Lao động nhập cư muốn đăng ký thường trú Hà Nội phải có chỗ ở từ 15m2 trở lên

Ùn tắc tại Hà Nội tuần đầu người dân đi làm trở lại sau Tết Quý Mão 2023, ngày 30/1. Ảnh: Ngọc Thành

Đề xuất mỗi lao động nhập cư phải có chỗ ở từ 15m2 (161 square feet) trở lên mới được đăng ký thường trú các quận nội ô Hà Nội đang gây tranh cãi.

Luật cư trú 2020 quy định đăng ký thường trú phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định là 8m2 sàn/người (86 square feet). Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang được TP.Hà Nội lấy ý kiến lại quy định: Người đi thuê nhà muốn đăng ký thường trú trong nội ô phải có chỗ ở tối thiểu 15m2, còn đăng ký thường trú tại ngoại ô phải có chỗ ở tối thiểu 8m2.

Xin mở ngoặc, ở Việt Nam, người dân khi đi học hay đi làm đều phải khai địa chỉ chỗ ở là thường trú hay tạm trú. Giấy tạm trú (được công an phường, xã nơi thuê trọ hoặc nơi ở nhờ cấp) chỉ có thời hạn hai năm, gần hết hạn phải đi gia hạn. Còn thường trú là chỗ ở dài hạn, cấp một lần. Giấy này có nhiều lợi ích hơn như các thủ tục làm giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, cấp căn cước công dân, thế chấp ngân hàng, mua bán nhà…. đều đòi hỏi phải có.

Nếu người ở nhờ hoặc ở trọ được chủ nhà (chủ sở hữu hợp pháp căn nhà) đồng ý cho đăng ký thường trú (trước chỉ thêm tên vào sổ hộ khẩu, nay ghi vào giấy xác nhận cư trú – chỉ khác tên gọi, bản chất như nhau) thì cả hai bên phải tiến hành làm thủ tục, với nhiều bước nhiêu khê như phải ra phòng công chứng cam kết người ở nhờ (hay ở trọ) hoàn toàn không có quyền sở hữu căn nhà đó. Nói về việc “đẻ thủ tục giấy tờ hành hạ nhau” thì cộng sản là sư tổ, không có đối thủ!

Trở lại quy định về chỗ ở tối thiểu của người muốn thường trú tại Hà Nội, tại sao phải 15m2 trở lên mới được thường trú nội ô? Hà Nội lý giải quy định như vậy nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và chính sách an sinh xã hội của thủ đô.

Ngay sau khi Luật cư trú có hiệu lực từ 1 Tháng Bảy 2021, nhiều địa phương đã ban hành nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ thuê trọ hoặc ở nhờ. Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu là 20m2 sàn/người (215 square feet) đối với các phường thuộc quận Hải Châu, Thanh Khê; các phường, xã thuộc các quận, huyện còn lại, diện tích tối thiểu là 15m2 sàn/người (161 square feet). Bình Dương quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được đăng ký thường trú tại chỗ thuê trọ hoặc ở nhờ là 8m2 sàn/người (86 square feet).

Khi Vnexpress thăm dò ý kiến bạn đọc thì 42% đồng ý chỉ cần có chỗ ở tối thiểu 8m2 là được thường trú Hà Nội (bất kể nội ô hay ngoại ô) và chỉ có 21% đồng ý chỗ ở tối thiểu ở nội ô Hà Nội phải là 15m2. Trớ trêu là có đến 37% bạn đọc cho rằng muốn được gọi là dân Hà Nội thì phải có chỗ ở tối thiểu 20m2 một người – đồng nghĩa với việc cho rằng chỉ người giàu mới được ở Hà Nội, nơi có giá mỗi mét vuông đất cao nhất nước!

Kết quả thăm dò của Vnexpress cho thấy 42% bạn đọc cho rằng chỉ cần có chỗ ở 8m2 (86 square feet) là đủ điều kiện thường trú Hà Nội – Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, trong hơn 100 bình luận để lại dưới bài, đa số bạn đọc đều cho rằng có được đăng ký thường trú hay không thì người ta vẫn ở lại Hà Nội làm việc và học hành mà thôi, quy định này chỉ làm khó dễ cho người nhập cư, vì không có giấy xác nhận thường trú thì họ phải mất thêm tiền khi xin cho con đi học hay đi làm. Mặt khác, đa số đều chê trách dự thảo không nắm sát thực tế, vì đa số dân nhập cư thuê một căn phòng 10-12m2 ở từ 2-4 người, lấy đâu ra mỗi người 8-15m2?

Một số bạn đọc ngây thơ hỏi: “Đăng ký thường trú khác gì với hộ khẩu thường trú?”, hoặc “Đăng ký thường trú để làm gì khi đã bỏ sổ hộ khẩu?”.

Liên quan đến vấn đề này, Tuổi Trẻ ngày 24 Tháng Ba 2023 đặt vấn đề “Dự thảo quy định 15m2 mới được đăng ký thường trú: Có giúp cuộc sống… ‘đáng sống hơn’?”. Trong bài viết, Tuổi Trẻ kể câu chuyện của ông Hướng và bà Nga hiện đang thuê phòng trọ hơn 15m2 ở Hà Nội. Ông Hướng phân tích: “Tôi và vợ tôi vừa cưới và chuẩn bị sinh em bé, lương của hai vợ chồng vừa ra trường cũng được hơn 15 triệu một tháng. Nếu chiếu theo quy định 15m2/người thì gia đình phải thuê nhà diện tích tới 45m2 mới được đăng ký thường trú. Như vậy, tiền thuê nhà của chúng tôi có khi chiếm hơn nửa thu nhập rồi”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS. luật học – đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng điều kiện thực tế và khả năng chi trả cho việc thuê nhà có diện tích từ 15m2 trở lên không phải ai cũng làm được, nên theo ông Hà Nội nên quản lý bằng các điều kiện như không gian nhà trọ thế nào để bảo đảm vệ sinh môi trường và văn minh đô thị, chứ không nên cứng nhắc quy định phải đạt 15m2/người mới cho đăng ký thường trú.

Còn theo luật sư Phan Văn Chiều, dự thảo nghị quyết của Hà Nội chưa phù hợp với Luật cư trú, cần phải xem xét lại, vì việc không được đăng ký thường trú sẽ dẫn đến một số bất cập, đặc biệt là các thủ tục hành chính của người dân.

Trả lời Tuổi Trẻ chiều 23 Tháng Ba, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban TP.Hà Nội, khẳng định: “Ví dụ tôi ở Thanh Hóa ra Hà Nội mà muốn đăng ký thường trú lần đầu ở nội thành thì phải bảo đảm diện tích 15m2/người, còn nếu không đủ điều kiện thì tôi ra khỏi khu vực nội thành. Như vậy vẫn tạo điều kiện đăng ký cư trú. Vì luật thủ đô đã quy định nên chúng ta đang thực hiện theo luật thủ đô”.

Ra, thủ đô thì phải có tiêu chuẩn cao, vượt trên các tỉnh/thành khác. Sao ông Sơn không nhìn thấy sự hỗn độn giao thông trên đường phố Hà Nội – thủ đô mỗi ngày nhỉ, đó là tiêu chuẩn gì?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: