Ngân hàng SCB bị kiện vì tội ‘dụ dỗ khách hàng mua trái phiếu’

Nạn nhân của ngân hàng SCB ở Nghệ An xuống được tố cáo SCB lừa gạt khách hàng – Ảnh: Facebook

Chắc chắn từ vụ kiện này, ngân hàng SCB sẽ còn nhận được hàng ký đơn kiện tiếp theo vì cố tình “đánh lận con đen”, lừa gạt khách hàng chuyển tiền từ trương mục tiết kiệm qua hợp đồng mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Các nạn nhân của các ngân hàng khác sẽ tiếp tục con đường khiếu kiện tương tự.

Đó là dự đoán của dư luận trong thời gian gần đây, khi bà Phạm Đoan (44 tuổi, ngụ tại Sài Gòn) đã gởi đơn đến TAND quận 1 khởi kiện Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Trong đơn kiện bà cho rằng bị ngân hàng SCB “dụ gửi tiền tiết kiệm linh hoạt” nhưng thực tế là lừa ký hợp đồng mua trái phiếu qua công ty chứng khoán An Đông.

Số là bà Đoan là người buôn bán nhỏ, cứ gom góp được chút tiền là gởi vào SCB qua việc mua chứng chỉ tiền gởi, hoặc gởi dưới hình thức mở sổ tiết kiệm.

Thế rồi một ngày không giống mọi ngày trong năm 2022, khi bà mang tiền đến SCB tính mua chứng chỉ tiền gởi thì được một nhân viên nhã nhặn thông báo không còn chứng chỉ tiền gửi và giới thiệu sản phẩm khác của SCB.

Theo lời “tư vấn” của nhân viên này thì “sản phẩm” này hay lắm, lời nhiều hơn (8%), sau một tháng có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào, vân vân… Bà Đoan trình bày trong đơn kiện rằng, bà đã nói rõ tình cảnh của bà, là bà “rất khó khăn mới kiếm được số tiền này nên tôi chỉ muốn gửi một cách an toàn” để lo cho mẹ già. Nhân viên SCB chỉ mỉm cười nhẹ nhàng nói bà “cứ an tâm, không có gì phải lo lắng cả”.

Vì đã giao dịch lâu năm với SCB nên bà Đoan tin tưởng theo lời “cố vấn đường mật” của nhân viên này, ký ngay bốn hợp đồng với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Nhân viên SCB sau đó làm thủ tục tất toán chuyển toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi của bà trước đó sang mua sản phẩm “tiết kiệm linh hoạt”.

Bảng phụ lục lãi suất nguyên đơn nhận được theo hợp đồng ký với Công ty Tân Việt. Ảnh chụp từ hồ sơ.

Vào khoảng Tháng Mười năm 2022, bà Đoan thấy mạng xã hội đăng người dân xếp hàng tập trung tại trụ sở, chi nhánh và các phòng giao dịch của SCB rút tiền nên cũng hoang mang. Sau khi gặp nhân viên ngân hàng và hỏi về sản phẩm mình đã mua, bà mới biết đó không phải là chứng chỉ tiền gửi mà là trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Đến lúc này bà Đoan mới biết bà đã bị “ăn một quả lừa nghẹn họng”. Bà cho rằng SCB đã đưa ra những thông tin gian dối, gây nhầm lẫn để những người thiếu hiểu biết như bà tin tưởng mua trái phiếu trong khi cứ nghĩ mình đang gửi tiết kiệm. Bà nói:

“Việc tôi ký kết và thực hiện các giao dịch mua trái phiếu theo các hợp đồng nêu trên là do bị lừa dối và nhầm lẫn”, bà Đoan khẳng định. Trong các hợp đồng về việc mua bán trái phiếu bà thực hiện tại SCB cũng không thể hiện thông tin bên bán là Công ty Cổ phần Đầu tư An Đông mà là Công ty Tân Việt, do Chi nhánh Công ty Tân Việt đóng dấu.

Bà Đoan cho rằng, việc Công ty Tân Việt ký kết các hợp đồng bán trái phiếu cho mình là không đúng thẩm quyền bởi công ty này không phải là bên sở hữu trái phiếu. Bà nhiều lần làm việc với lãnh đạo phòng giao dịch nhưng chỉ nhận được câu trả lời “chờ các cơ quan chức năng giải quyết”.

“Bút sa gà chết”, có lẽ những nạn nhân như bà Đoan giờ chỉ tự trách mình khi nghe những lời dụ dỗ của các ngân hàng. Có nạn nhân than rằng, giờ chờ tòa “xử cho ra lẽ” thì chắc lúc nhận lại tiền cũng chỉ đủ mua vài tô phở mà thôi.

Nạn nhân bao vây trụ sở SCB ở Hà Nội – Ảnh chụp màn hình

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông trực thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hồi Tháng Mười 2022, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân.

Ngân hàng Sài Gòn – SCB vốn được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Nhà băng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm năm ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ duy trì hoạt động ổn định liên tục cho SCB và luôn bảo đảm an toàn cho tiền gửi của người dân. Tuy nhiên, đối với khách hàng “tự động” chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm” qua hợp đồng mua trái phiếu với cái tên mỹ miều là “tiết kiệm linh hoạt” thì cứ “hãy đợi đấy!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: