Liệu ‘đạo văn tiến sĩ Bùi Văn Cường’ có được hạ cánh an toàn?

Ông Bùi Văn Cường. (Hình: báo Dân Trí)

Kể từ khi bộc lộ ý đồ thâu tóm quyền lực trong Đảng, Tổng Bí Thư – Đại Tướng Tô Lâm, cựu bộ trưởng Công An, được cho là có tham vọng “tảo thanh” các những tay chân thân tín của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phe cánh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ngày 25 Tháng Mười, Quốc Hội Việt Nam miễn nhiệm các chức vụ và cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc Hội Khóa 15 đối với ông Bùi Văn Cường – tổng thư ký Quốc Hội.

Đây được xem là kết quả của kế hoạch triệt hạ tay chân thân tín của ông Vương Đình Huệ, khi ông Cường vẫn được ông Huệ đưa về Quốc Hội giữ chức tổng thư ký kiêm chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội Khóa 15, mặc cho những tai tiếng đạo văn tiến sĩ và sai phạm trong vụ án Tập đoàn Thuận An.

Ông Cường từng bị tố cáo đạo văn luận án tiến sĩ

Ông Bùi Văn Cường, một chính khách đầy tai tiếng với nghi vấn về bằng tiến sĩ, từng bị tố cáo “đạo văn” trong luận án tiến sĩ năm 2020 khi còn là bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk. Thay vì giải quyết vấn đề, ông Cường đã sử dụng quyền lực để bắt giữ và xử lý những người tố cáo ông.

Thời điểm ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Cường đang giữ chức bí thư Đảng ủy kiêm chủ nhiệm của văn phòng Quốc hội. Xét về quan hệ công việc, ông Cường là sếp trực tiếp của ông Hà.

Ngoài ra, dù đã rời ghế bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk trước ngày khởi công dự án, nhưng trong giai đoạn đấu thầu, chấm thầu và công bố kết quả đấu thầu của dự án, ông Cường vẫn trong nhiệm kỳ bí thư tỉnh Đắk Lắk từ Tháng Bảy 2019 đến Tháng Năm 2021. Vì thế, ông Cường vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các sai phạm, tương tự như trường hợp ông Huệ và ông Hà trong vụ án Tập đoàn Thuận An.

Liên quan đến vụ án tập đoàn Thuận An, trước khi ông Cường bị xử lý kỷ luật, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin về những sai phạm của Ban lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk liên quan đến gói thầu số 3 của Tập đoàn Thuận An, thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Vào khoảng cuối tháng 8/2020, Tạp chí Môi trường và Xã hội đăng tải bài viết tố cáo ông Bùi Văn Cường, bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk, “đạo” luận án tiến sĩ, cáo buộc luận án của ông sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó mà không trích dẫn nguồn tài liệu, và trích dẫn tài liệu ngụy tạo. Tác giả của bài viết, Tiến Sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho rằng hành vi này là gian dối trong học thuật và vi phạm quy chế đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nơi ông Cường bảo vệ luận án.

Sự việc này nhanh chóng thu hút sự chú ý khi luận án tiến sĩ của ông Cường, có đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt-bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng,” đột ngột biến mất khỏi trang web của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Sự biến mất này, xảy ra sau khi bài báo tố cáo được đăng, đã dấy lên thêm nhiều nghi vấn và tranh cãi.

Ngày 21 Tháng Chín 2020, Công An tỉnh Đắk Lắk bắt giữ Tiến Sĩ Hoàng Minh Tuấn, võ sư và học trò của Tiến Sĩ Phạm Đình Quý, khi ông này đang trên đường từ Cư Kuin xuống Khánh Hòa. Ông Tuấn được cho là người đứng tên trong đơn tố cáo ông Cường đạo văn.

Ngày 30 Tháng Chín 2020, Công An tỉnh Đắk Lắk thông báo bắt giữ khẩn cấp Tiến Sĩ Phạm Đình Quý về hành vi vu khống, theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Vào ngày 19 Tháng Mười 2020, tiểu ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ Trung Ương công bố kết luận cho rằng ông Cường “không đạo văn, không vi phạm nghiêm trọng quy chế của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 2018, không sử dụng văn bằng tiến sĩ không hợp pháp, không vi phạm quy định số 126 của Bộ Chính trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.”

Tuy nhiên, việc bắt giữ khẩn cấp các tiến sĩ Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn đã gây tranh cãi trong dư luận, với nhiều người cho rằng chưa có cơ quan nào khẳng định rõ sự không có cơ sở của những cáo buộc, và tố cáo sai sự thật, nên việc bắt giữ khẩn cấp là không hợp lý về mặt pháp lý. Công an tỉnh Đắk Lắk phản hồi rằng ông Hoàng Minh Tuấn và ông Phạm Đình Quý đã khai nhận bàn bạc, thống nhất có tổ chức thực hiện tội phạm, cố ý loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật để hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng.

Những diễn biến này, bao gồm cả việc luận án của ông Cường biến mất khỏi trang web trước khi được khẳng định không vi phạm, tiếp tục tạo nên bối cảnh phức tạp cho các sự kiện tiếp theo, đã dấy lên nghi ngờ của dư luận về việc ông Cường đã dùng quyền lực đàn áp và bịt miệng người tố cáo.

Liệu tổng bí thư ăn bò dát vàng có lại ‘giơ cao đánh khẽ?’

Sau khi ông Huệ mất chức, dư luận rộ lên những đồn đoán về việc các nhân vật lãnh đạo chủ chốt của phe Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ bị “tống vào lò.” Động thái khởi tố và bắt giam phó ban nội chính Trung Ương Nguyễn Văn Yên, một nhân vật thân cận của trưởng ban nội chính Trung Ương Phan Đình Trạc, càng khẳng định quyết tâm của ông Tô Lâm trong việc thanh trừng phe phái đối lập.

Vào Tháng Tư 2024, khi ông Huệ (lúc đó còn giữ chức chủ tịch Quốc Hội, ứng viên số 1 cho chức tổng bí thư,) sang thăm Bắc Kinh và yết kiến ông Tập Cận Bình. Ngay khi chuyên cơ của ông Huệ hạ cánh tại sân bay Nội Bài ngày 16, Bộ Công An trực tiếp câu lưu ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, trợ lý của ông Huệ.

Sáu ngày sau đó, Bộ Công An mới công bố lệnh khởi tố và bắt giữ ông Hà với cáo buộc nhận hối lộ 2.2 ngàn tỷ đồng từ Tập đoàn Thuận An. Vụ việc này được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Huệ bị truất chức chủ tịch Quốc Hội và tất cả các chức vụ khác trong bộ máy Đảng và chính quyền vào ngày 2 Tháng Năm. Theo quy định của Bộ Chính Trị, ông Huệ phải chịu trách nhiệm người đứng đầu đối với sai phạm của cấp dưới. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc Bộ Công An đột ngột bắt giữ ông Hà, trợ lý thân cận của ông Huệ, ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông, là một động thái nhằm hạ bệ ông Huệ, một ứng cử viên tiềm năng cho chức tổng bí thư.

Hiện ông Cường vẫn còn giữ chức ủy viên Trung Ương Đảng. Việc cho thôi chức ủy viên Trung Ương Đảng thuộc thẩm quyền Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, nên sau đề nghị của ủy ban kiểm tra Trung Ương, chắc chắn ông sẽ bị cho thôi làm ủy viên, còn được “hạ cánh an toàn” hay không là tùy vào quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư.

Thế nhưng, tình hình hiện tại đã có nhiều thay đổi. Với việc ông Tô Lâm phải nhả chức chủ tịch nước cho ông Lương Cường, các phe phái chống lại ông Lâm trong Đảng đã thắt chặt sự liên kết dưới sự dẫn dắt của các tướng lĩnh trong quân đội.

Mới đây Bộ Chính Trị lại có thêm những động thái được cho là nhằm củng cố sức mạnh cho phe đối lập Nghệ Tĩnh của ông Lâm. Đó là việc ông Trần Cẩm Tú, có quê Hà Tĩnh, trở thành thường trực Ban Bí Thư kiêm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung Ương, vươn lên vị trí số 5 trong Đảng; và ông Thái Thanh Quý, bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, được Bộ Chính Trị điều động giữ chức phó ban kinh tế Trung Ương.

Liệu những biến động chính trường bất lợi khi các phe cánh củng cố tìm cách suy yếu các thân cận Hưng Yên của ông Lâm có khiến vị tổng bí thư ăn bò dát vàng này phải “giơ cao đánh khẽ” và để ông Bùi Văn Cường được hạ cánh an toàn?

Từ đầu khóa 13 đến nay, không tính những ủy viên bị khởi tố và kỷ luật thì đã có tổng cộng 14 người xin thôi chức và được Đảng đồng ý. Đây được coi là một hình thức giúp các đảng viên cấp cao “hạ cánh an toàn” khi có vi phạm.

Điển hình như trường hợp của ông Đinh Tiến Dũng, cựu bí thư thành ủy Hà Nội, cựu ủy viên Bộ Chính Trị khóa 13, bị ủy ban kiểm tra Trung Ương đề nghị kỷ luật do mắc khuyết điểm thời gian làm bộ trưởng Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư chỉ thông báo ông Dũng đã “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu” và được Bộ Chính Trị đồng ý.

Như vậy, ông Dũng đã về hưu mà không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào của Đảng. Ngoài ông Dũng, còn có các ông Phan Việt Cường, Điểu K’ré, các ủy viên Trung Ương Đảng khóa 13 khác, cũng bị đề nghị kỷ luật, nhưng lại được cho thôi các chức vụ, về hưu, rút lui trong danh dự.

Vụ việc của ông Bùi Văn Cường và những diễn biến phức tạp trong nội bộ Đảng CSVN đặt ra nhiều câu hỏi về quyền lực, phe phái và những “ván bài” chính trị đầy ẩn số. Liệu thế cuộc có tiếp tục đảo chiều, hay mọi thứ đã đi vào quỹ đạo được định sẵn?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: