Lập công ty chuyển phát để đánh tráo hàng tạm nhập tái xuất

Nhóm của giám đốc Hòa dùng tuốc nơ vít vặn đinh ốc để mở cửa xe đánh tráo hàng, tránh làm hỏng kẹp trì niêm phong của hải quan – Ảnh cắt từ video của VnExpress

Nhận hàng từ Mỹ trung chuyển qua Nội Bài để xuất qua nước thứ ba, một giám đốc công ty chuyển phát cùng đồng bọn đã mở thùng đánh tráo các hàng hoá giá trị bằng đồ rẻ tiền.

Tiền Phong ngày 30 Tháng Sáu dẫn nguồn tin từ Công an Hà Nội cho biết vừa bắt giam Nguyễn Văn Hòa (SN 1992), Giám đốc công ty chuyển phát HB và Nguyễn Đức Dũng (SN 1991, ngụ tại huyện Mê Linh, TP.Hà Nội) để điều tra việc đánh tráo hàng nhập cảng.

Theo Công an Hà Nội, đây là thủ đoạn mới của các đối tượng vận chuyển hàng hóa có giá trị lớn từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua hình thức tạm nhập tái xuất, trong khi chờ xuất đi nước thứ ba, thực hiện tráo đổi bằng các loại hàng hóa rẻ tiền để trục lợi.

VTV tường thuật sau khi nhận hàng tại kho hàng hóa Phi trường quốc tế Nội Bài, thay vì phải di chuyển xe đến kho ngoại quan để chờ xuất đi Trung Quốc, nhóm của Hòa đã lái xe chở hàng đến bãi đất trống tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội), sau đó dùng tuốc-nơ-vít tháo ốc cánh cửa bên hông xe, thùng xe được mở ra nhưng vẫn còn nguyên niêm phong, kẹp chì hải quan.

Số hàng hóa có giá trị trên xe như: Máy tính xách tay, mỹ phẩm và các loại sữa có xuất xứ từ nước ngoài được tráo đổi, thay thế bằng các kiện hàng có hình thức và số vận đơn trùng với hàng cũ, tuy nhiên bên trong chỉ chứa nước giặt, nước tẩy rửa loại rẻ tiền… đã được đóng gói giống như các pallet trên xe. Tiếp đó, các đối tượng vận chuyển hàng đến kho ngoại quan chờ xuất đi Trung Quốc.

Hàng hóa có giá trị bị tráo bằng các chai nước tẩy rửa giá rẻ – Ảnh cắt từ video của VnExpress

Hàng có giá trị sẽ được nhóm của Hòa chuyển giao cho khách ở Sài Gòn, thông qua công ty chuyển phát Việt Linh, một hành vi vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái pháp luật với trị giá lớn, phạm vào tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Đánh tráo hàng giá trị bằng hàng rẻ tiền là thủ đoạn không mới ở Việt Nam, chỉ mới ở chỗ các đối tượng nhắm vào hàng quá cảnh qua Việt Nam trong khi chờ qua nước thứ ba.

Hồi Tháng Ba 2022, Hải Quan Online cho biết ngày 28 Tháng Hai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Cục hải quan Quảng Trị) đã khởi tố vụ đánh tráo hàng trong container hàng quá cảnh vào Việt Nam.

Nguyên container gồm 44 món hàng có giá trị nhập từ Nhật Bản bị đánh tráo thành 11 món đồ sành sứ rẻ tiền – Ảnh Hải Quan Online

Trước đó, ngày 3 Tháng Mười Một 2021, tại khu vực nhà ga cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã phát giác lô hàng quá cảnh từ cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vận chuyển sang Lào do công ty Logistics Việt Lào HQN (địa chỉ 34 Bùi Tá Hán, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) vận chuyển đã bị đánh tráo.

Theo tờ khai hải quan mở tại cảng Đà Nẵng, hàng hoá quá cảnh gồm 44 mặt hàng là mỹ phẩm, thực phẩm, đồ điện tử… xuất xứ Nhật Bản, trị giá khai báo JPY 18,404,765; tổng trọng lượng gần 24 tấn, được vận chuyển trong container, có giá trị quy đổi theo tiền Việt Nam là hơn 3.73 tỷ đồng ($158,077).

Khi nhận thấy tình trạng container chứa hàng không có niêm phong của hãng vận tải… như trong tờ khai phê duyệt khai báo vận chuyển, Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã mở ra kiểm tra và thấy bên trong chỉ toàn là bình hoa, lư hương, chum bằng sứ, các vỏ thùng xốp, vỏ thùng carton, cát sỏi, xi măng, tổng cộng có 11 loại hàng hóa.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã tạm giữ toàn bộ hàng hóa và phương tiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính.

Sau nhiều tháng kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng xác định hàng hóa chứa trong container được vận chuyển từ Nhật Bản về cảng Tiên Sa, nhưng trong quá trình vận chuyển từ cảng Đà Nẵng lên cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), 44 mặt hàng giá trị xuất xứ Nhật Bản trong container đã bị lấy ra và đánh tráo bằng 11 mặt hàng rẻ tiền khác.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: