãi suất dưới 100%/năm do đó không phạm tội “Cho vay lãi nặng” nhưng lại phạm tội tổ chức cho bốn bị cáo Dương, Thanh, Lợi và Khanh đánh bạc dưới hình thức chơi lô, chơi đề trong thời gian từ 2016-2018, thu lợi bất chính 144 triệu đồng (?)

Bị cáo Thành phủ nhận tội danh “Tổ chức đánh bạc”, vì cho rằng vì không nhận tội “Cho vay lãi nặng” với Hoan nên bị ép nhận tội khác.

Còn bốn bị cáo bị xét xử tội “Đánh bạc” cũng khẳng định bị “một cán bộ điều tra dọa nạt, đọc lời khai cho viết”.

Vị “cán bộ điều tra dọa nạt” này được tòa triệu tập song vắng mặt.

Khi đưa tin về phiên tòa toàn cán bộ công an này, các báo đều không chụp hình, chỉ có Pháp Luật đưa hình phiên xử nhưng lại chụp phía sau, thật là biết sợ “vía” của ngành công an.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: