LM Đinh Hữu Thoại: “Mọi cuộc tấn công tôn giáo luôn được bao che”

LM Đinh Hữu Thoại

“Ngày 22 Tháng Ba 2023, Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Linh mục Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành Thánh lễ chiều thứ 4 Mùa Chay tại Giáo Họ Phaolô, thuộc Giáo xứ Đăk Giấc (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), thì một số cán bộ xã Đăk Nông đã xông lên bàn thờ, ngăn cản, chửi bới, yêu cầu dừng Thánh lễ. Vụ việc đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội qua một số hình ảnh và video trong những ngày qua”, trích bài viết của linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn, được đăng trên trang nhà của Giáo phận Kontum, tóm tắt cho biết sự việc đang làm rúng động nhiều người.

Việc ngăn cản sinh hoạt tôn giáo nói chung, vẫn thấy thường xuất hiện trên các bản tin hay mạng xã hội, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, người ta được nhìn thấy rõ sự hung hãn của một lực lượng tiến vào nhà dân, cắt đứt một buổi hành lễ Công giáo như hàng ngàn các thánh lễ khác vẫn đang diễn ra cùng ngày giờ đó, ở khắp đất nước Việt Nam.

Sau sự kiện, nhiều giáo dân và linh mục đã viết lời phản đối trên trang nhà Facebook, như linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Đinh Hữu Thoại… Cuộc trò chuyện với linh mục Đinh Hữu Thoại ngay sau đây, có thể mở ra nhiều góc nhìn mới về bối cảnh.

Kính thưa linh mục Đinh Hữu Thoại, sự kiện Thánh lễ Công giáo tại Giáo phận Kon Tum bị quấy phá, cướp sách Roma… vào ngày 22-3 hiện đang làm nhiều người hoang mang bất bình – kể cả có đạo lẫn không đạo, cha có thêm tin tức gì về sự kiện này không?

Trên trang web của Giáo phận Kontum vừa có bài viết của Cha Tađêô Võ Xuân Sơn, trưởng ban truyền thông Giáo phận Kontum, có thuật lại vụ một nhóm cán bộ mặc thường phục, không đeo bảng tên, công an có sắc phục của xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum đến quấy phá thánh lễ thánh thiêng của Công Giáo do Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, Chánh xứ Đăk Giấc, Quản hạt Đăk Mót, đang cử hành vào lúc 18g15 thứ Tư ngày 22 Tháng Ba 2023 tại Giáo họ Phaolo, thuộc địa bàn xã này.

Dẫn đầu nhóm người này được biết là ông Nguyễn Viết Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, ngụ tại TT Plei Kần, huyện Ngọc Hồi. Họ xồng xộc xông vào nơi dâng lễ là nhà riêng của một giáo dân, bất chấp sự đồng ý của chủ nhà. Ông Thạch quát tháo, la lối yêu cầu Cha Lê Tiên ngưng thánh lễ.

Thánh lễ lúc đó mới tới phần Công bố Tin Mừng. Cha Tiên có ôn tồn nói có gì thì sau Thánh lễ ngài sẽ làm việc, chứ lúc này ngài không thể ngưng thánh lễ được. Ông Thạch tiếp tục có những lời lẽ rất thiếu văn hoá, không tôn trọng nghi lễ thánh thiêng đang diễn ra của những người Công Giáo.

Một nữ cán bộ đã lên tận bàn thờ để cướp quyển Sách lễ Rôma mang đi, một người đàn ông khác đến rút dây điện của gia chủ làm cho cả gian phòng không còn ánh sáng, một hành vi không thể chấp nhận được. Một vài giáo dân đã phản ứng với hành vi của nhóm tự xưng cán bộ này… Thấy tình hình không ổn nên cuối cùng Cha Lê Tiên phải ban phép lành để kết thúc, chứ không thể tiếp tục dâng lễ được trước sự quấy phá của nhóm người này.

Được biết, Công giáo là một tổ chức tín ngưỡng đã có chính thức đăng ký sinh hoạt công khai, và được chấp nhận như theo nhà nước yêu cầu, nhưng lại xảy ra chuyện ngăn cản và xúc phạm thánh lễ một cách kỳ lạ như vậy. Theo cha, việc ngăn cản này có lý do vì sao?

Công Giáo là một tôn giáo có mặt tại Việt Nam từ trước khi chính thể cộng sản ra đời. Vì thế khi nhà cầm quyền Cộng sản làm ra luật Tín ngưỡng – Tôn Giáo (TNTG) thì đương nhiên phải công nhận Công giáo là một tổ chức tôn giáo hợp pháp và công khai.

Tuy nhiên, luật TNTG thật ra không nhằm giúp người có tôn giáo được thực hành tự do tôn giáo mà nhằm hạn chế sự phát triển của tôn giáo, nhất là những tôn giáo không chấp nhận sự quản lý của nhà cầm quyền. Những kẻ làm luật là vô thần, là công an, chứ không hề có tôn giáo mà lại làm luật TNTG thì đủ hiểu luật đó nhắm mục đích gì.

Họ có làm màu mè khi gửi bản dự thảo góp ý trước khi ấn định thành luật, nhưng tất cả mọi góp ý của Công giáo đều không được quan tâm, giống như lời ông Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ mới nói về góp ý dự thảo luật đất đai: Góp ý mà không phù hợp với đường lối chính sách của đảng và nhà nước Cộng sản này thì không được chấp nhận.

Vì thế, việc đàn áp tôn giáo, nhằm hạn chế sự phát triển đã nằm trong chính sách từ Trung ương chứ đây không phải do địa phương bồng bột… Những địa phương khác không làm như huyện Ngọc hồi, Kontum, vì những nơi đó giáo dân đông đúc hơn so với vùng sâu vùng xa như Kontum. Những việc làm của nhóm cán bộ xã Đak nông thể hiện chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam.

Điểm lại những chuyện bất thường đã xảy ra ở Giáo phận Kontum, có vẻ như ở đây là một trong những nơi sinh hoạt tín ngưỡng hết sức cam go. Đối với các linh mục làm việc tại đây, từ năm 2021, chẳng hạn linh mục Nguyễn Quang Hoa bị một nhóm côn đồ vô cớ vây đánh, sau đó đến linh mục Trần Quang Truyền bị đâm trọng thương, nhà thờ An Khê bị đổ xăng dự định đốt cháy.

Sự kiện lớn nhất gần đây là linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết khi đang làm lễ… Trong cái nhìn cá nhân của mình, thưa cha có thể giải thích vì sao nơi này lại xảy ra quá nhiều sự kiện đáng sợ như vậy hay không?

Như tôi đã nói ở phần trên, chính sách đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tôn giáo nằm ngay trong chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam, thể hiện cụ thể trong Luật TNTG hiện hành và trong các Nghị định liên quan. Ở đó vẫn còn luật xin-cho, mà cấp có quyền “cho”, nay được đẩy xuống cấp xã chứ không phải cấp huyện như trước đây nữa. Cán bộ xã thì kiến thức giới hạn, văn hoá cũng hạn chế nên sự đàn áp hiện nay tệ hại hơn trước. Riêng Kontum là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa thì hiểu biết của cán bộ xã càng kém cỏi.

Trong video đang lan truyền trên mạng, nhân vật Phó Chủ tịch xã quát rằng “nơi này không phải là nơi thờ tự” nhưng không nói rõ vì sao các gia đình lại không thể thờ tự. Điều này có đi ngược với tuyên bố về quyền tự do tôn giáo mà nhà nước Việt Nam ban hành?

Sự kiện sinh hoạt tôn giáo bị cản trở ở giáo phận Kontum đã kéo dài nhiều năm (tính từ thư ngỏ của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, năm 2015), thưa cha, điều này ắt Tòa Giám mục Kontum đã biết, nhưng liệu các bề trên đã có ý kiến gì chính thức với chính quyền chưa?

Ông Phó Chủ tịch xã Nguyễn Viết Thạch là một cán bộ có hiểu biết kém về tôn giáo, ứng xử rất thiếu văn hoá trong tối 22 Tháng Ba vừa qua. Giáo họ Phaolo nơi này đã dâng lễ từ lâu qua cách bài trí nhà nguyện, đã sinh hoạt tôn giáo ổn định chứ không phải là lần đầu.

Ông Thạch muốn kiểm tra hành chính gì đó thì ít ra cũng phải có hiểu biết tối thiểu là tôn trọng việc cử hành thánh lễ. Ông có lẽ cũng đã học qua trung học phổ thông thì kiến thức tối thiểu phải biết tôn trọng sự thánh thiêng của tôn giáo. Là một cán bộ xã ở chức Phó Chủ tịch mà thiếu hiểu biết thì thật đáng xấu hổ. Lẽ ra ông phải đợi thánh lễ kết thúc rồi gặp gỡ cha Tiên làm việc thì không có gì đáng nói. Mà thời gian chờ có lâu gì, chỉ 15 phút nữa là xong Thánh lễ rồi.

Trong thư của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh năm 2015 , nguyên Giám mục Giáo phận Kontum có nói rõ hiện trạng tự do tôn giáo lúc ấy, và cho đến nay cũng không có gì khá hơn, thậm chí còn xảy ra những vụ việc ngày càng kinh khủng hơn như đâm cha Truyền tại Giáo xứ An Khê, tỉnh Gia Lai, sát hại cha Thanh khi ngài đang giải tội mới đây cũng tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi.

Những tuyên bố của nhà cầm quyền Việt Nam về tự do tôn giáo tại Việt Nam chỉ là dối trá. Chính vì thế, Bô Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 20 Tháng Ba 2023 vừa qua đã công bố về tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, trong đó có vấn đề về tự do tôn giáo. Ba ngày sau khi Hoa Kỳ ra công bố, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ, thì ngay ngày đó, đã xảy ra vụ tấn công Thánh lễ Công Giáo tại Ngọc Hồi, Kontum…

Như vậy thì nhà cầm quyền Việt Nam đã tự chứng minh rằng bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là đúng, còn lời bác bỏ của Bộ Ngoại giao Việt Nam là dối trá, là sai… Hiện tôi không rõ Tòa Giám mục Kontum có ý kiến chính thức với nhà cầm quyền tỉnh Kontumum hay chưa, nên chưa trả lời được.

Tuy nhiên lâu nay, những sự kiện hành xử gây bất bình trong quần chúng thường được giải thích rằng đó là những sai lầm của cá nhân hay của một bộ phận chính quyền địa phương chưa có đủ sâu sát, thiếu kinh nghiệm. Thưa Cha nghĩ thế nào về sự bất cập này?

Qua những vụ việc xảy ra tại một số địa phương vùng sâu vùng xa, tôi nghĩ đó không hẳn chỉ là do sự kém cỏi của những người cầm quyền địa phương. Vì nếu như thế thì lẽ ra các cấp trên của họ đã xử lý họ và thay thế cán bộ khác. Nhưng tất cả những vụ tấn công, đàn áp tôn giáo đều được bao che từ dưới lên trên, không một cán bộ sai phạm nào bị xử lý.

Khi thì kết luận kẻ tấn công linh mục bị tâm thần, kẻ sát hại linh mục cũng bị tâm thần, cán bộ địa phương xúc phạm tôn giáo ngay trong Thánh lễ thì được khẳng định làm đúng pháp luật, như vụ xảy ra tại tỉnh Hoà Bình khi Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ tế thánh lễ tại giáo họ Đồng Tâm, giáo xứ Vụ Bản, tại thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình ngày 20 Tháng Hai 2022.

Tôi nghĩ  Việt Nam cần phải thay đổi tận căn chính sách đàn áp tôn giáo. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần đưa Việt Nam vào danh sách CPC cho tới khi nào nhìn thấy những cải thiện rõ rệt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: