Một nhiệm kỳ ‘đầy sóng gió’ cho tân Chủ Tịch Nước Lương Cường

Tân Chủ tịch Nước Lương Cường. (Hình: Tuổi Trẻ)

Chiều 21 Tháng Mười, Thường trực Ban Bí Thư Lương Cường được Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa 15.

Tân Chủ tịch Nước Lương Cường sinh năm 1957, hiện đã quá 65 tuổi, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Việc ông Lương Cường trở thành chủ tịch nước đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông. Nếu ông không được vào tứ trụ để có suất đặc biệt tại Đại Hội 14 (diễn ra vào Tháng Giêng, 2026) thì ông sẽ phải về hưu. Với việc được bầu làm chủ tịch nước, ông có cơ hội tiếp tục sự nghiệp chính trị ở nhiệm kỳ kế tiếp (2026-2031).

Thực ra, ghế chủ tịch nước của ông Lương Cường đã được đảng CSVN quyết định từ trước.

Chiều 20 Tháng Mười, trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết tại hội nghị lần thứ 10 diễn ra cuối Tháng Chín, Trung Ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước. Bà Hải nói việc thực hiện quy trình bầu chủ tịch nước là “cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Quốc Hội.” Như vậy, việc bầu chủ tịch nước tại Quốc Hội chỉ là thủ tục tái khẳng định ý chí của đảng CSVN trong việc sắp xếp nhân sự chủ chốt.

Với diễn biến mới nhất này, nhiệm kỳ 2021-2026 chứng kiến bốn lần tuyên thệ chủ tịch nước của các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm có nhiệm kỳ chủ tịch nước ngắn nhất lịch sử, chỉ vỏn vẹn 5 tháng. Đây được coi là một nhiệm kỳ đầy sóng gió, với các diễn biến trời long đất lở trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước.

Trường hợp đặc biệt và những mối liên hệ với Trung Quốc

Việc ông Lương Cường làm chủ tịch nước được Bộ Chính Trị xét là “trường hợp đặc biệt.” vì theo quy định của Bộ Chính Trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính Trị trọn một nhiệm kỳ trở lên, “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung Ương.”

Bộ Chính Trị khóa hiện tại là nhiệm kỳ đầu tiên ông Cường tham gia nên ông chưa đạt yêu cầu “trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính Trị trở lên,” và theo một số nhà quan sát, ông cũng chưa từng làm lãnh đạo tỉnh hay bộ trưởng. Nhưng vì Bộ Chính Trị có tính đến “trường hợp đặc biệt” cho tứ trụ, nên dù chưa hội đủ một số tiêu chuẩn, vẫn được quyết định là trường hợp ngoại lệ.

Ông Cường là ủy viên Bộ Chính Trị khóa 13; bí thư Trung Ương Đảng khóa 12; ủy viên Trung Ương Đảng khóa 11, 12 và 13; đại biểu Quốc Hội khóa 15.

Xét quá trình công tác của ông Lương Cường, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác đảng và có mối quan hệ khá tốt với Bắc Kinh. Đảng CSVN lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.

Từ năm 2003 đến 2006, ông Cường giữ chức phó tư lệnh về chính trị, bí thư Đảng ủy Quân Đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông có hơn một năm làm chính ủy Quân Đoàn 2. Từ Tháng Sáu 2011 đến Tháng Mười Hai 2015, ông giữ chức phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Trong giai đoạn từ Tháng Năm 2016 đến Tháng Giêng 2021, ông là chủ nhiệm tổng cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam; chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Quân Ủy Trung Ương; ủy viên Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng, Chống Tham Nhũng; ủy viên Tiểu Ban Bảo Vệ Chính Trị Nội Bộ Trung Ương. Ông được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.

Đầu năm 2021, ông được Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính Trị. Tháng Sáu cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc Hội khóa 15. Ba năm sau, ông được Bộ Chính Trị phân công tham gia Ban Bí Thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí Thư, thay cho bà Trương Thị Mai.

Vị tướng lĩnh chính trị quân đội này được xem là có mối quan hệ khá thân thiết với Bắc Kinh khi từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (Tháng Mười Hai 2011 và Tháng Mười Một 2013).

Đáng chú ý, trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Lương Cường cũng đã có chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9 đến 12 Tháng Mười.

Mặc dù vậy, trong hai ngày đầu tiên của chuyến thăm, báo chí Việt Nam hoàn toàn không đưa tin, khiến dư luận không hề biết ông Cường đang ở Trung Quốc. Mãi đến đêm 11 Tháng Mười, một số báo trong nước mới bắt đầu đưa tin về cuộc gặp giữa ông Lương Cường với Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc hội đàm với Bí Thư Ban Bí Thư, Chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc Thái Kỳ. Sự thiếu minh bạch này đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ về mục đích và nội dung chuyến thăm.

Khó giữ vững ghế chủ tịch nước lâu dài?

Mặc dù đã chính thức trở thành chủ tịch nước, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng ông Lương Cường sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì vị trí này lâu dài. Sự thăng tiến của ông Cường được cho là đi ngược lại với xu hướng tập trung quyền lực vào Tổng Bí Thư Tô Lâm, tương tự mô hình “nhất thể hóa” của Trung Quốc.

Ông Tô Lâm được cho là đã vấp phải sự phản đối đáng kể từ một số nhân sự cấp cao trong nội bộ Đảng, đặc biệt là những người có mối quan hệ mật thiết với cựu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và thân Trung Quốc. Việc bổ nhiệm ông Cường, một nhân vật được cho là có quan hệ gần gũi với ông Trọng, và từng có thời gian học tập tại Trung Quốc, có thể xem như một động thái “phản kháng” lại xu hướng tập trung quyền lực của ông Lâm.

Chuyến thăm Bắc Kinh đầy bí ẩn của ông Lương Cường trước khi nhậm chức càng làm dấy lên những nghi ngờ về mối quan hệ của ông với Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng, Bắc Kinh có thể đang tìm cách gây ảnh hưởng lên chính trường Việt Nam thông qua việc ủng hộ ông Cường, nhằm duy trì sự bất ổn trong nội bộ lãnh đạo, tạo điều kiện để kiểm soát và chi phối Việt Nam.

Giới quan sát cũng lo ngại về khả năng ông Cường sẽ có tác động tiêu cực đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ với Trung Quốc. Ông có thể sẽ đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo cũ, khiến Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc như thời kỳ ông Trọng lãnh đạo.

Thêm vào đó, ông Lương Cường và Thượng Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, đều là những tướng lĩnh xuất thân từ Tổng Cục Chính Trị và được xem là thân tín của ông Trọng, được cho là có mối quan hệ bất hòa với Đại Tướng – bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang và ông Tô Lâm. Sự chia rẽ trong nội bộ quân đội cũng là một yếu tố tiềm ẩn có thể gây bất ổn định cho chính trường Việt Nam.

Ông Lương Cường trở thành chủ tịch nước, bên cạnh việc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai và những tác động tiềm tàng. Liệu sự xuất hiện của ông trên cương vị này có làm thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ Đảng? Liệu ông sẽ đưa Cộng Sản Việt Nam xích lại gần Trung Quốc như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông? Liệu ông có khả năng duy trì sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển của đất nước hay lại một nhiệm kỳ đầy sóng gió?

Những câu hỏi này, cùng với những lo ngại về mối quan hệ của tân chủ tịch nước với Trung Quốc, và những bất đồng tiềm ẩn trong nội bộ lãnh đạo, cho thấy con đường phía trước của tân chủ tịch nước Lương Cường sẽ không hề bằng phẳng. Tương lai của ông trên cương vị này, cũng như tác động của ông đối với chính trị và đối ngoại của Việt Nam, vẫn còn là một ẩn số đầy thách thức.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: