Mặt tối của câu chuyện đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Linh mục Nguyễn Văn Hùng (Ảnh tác giả cung cấp)

Nhà nước Việt Nam đang dự định đẩy mạnh việc đưa người xuất khẩu lao động sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản trong năm 2024. Dự kiến của Bộ Thương binh Lao động Xã hội (TBLĐXH), có đến 125,000 người đang nằm trong danh sách. 

Thông tấn xã Việt Nam hồi giữa cuối Tháng Hai 2024, dẫn lời một quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nói rằng trong năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 48,000 lao động đến Đài Loan, 63,000 lao động đến Nhật Bản và 8,500 người đến Hàn Quốc. 

Hiện có khoảng 650,000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH. Trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 140,000 lao động.

Tại Đài Loan, số lao động Việt Nam đứng hàng thứ hai – chỉ thua Nhật Bản – hiện có 260,000 lao động Việt Nam, chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài, trong khi Hàn Quốc đang sử dụng hơn 50,000 lao động Việt Nam, chiếm hơn 11% lao động nước ngoài tại nước này. 

Vấn nạn của câu chuyện đưa người đi lao động nước ngoài. Mặc dù theo nhà nước nói là để xóa đói giảm nghèo và giúp đào tạo một nguồn công nhân mới. Nhưng theo linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan, mọi thứ không phải như vậy.

Người lao động đến Đài Loan ở trong tình trạng hoàn toàn không biết mình sẽ làm gì, không có trình độ học vấn tương đối. Thậm chí có người còn mù chữ. Ông nói, mỗi người đi lao động phải đóng số tiền là $6,500, theo như ông được biết.

Sau khi đưa gửi người ra nước ngoài, các công ty dịch vụ trung gian hoàn toàn phủi tay và không còn trách nhiệm gì nữa. Ngay cả đại diện của chính quyền ở Đài Loan cũng không có hướng nào để giúp cho những đồng bào đi lao động ở nước ngoài gặp khó khăn. 

Không có văn phòng hay một cơ quan cụ thể nào được đặt ở những quốc gia đưa người đi lao động để nhằm tương trợ hay trả lời cho những khó khăn của người lao động Việt Nam. Đó cũng là là một trong những lý do khiến người lao động bỏ trốn thường xuyên.

Cuộc trao đổi với SGN Online, linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết những mảng tối không được nói đến trong các tuyên bố đầy phấn khích của Bộ TB-LĐ-XH về việc đưa người Việt đi lao động.

Lên đường xuất khẩu lao động (Ảnh: Báo Ninh BÌnh)

Được biết, tình hình người lao động Việt Nam ở Đài Loan trốn ở lại, được báo chí nhắc đến rất nhiều lần, lúc này thì như thế nào? Xin linh mục cho biết. 

Người lao động Việt Nam trốn ở lại Đài Loan không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã xảy ra từ những ngày đầu. Con số đó đến giờ phút này rất cao, theo tôi biết thì cũng chừng khoảng trên 50,000 người. Những anh chị em này do có hoàn cảnh khác nhau, khó khăn nên phải trốn ra ngoài.  

Hiện nay chính phủ Đài Loan đang làm rất gắt về chuyện người lao động Việt Nam trốn ở lại. Báo chí thỉnh thoảng đưa tin về những vụ bắt giữ người Việt trốn ra ngoài. Hoàn cảnh ai cũng khó khăn. Mới đây, có một vụ cháy ở Đài Loan gây chết người, cứu hỏa có cứu được một số người ra, trong đó có ba người Việt Nam. Nhưng trong tình hình còn hỗn loạn, những người này cũng bỏ trốn vì họ đều là cư dân bất hợp pháp.

Báo chí Đài Loan sau đó cũng kêu gọi nhiều ngày, nói ba người Việt này nên trình diện để cung cấp thêm thông tin và nhận sự giúp đỡ, nhưng không ai dám ra mặt.  

Người Việt Nam đến Đài Loan làm những công việc nặng nhọc như đánh cá, xây dựng… Văn phòng của tôi cũng tiếp nhận rất nhiều người Việt đến xin giúp đỡ. Có cả những người không biết đọc, biết viết, không biết gì về luật pháp, cũng như không thể nói được bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Việt. 

Nhà nước Việt Nam nói đưa người đi lao động nước ngoài để giúp đỡ cho những gia đình nghèo. Những người không biết chuyện thì cảm thấy đây là điều rất tốt, nhưng thực tế nó còn rất nhiều điều phải nói.

Những người lao động Việt Nam khi đặt chân đến Đài Loan, khởi đầu họ đã là một con nợ. Vì mỗi người như vậy phải đóng tiền cho cơ quan tuyển dụng trung gian của nhà nước từ $6,500 – $7,000.

Những người đến gặp tôi, cho biết nhiều công ty mà họ làm việc, chỉ sau một tháng đầu, là đổi họ qua công ty khác, mà công việc hoàn toàn không thích hợp. Những công ty ký hợp đồng nhận người ở Đài Loan có khi chỉ nhận làm việc trong một tháng, sau đó họ phải tự đi kiếm việc làm. Với tất cả sự bất ngờ, thiếu thốn tin tức… thì làm sao những con người từ các vùng quê Việt Nam, có thể tự kiếm được việc làm ở Đài Loan? 

Tôi thấy chính sách đưa người đi lao động xuất khẩu, riêng ở Đài Loan thôi, là những công nhân này không được hướng dẫn công việc, không được hướng dẫn kỹ năng tồn tại ở một quốc gia khác, họ qua đây hoàn toàn bỡ ngỡ. Đây là một việc làm vô cùng thiếu trách nhiệm. 

Phía chính quyền hay những nơi đầu mối đưa những người công nhân này đến làm việc ở Đài Loan có văn phòng hay trụ sở liên kết nào tiếp nhận những vấn đề của họ khi gặp khó khăn không, thưa linh mục?

Thưa không. Mới đây trên báo chí Việt Nam, tôi có đọc được một bài mà ông Bộ trưởng LĐ-TB-XH có nói rằng việc đưa người đi lao động ở nước ngoài còn nhiều bất cập. Có nghĩa rằng ông ta biết rất rõ những khó khăn, nhưng ông ta không nói là có giải pháp nào hay tìm cách nào để giải quyết những bất cập đó.

Ở trong nước mà chỉ nói sơ như vậy thì ra đến nước ngoài, những công nhân Việt Nam biết chạy tìm ai, ở đâu? Rất vô trách nhiệm!

 Tôi được nghe kể, có những người Việt Nam gọi điện thoại cho Văn phòng Quản lý Người ở nước ngoài của nhà nước Việt Nam tại Đài Loan để xin giúp đỡ, thì họ trả lời rằng “không làm được thì đi về.” Chỉ vậy thôi! Sau khi nhận tiền và hoàn thành kế hoạch thì họ không còn trách nhiệm gì nữa. Họ rất vô trách nhiệm với anh chị em người Việt đi lao động. 

Về tuyên bố sẽ tăng số lượng đưa người đi lao động ở nước ngoài như một hoạt động chính để giải quyết tình trạng thất nghiệp và đem kiều hối về nước, với tất cả những gì nhìn thấy, xin linh mục cho biết nhận định của mình. 

Như đã nói, tôi có theo dõi những bản tin của trong nước về chuyện đưa người đi xuất khẩu lao động. Điều tôi nhận thấy, là nhà nước Việt Nam chỉ chú trọng một điều duy nhất đó là giải quyết tình trạng thất nghiệp ở trong nước. Việc đưa người ra nước ngoài lúc này không được chuẩn bị bất kỳ điều gì, khiến người lao động luôn gặp khó khăn ở những nơi họ đến. Và ở nơi mà người Việt tới, lại không có một cơ quan nào trợ giúp cho họ vào những lúc cần thiết. 

Tôi tự hỏi Bộ LĐ-TB-XH ở Việt Nam đã thỏa thuận gì với những công ty đưa người đi nước ngoài mà im lặng, hoàn toàn bỏ mặc anh chị em người Việt trong khó khăn.

Thực lòng tôi nghĩ, một chính phủ mà chỉ nghĩ ra chính sách hoạt động, nhưng không chịu nghe lời góp ý của ai hết, thì không thể nào có thể thay đổi được tình trạng khó khăn của anh chị em người Việt lao động, cũng như việc những người đáng thương này phải trốn ở lại.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: