Ngày 25 Tháng Tư, báo SGGP trích từ nguồn tin riêng cho biết, Công an TP.HCM khởi tố 16 vụ án và 55 bị can liên quan vụ ma túy được vận chuyển từ Pháp về Phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, Công an TP.HCM đã làm rõ 7 chuyến hàng và truy xét thu giữ 51 kg ma túy tổng hợp. Chưa rõ trong 55 bị can liên quan đến các vụ án này có được tại ngoại như trường hợp bốn nữ tiếp viên hàng không, hay đã bị tạm giữ ngay lúc đầu.
Trước đó, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma tuý” để điều tra làm rõ bản chất vụ việc, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định, liên quan đến vụ chuyển hơn 11kg ma túy từ Pháp về Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Khoảng 8:45 ngày 16 Tháng Ba, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60kg gồm: Bốn vali của các tiếp viên Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thuỷ và Đặng Phương Vân có nghi vấn nên kiểm tra.
Lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 327 tuýp kem đánh răng nhiều nhãn hiệu khác nhau (chưa mở nắp), mỗi tuýp được đựng trong một hộp giấy riêng lẻ và 17 chai nước súc miệng. Kiểm tra bên trong các tuýp kem đánh răng phát hiện có 157 tuýp chứa tổng cộng 11,284.57 gram ma túy các loại ketamine và MDMA.
Công an xác định khi bốn tiếp viên hàng không trên đang lưu trú tại Pháp thì có một đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.
Các tiếp viên này không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng có 157 tuýp bị đối tượng trà trộn, cất giấu ma túy. Vì vậy, Công an TP.HCM xác định chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự những tiếp viên trên.
Đến ngày 22 Tháng Ba, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “vận chuyển trái phép chất ma túy”, nhưng lại đồng thời ra quyết định trả tự do cho bốn tiếp viên hàng không nêu trên.
Chuyện “mở rộng điều tra” nhưng trước đó lại thả bốn nghi phạm chính khiến dân chúng đặt nhiều câu hỏi về tính minh bạch của Công an TP.HCM. Cư dân mạng xã hội đưa tin, nhờ được thả tự do, nữ tiếp viên Võ Tú Quỳnh, người được cho là cháu ông Võ Văn Thưởng (Chủ tịch nước) đã ung dung lên máy bay đi Thụy Sĩ, một quốc gia không có quy chế “dẫn độ”.
Việc cô Quỳnh xuất ngoại an toàn khiến dân mạng cho rằng rồi ba cô tiếp viên hàng không còn lại chắc cũng vô khám thôi, vì không còn chỗ dựa. Lúc đó cơ quan điều tra sẽ thông báo họ đã “nắm đầy đủ chứng cứ khởi tố, riêng cô Võ Tú Quỳnh hiện không liên lạc được nên sẽ tách riêng ra xử riêng”.
Trong một diễn biến khác, Facebooker Quoc Dung Hoang trích tin từ nhật báo Parisien (Pháp Quốc) cho biết, ngay sau khi bốn nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines từ Pháp về nước bị phát hiện xách theo ma túy, cảnh sát Pháp đã bắt bảy người trong nhóm Việt Nam buôn ma túy tại vùng Paris.
Tên đầu sỏ là Nguyen V. (37 tuổi) đã bị cảnh sát Pháp theo dõi từ nhiều tháng nay. Khi bị bắt, V. nhất quyết không khai báo, nhưng cảnh sát đã có nội dung tất cả các cuộc điện thoại của V. từ cuối năm ngoái nên V. rất khó thoát tội.
Vợ của V. làm nghề cắt tóc cũng bị bắt. Cô ta thường xuyên đi lại giữa Hà Lan và Pháp, và cũng là một trong những người vận chuyển ecstasy từ Hà Lan về Pháp.
Theo Parisien, vụ việc bắt đầu từ cuối năm ngoái khi Cảnh sát Pháp bắt được 70 kg “hàng nóng” được đóng trong các ống thuốc đánh răng và đồ mỹ phẩm. Số hàng này để trong kho công ty vận chuyển hàng xuất nhập khẩu Kremlin-Bicetre, ngoại ô Paris. “Hàng nóng” thường được sản xuất ở các nước Đông Âu, rồi được chuyển sang Đức, Hà Lan, từ đó sang Pháp, rồi về Việt Nam.
Bốn nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines có nằm trong đường dây này không thì cảnh sát Pháp chưa cho biết vì một lý do tế nhị. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quát được dây vận chuyển này, có thể thấy 99% là các cô này có liên quan đến đường dây vận chuyển ma túy của Nguyen V.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao cảnh sát Pháp không tạm giữ bốn cô tiếp viên này khi chuẩn bị rời Paris về Việt Nam?
Chưa có nguồn tin chính thức nào lý giải điều này, nhưng nhiều người thạo tin bên Pháp cho rằng cơ quan chống ma túy Pháp Quốc không muốn bắt bốn cô tiếp viên vận chuyển ma túy này, vì trong đó có một cô là cháu của nhân vật lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Do đó, để tránh “đụng chạm” về mặt ngoại giao, cảnh sát Pháp đã báo cho hải quan Việt Nam bắt rồi để trong nước “tự xử lý”.