Lại tranh cãi chuyện có nên xét tuyển đại học sớm hay không

Học sinh đăng ký xét tuyển sớm. (Hình: Báo Thanh Niên)

Mới đây, ở Việt Nam các vị lãnh đạo giáo dục lại tranh cãi chuyện có nên xét tuyển đại học sớm, ở năm cuối trung học hay không. Trong khi đó, những điều cấp thiết cần cải cách để giáo dục tiến bộ, thì chẳng thấy nói đến bao giờ.

Xét tuyển đại học sớm là gì?

Ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, các trường đại học được trao quyền tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định cách thức tuyển sinh, tiêu chí đánh giá ứng viên và thời gian tổ chức xét tuyển. Chính sự tự do, linh hoạt này cho phép các trường chủ động tìm kiếm những ứng viên thực sự phù hợp với mục tiêu đào tạo và định hướng phát triển riêng, thay vì bị động dựa vào điểm số thi cử. Đồng thời, sự tự chủ tuyển sinh thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các trường, buộc họ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, chương trình học và dịch vụ hỗ trợ để thu hút người học. Nhờ đó, chính các thí sinh cũng được hưởng lợi khi có thể tự do lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất với năng lực và sở thích của bản thân trong một môi trường giáo dục đại học năng động, hiệu quả.

Tại Việt Nam, từ 2019, các trường đại học ở Việt Nam bắt đầu hội nhập và cũng đã dần tổ chức tuyển sinh sớm và chủ động xét tuyển nhiều đợt trong năm, tương tự như các trường nước ngoài tuyển sinh nhiều đợt như mùa hè và cuối năm. Tuyển sinh sớm cho phép các trường đại học lựa chọn thí sinh dựa trên nhiều tiêu chí đa dạng, không chỉ gói gọn trong điểm số kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hồ sơ xét tuyển có thể bao gồm kết quả học tập bậc THPT, điểm thi đánh giá năng lực do các trường đại học hoặc tổ chức giáo dục được cấp phép tổ chức, kết quả kỳ thi riêng, hoặc các diện ưu tiên theo quy định của trường. Thí sinh trúng tuyển theo phương thức này sẽ nhận được kết quả sớm, tuy nhiên kết quả này chỉ mang tính chất có điều kiện và chỉ chính thức có hiệu lực khi thí sinh tốt nghiệp THPT, đáp ứng đủ yêu cầu của trường.

Thông thường, chiêu sinh sớm ở Việt Nam sẽ diễn ra vào cuối học kỳ 1 của năm cuối Cao Trung, với hình thức nộp hồ sơ theo điều kiện riêng và thi đánh giá năng lực Anh ngữ. Có thể hình dung phương thức này giống như kỳ tuyển sinh mùa đông ở các nước phát triển. Việc này giúp học sinh có lực học khá giỏi có thêm thời gian chuẩn bị cho yêu cầu đầu vào riêng, đồng thời làm quen dần với môi trường đại học vốn đòi hỏi sự chủ động và trưởng thành hơn so với thời phổ thông. Thêm vào đó, mô hình chiêu sinh sớm cũng phù hợp với chương trình đại học thiết kế theo tín chỉ, giúp các trường linh hoạt sắp xếp thời gian biểu, lịch học và tận dụng tối đa nguồn lực, cơ sở vật chất. Có thể nói, chiêu sinh sớm có rất nhiều lợi ích có lợi cho cả trường đại học và tân sinh viên.

Bất ngờ, ngài bộ trưởng Giáo dục bỗng sợ…

Nhưng mới đây, trong hội nghị giáo dục đại học diễn ra vào đầu Tháng Tám, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn bỗng trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt sau phát biểu rằng ông đang xem xét chấm dứt xét tuyển sớm. Ông cho rằng: “Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này. Các cháu trúng tuyển sớm sẽ không học nữa, điều đó rất tai hại.”

Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn. (Hình: báo Người Lao Động)

Lập luận của bộ trưởng về việc học trò “sẽ chẳng buồn học hành” nếu trúng tuyển sớm là chưa thấu đáo và có phần phiến diện. Hình như bộ trưởng quên mất rằng kết quả trúng tuyển sớm chỉ thật sự có giá trị khi các em học sinh đã tốt nghiệp trung học? Nếu các em chủ quan, lơ là việc học trong học kỳ cuối, để rồi thi rớt tú tài chỉ vì đề thi rơi trúng nội dung học kỳ 2 thì bao nhiêu công sức đèn sách bao năm trời xem như đổ sông đổ bể hết.

Một bạn tên tranhoanges cũng đã bình luận phản đối trên Vnexpress về lý do này của Bộ Trưởng Sơn: “Không học nữa là sao? Học sinh đỗ rồi thì bớt học để thi thì bớt căng thẳng chứ đâu phải không học nữa. Thực tế tôi thấy lượng thí sinh đỗ theo diện xét tuyển sớm học tốt hơn lượng do thi mà đỗ.”

Không những thế, ông bộ trưởng còn lo ngại về “sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt” khi xét tuyển sớm, cho rằng:

“Một trường có 100 chỉ tiêu ngành, trường ấn định 60 chỉ tiêu xét tuyển sớm, vậy căn cứ nào để xác định chỉ tiêu sớm này? Có trường còn chưa dự báo được tỷ lệ ảo nên đưa lên 200, lúc đăng ký vào đã hơn 100, không còn chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác. Đấy là một hiện tượng rất nhức nhối trong một số năm qua. Sự thiếu công bằng này dẫn tới việc có trường tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều. Có trường để không bị vượt, siết chặt chỉ tiêu phương thức khác dẫn đến tình trạng điểm chuẩn nhảy vọt lên.”

Bạn v.tunglc1, người từng có cơ hội trải nghiệm nền giáo dục Pháp, nhận định xét tuyển sớm là phương thức giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc chọn lọc đầu vào và có sự chuẩn bị chu đáo hơn để đón tiếp tân sinh viên. Anh viết: “Chẳng lẽ các quốc gia châu Âu tuyển sinh sớm (như tôi hồi xưa học Pháp, Tháng Tư là có kết quả trúng tuyển) là lạc hậu sao? Việc các em xác định được ngành học sớm, có thời gian chuẩn bị về tâm lý lẫn vật chất cho quãng thời gian đại học, vốn nặng nề và có tính chất quyết định nghề nghiệp hơn, là điều rất tốt.”

Thực tế cho thấy, các em nộp hồ sơ xét tuyển sớm chứng tỏ nỗ lực và khát khao được học tập tại trường cũng như có kế hoạch cụ thể. Hơn nữa, ưu tiên cho người đến trước vốn dĩ là lẽ công bằng thường tình. Việc các trường nâng cao điểm chuẩn sau khi đã đạt chỉ tiêu xét tuyển sớm cũng là cách để nâng cao chất lượng đầu vào, và những thí sinh chưa đủ năng lực lúc này hoàn toàn có thể nộp đơn vào các trường còn chỉ tiêu. Thiết nghĩ, lập luận về “sự mất công bằng” của bộ trưởng vô hình trung đã phủ nhận nỗ lực của thí sinh xét tuyển sớm và thiên vị cho những thí sinh thi tuyển sau tốt nghiệp.

Chưa hết, để củng cố thêm quan điểm phiến diện của ông bộ trưởng, Tiến Sĩ Thái Doãn Thanh, phó hiệu trưởng Trường Đại Học Công thương TP.HCM, cho biết thêm rằng chương trình xét tuyển đại học sớm lại “không hiệu quả” sau hai năm thực hiện xét tuyển sớm khi chỉ có khoảng 20 – 25% thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vào trường đăng ký làm nguyện vọng 1 để trúng tuyển chính thức. Tỷ lệ này ở Trường Đại Học Đà Lạt chỉ là 16%, Trường Đại Học Văn Lang là gần 30%…

Trì trệ của quan chức, nhưng thích đổ lỗi

Đây lại là một số liệu thống kê cho thấy lập luận của bộ trưởng càng thiếu khách quan và logic. Ông cho rằng các trường đã ưu tiên trúng tuyển chiêu sinh sớm làm số lượng thi tuyển còn lại ít nên ép nâng cao tiêu chí khiến nhiều học sinh mất đi cơ hội. Thế nhưng thực tế số liệu của ông Tiến Sĩ Thanh lại cho thấy một thực tế ngược lại là phần lớn các trường vẫn thiếu chỉ tiêu sau khi kết thúc xét tuyển sớm. Như vậy, nếu quả thật có trường gây “bất công” như lời ông Bộ trưởng, thì đó hẳn là những ngôi trường danh tiếng, có sức hút với học sinh. Và như thế, việc các em được trúng tuyển sớm lại càng chứng tỏ năng lực vượt trội. Hơn nữa, nếu các trường thiếu học sinh khi lượng chiêu sinh sớm nhập học ít hơn đăng ký thì vẫn còn nhiều phương án tuyển sinh khác như xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 để bù đắp chỉ tiêu.

Trong nền giáo dục đầy cạnh tranh ở Việt Nam, xét tuyển sớm là một trong những nguyện vọng của học sinh cuối cấp. (Hình minh họa: báo Thanh Niên)

Việc lựa chọn ngành học, trường học là quyền và cơ hội chính đáng của học sinh, chẳng thể nào vì tỉ lệ nhập học của thí sinh xét tuyển sớm thấp mà cho rằng phương thức này “không hiệu quả.” Hồ sơ các em nộp đều có thông tin rõ ràng, chứ đâu phải ảo mà lo lắng “sàng lọc.” Thiết nghĩ, thay vì đổ lỗi cho phương thức tuyển sinh đã được nhiều nền giáo dục tiên tiến áp dụng, các nhà lãnh đạo giáo dục nên cùng các trường nỗ lực nâng cao uy tín, chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất để thu hút học sinh và nâng cao tỉ lệ nhập học.

Tất cả lý do mà bộ trưởng đưa ra để phản đối xét tuyển sớm đều chỉ phản ánh sự trì trệ, không muốn thực sự đổi mới, thay đổi cách nhìn của người đứng đầu cơ quan quản lý trồng người của chính phủ Việt Nam. Các lý do được đưa ra chỉ là cách ngụy biện để biện minh cho sự trì trệ ấy. Bởi lẽ, khi đã thực sự muốn làm, người ta sẽ tìm cách, còn khi không muốn, người ta sẽ tìm lý do. Câu nói của ông bộ trưởng về việc học sinh trúng tuyển sớm sẽ “chẳng buồn học hành” là một minh chứng rõ ràng cho điều này.

Giáo dục là nền tảng của quốc gia, là tương lai của đất nước. Để có được một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu với thử thách, đã đến lúc ngành giáo dục cần một cuộc “thay máu” về tư duy, từ bỏ cách vận hành cũ kỹ, lỗi thời. Bộ Trưởng Sơn cần nhận thức rõ rằng, việc bảo thủ bám víu vào những quan điểm lạc hậu sẽ chỉ khiến ngành giáo dục Việt Nam tụt hậu so với thế giới, không thể mang đến cho thế hệ trẻ một nền giáo dục thực sự tiên tiến, hiện đại và nhân văn, bắt kịp với xu hướng phát triển chung của thế giới. Thay vì lo ngại về “sự mất công bằng” cho phương pháp mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đã chứng minh hiệu quả, ông bộ trưởng nên xem xét mặt lợi của chiêu sinh sớm mà ứng dụng linh hoạt và cho các trường tự chủ hóa việc chiêu sinh để tạo ra sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: