Khu đất dân cư lâu đời ở Quảng Nam bỗng biến thành “đất rừng phòng hộ”!

Nhà của người dân và dự án của công ty ở khu vực ven biển qua xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã nằm trong quy hoạch đất rừng phòng hộ – Ảnh: Tuổi Trẻ

Những người dân cư ngụ lâu đời ở khu vực ven biển thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã hoàn toàn bị bất ngờ khi đất ở, đất canh tác của họ bỗng bị quy hoạch thành đất rừng phòng hộ!

Mọi hồ sơ liên quan đất đai của họ hiện không được nhà cầm quyền địa phương giải quyết. Người dân đứng trước nguy cơ mất nơi ăn chốn ở lâu đời và cả vườn tược mà ông bà cha mẹ đã để lại cho họ. Điều đáng nói nữa là họ không hề hay biết, hoàn toàn bị bất ngờ khi đi chứng giấy tờ.

Tuổi Trẻ ngày 13 Tháng Bảy đã lên tiếng về sự quy hoạch vô lý này. Bà Nguyễn Thị Sâm, cư ngụ xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, than vãn: “Chúng tôi không hề hay biết chuyện này cho tới khi lên xã làm thủ tục biến động đất đai thì mới được thông tin”.

Tương tự là nhà bà Nguyễn Thị Mai. Mảnh đất rộng hơn 1,000m2 của hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai và ông Nguyễn Tấn Dũng nằm ven biển, thuộc thôn Hà Bình, xã Bình Minh. Mới đây khi đi làm thủ tục biến động đất đai, bà mới biết 849m2 trong khu đất nhà bà đã bị đưa vào dự án quy hoạch rừng phòng hộ.

Bà đau khổ nói: “Ít năm nay, đất ở đây họ bán cả tỷ đồng mỗi lô. Tôi quyết giữ lại để chia cho con. Giờ chết đứng!”.

Còn căn nhà hai tầng của ông Võ Văn Ý, ngư dân, nằm ngoài cùng khu dân cư ven biển thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, là nơi ngụ cư lâu đời của gia đình ông. Khi cha mẹ ông chia cho mảnh đất rộng 266m2, ông đã làm thủ tục thành đất thổ cư có sổ đỏ từ lâu, thì giờ lại nghe tin khu đất bị lọt vào dự án quy hoạch đất rừng phòng hộ.

Vừa trở về sau hai tháng lênh đênh trên tàu câu mực ngoài biển, ông sững sờ khi hay tin đất của mình đã bị đưa vào quy hoạch! Ông hỏi lại Tuổi Trẻ: “Tui đi quanh năm trên biển, cũng chẳng thấy có ai xuống đây đo đạc, lấy thông tin. Mảnh đất ba mẹ chia cho tui đã làm “sổ đỏ” từ lâu, giờ lại thành đất rừng phòng hộ. Làm sao có thể an yên chấp nhận việc này?”.

Toàn xã Bình Minh hiện đang có 50-70 hồ sơ đất đai của người dân bị tồn đọng vì vướng quy hoạch đất rừng phòng hộ. Đa phần số đất này đều được bà con canh tác làm vườn và làm nhà ở ổn định lâu nay.

Một cán bộ xã Bình Minh cho Tuổi Trẻ biết chỉ tới khi bán đất, chuyển nhượng hoặc tách thửa, làm sổ, “lên bìa” thì bà con mới hay tin. Hồ sơ của họ tuy đầy đủ nhưng phải gác đó vì dính quy hoạch rừng phòng hộ. Ngoài nhà và đất canh tác của dân, ở huyện Thăng Bình còn có những dự án đã được phê duyệt xây dựng và khai thác thương mại nhưng vẫn bị đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ!

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Ủy ban xã Bình Minh còn nói: “Khi quy hoạch chúng tôi cũng không nắm được. Đúng ra phải hỏi ý kiến địa phương, có khảo sát rồi công bố quy hoạch cho dân nắm”.

Khu vực đất rừng, đất nông nghiệp mà ông Nguyễn Ngọc Bắc nhận chuyển nhượng và tự ý san ủi, làm nhà trái phép – Ảnh: Tuổi Trẻ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cho biết không riêng ở vùng biển mà cả các huyện miền núi tại Quảng Nam đang có rất nhiều diện tích đất chồng lấn giữa đất ở, đất rừng sản xuất của dân bị đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ.

Vị này cho biết khi làm quy hoạch, quy trình thực hiện là lấy ý kiến dân, họp với đại diện xã, lấy ý kiến qua rất nhiều ngành, vì bản quy hoạch rừng phòng hộ của Quảng Nam được Ủy ban tỉnh thuê cơ quan tư vấn của Bộ Nông nghiệp làm.

Khi làm bản quy hoạch, đơn vị này dựa trên bản đồ, nhưng bản đồ với thực tế lại có sự khác nhau, khi nhiều phần đất trên bản đồ là nhà cửa và đất đai của dân cư lâu đời.

Trước lời kêu cứu của dân ở huyện Thăng Bình, Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ. Giải pháp đó có thể là sẽ thu hồi diện tích đất của người dân bị nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ rồi bồi thường theo quy định. Sau đó diện tích này sẽ được giao lại cho dân quản lý nhằm thuê họ giữ rừng phòng hộ (?!)

Nghĩa là cuối cùng, khi tỉnh đã có bản quy hoạch rừng phòng hộ thì dân vẫn bị lấy đất?

Bình luận dưới bài viết, bạn đọc Tuổi Trẻ bực bội: “Rừng nguyên sinh thì tàn phá làm dự án, đất ở thì quy hoạch rừng phòng hộ, không biết các ông này đang nghĩ gì?” (Hải); “Nơi thì giao đất rừng phòng hộ cho doanh nghiệp khai thác khu nghỉ dưỡng cao cấp, nơi thì quy hoạch đất ở của người dân thành rừng phòng hộ. Tại sao lại có sự tréo ngoe này? Rồi đất rừng phòng hộ có để phòng hộ hay vài năm sau lại giao cho doanh nghiệp?” (Người em Đất Quảng)

Cái gốc của vấn đề vẫn là “đất đai là sở hữu toàn dân mà nhà nước là người đại diện” nên nếu muốn thì nhà cầm quyền có thể “hô biến” đất rừng thành đất tư nhân, hoặc ngược lại, “hô biến” đất tư nhân thành “đất rừng” hoặc “đất xây công trình công cộng, bảo đảm an ninh quốc phòng”.

Có hàng ngàn hàng vạn bài báo chứng minh cho nỗi uất ức của người dân bị lấy đất, phá nhà vì nhà cầm quyền lợi dụng cái gọi là “sở hữu toàn dân”, thế nhưng với quan chức và công ty thì… nhà cầm quyền lại tự nguyện “dâng cúng” để có lợi ích chung.

Một bài tiêu biểu trong số đó là “Lấy đất rừng phòng hộ cấp cho… quan chức, doanh nghiệp” của Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Mười 2021.

Trong bài báo, Tuổi Trẻ phản ảnh nhà cầm quyền huyện Đăk Song (tỉnh Đăk Nông) đã cấp đất rừng cho quan chức và công ty. Quan chức là ông Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy Đăk Nông, lúc đương chức đã gian dối để được cấp 41.5ha đất theo chính sách 135 sai đối tượng, trái quy định.

Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Sơn và nhiều lần yêu cầu huyện Đăk Song thu hồi sổ đỏ, thế nhưng ngày 23 Tháng Mười Một 2020, ông Sơn lại được Ủy ban huyện Đắk Song cấp lại ba sổ đỏ với tổng diện tích gần 9.6ha.

Bên cạnh đó, huyện Đăk Song còn làm lơ để ông Nguyễn Ngọc Bắc (chủ công ty tư nhân Bắc Sang) mua bán đất rừng rồi được huyện hợp thức hóa, cấp sổ đỏ trên diện tích gần 8ha. Trong nhiều năm liền, nhà cầm quyền xã, huyện gần như làm lơ việc ông Bắc đã san ủi, phân lô bán nền trên tổng diện tích hơn 9.9ha đất dọc Quốc lộ 14, trong đó hơn 2.1ha là đất rừng!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: